Festival quốc tế Âm nhạc mới Âu - Á lần thứ XIV tại Tatarstan
Festival quốc tế Âm nhạc mới Âu - Á lần thứ XIV được tổ chức từ ngày 16 đến 19 tháng 9 năm 2019, tại thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan, do Bộ Văn hóa và Hiệp hội các nhà soạn nhạc Cộng hòa Tatarstan tổ chức, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Hiệp hội các nhà soạn nhạc Cộng hòa Tatarstan, và kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết tự trị Tatarstan.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tham dự Festival Âm nhạc đặc biệt này, với tác phẩm “Bốn bức tranh” cho oboe, bộ gõ và piano, được biểu diễn tại chương trình hòa nhạc Bế mạc Festival.
Festival có 5 buổi hòa nhạc giới thiệu các sáng tác của các nhạc sĩ từ 11 quốc gia trên thế giới: Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Liên bang Nga, Tatarstan, Việt Nam, Uzbekistan, Kazakhstan, Peru... Festival đã hội tụ nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng quốc tế và hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ tài năng đến từ Pháp, Đức, Liên bang Nga, Bỉ, Ukraine, Thụy Điển, Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan…
Lễ khai mạc Festival diễn ra vào tối 16 tháng 9 tại Nhà hát lớn S. Saidashev, chương trình hòa nhạc do Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Cộng hòa Tatarstan, giám đốc nghệ thuật và nhạc trưởng chính - Alexander Sladkovsky; chỉ huy khách mời nhạc trưởng Vasily Valitov (Matxcơva), biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc đến từ Úc, Hà Lan, Hàn Quốc, Kyrgyzstan và Liên bang Nga.
Trong ngày 17 tháng 9, các buổi hòa nhạc thính phòng diễn ra tại phòng hòa nhạc của Nhà hữu nghị của các dân tộc và Hiệp hội các nhà soạn nhạc Cộng hòa Tatarstan. Người nghe đã được thưởng thức âm thanh độc đáo của các nhạc cụ dân tộc đến từ các vùng lãnh thổ và các quốc gia khác nhau.
Festival kết thúc bằng chương trình hòa nhạc bế mạc vào tối 18 tháng 9 với chương trình Gala tại tại Nhà hát lớn S. Saidashev, do Dàn nhạc thính phòng Quốc tế Tatarstan “New Music”, giám đốc nghệ thuật và nhạc trưởng – nữ nghệ sĩ danh dự của Tatarstan - Anna Gulishambarova. Dàn nhạc biểu diễn các tác phẩm của các nhà soạn nhạc từ Việt Nam, Uzbekistan, Úc, Kazakhstan và Liên bang Nga. Trong phần thứ hai của buổi hòa nhạc, khách mời của Festival đã biểu diễn - các nhà soạn nhạc đến từ Kazakhstan, Uzbekistan, Peru, và các thành phố của Liên bang Nga như: Yakutsk, Voronezh, Kazan...
Tại Lễ khai mạc Festival, tối 16 tháng 9, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu trước đông đảo đồng nghiệp quốc tế và khán giả:
“Festival Âm nhạc Mới Âu-Á được coi là một trong những Festival Âm nhạc lâu đời nhất trong lịch sử hậu Xô Viết. Đây là Festival âm nhạc mới đầu tiên của Nga và nó được tiếp tục duy trì, phát triển trở thành một Festival âm nhạc nổi tiếng khắp thế giới như ngày nay.
Với sự hỗ trợ của nhà soạn nhạc Rashid Kalimullin, chúng tôi ở Việt Nam bắt đầu tổ chức Festival Âm nhạc mới Á-Âu lần đầu tiên vào năm 2014. Và trở thành truyền thống, Festival được tổ chức luân phiên tại thành phố Kazan và Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.
Thay mặt các nhà soạn nhạc và các nghệ sĩ Việt Nam, tôi cảm ơn Liên đoàn các nhà soạn nhạc Liên bang Nga và Tatarstan vì sự giúp đỡ của họ trong việc tổ chức Festival Âm nhạc Mới Á-Âu. Festival đã trở thành tài sản của nhiều nhà soạn nhạc trên thế giới và tôi tự hào rằng tôi đang tham gia sự kiện này ở đây”.
GS Rashid Kalimullin - Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Liên bang Nga, Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc Tatarstan phát biểu:
“Chúng tôi đang tích cực làm việc để làm cho sự kiện này mở ra cho người nghe và những người yêu âm nhạc những điều mới mẻ mà bản thân họ sẽ trải nghiệm được. Năm nay, Festival diễn ra ở mức chuyên nghiệp nhất từ khâu tổ chức đến các buổi biểu diễn tuyệt vời, nhưng điều thực sự ấm áp ở đây là tình cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp trên khắp thế giới hội tụ về đây để cùng nhau tạo nên Festival đặc biệt này.
Âm nhạc của các dân tộc khác nhau trên thế giới sẽ cho năng lượng, niềm vui và truyền cảm hứng tích cực cho cuộc sống. Một trong những kết quả của các cuộc tụ họp như vậy sẽ là một buổi hòa nhạc đặc biệt của các nhà soạn nhạc Tatarstan ở Peru trong thời gian tới. Điều thú vị đối với chúng tôi là âm nhạc của chúng tôi sẽ được biểu diễn ở những quốc gia như vậy. Chúng tôi muốn văn hóa Tatarstan được biết đến không chỉ ở Nga, mà còn ở nhiều quốc gia. Tôi tin rằng mọi lĩnh vực nghệ thuật đều góp phần tăng thêm hình ảnh tích cực của Cộng hòa Tatarstan”.
Festival quốc tế Âm nhạc mới Âu – Á là diễn đàn âm nhạc lớn, được công nhận ở Nga và quốc tế. Đó là Festival đầu tiên xuất hiện ở Nga thời hậu Xô Viết và ngay từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 1993 tại Kazan đã thành công rực rỡ. Trong 25 năm qua, Festival đã tổ chúc hàng trăm buổi hòa nhạc giới thiệu các tác phẩm của các nhà soạn nhạc hàng đầu từ hơn 60 quốc gia đã được thực hiện tại các chương trình hòa nhạc được tổ chức tại Kazan và các thành phố khác. Các nhạc sĩ đến từ Úc, Kazakstan, Kyrgyzstan, Hà Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Uzbekistan, Mông Cổ, Bashkortstan, Peru, Liên bang Nga đã trở thành khách mời quen thuộc của Festival. Điểm nhấn đặc biệt của Festival là màu sắc của các nhóm nhạc dân tộc dân gian từ các quốc gia khác nhau và âm thanh độc đáo của nhạc cụ dân tộc.
Là Festival Âm nhạc quy mô nhất tại Liên bang Nga, được đưa vào danh mục các diễn đàn âm nhạc tốt nhất trên thế giới, do tạp chí Gaudeamus uy tín bình chọn năm 1998, được Chính phủ Liên bang Nga trao tặng Giải thưởng đặc biệt cho những đóng góp về nghệ thuật âm nhạc (2005). Festival hội tụ các dàn nhạc, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, các solist, nhạc trưởng… nổi tiếng trên khắp thế giới. Giám đốc nghệ thuật - người truyền cảm hứng cho Festival là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ nhân dân Nga, GS Rashid Kalimullin - Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Liên bang Nga, Chủ tịch Hiệp hội các nhà soạn nhạc Tatarstan.
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Festival:
NS Đỗ Hồng Quân cùng các đồng nghiệp quốc tế
Tại Bảo tàng Tatarstan