Festival Âm nhạc mới “Á - Âu” lần thứ III tại Việt Nam 2018: Các chương trình tham quan

03/12/2018

Chương trình Hòa nhạc Dân tộc truyền thống tại Văn Miếu

Sáng 27 tháng 11 năm 2018, Đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế tham dự Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Á - Âu” lần thứ III tại Việt Nam 2018, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, đã có chương trình tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và thưởng thức Chương trình biều diễn nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.

 Chương trình gồm các tiết mục như: “Lưu Thuỷ - Kim Tiền - Xuân Phong - Long Hổ”; “Phẩm tiết - Nguyên tiêu - Hồ Quảng - Liên hoàn”; “Duyên phận”; Độc tấu Đàn bầu “Nhịp cầu quê hương”; Độc tấu sáo mèo “Xuân về bản Mèo”; Song tấu Nhị “Kể chuyện ngày mùa”; “Người ở đừng về”… do các nghệ sĩ của Dàn nhạc Dân tộc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, gồm các nghệ sĩ - giảng viên đang làm công tác giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn:

Phạm Thị Hồng Hạnh - Đàn Tranh

Đoàn Phương Anh - Đàn Tranh

Lê Thuỳ Linh - Đàn Bầu

Lê Đức Dũng - Đàn Nguyệt

Vũ Diệu Thảo - Đàn Tỳ bà

Phan Thanh Thuỷ - Đà Tỳ bà

Trần Văn Xâm: Nhị

Nguyễn Thành Nhân - Nhị

Nguyễn Tiến Giáp - Trống

Nguyễn Đức Thao -  Sáo

Lê Thanh Xuân - Sáo

Vũ Thị Thuỳ Linh -Tam Thập lục

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam đã giới thiệu về Dàn nhạc với các nhạc sĩ, nghệ sĩ Quốc tế tại Chương trình.

Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập năm 2009 là một bước tiến quan trọng trong mục tiêu bảo tồn, phát huy, truyền bá tinh hoa âm nhạc dân tộc và tạo điều kiện cho các nhạc sĩ Việt Nam đương đại sáng tác nhiều tác phẩm mới mang hơi thở thời đại mới. Được giới thiệu và đưa âm nhạc truyền thống đến với mọi tầng lớp nhân dân, ngoài các bài bản cổ, trong các chương trình biểu diễn, cơ bản đã khai thác sự phong phú, đa dạng, khả năng diễn tấu của các nhạc cụ dân tộc qua các tác phẩm âm nhạc nước ngoài được thể nghiệm, chuyển biên giai điệu dân gian các dân tộc.

Chương trình tham quan Di sản Thiên nhiên thế giới tại Ninh Bình

Được sự ủng hộ, giúp đỡ của Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa Thể thao và các cơ quan ban ngành liên quan tỉnh Ninh Bình, ngày 28 tháng 11 năm 2018, Đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ Quốc tế tham dự Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Á – Âu” lần thứ III tại Việt Nam năm 2018, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, đã có chuyến tham quan dã ngoại tại tỉnh Ninh Bình – mảnh đất cố đô Hoa Lư lịch sử giàu truyền thống văn hóa và mến khách.

Tham gia chuyến đi có PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Festival, cùng các nhạc sĩ trong Ban thường Vụ: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội; NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; cùng hơn 100 nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế từ hơn 30 quốc gia và Việt Nam.

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã có cuộc tiếp đón thân mật Đoàn có đồng chí: Tống Quang Thìn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình; NSƯT, đạo diễn Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình, và đại diện lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật, các báo và Đài Phát thanh truyền hình Ninh Bình…

Tại Quần thể Danh thắng Tràng An, Đoàn đã được du ngoạn bằng thuyền trên sông Sào Khê; thưởng thức Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống tại Đền Tứ Trụ, với các giá Hầu Đồng: Giá Mẫu; Giá Quan Hàng Bảy, Giá Quan Hàng Mười, và Giá Cô Đôi Thượng Ngàn… do các nghệ sĩ Thu Thủy và Phương Thảo trong giá chính, tốp nữ trong giá phụ cùng tập thể nam nữ diễn viên nhạc công của Nhà hát Chèo Ninh Bình trình diễn.

Hầu Đồng hay còn gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là loại hình văn hóa tâm linh gắn với đời sống tinh thần và phong tục tập quán của người dân Việt. Theo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ ở đây là phong tục tập quán mang tín ngưỡng thờ cúng tượng nữ thần và những nhân vật anh hùng có trong lịch sử, những tướng có công với đất nước. Đây được coi là loại hình nghệ thuật dân tộc, trình diễn nghệ thuật hội tụ các yếu tố như âm nhạc, trang phục, diễn xướng, múa... Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ đã được Unesco ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Tại đây, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có đôi lời phát biểu: “Đoàn nhạc sĩ nghệ sĩ quốc tế đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật rất độc đáo của Nhà hát Chèo Ninh Bình. Thay mặt cho Đoàn xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới các đồng chí lãnh đạo của Đoàn, các nghệ sĩ, diễn viên đã trình diễn một chương trình nghệ thuật đặc sắc, cuội nguồn văn hóa âm nhạc của cha ông và góp phần làm hiểu rõ hơn nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam trước bạn bè quốc tế”.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...