Festival Âm nhạc mới “Á - Âu” 2018: Các đại biểu tiếp kiến Phó Chủ tịch

03/12/2018

Chiều 26 tháng 11 năm 2018, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp đoàn đại biểu nhạc sĩ, nghệ sĩ tham dự Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ III tại Việt Nam 2018, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức từ ngày 24 đến 28 tháng 11 năm 2018 tại Hà Nội và tỉnh Ninh Bình.

Dẫn đầu Đoàn Đại biểu là PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trưởng Ban tổ chức Festival; và các nhạc sĩ nổi tiếng quốc tế như: nhạc sĩ Rashid Kalimullin - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tatarstan; nhạc sĩ Murabek Begaliyev - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ nước Cộng hòa Kygrystan; Nhạc sĩ Rustam Abullayev - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ và Nghệ sĩ biểu diễn Cộng hòa Uzberkistan; TS Andrián Pertout - Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Melbourne, Úc; Nhạc sĩ Douangmixay Likaiya - Nghệ sĩ Quốc gia, nhạc trưởng, nhà văn Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; TS Zoe Zeniodi - Giám đốc nghệ thuật, Chỉ huy trưởng Dàn nhạc giao hưởng trẻ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ; Giáo sư Peter Swinnen - Chủ tịch Hiệp hội Âm nhạc đương đại quốc tế; TS Izumi Miyoshi - Tổng thư ký Liên đoàn các nhà soạn nhạc Nhật Bản (JFC), Tổng thư ký Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á; cùng các nhạc sĩ trong Ban thường Vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó Chủ tịch Hội; nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND, nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Trưởng Ban Kiểm tra; và các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội; cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế tham dự Festival…

Thay mặt Đoàn đại biểu, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc nghệ thuật, Trưởng Ban tổ chức Festival, đã có bài phát biểu:

“Tôi xin thay mặt các nhạc sĩ tham dự Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ III năm tại thủ đô Hà Nội, cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã sắp xếp thời gian để đón tiếp chúng tôi chính trong ngôi nhà của Phủ Chủ tịch. Đối với giới nhạc sĩ của châu Âu, châu Á cũng như Việt Nam, đây là một vinh dự rất lớn đối với chúng tôi, mà chúng tôi xin ghi nhớ mãi cuộc gặp mặt hôm nay. Xin báo cáo với Phó Chủ tịch nước về công việc của Festival quốc tế Âm nhạc mới lần thứ III, đây là Festival được nối tiếp Festival lần thứ nhất vào năm 2014 và lần thứ hai vào năm 2016. Festival lần thứ 3 này đã thu hút được trên 300 các nhạc sĩ, nghệ sĩ từ trên 40 quốc gia đến với Hà Nội trực tiếp tham gia vào Festival lần này. Thông qua 7 chương trình hòa nhạc lớn, nhỏ, từ hòa nhạc giao hưởng đến hòa nhạc thính phòng, hợp xướng và hòa nhạc dân tộc, giới thiệu các loại hình như: Hầu Đồng, Ca Trù của Việt Nam, thì tổng số Festival biểu diễn hơn 70 tác phẩm. Điều rất vui mừng là hầu hết các tac giả đều có mặt trong Festival lần này, mặc dù có những nhạc sĩ ở rất xa như Kyrgyzstan, Kazakhstan, Arerbaijani, Uzbekistan, Australia, Canada… cũng về hội tụ tại Hà Nội trong đợt này. Toàn bộ các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Festival có nguyện vọng tha thiết là làm sao Festival âm nhạc mới Á - Âu sẽ trở thành định kỳ tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam chúng ta.

Xin kính chúc Phó Chủ tịch nước sức khỏe dồi dào và luôn quan tâm và động viên sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trong cả nước cũng như luôn quan tâm tới nhịp cầu âm thanh, nhịp cầu âm nhạc giữa Việt Nam trong khu vực cũng như thế giới”.

Các nhạc sĩ, nghệ sĩ đại diện cho các châu lục cũng có lời phát biểu và cám ơn đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng, tình cảm của mình đối với thủ đô Hà Nội, sự nồng nhiệt của các nhạc sĩ, nghệ sĩ Việt Nam.

* Nhạc sĩ  Rashid Kalimullin -  Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga

 

Cho phép tôi thay mặt những người tham dự Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu lần thứ III đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới bà vì sự đón tiếp nồng hậu, sự giúp đỡ toàn diện trong công tác tổ chức tuyệt vời của Festival lần này.

Trong quá trình diễn ra Festival, chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển trong lĩnh vực văn hóa, và là một trong những trung tâm âm nhạc của châu Á.

Festival đã cho phép những người tham dự có cơ hội to lớn để trình bày những thành tựu sáng tạo của mình và mở ra những cơ hội mới về thông tin và làm quen với những hình tượng âm nhạc của các nước trên thế giới.

Chúng tôi tin tưởng rằng, quan hệ sáng tạo quốc tế đã được sinh ra trong những ngày diễn ra Festival sẽ được tiếp tục phát triển, củng cố và làm giàu thêm bằng những ý tưởng mới.

Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc ủng hộ nền văn hóa, trong đó có việc phát triển âm nhạc giao hưởng và dàn nhạc giao hưởng.

Thay mặt cho những người tham gia Festival, chúng tôi xin kính chúc bà sức khỏe, thành công trong công việc, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống.

Chúc cho sự phát triển phồn vinh của Việt Nam!

Xin trân trọng cảm ơn!

* TS. Nhạc sĩ Andrián Pertout - Chủ tịch Liên đoàn các Nhà soạn nhạc Melbourne, Úc

 

Tôi rất vui được chọn là người phát biểu đại diện cho người dân Úc trong một sự kiện đặc biệt thế này, sự kiện Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu lần thứ 3 tại Việt Nam.

Trước hết, tôi muốn mở đầu bằng việc thể hiện sự cảm kích với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam) vì đã cho chúng tôi cơ hội có mặt ở đây ngày hôm nay. Tôi cũng muốn nhân đây dành sự thán phục trước tầm nhìn nghệ thuật và những cống hiến không ngừng nghỉ của ông, không chỉ cho sự phát triển của Việt Nam để trở thành một trung tâm văn hóa mà còn cho sự kết nối giữa những người làm nghệ thuật trên thế giới. Văn hóa là tài sản, là di sản của một quốc gia. Việc duy trì đời sống văn hóa không chỉ giúp làm phong phú đời sống của người dân chúng ta mà còn góp phần gìn giữ hòa bình và nâng cao hiểu biết giữa con người với con người trên thế giới.

Mặc dù năm 1788 đánh dấu sự xâm chiếm của châu Âu ở Úc, nghiên cứu ADN gần đây đã xác nhận người Úc bản xứ là nền văn hóa sống lâu đời nhất trên thế giới. Mãi gần đây, có thông tin cho rằng người Ai Cập (khoảng 17.000 năm trước Công nguyên) là những người làm bánh lâu đời nhất thế giới, nhờ vào việc phát hiện đá mài (được sử dụng để nghiền hạt  từ 15.000 năm trước) tại Cuddie Springs gần Walgett ở phía Tây New South Wales. Ngày nay, Úc được công nhận là “đất nước đa sắc tộc nhất trên thế giới” với 26% người Úc được sinh ra ở nước ngoài và 49% có ít nhất một phụ huynh là người nước ngoài, điều đó cho thấy đặc điểm dân tộc học tại Úc có khoảng 100 tôn giáo, 300 nhóm sắc tộc và 251 ngôn ngữ “nói” đặc thù chỉ ở Melbourne. Đáng chú ý là thực tế là khi ở nhà có 21% người Úc nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, và tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ năm.

Australia có mối quan hệ đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam. Năm 2018 không chỉ đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam, mà còn là mối quan hệ song phương được nâng tầm thành quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2017. Và người Úc không chỉ cảm mến bởi sự ấm áp và hiếu khách của người Việt Nam mà còn bởi những nét đặc sắc về văn hóa và truyền thống. Ví dụ, như nhà hàng của người đầu bếp Luke Nguyễn chính là một cái tên quen thuộc ở Úc, và các món ăn như phở, bánh mì, gỏi cuốn và bún chả đã trở thành một phần trong ẩm thực của người Úc.

Việt Nam là một phần đặc biệt của thế giới, và tôi cảm thấy rất vinh dự được có mặt ở đây. Cảm ơn Việt Nam đã cho tôi có thêm một cơ hội nữa để thăm đất nước tuyệt vời này của bạn, nơi mà tôi luôn có ấn tượng và xúc động bởi thiên nhiên tươi đẹp và tính cách của người dân.

* TS. Zoe Zeniodi (Hy Lạp) - Chỉ huy trưởng Dàn nhạc giao hưởng trẻ Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

Tôi rất vinh dự có mặt ở đây hôm nay và có cơ hội tuyệt vời này chia sẻ một chút về âm nhạc Việt Nam. Đây là lần thứ 2 tôi tới Hà Nội, theo lời mời của Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông Đỗ Hồng Quân. Lần đầu tiên tôi gặp ông Quân là tại “Festival Âm nhạc Âu - Á" ở Kazan vào năm 2015. Kể từ đó, quan hệ hợp tác trong công việc và tình bạn giữa chúng tôi trở nên khăng khít hơn. Và nhờ vậy, tôi được vinh dự làm nhạc trưởng trong Festival Âm nhạc Á - Âu cách đây 2 năm và năm nay nữa.

Lời đầu tiên, cho phép tôi gửi lời cảm ơn tới nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã mời tôi tới đây để làm việc với dàn nhạc và những nhạc sĩ tuyệt vời của đất nước các bạn. Tôi đến từ Hy Lạp và từng nhiều năm sống ở Anh, Áo và Mỹ. Tất cả những nơi này đều có ý nghĩa quan trọng với công việc của tôi và đã giúp tôi có thể có mặt ở đây cùng với các bạn. Là nhạc trưởng nữ không phải là dễ dàng và tôi rất biết ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân vì luôn hỗ trợ và ủng hộ nữ giới trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi đã từng tham gia rất nhiều buổi hòa nhạc ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và ở những nơi đó, tôi có cơ hội giao lưu văn hóa và làm việc với các bạn bè quốc tế, giống như ở Liên hoan lần này. Và thật tuyệt vời khi mà qua thời gian, mối quan hệ, tình hữu nghị của chúng ta ngày một bền chặt.

Bản thân tôi cũng cảm thấy rất vinh dự khi có mặt ở đây ngày hôm nay và đóng góp chút gì đó cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam. Bởi vì Festival âm nhạc này giúp tạo ra những giá trị lịch sử cho đất nước. Âm nhạc là một môn nghệ thuật sống và cùng với thế hệ các nhạc sĩ cổ điển đi trước, chúng ta phải luôn luôn hỗ trợ và đẩy mạnh âm nhạc trong thời đại của chúng ta. Beethoven và Mozart là những nhạc sĩ đương đại ở thời của họ, còn hiện nay chúng ta có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Rashid Kalimullin, Andrian Pertout… Họ chính là những nhân vật quan trọng tạo ra nền âm nhạc của tương lai và mở đường cho các nhạc sĩ trẻ khác. Họ giúp công chúng hiểu hơn về âm nhạc và cách duy nhất để gìn giữ các giá trị văn hóa và nền văn minh chính là thông qua nghệ thuật và giáo dục. Âm nhạc là thứ ngôn ngữ chung của nhân loại, giúp kết nối và mang con người gần lại với nhau hơn. Và trách nhiệm của chúng ta là làm cho âm nhạc sống mãi và phát triển hơn nữa. Đây là lý do chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay và cùng kết nối với nhau.

Một lần nữa, tôi rất biết ơn và cảm thấy tự hào khi là một phần đóng góp của Festival Âm nhạc tuyệt vời năm nay và tôi rất hy vọng sự hợp tác lâu dài của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn!

* Nghệ sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ  Douangmixay Likaiya (CHDCND Lào)

 

Đoàn nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ tuổi Lào rất vui và vinh dự được Hội Nhạc sĩ Việt Nam mời sang dự Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Á - Âu” lần thứ III được tổ chức tại Hà Nội - thành phố hòa bình của đất nước Việt Nam anh hùng nơi sinh ra Nguyễn Ái Quốc - Danh nhân văn hóa thế giới. Đoàn Lào chúng tôi đánh giá cao Festival Âm nhạc Á - Âu trong lần này, phần nhiều các tác phẩm âm nhạc sáng tác mới, giai điệu và hòa âm rõ ràng, mang được hơi thở, tính chất, đặc điểm riêng của dân tộc, cũng như của mỗi quốc gia tham dự Festival. Mọi người đều biết rằng âm nhạc là linh hồn dẫn dắt đi trước, cho nên nếu âm nhạc mà hay, có nội dung tốt thì sẽ lôi kéo được hàng trăm, hàng nghìn người vào xây dựng một cuộc sống mới và sức lực của họ sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Ngược lại, nếu âm nhạc mà không hay, giai điệu không đẹp, chắp vá, phối phí phối âm khó hiểu thì chẳng khác gì kéo ngọn cây đi trước.

Lào và Việt Nam cùng chung một dải đất, lấy núi Trường Sơn làm điểm tựa, dựa lưng vào nhau theo quy luật địa hình thiên nhiên đã tự tạo nên. Nhân dân hai nước Lào - Việt rất quý trọng nhau, luôn đùm bọc giúp đỡ sống chết bên nhau và có một nền văn hóa đặc sắc, sang bên kia thì nghe tiếng Khắp Lăm, sang bên này thì nghe tiếng Hò. Để ca ngợi mối tình tốt đẹp giữa Lào - Việt chúng ta, trong thời gian qua, tôi đã viết 7 tác phẩm ca khúc và 4 tác phẩm nhạc khí, trong đó Việt Nam đã tài trợ giúp đỡ tôi ghi âm và biểu diễn 3 tác phẩm nhạc khí như: Ca ngợi Tổ quốc, Bông sen đỏ, Hồng Hà - Mê Kông. Đảng, Chính phủ Lào đánh giá cao 3 tác phẩm đã được Việt Nam tài trợ giúp đỡ ấy. Hiện nay 3 tác phẩm ấy đã được nhân dân Lào sử dụng khá phổ biến.

Nhân dịp này, tôi xin tặng đồng chí Phó Chủ tịch nước bản Giao hưởng “Hồ Chí Minh mặt trời soi sáng muôn đời” mà Việt Nam đã giúp đỡ tôi đi thăm hang Pác Bó, Nhà Rồng và nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam. Tôi đã dùng thời gian nghiên cứu sáng tác trong 3 năm rưỡi mới hoàn thành tác phẩm này. Tôi rất mong tác phẩm này sẽ được vang lên ở Việt Nam và Lào để người Lào, Việt Nam được thưởng thức.

Xin chúc đồng chí Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc.

Chúc tình hữu nghị đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam đời đời bền vững, mãi mãi xanh tươi.

* Tại buổi gặp mặt chào mừng các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến Việt Nam tham dự Festival quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu năm 2018, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có bài phát biểu với tinh thần: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển, mở rộng quan hệ quốc tế về văn hóa và âm nhạc Việt Nam.

Lời đầu tiên tôi xin thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng các nhạc sĩ, nghệ sĩ trong nước và các nước đã đến Việt Nam cùng tham gia và làm nên một “Festival Âm nhạc mới Á- Âu năm 2018”. Xin gửi tới tất cả quí vị lời chúc tốt đẹp nhất.

Việt Nam chúng tôi đã trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, với nền văn hóa lâu đời và đa dạng của 54 dân tộc an hem, những chúng tôi cũng luôn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn gian khổ do thiên tai, địch họa. Chính vì vậy đã rèn luyện nên tinh thần khí phách của người Việt Nam rất dũng cảm, rất yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng rất yêu thi ca văn nghệ. Cũng chính tinh thần đó âm nhạc và thi ca đã luôn đồng hành và bồi đắp tâm hồn, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để giữ gìn, phát huy nền văn hiến, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Cho đến ngày nay, biểu tượng Âm nhạc Việt Nam chính là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới đang bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho dàn hợp xướng biểu diễn, đã trở thành thông điệp lan tỏa đến sự kiện “Festival Âm nhạc mới Á- Âu 2018” lần này với chủ đề “Nhịp cầu Âm thanh Á- Âu”.

Thông qua Festival Âm nhạc mới Á- Âu năm 2018 tại Việt Nam, tôi mong muốn đó thực sự là nơi hội tụ những tác phẩm tiêu biểu của các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn những tác phẩm âm nhạc đương đại thế giới, đồng thời giới thiệu những thành tự âm nhạc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ nước ngoài sẽ có thêm hiểu biết về đất nước con người Việt Nam, về văn hóa và truyền thống âm nhạc dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa giới nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam với đồng nghiệp của thế giới.  Việt Nam tự hào với di sản âm nhạc mà cha ông đã để lại với các loại hình âm nhạc dân gian phong phú, độc đáo của đồng bào 54 dân tộc anh em trên đất nước chúng tôi, âm nhạc đã phát triển rực rỡ trong đời sống xã hội Việt Nam hơn 40 thế kỷ qua, tuy nhiên do đặc điểm lịch sử, xã hội, địa lý… mà nền âm nhạc chuyên nghiệp bác học Việt Nam còn non trẻ, mới mẻ so với các nước châu Âu. Dù còn nhiều khó khăn, Nhà nước Việt Nam cũng đã luôn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư để các nhạc sĩ Việt Nam, nhất là các nhạc sĩ trẻ có điều kiện phát huy tốt, như thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, mở các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch, Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia... để nhằm kiến tạo một nền âm nhạc chuyên nghiệp, bác học cả về sáng tác, biểu diễn và công chúng hưởng thụ... từ đó đã có những tài năng được khẳng định trên bầu trời âm nhạc hàn lâm thế giới như Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, người đạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Sô Panh (Chopin) tại Ba Lan. Tự hào về điều đó song Việt Nam cũng rất mong muốn đẩy mạnh giao lưu quốc tế về âm nhạc để qua đó bồi đắp thêm những thành tựu âm nhạc của đất nước chúng tôi và đóng góp thêm vào kho tàng âm nhạc thế giới. Việc mở rộng quan hệ quốc tế trên lĩnh vực văn hóa được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm ủng hộ, sự kiện “Festival Âm nhạc Mới Á- Âu 2018” được tổ chức lần thứ III tại Việt Nam là biểu hiện sinh động về sự hòa nhập bình đẳng, cùng nhau xây dựng nền văn hóa âm nhạc của mỗi dân tộc của các quốc gia Á - Âu cùng phát triển.

Với tiêu đề “Nhịp cầu Âm thanh Á- Âu”, Festival lần này là một diễn đàn nghệ thuật hết sức ý nghĩa, tôi mong rằng mỗi nhạc sĩ, nghệ sĩ đến với “Festival Âm nhạc mới Á- Âu 2018” là một sứ giả âm nhạc góp phần làm cho Festival của chúng ta thực sụ là những ngày Hội âm nhạc vì hòa bình và phát triển.

Trong buổi gặp mặt hôm nay, tôi cũng rất cám ơn những lời phát biểu tốt đẹp của các nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ Liên bang Nga, Úc, Hy Lạp, và đặc biệt là món quà rất quý giá của nhạc sĩ Lào. Tôi cũng xin ghi nhận ý kiến của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam về việc duy trì Festival Âm nhạc mới Á - Âu thường niên tại Việt Nam, tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về sự kiện này.

Xin chúc các bạn có những trải nghiệm âm nhạc thú vị, có những niềm vui, những kỷ niệm sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam trong những ngày tham dự “Festival Âm nhạc mới Á- Âu 2018” trên đất nước chúng tôi.

Xin gửi tới quý vị lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, và thành công trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc, góp phần xây dựng nền âm nhạc mỗi nước chúng ta và thế giới không ngừng phát triển.

Xin chúc cho “Festival Âm nhạc mới Á- Âu 2018” thành công rực rỡ!

 

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...