Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 9 (3-9-2018)
Tối 3 tháng 9 năm 2018, tại phòng hòa nhạc lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IX kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước: 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Đến dự có đồng chí Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Phạm Văn Linh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn; TS. Lê Anh Tuấn – Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội...
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; Nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trần Nhật Dương – Trưởng Ban Kiểm tra; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh, Tiến sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Văn Ký, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, cùng đông đảo khán giả Thủ đô.
Năm nay, chương trình nghệ thuật được chia làm 2 phần, đặc biệt gồm hai lĩnh vực rất khó trong sáng tác âm nhạc và biểu diễn:
Phần I, biểu diễn Thanh nhạc thính phòng những bản Romance - ca khúc trữ tình được viết cho giọng hát và Piano, đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo và tay nghề cao với các tác phẩm: “Romance Vocalise cho Soprano” sáng tác: Cát Vận - biểu diễn: NSƯT Hiền Xuân, Piano: Trịnh Minh Trang; “Tình em” nhạc: Huy Du, thơ: Ngọc Sơn, “Trường ca Sông Lô” sáng tác: Văn Cao, biểu diễn: NSND Quang Thọ, Piano: Trịnh Minh Trang; “Lời của đá” sáng tác: Đỗ Hồng Quân, “Cám ơn mẹ” sáng tác: Đức Trịnh, biểu diễn: ca sĩ Hương Diệp, Piano: Thu Lê; “Bài ca Hà Nội” sáng tác: Vũ Thanh, “Người Hà Nội” sáng tác: Nguyễn Đình Thi, biểu diễn: ca sĩ Đào Tố Loan, Piano Trịnh Minh Trang; “Khúc hát ra khơi” sáng tác: Đỗ Hồng Quân, “Bài ca hy vọng” sáng tác: Văn Ký, biểu diễn: Nhóm Dòng thời gian (ca sĩ Quang Tú, Khắc Tiệp, Minh Vương).
Romance Vocalise cho Soprano
NSND Quang Thọ với Trường ca sông Lô
Lời của Đá
Cám ơn mẹ
Ca sĩ Đào Tố Loan với Bài ca Hà Nội
Khúc hát ra khơi
Bài ca hy vọng
Phần II, là những tác phẩm viết cho Dàn nhạc dân tộc và Hòa tấu dân tộc, đây cũng là một lĩnh vực mới, với các tác phẩm: Tứ tấu đàn Nhị “Tứ quý”, biểu diễn: Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Hải Đăng, Trần Văn Xâm, Lê Minh và Dàn nhạc Dân tộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sáng tác và chỉ huy: PGS,TS, NSND Nguyễn Thiếu Hoa; Độc tấu đàn bầu “Dòng kênh trong” sáng tác: Hoàng Đạm, biểu diễn: NSƯT Bùi Lệ Chi và dàn nhạc, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi; Độc tấu Tỳ bà “Duyên gặp gỡ” sáng tác và biểu diễn: Phạm Thị Huệ và Dàn nhạc, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi; Ngũ tấu Sáo trúc “Khói hương lan tỏa” - biểu diễn: Giảng viên Nguyễn Đức Thao cùng các sinh viên: Mai Công Hoan, Lê Thanh Xuân, Trần Thanh Tùng, Nguyễn Hải An, sáng tác và Chỉ huy: Đỗ Kiên Cường; Độc tấu đàn nguyệt “Tình mẹ” sáng tác: Trần Luận, biểu diễn: NSƯT Cổ Huy Hùng và Dàn nhạc, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi; Hòa tấu dàn nhạc “Chung một niềm tin” sáng tác: Xuân Khải, chỉ huy: NSND Phạm Ngọc Khôi…
Tứ quý
Dòng kênh trong
Duyên gặp gỡ
Nghệ sĩ đàn tỳ bà - Phạm Thị Huệ với Duyên gặp gỡ
Khói hương lan tỏa
Tình mẹ
Chung một niềm tin
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam có những chia sẻ sâu sắc:
“Hôm nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam rất vinh dự được tổ chức Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IX ngay tại một thánh đường âm nhạc của đất nước – đó là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam – nơi đây đã đào tạo và nâng đỡ rất nhiều những tài năng âm nhạc của đất nước từ khi thành lập đến nay. Đối với Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực âm nhạc, văn học nghệ thuật, là những người làm về sáng tác, lý luận phê bình, nghệ sĩ biểu diễn và làm công tác đào tạo âm nhạc... rất vinh dự và đặc biệt được đón chào tất cả các quí vị đại biểu, khán giả - những người yêu thích và trân trọng những giá trị âm nhạc của đất nước.
Nghệ sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu khai mạc
Ngày âm nhạc Việt Nam diễn ra trong khắp các Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam trong toàn quốc, đến nay Hội đã phát triển được 53 Chi hội từ miền núi phía Bắc đến trung du đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, các thành phố lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ... cho đến đồng bằng sông Cửu Long... Trong ngày Âm nhạc Việt Nam, các Chi hội đều hưởng ứng tích cực và có hoạt động biểu diễn các tác phẩm mới của các nhạc sĩ. Ngày âm nhạc được triển khai trong cả nước có tác dụng rất lớn để đưa giá trị âm nhạc đích thực đến với công chúng, tôn vinh Âm nhạc Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như là giới thiệu những tác phẩm mới, ca khúc mới, những gương mặt mới trong lĩnh vực biểu diễn... đến với công chúng, để làm sao nâng cao tính chuyên nghiệp, tiếp tục dòng chảy chính thống của Âm nhạc Việt Nam.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam trên 60 năm qua đã đồng hành cùng dân tộc bằng lời ca tiếng hát, bằng những tác phẩm âm nhạc cách mạng đánh dấu những cột mốc và ghi lại lịch sử, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tiếp tục và luôn luôn đồng hành sát cánh cùng với các hoạt động văn học nghệ thuật của Thủ đô và Đất nước, và mong rằng các quý vị khán giả - công chúng sẽ đồng hành cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.
Năm 2018, hoạt động Ngày Âm nhạc Việt Nam diễn ra sôi nổi tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố như: Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Quận 1 tổ chức chương trình Âm Nhạc Tỏa Sáng số đặc biệt với chủ đề “Bài Ca kết Đoàn”, tối 30/8, tại Nhà hát Bến Thành, gồm các ca khúc tiêu biểu đã được Hội Âm nhạc đầu tư sáng tạo, đặc biệt là chú trọng các ca khúc tuổi hồng, thiếu nhi cho các em có nhiều tác phẩm phù hợp với lứa tuổi của mình. Đặc biệt là các tác phẩm ca ngợi Bác Hồ và sự phát triển của Thành phố mang tên Bác; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã tổ chức chương trình giao lưu gặp mặt và biểu diễn nghệ thuật công bố các tác phẩm âm nhạc với chủ đề “Lời ca dâng Bác”, với các tác phẩm ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu các ca khúc của các nhạc sĩ Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang, với nội dung ca ngợi quê hương Hà Giang, khắc họa những hình ảnh tươi đẹp trong cuộc sống của các dân tộc trong tỉnh, vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên Hà Giang, vào tối 30/8 tại Hội trường UBND tỉnh Hà Giang; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tinh Bắc Ninh tổ chức chương trình Gặp mặt hội viên kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam, tổ chức Liên hoan Âm nhạc “Hát về Bắc Ninh” - 2018, đêm chung kết và trao giải diễn ra vào tối 6/9 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Bắc Ninh; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, tổ chức giao lưu tọa đàm Ngày Âm nhạc Việt Nam với sự tham gia của các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ tại Thanh Hóa, cùng với các chương trình nghệ thuật khác với sự tham gia của các nhạc sĩ và những người yêu nhạc Xứ Thanh, ngày 31/8 tại Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa.
Tại Hà Nội, Trung tâm phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, tổ chức chương trình Liên hoan Mùa thu 2018 “Giọng hát mang âm điệu dân ca truyền thống Việt Nam” khối không chuyên, nhằm khẳng định vai trò dòng Âm nhạc này có ảnh hưởng tới phong cách sáng tác ca khúc của các tác giả, đồng thời bảo tồn phát huy giá trị Âm nhạc dân gian truyền thống, vòng Chung kết và trao giải vào tối 1 và 2/9 tại sân khấu Chợ đêm Đồng Xuân; Dàn nhạc Maius Philharmonic do nhạc sĩ Lưu Quang Minh làm nhạc trưởng, đã biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Quảng trường Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, vào chiều ngày 1/9...
Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Đồng Nai với chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam vào tối 5/9 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9, giới thiệu các tác phẩm mới sáng tác của các nhạc sĩ của Chi hội, để chúc mừng thành công của Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ II (2018-2023) vào tối 3/9 tại Sân khấu ngoài trời Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức Cuộc tọa đàm về “Sáng tác ca khúc trong giới trẻ Bình Định hôm nay” vào ngày 2/9; và chương trình biểu diễn thơ – nhạc gồm các tác phẩm đạt giải thưởng Xuân Diệu – Đào Tấn lần thứ 5 (giai đoạn 2010 – 2015) vào ngày 3/9 tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Hội Âm nhạc Thừa Thiên – Huế tổ chức đêm nhạc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt, giới thiệu những tác phẩm mới của hội viên chi hội, cùng với sự tham gia của dàn nhạc dân tộc thuộc Học viện Âm nhạc Huế với chương trình biểu diễn ra mắt Câu lạc bộ Kèn do Chi hội và Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế và Trung tâm Văn hóa thành phố Huế vừa thành lập, vào tối 3/9 tại Sân khấu tiền sảnh Trung tâm Văn hóa thành phố Huế… và các Chi hội Vĩnh Phúc, Tp. Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... cũng tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhân kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IX.
Xem ảnh tại đây:
Chùm ảnh 1: http://www.hoinhacsi.vn/ngay-am-nhac-2018-tai-ha-noi-chum-anh-1
Chùm ảnh 2: http://www.hoinhacsi.vn/ngay-am-nhac-2018-tai-ha-noi-chum-anh-2
Chùm ảnh 3: http://www.hoinhacsi.vn/ngay-am-nhac-2018-tai-ha-noi-chum-anh-3-0
Chùm ảnh 4: http://www.hoinhacsi.vn/ngay-am-nhac-2018-tai-ha-noi-chum-anh-4