Trao Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2014
Sáng 03/2/2015, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao giải cho các tác giả đoạt Giải thưởng Âm nhạc năm 2014. Đến dự buổi lễ có Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSƯT Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các nhạc sĩ lão thành, các nhạc sĩ trong Ban thường vụ, Ban chấp hành, Ban lý luận phê bình Hội Nhạc sĩ Việt Nam; cùng đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ, các báo, đài Trung ương và Hà Nội.
Chủ tịch Đỗ Hồng Quân và Phó chủ tịch Phạm Ngọc Khôi trao giải A cho các nhạc sĩ:
Quang Thọ và Nguyễn Thị Minh Châu
Tại Lễ trao giải, một số tác phẩm xuất sắc đã được trình bày như: “Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường; “Trời thu trong mắt ai” – (Phỏng thơ: Hiền Phương) của Văn Tiến; “Nỗi nhớ miền Trung”- (Thơ: Thuận Hữu) của Ngọc Thịnh; “Nụ cười xuân” của Vũ Việt Hùng; “Vị quê” - (Lời thơ: Đậu Hoài Thanh) của Trần Mạnh Chiến.
Đặc biệt, NSND Quang Thọ đã trình bày những ca khúc sống mãi với thời gian như “Sông Lô” của Văn Cao, “Tình ca” của Hoàng Việt, “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh trong bộ DVD “Một thời và mãi mãi” gồm 38 ca khúc nổi tiếng qua hai cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đạt giải A của ông; và NSƯT Quốc Hưng trình bày ca khúc “Đất nước tôi” của Phạm Minh Tuấn trong DVD và CD “Những bản tình ca đỏ” đạt giải B của ông.
Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 214 tác phẩm tham dự của 214 tác giả là hội viên đã sáng tạo trong 2 năm 2013 và 2014 gồm các thể loại sau: Ca khúc và Romance 151; Ca khúc thiếu nhi: 18; Hợp xướng: 07. Khí nhạc (gồm Giao hưởng, Thính phòng, Hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc) 15 tác phẩm. 05 chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ. 16 công trình lý luận phê bình (gồm các bài báo viết về Âm nhạc, Sách biên soạn, Sách nghiên cứu).
Hội đồng xét giải thưởng năm nay gồm:
Hội đồng thanh nhạc chia làm 2 tiểu ban: Tiểu ban Ca khúc và Romance do NS Đức Trịnh làm Trưởng tiểu ban và các ủy viên: NS Tôn Thất Lập, NS Lê Phùng; và Tiểu ban Ca khúc thiếu nhi và Hợp xướng do NS Trần Nhật Dương làm Trưởng tiểu ban, các ủy viên: NS Nguyễn Ngọc Thiện, NS Lê Nghiệp.
Hội đồng khí nhạc: NS. NSƯT Trọng Đài làm Trưởng Ban, các ủy viên: Gs. NS Chu Minh, NS Trần Mạnh Hùng.
Hội đồng Lý luận – Phê bình: PGS. Ts. Tú Hương làm Trưởng ban, các ủy viên: PGS. Ts. Thế Bảo, Th.s. NS Trần Long Ẩn.
Hội đồng các chương trình biểu diễn: Ts. NS Đỗ Hồng Quân là trưởng Ban, các ủy viên: NS Trọng Đài, Phạm Ngọc Khôi, Nguyễn Ngọc Thiện.
Hội đồng đã tiến hành thẩm định và xét các tác phẩm âm nhạc gửi tham dự giải 2014 từ ngày 25 đến 27 tháng 12 năm 2014. (Riêng Hội đồng Lý luận đã đọc trước các công trình từ ngày 16 tháng 12).
Tại lễ trao giải Ts-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng năm nay đã có những nhận xét: “Số lượng tác phẩm tham dự nhiều hơn so với năm trước, chiếm đa số vẫn là ca khúc. Các tác giả là hội viên ở hầu hết các chi hội trong cả nước đều tham gia gửi bài. Tuy nhiên, chất lượng tác phẩm ở từng thể loại có khác nhau. Một số tác phẩm, công trình có qui mô lớn như: Bản giao hưởng số 9 của Nguyễn Văn Nam “Cửu Long dậy sóng” gồm 4 chương, thời lượng hơn 1 tiếng, hoặc cuốn sách “Đờn ca tài tử - đặc thù và đóng góp” của Nguyễn Thụy Loan đã giành được những vị trí cao. Tuy nhiên, mặt bằng chung của cả hai lĩnh vực chính là Tác phẩm và Công trình nghiên cứu lý luận chưa tìm ra được những giá trị thật nổi bật, có sự tìm tòi đặc biệt trong bút pháp và kỹ thuật, mang đến những ấn tượng bất ngờ khó quên”.
Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2014 phía Nam vào sáng 4-2-2015, tại Nhà hát Quân đội phía Nam, 140 đường Cộng Hòa, Phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN XÉT CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH
GIẢI THƯỞNG HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM 2014
I. Ý kiến nhận xét của Hội đồng thanh nhạc
1. Ý kiến nhận xét của Hội đồng Ca khúc và Romance
Thể loại nhiều tác giả tham gia nhất vẫn là ca khúc. Có tới 151 ca khúc và Romance. Chủ đề các bài hát vẫn là cảm xúc về quê hương đất nước, con người mới trên các mặt trận lao động, sáng tạo của cuộc sống. Đặc biệt năm nay nổi lên là chủ đề biển đảo và biên giới, nhiều tác phẩm có cảm xúc chân thật, có ngôn ngữ âm nhạc tìm tòi, truyền cảm. Một mảng đề tài về dân tộc và miền núi vớ âm hưởng dân ca: Thái, Tày, Khơme, Ê Đê... gây được sự chú ý của Hội đồng thẩm định. Tuy số lượng tác phẩm tham gia nhiều, những chưa tìm ra được những tác phẩm thực sự nổi bật về các phương diện như: Khai thác các đề tài, sử lý ngôn ngữ âm nhạc, cũng như các yếu tố khác như tiết tấu, hòa thanh... việc dàn dụng thu thanh của một số bản chất lượng chưa thật cao, thường chỉ dùng một đàn Organ điện tử, phần nào hạn chế hiệu quả của tác phẩm. Nhiều bài hát phổ thơ nhưng chưa tìm được vị trí độc lập của âm nhạc, mà còn phụ thuộc nhiều vào câu chữ vần điệu của bài thơ. Các tác giả nên chú ý tới những yếu tố kỹ thuật như: hòa thanh, tiết tấu, âm vực của giọng hát, phần đệm Piano... để nâng giá trị một ca khúc thông thường thành một tác phẩm có tính nghệ thuật cao.
2. Tiểu ban Ca khúc thiếu nhi và Hợp xướng.
a/ Thể loại Hợp xướng:
Năm nay tham dự giải của Hội Nhạc sĩ gồm 7 tác phẩm hợp xướng, trong đó có một tác phẩm sau khi Hội đồng nghe và đọc bản thảo thấy rằng chưa đúng với thể loại nên đã chuyển cho Hội đồng ca khúc. Chủ đề của những tác phẩm hợp xướng năm nay chủ yếu tập chung viết về đề tài lịch sử, anh hùng cách mạng như: 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, biển đảo quê hương, ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi... Hội đồng nhận thấy một số tác phẩm viết đúng thể loại hợp xướng, có sự tìm tòi sáng tạo mới, cấu trúc tác phẩm chặt chẽ như tác phẩm "Điện Biên" hoặc tác phẩm "Anh Văn của đồng đội". Một số ít tác phẩm nội dung, âm nhạc và ca từ thiếu sự tìm tòi, gây cảm giác cũ mòn. Phần dàn dựng chưa tương xứng với thể loại hợp xướng, đôi khi chỉ là một tốp ca thu nhiều lần chồng lên.
b/ Ca khúc thiếu nhi:
Gồm 18 tác phẩm trong đó 1 tác phẩm không có đĩa CD nên Hội đồng không chấm. Chủ đề tập chung chủ yếu viết về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Một số tác phẩm viết tốt, có cấu trúc mạch lạc phù hợp với thiếu nhi, âm nhạc có sự tìm tòi cái mới, viết có cảm xúc như bài "Ước mơ gửi đảo xa", "Bàng vuông ở Trường Sa", "Đón xuân trên đảo" hay hát ca ngợi kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ như "Chúng em mừng Điện Biên 60 mùa hoa". Bên cạnh những chủ đề đó một số tác phẩm có tính giáo dục, phản ánh cuộc sống sinh hoạt của các cháu thiếu nhi như bài "Đón trăng trung thu”, "Vầng trăng cánh võng", "Chổi chị chổi em", "Mưa"... Một số tác phẩm tốt nhưng chọn các cháu thể hiện chưa phù hợp với lứa tuổi, còn bé quá nên hát chưa thật hiệu quả. Có những tác phẩm phần mở đầu tốt nhưng phát triển yếu cho nên bài không hiệu quả. Một số tác phẩm âm nhạc và lời ca không có sự tìm tòi cái mới, bài kém tính hấp dẫn nên chất lượng không cao.
II. Ý kiến nhận xét của Hội đồng khí nhạc
Các tác phẩm đều hướng tới những đề tài mang tính xã hội cao, bút pháp sáng tác có nhiều cố gắng, có nhiều tìm tòi trong việc phát triển và sử dụng ngôn ngữ dàn nhạc hỗn hợp. Tuy nhiên, để hướng tới ngôn ngữ nhạc khí hiện đại, chúng ta cần tiếp cận nhiều hơn nữa với trào lưu quốc tế ở nhiều phương diện khác nhau, nâng cao hơn nữa những nỗ lực nhằm khám phá sáng tạo, giúp cho tác phẩm hiệu quả hơn.
Việc sử dụng chất liệu dân tộc còn đôi lúc đơn giản, cơ học. Chúng ta chờ đợi ở những tác phẩm nhiều cảm xúc, nhiều sự bay bổng, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình của nền khí nhạc Việt Nam.
III. Ý kiến nhận xét của Hội đồng Lý luận – Phê bình
Trong 16 công trình gửi đến dự giải năm 2014 gồm có:
Về mảng sách có 6 công trình.
- 4 cuốn sách thuộc thể loại sách nghiên cứu đó là:
+ Đờn ca tài tử - đặc trưng và đóng góp của Nguyễn Thụy Loan.
+ Cấu trúc dân ca người Việt của Huyền Nga.
+ Hà Nội ca của Dương Viết Á.
+ Một số thủ pháp sáng tác tiêu biểu trong âm nhạc thế kỷ XX của Phạm Phương Hoa.
- 1 cuốn là sách biên soạn giáo trình giảng dạy.
+ Nghệ thuật sáng tác ca khúc của Đặng văn Bông.
- 1 cuốn thuộc dạng sưu tầm - nghiên cứu.
+ Dân ca Bah Nar của Lê Xuân Hoan.
- Cuốn Chu Minh - Những dấu ấn âm nhạc của Triệu Tú Vân. Đây là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả và các tác phẩm của nhạc sĩ Chu Minh. Cuốn sách được trình bày đẹp và có nội dung phong phú.
Các cuốn sách tham dự giải đều là các cuốn sách được biên tập kỹ càng, trình bày đẹp và có nội dung nghiên cứu có giá trị.
+ Tập hợp các bài báo dự giải năm nay rất phong phú, có 9 tác giả dự giải, trong đó có 2 cụm tác phẩm không hợp lệ vì bài báo viết quá lâu hoặc chưa được xuất bản.
Nhìn chung các tác giả đã rất quan tâm đến mảng phê bình và nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc dân gian. Ngoài ra có nhiều tác giả đã chú ý đến mảng cập nhật những sinh hoạt âm nhạc với tuổi trẻ. Những bài báo âm nhạc cũng góp phần định hướng và phân tích rõ thực trạng đời sống âm nhạc trong những năm gần đây.
IV. Ý kiến nhận xét của Hội đồng các chương trình biểu diễn
Có 4 sản phẩm VCD, DC của các NSND, ca sĩ, nhạc sĩ gửi tới xét giải thưởng mục “Sản phẩm âm nhạc”. Đây là những chương trình biểu diễn, những đêm nhạc của tác giả. Nhìn chung chất lượng nghệ thuật và hiệu quả dàn dựng âm thanh tốt. Đặc biệt là bộ tuyển chọn 4 CD với tiêu đề “Một thời và mãi mãi” của giọng ca NSND Quang Thọ được đánh giá cao.
Tuy năm nay có 4 sản phẩm âm nhạc gửi, nhưng số lượng nói chung là ít, ban tổ chức cần thông báo rộng rãi hơn tới các hội viên là nghệ sĩ biểu diễn để có nhiều sản phẩm âm nhạc cho những kỳ xét giải năm sau.
Xem danh sách tác giả - tác phẩm đoạt giải thưởng tại đây http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/2/2451