Kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ V: Rộn ràng đêm “Đại ngàn Tây Nguyên”
1. Tôn vinh âm nhạc và nhạc sĩ.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) trong cả nước nói chung, VNS ở Lâm Đồng nói riêng rất phấn khởi mỗi khi lại đến ngày kỷ niệm của lĩnh vực mình đam mê, yêu thích. Đối với các nhạc sĩ (NS) của Lâm Đồng cũng vậy, từ những ngày giữa tháng Tám, các NS bận rộn cho việc sáng tác những tác phẩm mới, chờ đợi Ngày kỷ niệm Âm nhạc Việt Nam (3/9) đến để được tôn vinh, giao lưu và thể hiện tác phẩm của mình với công chúng.
Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ V đối với giới NS tỉnh Lâm Đồng còn có ý nghĩa lớn hơn, vinh dự hơn khi Đà Lạt là một trong 05 tỉnh Tây Nguyên được chọn triển khai Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt. Chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT và hoạt động văn học, nghệ thuật… diễn ra thường xuyên từ đầu năm đến nay đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; càng thúc đẩy đội ngũ VNS tích cực lao động sáng tạo để sáng tạo những tác phẩm có chất lượng về nội dung và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của công chúng. Nhiều cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác VHNT đã và đang được phát động và chờ ngày “bội thu”…
Hiểu được tâm tư, tình cảm của anh, chị em VNS nói chung, giới NS trong tỉnh, nói riêng, Hội Văn học, nghệ thuật Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng và Chi hội Âm nhạc địa phương tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam; đồng thời biểu diễn một chương trình nghệ thuật chọn lọc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam khá bài bản. Đến dự và chia vui với anh, chị em NS có đông đảo lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan trong tỉnh, TP. Đà Lạt và khán thính giả yêu âm nhạc của TP. Đà Lạt, các huyện lân cận...
Tốp ca nữ với giai điệu về Đà Lạt sâu lắng, ngọt ngào. Ảnh T.D.H
Tại lễ kỷ niệm, Hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng đã ôn truyền thống Ngày Âm nhạc Việt Nam, biểu dương, tôn vinh thành tích đóng góp trong nhiều năm qua của 36 NS và nghệ sĩ sân khấu của tỉnh (trong đó có 10 hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam) trên lĩnh vực văn hóa, VHNT. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tặng hoa động viên các NS và phát biểu chúc mừng. Trong bài phát biểu của nhà báo Nguyễn Thanh Đạm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng đã nhấn mạnh: “Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng thống nhất quyết định lấy ngày 3/9 hàng năm làm “Ngày Âm nhạc Việt Nam” có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, bởi đây là ngày hội tôn vinh nền âm nhạc dân tộc, động viên các NS, nghệ sĩ phát huy những giá trị truyền thống và cách mạng của âm nhạc Việt Nam sáng tạo nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về nội ung và nghệ thuật phục vụ cuộc sống. Ngày Âm nhạc Việt Nam trở thành sự kiện văn hóa, ngày hội lớn của giới VNS, các thế hệ NS và công chúng yêu âm nhạc…”. Ngoài ghi nhận và đánh giá cao những thành tích tiêu biểu của các nhạc sĩ Lâm Đồng đạt được trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật vừa qua; Biểu dương một số nhạc sĩ tiêu biểu như: Đình Nghĩ, Dương Toàn Thiên, Dương Toàn Thắng, Công Huân, Krajan Plin… Đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã động viên, khích lệ các VNS, NS tiếp tục có những tác phẩm phản ánh sát thực cuộc sống, nhất là tập trung các sáng tác vào các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, địa phương sắp tới, nhất là chào mừng Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII….
Có thể nói, những bó hoa, những cái bắt tay nồng ấm và những lời phát biểu động viên, tôn vinh của lãnh đạo tỉnh chính là “chất lích thích” mãnh liệt nhất để các VNS, NS say sưa sáng tạo những tác phẩm hay hơn, có chất lượng hơn trong thời gian tới…
2. Nồng nàn đêm Tây Nguyên.
Nội dung mà khán thính giả (ngay cả các NS) chờ đợi nhất đó là chương trình biểu diễn âm nhạc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam. Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” gồm 12 ca khúc của các NS trong và ngoài tỉnh được chọn lọc, do đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng giàn dựng và biểu diễn đã thu hút người xem, thưởng thức. Phần lớn các ca khúc của các NS là người Lâm Đồng ca ngợi Đà Lạt, Tây Nguyên đại ngàn với sự phụ họa của các vũ công và nhạc cụ dân tộc làm cho chương trình có lúc sâu lắng (bởi những ca khúc viết về Đà Lạt) và sôi nổi, rộn ràng với tiếng cồng chiêng và âm hưởng giai điệu núi rừng bởi các nhạc cụ đàn đá, tơ rưng, k’lôngput khi biểu diễn các ca khúc viết về Tây Nguyên.
Độc tấu đàn đá. Ảnh T.D.H
Mở đầu chương trình là ca khúc nổi tiếng của NS Hà Huy Hiền đã được đông đảo công chúng yêu âm nhạc trong và ngoài tỉnh biết đến “Nhân dân Nam Tây Nguyên nhớ Bác”; “Thiếu nữ Kơ Ho” của Công Huân; “Mặt hồ” của cố NS Trọng Thủy; “Con đường tình phiêu du” mang âm hưởng Tây Nguyên dạt dào của NS Đình Nghĩ (Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng)… Các ca khúc có lúc mượt mà, sâu lắng, có lúc cuồng cuộn, dâng tràn như men say đại ngàn là những tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, tham gia trong chương trình âm nhạc chọn lọc này, ngoài các giọng hát chuyên nghiệp của anh chị em trong Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng còn có sự tham gia của Đội văn nghệ Nhà thiếu nhi Lâm Đồng với 02 tiết mục hồn nhiên, trong sáng “Không gian xanh” của NS Đức Hiệp và “Màu xanh Lâm Đồng” của cố NS Mạnh Đạt, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng trong “món ăn tinh thần” của khán thính giả phố núi.
Kết thúc chương trình nghệ thuật của đêm “Đại ngàn Tây Nguyên” là ca khúc của NS Đỗ Hồng Quân (Chủ tịch Hội NS Việt Nam) viết về ngày hội lớn của giới NS trong cả nước, đó là bài “Ngày Âm nhạc Việt Nam” với sự thể hiện của toàn đoàn. Tiết mục sôi nổi, hào hùng, tươi vui đã khép lại chương trình nghệ thuật ý nghĩa này.
T.D.H