“Đà Nẵng hòa cùng biển đảo quê hương”
Đó là chủ đề chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và Ngày Âm nhạc Việt Nam 3-9, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức tối qua, 31-8. Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng thực hiện.
“Đà Nẵng hòa cùng biển đảo quê hương” thu hút sự tham gia của hầu hết các đơn vị nghệ thuật trên toàn thành phố, như Đoàn văn công Quân khu 5, Đoàn Ca múa nhạc thành phố, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng, Nhà thiếu nhi, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng... Theo nhạc sỹ Trần Ái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố, chương trình là tiếng nói của những người làm công tác âm nhạc thành phố nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh của đất nước, ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 5 - 2014. Chương trình được đầu tư dàn dựng công phu, với những tiết mục chọn lọc, có giá trị nghệ thuật cao. Nội dung chủ đạo là những ca khúc mới viết về Đà Nẵng, về biển đảo quê hương.
Với 15 tiết mục chất lượng, nhiều màu sắc, đêm diễn không chỉ khắc họa hình ảnh người lính hải quân ngày đêm canh giữ đảo mà còn vẽ nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng cùng khát vọng về cuộc sống hòa bình, tươi đẹp của con người Đà Nẵng. Như ca khúc Bài ca quê hương của tác giả Bùi Công Minh; Huyền diệu sông Hàn, thơ Đỗ Quý Doãn, nhạc Nguyễn Đình Thậm; Đà Nẵng là bài hát hay của Trần Ái Nghĩa, Xa xanh Sơn Trà của Quỳnh Hợp; Phố biển quê hương, sáng tác Minh Đức, thơ Nguyễn Ngọc Nam…
Tổ khúc hát múa Lời chiêng núi vọng Biển Đông do Đoàn Văn công quân khu 5 biểu diễn (Ảnh TY)
Ca sĩ Mỹ Nương ngọt ngào cùng ca khúc Huyền diệu sông Hàn (Ảnh TY)
Đáng chú ý là chùm ca khúc thể hiện tình yêu của người Đà Nẵng hướng về biển, đảo quê hương như Trường Sa tiếng gọi thiêng liêng của Phạm Quang Trung; Đà Nẵng bên bờ sóng của Nguyễn Bá Sỹ… CLB Nhạc dân tộc thuộc Hội Văn nghệ dân gian TP. Đà Nẵng cũng đóng góp tiết mục hòa tấu nhã nhạc cung đình mang tên “Giai điệu quê hương”, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phong cách biểu diễn.
Màn ca múa Biển trời quê hương được dàn dựng công phu và hoành tráng (Ảnh TY)
Chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng hòa cùng biển đảo quê hương” để lại nhiều xúc động đặc biệt trong lòng khán giả. Ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với đội ngũ 84 hội viên Hội âm nhạc thành phố, trong đó có 34 hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam làm nòng cốt, các nhạc sĩ đã có những đóng góp không nhỏ vào việc phản ánh sự phát triển của thành phố cũng như thể hiện tình yêu biển đảo. Từ đó khẳng định vị trí của âm nhạc trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đà Nẵng.
Tiết mục ca múa Đà Nẵng bên bờ sóng được đầu tư công phu khiến sân khấu thêm phần rực rỡ.
Hình ảnh người lính hải quân trong Trường Sa tiếng gọi thiêng liêng của nhạc sĩ Phạm Quang Trung
Ngày âm nhạc Việt Nam (3-9) không chỉ trở thành ngày hội tôn vinh nền âm nhạc, mà còn có ý nghĩa khuyến khích, động viên các văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống của nền âm nhạc Việt Nam, cho ra đời nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa. Bên cạnh đó, sức nóng của Biển Đông thời gian qua đã thổi vào đời sống âm nhạc cả nước một hơi thở mới. Nhiều tác phẩm được dàn dựng công phu, tạo được chiều sâu nghệ thuật. Đơn cử, Lời chiêng núi vọng Biển Đông do Đoàn văn công quân khu 5 biểu diễn tại “Đà Nẵng hòa cùng biển đảo quê hương” được đánh giá cao về cách thể hiện ngôn ngữ hình thể. Đây cũng là tiết mục mang về giải thưởng cho Đoàn Văn công quân khu 5 tại Hội diễn nghệ thuật toàn quân năm 2014.
Nhiều màu sắc âm nhạc cùng tỏa sáng, có thể nói chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng hòa cùng biển đảo quê hương” đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Tuy nhiên, sự góp mặt của nhiều đơn vị riêng lẻ, với quỹ thời gian hạn chế nên cấu tứ chương trình chưa thật mạch lạc, và vì nhiều lý do, khán phòng Nhà hát Trưng Vương tối qua chưa kín chỗ vẫn là nỗi đau đáu của những người tâm huyết với chương trình.