Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật hát Xẩm và các làn điệu dân ca cổ truyền

26/05/2014

Ngày 20/05/2014, Bộ môn Việt Nam học Trường Đại học Thăng Long đã phối hợp cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc tổ chức chương trình “Văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật hát xẩm và các làn điệu dân ca cổ truyền”. Đây là cơ hội giúp sinh viên khối ngành Việt Nam học nói riêng và tập thể sinh viên toàn Trường Đại học Thăng Long nói chung, có dịp tìm hiểu sâu hơn về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Tham gia chương trình không chỉ có sinh viên mà còn có đông đảo cán bộ, giảng viên và công nhân viên trong toàn trường - Những người yêu thích và có lòng đam mê muốn tìm hiểu về nghệ thuật âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Sự góp mặt của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống đến từ Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc đã đóng góp phần lớn vào sự thành công của chương trình. Trong đó, có thể kể đến các tên tuổi nổi tiếng như nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ Khương Cường, nghệ sĩ Minh Thư cùng nhiều nghệ sĩ khác.


Hội trường chật kín người tham dự chương trình từ rất sớm

Chương trình được chia thành ba phần chính bao gồm: Nghệ thuật hát xẩm, Dân ca quan họ Bắc Ninh và Văn hóa âm nhạc xứ Đoài. Mỗi phần đều có những nét đặc sắc riêng khiến người nghe có thể đi từ tâm trạng bi ai đến tình tứ lưu luyến, rồi bất ngờ nuối tiếc, suy ngẫm nhiều hơn với cuộc sống của bản thân mình. Giúp khán giả có mặt tại chương trình tách rời khỏi những xô bồ hiện tại, các nghệ sĩ tham gia chương trình đã mang đến một bầu không khí âm nhạc truyền thống sống động với những tinh hoa tuyệt vời khi văn hóa dân gian đã đạt đến đỉnh cao tiệm cận với văn hóa bác học.


Các nghệ sĩ say sưa biểu diễn những làn điệu truyền thống như điệu xẩm “Thập ân”, “Cô gái quay tơ”, “Anh khóa”


Nghệ sĩ Minh Thư cất cao giọng ca quan họ Bắc Ninh vang, rền, nền, nẩy, đắm say lòng người

Kết thúc chương trình, mỗi người đều có những cảm nhận riêng của mình nhưng không ai có thể phủ nhận về những kiến thức âm nhạc truyền thống bổ ích được thâu nhận từ chương trình. Mỗi tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ đã thổi hồn vào từng lời ca, tiếng hát, “chạm” vào trái tim nhiệt huyết của mọi khán giả trong khán phòng hôm ấy. Các nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu cũng vô cùng thân thiện khi trao đổi cùng sinh viên - Những chủ nhân tương lai của đất nước, về kiến thức âm nhạc truyền thống, để âm nhạc dân tộc không bị quên lãng mà mãi mãi được bảo tồn, phát huy.


GS.TS Nguyễn Văn Khang - Trưởng Bộ môn Việt Nam học gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà nghiên cứu,
nhạc sĩ, nghệ sĩ đã tham gia chương trình


Mọi người cùng chụp ảnh lưu niệm với các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình

(Nguồn: http://www.thanglong.edu.vn)

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...