Âm nhạc mở ô cửa nhìn ra cuộc sống
Âm nhạc nằm sâu trong mỗi con người, sâu hơn cả ký ức và có thể chạm vào cuộc sống một cách đầy tinh tế. Mọi người đều có năng khiếu về âm nhạc, khả năng ấy không hẳn để trở thành nghệ sĩ, nhưng sẽ đủ để yêu, để rung động với những thanh âm bởi âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc.
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh và nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh luôn tâm niệm âm nhạc chính là giá trị vô hình để mỗi người có một tâm hồn “sung túc”. Khi làm việc với các em nhỏ, cô nhận ra rằng trong âm nhạc, không chỉ cần dạy cho trẻ biết đây là nốt đen, kia là nốt trắng mà còn phải làm sao để chúng yêu những nốt nhạc ấy. Yêu vì cảm nhận được vẻ đẹp của giai điệu, yêu vì biết thể hiện được nốt nhạc trong câu hát ngân nga, yêu vì biết sáng tạo ra một âm giai của riêng mình và yêu vì qua âm nhạc mà rung động với vẻ đẹp của cuộc sống...
“Cách đây 4 năm, tôi có cơ hội được lên Mèo Vạc, Hà Giang và đã cùng các bạn nhỏ người Mông dựng một vở nhạc kịch, nhân vật chính là một bạn nhỏ tự lấy tên là Tảng Đá. Tôi hỏi con tại sao lại lấy cái tên đó, con nói rằng ở cao nguyên này, dù nắng hay mưa, Tảng Đá cũng rất mạnh mẽ. Con muốn mạnh mẽ để bảo vệ mẹ, bởi vì mỗi khi bố say rượu, bố thường hay đánh mẹ, bố còn nói không cho con đi học nữa. Vở nhạc kịch ngày hôm ấy, chúng tôi đã rất mong bố mẹ của Tảng Đá có thể tới nghe em hát và cảm nhận được nỗi đau, niềm khát khao được đi học của em. Nhưng rất tiếc là họ đã không tới. Ở những phút cuối, Tảng Đá đã hát một bài bằng tiếng Mông, mà như em nói với chúng tôi, con đã hát và khóc cùng với mưa. Lời bài hát dịch ra như thế này: “Bố ơi, mùa xuân đến, cỏ cây còn thay lá, thế mà bố cứ uống rượu thì bao giờ chúng con mới có được cuộc sống mới”. Tôi đã khóc và mọi người cũng khóc, một phần vì cảm giác bất lực. Nhưng rồi, chính Tảng Đá lại là người an ủi khi nói, cô ơi, ở cao nguyên đá, cô chỉ cần nhìn xuống thung lũng kia thôi, ở trong cơn mưa có rất nhiều cầu vồng”, Trang Trịnh xúc động nhớ lại.
Cũng trong một chia sẻ, nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc nhớ lại câu chuyện về người thầy âm nhạc dạy anh hồi du học ở Mỹ. Hôm ấy, sau rất nhiều công việc, anh hớt hải chạy về và trả bài bằng bản sonata của Franck. Được 2-3 câu thì thầy yêu cầu dừng lại: “Khi em vào phòng này chơi nhạc, tư duy của em phải thay đổi, đừng như thế giới kia. Việc chơi nhạc với em phải là sự vinh hạnh, là điều em cảm thấy thật may mắn”. Bình thường, các buổi trả bài trước, thầy sẽ nói rõ thầy muốn gì, câu cú, âm sắc phải thế nào... Nhưng lúc ấy thầy chỉ nói: Hãy chơi một âm thanh đẹp nhất mà em có thể làm được. “Bỗng nhiên lúc ấy, sau cả một ngày vội vã, tôi chững lại. Và tôi nhớ về lý do tại sao mình đã bắt đầu, đã lựa chọn với âm nhạc”, anh bồi hồi kể.
“Sống trong âm nhạc như một vinh hạnh”, đó là bài học mà nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc nhận ra trong câu nói của thầy, đến giờ vẫn cứ vang lên trên con đường âm nhạc của anh. Với các nghệ sĩ, âm nhạc là một phần rất lớn của đời sống. Mỗi phút giây biểu diễn trên sân khấu là một thời khắc vô cùng giá trị, một lăng kính khác để nhìn vào cuộc đời. Nhưng thứ năng lượng vô hình truyền trong không gian ấy, cái cảm giác cả vũ trụ im lặng để chờ một thanh âm, lắng nghe hơi thở của âm nhạc ấy dường như đã biến hóa thành mối rung cảm của con người trước những gì xung quanh. Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc nhận định: “Khi biết nâng niu âm nhạc thì sự nâng niu đó là cuộc sống của ta chứ không còn là âm nhạc nữa”.
Còn với Trang Trịnh, có lẽ âm nhạc khiến ta nghĩ rằng, nếu như ta sống hằng ngày như cách ta sống trong sự rung động cùng với âm nhạc thì sẽ tuyệt vời biết bao. Đó chính là ô cửa sổ để âm nhạc nhìn vào đời sống. Âm nhạc như một người bạn, thỉnh thoảng, người bạn ấy sẽ vỗ vai mình nói rằng: Chuẩn bị đi qua ranh giới rồi đấy. Để rồi, tôi lại giật mình nhận ra sự tử tế của cái đẹp. Không phải vẻ đẹp của sự hoàn hảo, mà là vẻ đẹp của sự phản tỉnh. Âm nhạc làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nữ nghệ sĩ càng tin vào con đường đã chọn, con đường “xây dựng một xã hội với những tâm hồn sung túc”.
(Nguồn: http://baovanhoa.vn/)