Những âm thanh không phải của Chúa

25/06/2020

Một chiếc đĩa than giống như một khối ký ức được sao lưu lại bằng âm thanh, khi nghe một chiếc đĩa than, người ta có cảm tưởng như nó là một hố đen kéo ta trôi tuột về quá khứ, đúng vào thời điểm khi thứ âm nhạc ấy ngân nga từ cổ họng người ca sĩ hay từ ngón đàn điêu luyện của người nhạc công. Thứ âm thanh kiểu thế, một bản ghi âm nhạc số không thể nào có được.

Hồi tháng 2, trên tờ New Yorker có đăng tải một truyện ngắn mới của Haruki Murakami.

Truyện ngắn với tựa đề: With the Beatles - cũng là tên album thứ hai trong sự nghiệp của ban nhạc The Beatles và trong câu chuyện nhuốm màu hoài nhớ quá khứ của Murakami, có một hình ảnh cứ thấp thoáng trở đi trở lại, không liên quan gì tới cốt truyện chính nhưng lại là biểu trưng cho cái phần bất tử của những gì đã qua: đó là hình ảnh một cô gái 16 tuổi dạo bước trên hành lang trường trung học, gấu váy rung rinh, tay ôm khư khư chiếc đĩa than With the Beatles trong ngực, “giữ thật chặt như thể cả cuộc đời cô trông mong vào nó”.

Tôi cứ nghĩ rằng hình ảnh đó đẹp không chỉ bởi The Beatles là ban nhạc của tuổi trẻ và tình yêu mà còn bởi đó là một chiếc đĩa than. Nếu nó là một chiếc iPod hay một đôi tai nghe thì nó đã không đẹp như vậy (dẫu vào thời câu chuyện diễn ra chưa có những thứ này nhưng cứ giả sử thế). Một chiếc đĩa than giống như một khối ký ức được sao lưu lại bằng âm thanh, khi nghe một chiếc đĩa than, người ta có cảm tưởng như nó là một hố đen kéo ta trôi tuột về quá khứ, đúng vào thời điểm khi thứ âm nhạc ấy ngân nga từ cổ họng người ca sĩ hay từ ngón đàn điêu luyện của người nhạc công. Thứ âm thanh kiểu thế, một bản ghi âm nhạc số không thể nào có được.

Để hiểu sự khác biệt giữa kỹ thuật thu analog trong những chiếc đĩa than và kỹ thuật thu số, ta hiểu đơn giản rằng analog ghi lại chính xác những bước sóng âm và vì thế truyền tải chính xác âm thanh như nó vốn là. Còn kỹ thuật số sử dụng thuật toán nhị phân và âm thanh của nó thực chất là một tổ hợp những đoạn số 0-1 nối tiếp nhau, để rồi máy tính sẽ tái hiện lại âm thanh tương ứng.

Bạn nghe The Beatles qua nhạc số cũng giống như là nghe một chiếc máy tính đang mô phỏng lại âm nhạc của bộ tứ mà thôi. Dẫu cho những chiếc đĩa than sẽ ghi lại cả những trúc trắc, bất hoàn hảo nhưng cuộc đời vốn là bất hoàn hảo, không phải vậy sao?

Chỉ là, khi đĩa than ngày càng thu hẹp đối tượng khán giả và được coi như một cổ vật cho những người chơi sành sỏi, nhạc số ngày một phổ biến hơn và phần lớn chúng ta giờ đây đều nghe nhạc số.

Là một người dùng trung thành của Spotify - một ứng dụng streaming nhạc số nổi bật nhất hiện nay, tôi phải nói rằng Spotify rất tuyệt vời. Một kho nhạc khổng lồ với những thuật toán ưu việt. Nhờ có Spotify, tôi "khai quật" được những nghệ sĩ và những album mà mình chưa từng biết. Spotify đã gợi ý cho tôi những bản nhạc của con trai Bach, danh sách những bản nhạc jazz quan trọng nhất trong 80 năm qua do hãng đĩa Blue Note phát hành, hay gần đây là Tift Merritt - một ca/nhạc sĩ không quá tên tuổi nhưng được mệnh danh như truyền nhân của Joni Mitchell.

Với mức phí chỉ bằng một ly trà sữa một tháng, Spotify dường như là một phát minh vĩ đại dành cho những người yêu nhạc. Tôi đón đợi mục Khám phá mỗi tuần mà Spotify dành riêng cho mình vào mỗi sáng thứ Hai.

Cảnh trong phim “A quiet place”.

Và nói thực lòng, tôi vẫn có thể nghe một bản Ballade của Chopin qua Spotify mà rưng rưng nước mắt, bất chấp việc huyền thoại âm nhạc Neil Young nói rằng, khi bạn nghe nhạc sống hay những bản ghi âm chất lượng cao trong những chiếc đĩa than, bạn chìm đắm trong đó, bởi vì “nó nghe như là âm thanh của Chúa”. Còn Spotify thì không. Hay nói rộng hơn, âm nhạc số thì không.

Suốt nhiều năm trời, Neil Young chấp nhận làm một “chiến binh” cô độc đấu tranh bảo vệ vẻ đẹp của những bản ghi âm analog. Một dạo, ông xóa sổ tất cả thư viện âm nhạc của mình trên các ứng dụng nhạc số trực tuyến, từ Apple Music đến Spotify, với lí do những trang nhạc này có “chất lượng tồi tệ nhất lịch sử”. Ông có một mối cuộc tranh cãi nổi tiếng với Steve Jobs, người tiên phong cho trào lưu nhạc số.

Steve Jobs, nhà sáng lập thiên tài của Apple, chính là người đã tạo ra iPod. Ông làm iPod với hoài bão giúp mọi người có thể bỏ âm nhạc vào túi, đi tới đâu cũng có âm nhạc theo cùng. Và kho nhạc số iTunes của Apple tuy đã bị khai tử được mấy năm nhưng nó chính là một trong những bước ngoặt trong lịch sử nghe nhạc của con người, là tiền thân của những ứng dụng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất ngày nay.

Trong khi iPod trở thành món hàng bán đắt như tôm tươi, có một người từ chối sử dụng nó, là Neil Young. Căm ghét nhạc số, Neil Young chê iPod thậm tệ, khiến Jobs tức giận vô cùng đến mức mà dù Young có làm hòa trước bằng cách nhờ một người quen tặng Jobs bộ đĩa than ghi âm toàn bộ các ca khúc của mình, Jobs không nhận mà chỉ đáp: “Kệ xác Neil Young, kệ xác đống đĩa của ông ta, anh cữ giữ lấy chúng đi”.

Minh họa cho truyện ngắn của Murakami trên New Yorker.

Điều trái khoáy nằm ở chỗ, Steve Jobs là một người sành sỏi về analog và đĩa than. Steve Jobs sở hữu một bộ sưu tập đĩa than đồ sộ. Ông đam mê âm nhạc thực thụ, thậm chí còn coi The Beatles là mẫu hình kinh doanh lý tưởng nhất. Khi thiết kế cho chiếc máy tính NeXT, ông đặt ra một yêu cầu đặc biệt rằng bề mặt của nó phải cao cấp với bề mặt tựa như làm bằng titan của những chiếc đầu đĩa than trị giá 4.000 USD. Và Steve Jobs hẳn, hơn ai hết, hiểu rằng chất lượng của nhạc số không thể nào so sánh với những chiếc đĩa than. Chúng ta đồ rằng bản thân Jobs chẳng xài tới iPod mấy khi. Nhưng, nhạc số dường như là một sự phát triển tất yếu khó tránh khỏi.

Nếu không có nhạc số, liệu ta có thể nghe nhiều âm nhạc đến thế? Những chiếc đĩa than quá đắt đỏ so với mặt bằng chung xã hội, khó sử dụng và không thể mang theo mình. Khi con người ngày càng di chuyển nhiều hơn, họ cần mọi thứ đều cất được trong túi quần. Không phải người nghe không nhận ra sự khác biệt giữa đĩa than và nhạc số nhưng nhạc số quá tiện lợi và quá rẻ.

Nhưng, rẻ lại là một câu chuyện khác nữa. Trong lịch sử, rất nhiều nhạc sĩ từng sống trong cảnh bần hàn. Như Stephen Foster, người được mệnh danh như “cha đẻ của âm nhạc Mỹ”, “nhạc sĩ nổi tiếng nhất thế kỷ 19”, người sáng tác khoảng hơn 200 ca khúc trong sự nghiệp và trong số đó có những bản nhạc đi cùng năm tháng như Oh! Susanna, My Old Kentucky Home.

Ở tuổi 37, Foster cắt cổ tay của mình, chỉ còn 38 cent trong túi áo và một mảnh giấy nháp ghi vội “những người bạn và những trái tim dịu dàng yêu mến”. Một số bản nhạc của ông như Hard times come again no more (mà sau này được Bob Dylan, Emmylou Harris, Nancy Griffith ghi âm lại) nói về cảnh nghèo khổ cùng cực của mình.

Ta những tưởng chuyện đó sẽ không còn lặp lại. Sự phát triển của ngành công nghiệp ghi âm đem tới một cuộc sống tốt hơn cho những nhạc sĩ. Cựu thành viên The Beatles là Paul McCartney trở thành tỉ phú âm nhạc đầu tiên trên thế giới. Mới đây, rapper Kanye West cũng trở thành tỉ phú dù mới ngoài 40. Nhưng, trong số tài sản của họ chẳng mấy đến từ nhạc số.

Một giám khảo của American Idol, một nhạc sĩ lâu năm trong nghề là Kara Dioguardi từng kể lại rằng: “Tôi đến một bữa tiệc và nghe nhạc của một người bạn, rồi tôi nhận ra rằng đó là nhạc trực tuyến. Và tôi nghĩ, Chà, tệ thật, bởi tôi biết những nhạc sĩ không được trả công xứng đáng”. Một lượt stream trên mạng chỉ đem về cho nghệ sĩ 1/1.000 của 1 cent. Nhưng khi thính giả đều chuyển sang các dịch vụ trực tuyến, nghệ sĩ muốn nổi tiếng hoặc duy trì sức hút không có cách nào ngoài việc “bán rẻ” sản phẩm của mình.

Khoảng 75% những người sử dụng các dịch vụ trực tuyến sử dụng gói miễn phí, chấp nhận bị làm phiền bởi quảng cáo còn hơn là mua nhạc. Nói rằng âm nhạc miễn phí đang giết chết âm nhạc là điều gì đó hơi quá nhưng đúng là nó đang mang đến những thay đổi quá lớn và đó là những thay đổi không có cách nào để Ctrl-Z, chỉ có thể chấp nhận.

Hãy nhìn Neil Young. Ông từng nỗ lực tới mức sáng tạo ra một trang nghe nhạc trực tuyến chất lượng cao riêng những mong cứu lấy âm nhạc nhưng cuối cùng thì, sau 2 năm cắt toàn bộ nhạc trên các ứng dụng tồi tệ khác, ông lại đưa âm nhạc của mình trở lại.

Nhìn theo một khía cạnh lạc quan hơn, tôi nhớ trong bộ phim A quiet place (Vùng đất im lặng) về một thế giới hậu tận thế trong đó con người bị săn lùng bởi những con quái vật có đôi tai thính nhạy. Và để sống sót, họ phải im lặng tuyệt đối. Có một cảnh phim khi đôi vợ chồng nhà kia khiêu vũ trong bóng tối, người chồng đã chế ra một đôi tai nghe để họ có thể nghe lại một bản nhạc êm đềm của Neil Young.

Trong thế giới ấy, một chiếc đĩa than sẽ chỉ đem lại điềm chết chóc, âm nhạc chỉ có thể đến với con người qua nhạc số mà thôi. Nhạc số không có được thứ âm thanh như đến từ Chúa trời,nhưng chính nhạc số đã cứu rỗi đời sống của họ.

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...