Quy định về quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc từng bước đi vào đời sống

05/05/2020

Hiện nay, quy định về Quyền tác giả tại Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã từng bước đi vào đời sống, người sử dụng tác phẩm đã nhận thức được nghĩa vụ phải xin phép, trả tiền để sử dụng quyền tác giả theo quy định, tuy nhiên việc thực hiện còn chưa đồng bộ, nghiêm túc, còn mang yếu tố đối phó hoặc biết nhưng né tránh, thiếu hợp tác…

Bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” là một trong các trường hợp gặp rắc rối về bản quyền ca khúc sử dụng trong phim

Đó là nhận định của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Tăng cường bảo vệ quyền tác giả

Năm 2019, VCPMC đã thu được trên 133 tỉ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc ở các lĩnh vực, tăng 28% so với năm 2018. Đến thời điểm này, Trung tâm đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc)…

Hiện tổng số thành viên ký hợp đồng ủy quyền tại VCPMC đã lên đến trên 4.200 tác giả. Trung tâm cũng tích cực thực hiện hỗ trợ và tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định. 

Trong lĩnh vực âm nhạc trực tuyến, Trung tâm tăng cường rà soát, phát hiện các kênh YouTube và link vi phạm quyền tác giả để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả (đối với quyền sao chép) khi phát hành trực tuyến; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc khai thác trên YouTube, đảm bảo tối đa lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Về sử dụng âm nhạc trên mạng xã hội Facebook, VCPMC đã đàm phán thành công và ký kết hợp đồng với Facebook về việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại lãnh thổ Việt Nam, hiện nay đang tiến hành đối soát dữ liệu tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên Facebook, dự kiến sẽ tiến hành phân phối đến tác giả thành viên vào kỳ chi trả quý II năm 2020.

Có tình trạng đánh tráo khái niệm, gây ngộ nhận cho người sử dụng

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay, hiện nay, theo thống kê của VCPMC cũng như theo phản ánh từ các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra tập trung ở các lĩnh vực: Biểu diễn nghệ thuật, hoạt động biểu diễn công cộng hoặc sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ, mua sắm; lĩnh vực truyền đạt, sao chép tác phẩm trên các ứng dụng, website âm nhạc, mạng xã hội và lĩnh vực truyền hình…

“Số lượng các vụ việc xâm phạm quyền tác giả, cụ thể là hành vi sử dụng tác phẩm nhưng không xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả hiện Trung tâm đang xử lý, báo cáo vi phạm hoặc khởi kiện là hàng trăm vụ việc, ở mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thông tin và cho biết thêm. Điển hình là các chương trình biểu diễn, các hình thức phân phối, kinh doanh bản ghi, với cách đánh tráo khái niệm “phân phối bản quyền” gây ngộ nhận cho người sử dụng, nhưng chưa thực hiện xin phép, trả tiền quyền tác giả.

Bởi, loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền (sử dụng tác phẩm âm nhạc thông qua bản ghi âm, ghi hình, các phương tiện truyền tải… tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị, cửa hàng…) nhiều đơn vị sử dụng đến nay vẫn né tránh, chưa tự nguyện, tự giác thực hiện. Ngoài ra còn có tình trạng một số đơn vị kinh doanh, khai thác bản ghi đã vận dụng Điều 33 Luật SHTT để thuyết phục khách hàng của họ, gây nhầm lẫn về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan cũng như cách hiểu chưa đầy đủ về điều luật này. Điều 33 Luật SHTT quy định: “Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao” để cho rằng không cần phải thực hiện xin phép quyền tác giả, trong khi Điều 18, Điều 20 Luật SHTT đã quy định rõ các quyền tài sản thuộc quyền “độc quyền thực hiện” của tác giả, tổ chức/cá nhân khi sử dụng có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao. Tình trạng này đã kéo dài và gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến nhận thức của nhiều đơn vị sử dụng, đặc biệt là các hệ thống kinh doanh lớn. Do đó, nguồn thu tác quyền từ các lĩnh vực sử dụng nhạc nền trong năm 2019 đã bị giảm đáng kể, trực tiếp thiệt hại đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tác giả. 

(Nguồn: http://www.baovanhoa.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...