Thơ Lê Ngọc Nam - Nguồn cảm hứng cho nhạc
Suốt dặm dài lịch sử của dân tộc, song hành cùng những bài ca cách mạng, trong ký ức bao người vẫn khắc sâu dấu ấn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ trữ tình của các nhà thơ tài hoa. Khá nhiều thi sĩ đã âm thầm truyền cảm hứng cho các tác giả phổ nhạc từ các bài thơ, trong số đó tại Đà Nẵng có thơ không chuyên của Lê Ngọc Nam. Ra đời nơi miền quê hạ lưu ven sông Thu, thời niên thiếu cậu bé Lê Ngọc Nam gắn bó với rừng dừa nước Bảy Mẫu ven sông Hoài, vùng đất Hội An, từng chở che bao chiến sĩ kiên cường hoạt động cách mạng. Từ thời thơ bé anh đã sớm đối mặt với chiến trường Quảng Đà khốc liệt, anh đã tham gia liên lạc bí mật rồi thoát ly gia đình, vào đội trinh sát an ninh vũ trang tỉnh Quảng Đà, làm giao liên ở Thị ủy Hội An.
Trên dặm dài trường chinh quên mình đấu tranh dũng cảm ấy có nhiều kỷ niệm không thể nào quên và góp nhặt vào hành trang cuộc đời của anh thêm phong phú. Đó là những năm tháng sống trong vùng địch tạm chiếm anh đã từng đi trinh sát cùng nhiều chiến sĩ kỳ cựu và đã từng cùng nhà văn Chu Cẩm Phong về vùng ven thị xã Hội An đầy khó khăn ác liệt... rồi may mắn thoát chết thần kỳ, nhiều lần chứng kiến bao đồng đội thân yêu hy sinh, hình ảnh đau thương ấy đã khắc ghi sâu đậm trong tâm tưởng anh suốt cả cuộc đời thể hiện qua các dòng thơ: “Chúng mình đã qua một thời bom đạn, một thời gian khổ/ Đứa nằm đây đứa ở nơi nào, đứa nằm đây, đứa ở nơi nao...” được nhạc sĩ Minh Đức phổ nhạc thành ca khúc Về thăm đồng đội hoặc cảm xúc tuôn trào khi nhạc sĩ Đình Thậm khi chạm vào những vần thơ đau xót từ bài thơ Đón các anh về của anh: “Hơn 30 năm xin đón các anh về/ Ước mong bấy lâu nay mới trọn câu thề /Về với quê mình trăm mến ngàn thương/ Về với quê hương cho mẹ già vơi nỗi nhớ...”.
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, anh từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Công an TP Đà Nẵng rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND. Sau khi giã từ quân ngũ, đảm nhận cương vị Cố vấn Tổng biên tập báo CAND và Truyền hình CAND-ANTV, hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Trung tướng Lê Ngọc Nam vẫn với phong cách dung dị, thân thiện, hoài niệm về quê hương, đồng đội và tâm huyết cảm tác nên những vần thơ sâu lắng chân thực, chứa chan nguồn cảm hứng bất tận cho các nhạc sĩ. Bên cạnh những câu thơ tưởng niệm về đồng đội và các liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho tổ quốc quyết sinh, anh còn ngợi ca quê hương thân thương với những bài thơ được các nhạc sĩ chuyên nghiệp tài năng trong cả nước đồng điệu phổ nhạc thành những ca khúc sâu lắng, trong sáng, giàu hình tượng theo thủ pháp giản đơn song có tính thẩm mỹ cao. Có thể điểm qua những trường hợp khác nhau mà mỗi nhạc sĩ từ ba miền Bắc, Trung, Nam phổ nhạc cho thơ anh đều có nét riêng.
Nhạc sĩ Trọng Đài thì bị thuyết phục bởi các câu thơ chân chất, giàu nhạc điệu trong một dịp bắt gặp bài thơ Thăm một vùng quê và anh đã dành thời gian phổ nhạc thành ca khúc cùng tên thật trong sáng tin yêu:
Anh đưa em về thăm một vùng quê
Nơi có hàng cau, bờ tre sông nước
Nơi dẫu đã qua một thời đạn lửa
Vết bom vẫn hằn sâu trong mỗi gốc dừa”...
Nhạc sĩ Vũ Thiết trong một lần tiếp cận nhà thơ Lê Ngọc Nam, đã hoàn toàn bị lôi cuốn bởi những tứ thơ giàu nhạc điệu để sáng tác nên ca khúc Hà Nội chiều bên sông với âm hưởng dân ca xứ Quảng mộc mạc, chân chất.
Chiều bên sông gió lộng
Ta bên nhau chung chén rượu nồng
Có người lính suốt một đời trận mạc
Vẫn mãi đi tìm câu hát lý thương nhau
Hà nội ơi, chiều bên sông thương nhớ đầy vơi.
Vũ Trung, nhạc sĩ đồng nghiệp từ vùng dất Tây Sơn, Bình Định đã cảm nhận những ý thơ giản dị hiền hòa khi tình cờ đọc thơ anh, để thể hiện ca khúc Về bến sông xưa tràn đầy suy tưởng, hoài niệm.
Nay tôi về với bến sông xưa
Của tuổi thơ một thời nhung nhớ
Con sông quê bên bồi bên lở
Chảy trong tôi không biết tự bao giờ.
Còn nhạc sĩ Cát Vận đã xúc cảm trào dâng khi lắng nghe những vần thơ khắc họa phong cảnh Đà Nẵng của Lê Ngọc Nam để rồi anh nhanh chóng hoàn thành ca khúc Tôi Yêu thành phố cánh cung biển.
Thành phố tôi yêu bên bờ biển Đông
Như cánh chim trời ôm bờ cát trắng
Sừng sững Sơn Trà lao về phía trước
Bến cảng Tiên sa sóng vỗ những con tàu.
Rồi nhạc sĩ Karl – Lam từ miền cao Tây nguyên cũng đồng điệu cảm tác nên ca khúc Về cao nguyên, nhạc sĩ Hoàng Cường, trong đợt sáng tác khí nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, ngay lần đầu gặp anh đã cảm nhận bài thơ Câu chuyện ngày xưa và phổ nhạc thành ca khúc cùng tên bài thơ.
Không thể không nhắc tới hai nhạc sĩ Đà Nẵng có nhiều ca khúc phổ thơ Lê Ngọc Nam là Minh Đức với bốn ca khúc: Về thăm đồng đội, Đêm Mê Kông, Hội An thương nhớ, Phố biển yêu thương; Đình Thậm có bốn ca khúc: Đón các anh về, Tìm lại lối về, Lá rơi, Còn đâu bờ để vỗ sóng ơi.
Phần lớn là những ca khúc sâu nặng nghĩa tình dù với cung trưởng hay thứ cùng những giai điệu khác nhau đều có chất lượng nghệ thuật cao, dễ đi vào lòng người nên có sức lan tỏa sâu rộng trong công chúng. Chính vì thế, hầu hết các ca khúc này đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng danh giá hằng năm. Đây là niềm khích lệ lớn lao, là động lực cho Lê Ngọc Nam tiếp tục sáng tác.
Tất cả nỗi lòng của mình được anh gửi gắm trong CD Về bến sông xưa và Hồi ký Chuyện đời tự kể được trao giải nhì trong cuộc thi về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (năm 2010-2015) do Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Công an đồng tổ chức. Nhiều năm qua, anh vẫn quan tâm tổ chức những cuộc gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ thân quen trong cả nước dù ở Hà Nội hay Đà Nẵng... để lắng nghe những tác phẩm mới của họ và rồi anh lại xúc động cùng các tác giả phổ thơ say sưa ngân vang những khúc hát từ các bài thơ được phổ nhạc thật thăng hoa làm lay động tận cùng sâu thẳm trái tim người nghe về những năm tháng sinh tử trong chiến tranh, về vị ngọt hạnh phúc trong hòa bình. Tấm lòng ấm áp ấy được nhiều nhạc sĩ gần xa ngoài Bắc, trong Nam yêu mến trân quý, mỗi lần đến Đà Nẵng họ đều đến thăm anh. Và mới đây, nhằm ghi dấu về những kỷ niệm đáng nhớ về tình bạn thắm thiết với anh suốt 50 năm qua, nhạc sĩ Võ Đăng Tín từ thành phố Hồ Chí Minh đã cảm tác ca khúc Bạn tôi ưu ái riêng tặng anh. Ca khúc này đã được Tạp chí Non Nước của Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng đăng tải và được bạn đọc đón nhận ưu ái.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã từng dành cho Lê Ngọc Nam những lời lẽ đầy chân tình, trân trọng khi viết lời giới thiệu cho tập ca khúc phổ thơ Quê hương - Đồng đội - Tình yêu khi anh mới trình làng: “Những bài thơ của anh đã được chắp cánh bay bởi tài năng của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, những giai diệu đậm đà dân ca, hòa quyện với ca từ mộc mạc, chân thành đã làm nên các bài ca giản dị gần gũi, xúc động lòng người”./.