Khát nhạc sĩ hàn lâm
Trong khi số lượng người sáng tác theo dòng nhạc thị trường “mọc lên như nấm”, thì số lượng người sáng tác nhạc hàn lâm như giao hưởng, thính phòng, cổ điển... lại rất ít ỏi.
Hấp lực của showbiz
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nằm trong số ít những nhạc sĩ đương thời sáng tác khá đều tay tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc, hay tác phẩm thanh nhạc cho những nghệ sĩ theo dòng nhạc thính phòng cổ điển. “Thời trước thì có nhiều, còn bây giờ hiếm những nhạc sĩ trẻ theo đuổi sáng tác ca khúc thính phòng cổ điển. Bởi thế, những nghệ sĩ thính phòng cổ điển muốn làm đĩa hay MV với tác phẩm mới cũng rất khó. Trong khi, ca sĩ nhạc nhẹ hay theo phong cách âm hưởng dân gian... có thể tìm rất nhiều bài hát vì có rất nhiều tác giả viết”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói.
Bên cạnh đó, có một thực tế là số lượng sinh viên theo học chuyên ngành sáng tác tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đang giảm đi. Cách đây 5 năm, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân (Tổ trưởng bộ môn sáng tác, Khoa Sáng tác - chỉ huy - âm nhạc học, Học viện Âm nhạc quốc gia VN) đã lên tiếng về thực trạng này. Cho đến giờ, câu chuyện ấy vẫn chưa có gì thay đổi. Năm vừa qua, tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN chỉ có 6 sinh viên theo học bậc đại học ngành sáng tác. Hiện tại, số lượng sinh viên học ngành sáng tác của cả khoa cũng chưa vượt quá con số 20.
“Ngành sáng tác âm nhạc ở nước ngoài không phải không có khó khăn, nhưng ở mình thì càng nhiều khó khăn hơn”, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nhìn nhận. Theo nhạc sĩ, một trong những khó khăn lớn nhất là do không có chính sách hỗ trợ từ nhà nước cho đến tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan, cũng cần nói đến nguyên nhân chủ quan là chất lượng của sinh viên. “Bản thân nhiều em không chăm học. Thêm nữa là hầu hết các em đang chạy theo V-pop, K-pop để tìm kiếm sự nổi tiếng, trở thành ngôi sao”, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nhận xét và cho hay: “Để viết một tác phẩm giao hưởng, hay tác phẩm cho nhạc cụ lại cần phải học nhạc cụ mất nhiều công sức, nên nhiều em chọn viết nhạc rồi hát là xong”.
Chúng ta cần tạo ra đời sống âm nhạc đa dạng, chứ chỉ có âm nhạc đại chúng với những xu hướng âm nhạc chỉ toàn những cái “na ná” thì rất đáng tiếc cho nền nghệ thuật chuyên nghiệp
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhiều nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp sau khi ra trường thường chọn sáng tác nhạc trẻ, nhạc thị trường - những con đường thường dễ dàng hơn, hoặc chọn làm những công việc khác để tồn tại. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân thì cho rằng, nếu kiên định đi theo con đường sáng tác tác phẩm âm nhạc hàn lâm vẫn có thể tồn tại được. “Vì khó nên ít người làm, do đó mình làm được thì lại càng quý”, nhạc sĩ lý giải. Tuy vậy, hầu hết sinh viên ra trường chỉ thích đi theo xu hướng nhạc thị trường vì hấp lực của showbiz.
Ca sĩ Đăng Dương trong liveshow Mặt trời của tôi, trong đó có những tác phẩm phong cách thính phòng cổ điển VN (Ảnh: NSCC)
Thiếu nơi biểu diễn
Mặc dù không thể phủ nhận những cám dỗ về mặt lợi nhuận hay danh tiếng khi đi theo âm nhạc thị trường, nhưng nói qua thì cũng phải nói lại, những nhạc sĩ theo con đường sáng tác âm nhạc mang tính hàn lâm, nôm na là những nhạc sĩ “chính thống” phải chịu không ít khó khăn để làm nghề, trước hết là việc giới thiệu tác phẩm của mình. “Trong trường nhạc chuyên nghiệp, ngành sáng tác đào tạo việc sáng tác khí nhạc bài bản. Có điều, các nhạc sĩ luôn phải đặt câu hỏi cơ hội để họ phát triển tiếp. Những sáng tác của họ để làm gì, có thể trình diễn ở đâu”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.
Hiện tại, VN còn quá ít dàn nhạc, cũng như nhóm chơi nhạc đương đại, hay những tác phẩm tự sáng tác. Bên cạnh đó, những tác phẩm lớn như tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc, opera, nhạc kịch... cần có sự hỗ trợ mới có cơ hội đến với công chúng bởi kinh phí dàn dựng lớn. Trong khi nhiều chương trình nếu có được hỗ trợ tổ chức thường chọn giới thiệu những tác phẩm đã quá kinh điển của thế giới. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho rằng, ở mặt nào đó, việc này không có tác dụng cho giới sáng tác trẻ, cho người làm công việc sáng tác chuyên nghiệp, khuyến khích cho âm nhạc nội địa. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, những chương trình, liên hoan giới thiệu những tác phẩm âm nhạc giao hưởng, thính phòng, cổ điển, bán cổ điển... của nhạc sĩ VN hiện nay mới chỉ như “muối bỏ bể”.
Theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, sự hỗ trợ lớn nhất với việc sáng tác những tác phẩm âm nhạc kể trên là sự hưởng ứng của khán giả, bắt đầu từ việc tìm đến xem các chương trình. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhà nước vẫn cần có chính sách hỗ trợ, bên cạnh đó các đơn vị biểu diễn, đào tạo có thể chủ động đề xuất, hoặc tự thực hiện theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” các chương trình định kỳ giới thiệu tác phẩm mới đến với công chúng.
“Chúng ta cần tạo ra đời sống âm nhạc đa dạng, chứ chỉ có âm nhạc đại chúng với những xu hướng âm nhạc chỉ toàn những cái “na ná” thì rất đáng tiếc cho nền nghệ thuật chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Quang Long bày tỏ.
(Nguồn: https://thanhnien.vn/)