Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh: bao giờ mới có Nhà?

17/10/2019

Ngược dòng thời gian…

Là người con trong một gia đình nghệ thuật, là một công dân của TP Hồ Chí Minh, tôi may mắn được là “nhân chứng sống” và là “bạn tâm giao” của ba tôi trong nhiều sự kiện đáng nhớ của TP Hồ Chí Minh, một trong những sự kiện đó là:

Năm 1990, khi tôi mới tốt nghiệp từ Nga về, ba tôi (GS.TS-NSND Quang Hải) khi đó đang là Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó chưa dời ra Hà Nội làm việc mà còn sống ở đường Tú Xương Q.3, sau rất nhiều lần làm việc, một hôm, ông Võ Văn Kiệt đã tới nhà gặp ba tôi và nói: “Với kinh nghiệm từng là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng – Hợp xướng - Nhạc Vũ kịch Việt Nam(1971-1975) và Giám đốc Nhạc viện lâu năm(1975-1991 khi đó), anh hãy viết cho tôi Đề án xây dựng và thành lập Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh. Tôi đã ký quyết định dời Nhạc viện TP Hồ Chí Minh về cơ sở Trường La San Taberd…” (nay là trường THSP thực nghiệm - cổng Nguyễn Du Q.1 và trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa - cổng Lý Tự Trọng Q.1). Thế là, với sự háo hức vô biên, ba tôi đã thức nhiều đêm để sớm hoàn tất bản Đề án với những phân tích rất tỷ mỷ từ tên gọi của Nhà hát đến những giải trình về tính “hợp tác liên thông” giữa Nhạc viện sẽ là “đầu vào” và Nhà hát là “đầu ra” với những chiến lược lâu dài…, thì ông Võ Văn Kiệt phải chuyển luôn ra Hà Nội sống và làm việc.

 

GS.TS-NSND Quang Hải

 

GS.TS-NSND Quang Hải cùng DNGH & HX Nhạc viện TP Hồ Chí Minh 1996 tại Nhà hát Hòa Bình

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, bản Đề án thì đã nộp, quyết định “dời đô” của Nhạc viện thì không thấy đâu… nhưng Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh thì đã được thành lập theo Quyết định số 955/QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, ký ngày 21/6/1993 với tên gọi ban đầu là “Nhà hát Giao hưởng và Thính phòng”, sau đổi thành “Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP Hồ Chí Minh”. Ngày 09/9/2006 được sự chấp thuận của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Sở Văn hóa thông tin TP Hồ Chí Minh, Nhà hát được đổi tên thành:“Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh” (theo đúng đề xuất ban đầu của ba tôi) nhưng mãi tới nay vẫn chưa có Nhà(?!). Còn ba tôi, bao nhiêu công sức lại dồn cho việc viết Đề án xây dựng Phòng hoà nhạc mới của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Ngày khánh thành Phòng hoà nhạc ai cũng vui mừng vì khán phòng có Acouctic được cho là hoàn chỉnh nhất tại Việt Nam thời bấy giờ (1995-1996) nhưng ba tôi vẫn luôn day dứt một điều: “Xây Phòng hoà nhạc mất 8 tỷ, ba xin thêm 1 tỷ xây hầm để xe mà không được…tiếc quá! Phải chi…”

 

 

Nhạc viện TP Hồ Chí Minh trước 1975 đến 1994

Văn hoá âm nhạc tại TP Hồ Chí Minh đang ở “trình độ” nào?

Năm 2002, sau khi tới dự Live Concert thứ 2 của tôi có tên “Giai điệu Nga”, một người bạn Mỹ đã hỏi: “Dân số tại TP Hồ Chí Minh hiện nay là bao nhiêu?” Tôi trả lời: “ Khoảng trên dưới 8 triệu dân”. Ông hỏi tiếp: “Vậy Thành phố của bà có bao nhiêu Nhà hát Opera và Dàn nhạc Giao hưởng?”. Tôi trả lời: “Tính đến thời điểm này thì chỉ có 1 Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh mà quân số khi đó đa phần là từ giáo viên và sinh viên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Nhà hát vẫn “chưa có địa điểm cố định” và chỉ hoạt động 1 lần/tháng…”. Người bạn Mỹ tròn xoe mắt ngạc nhiên.

Năm 2017, người bạn ấy trở lại Việt Nam với vai trò rất VIP và tôi vinh dự là 2 trong số những “bạn cũ” mà ông ấy muốn gặp. Vẫn câu hỏi cũ với câu trả lời của tôi là: “Dân số TP Hồ Chí Minh hiện nay trên dưới 10 triệu rồi, Nhà hát vẫn chỉ có 1 nhưng được diễn định kỳ 3 lần/tháng và đã có biên chế cơ hữu, chương trình đã ngày càng phong phú hơn…”. Ông ấy hỏi: “Kỳ này trở lại TP Hồ Chí Minh, tôi thấy nhiều nhà cao tầng hơn, vậy Nhà hát Opera - Giao hưởng đã được xây chưa?”. Tới lượt tôi ngao ngán lắc đầu! Ông ấy còn hỏi nếu chúng tôi đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng thì theo bà nên xây ở Q.9 hay Q.7? Tôi trả lời luôn: “Không nên ở quận nào hết vì không đúng địa điểm…”. Ông ấy tỏ vẻ khó hiểu lắm!

Karl Marx đã từng nói: “Muốn thưởng thức âm nhạc/nghệ thuật phải được giáo dục âm nhạc/nghệ thuật…”. Ông bạn Mỹ đâu có biết, một thời gian dài từ 1975 tới nay, Dân ta đâu có được “giáo dục âm nhạc” theo đúng nghĩa cần và phải có! Ông ta đâu có ngờ một phần rất lớn dân ta chỉ coi âm nhạc là giải trí qua các game show đang ngày càng thiếu kiểm soát! Tôi không thể “vạch áo cho người xem lưng” những góc khuất khác mà những người làm nghề chúng tôi phải gánh chịu! Ông ấy làm sao hình dung được để bảo đảm mọi hoạt động của một Nhà hát Giao hưởng “không Nhà”, suốt hơn 20 năm qua các nghệ sĩ của Nhà hát đã phải vất vả như thế nào.

Câu hỏi cần đặt ra là: Văn hoá âm nhạc của chúng đang đi về đâu khi mà “tụt hậu về kinh tế, vật chất thì còn có thể bù đắp trong thời gian ngắn nhưng tụt hậu về văn hoá nói chung và âm nhạc nói riêng là cái có khi phải mất cả mấy đời cũng chưa thể khắc phục được” (trích ý kiến của nhạc sĩ Mai Kiên). Nên nhớ, muốn biết dân trí và “văn hoá âm nhạc” của một Thành phố, hay một quốc gia cao hay thấp… chỉ cần biết nơi đó có bao nhiêu Nhà hát Opera - Ballet, bao nhiêu Dàn nhạc Giao hưởng chứ không phải có bao nhiêu nhà cao tầng, khách sạn 5 sao và phòng trà… Cứ cái đà này, “văn hoá âm nhạc” của chúng ta còn lâu lắm mới hội nhập được hoặc sẽ hội nhập một cách khập khiễng(!?).

Có hay không sự lãng phí trong đào tạo?

Mấy năm trở lại đây, dường như ở Lobby của các khách sạn 4-5 sao tại các Thành phố lớn của Việt Nam thường có bóng dáng của sinh viên đã và đang học tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Không ai chê trách việc họ vừa học vừa tự kiếm sống một cách chân chính…, nhưng chắc chắn, khi bước vô mái trường Nghệ thuật, không ai nghĩ mình sẽ phải kiếm sống bằng cách “rỉ rả” đàn ở cái nơi mà “ông đi qua bà đi lại dập dìu, con nít chạy nhảy lung tung…”. Những tưởng tốt nghiệp ra trường, họ sẽ đủ sống với tay nghề đã được học nhiều năm…, nhưng không, chơi đàn hàng đêm tại các nhà hàng – khách sạn vẫn là cái “cần câu cơm” ổn định nhất của họ, tại sao?

Để trở thành một Nhạc công chơi được trong dàn nhạc giao hưởng hoặc những Dàn nhạc thính phòng, sinh viên các trường Nghệ thuật chuyên nghiệp phải trải qua 7-9 năm Hệ trung học dài hạn (học từ 9-10 tuổi) và 4 năm đại học hoặc trung cấp 4 năm và 4 năm đại học. Vậy mà, khi ra trường họ phải “hành nghề” tại các nhà hàng – khách sạn thay vì được chơi trong các dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp. Chẳng lẽ, vai trò và nhiệm vụ của các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp là “cung cấp nhân lực/nhạc công” cho các nhà hàng – khách sạn và phòng trà sau từng ấy năm học nghề sao? Thật lãng phí!

Trình độ nhận thức và tầm nhìn về âm nhạc…

Nếu như, nhà văn huyền thoại Đan Mạch – Hans Christian Andersen và nhạc sĩ nổi tiếng người Nga Pyotr Ilyich Tchaikovsky từng có đồng quan điểm “khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc sẽ cất tiếng” thì đối với nhiều “VIP” của ta khi tới dự chương trình biểu diễn giao hưởng quốc tế thì “khi âm nhạc lắng xuống, tiếng ngáy nổi lên…”. Sau này, để tránh tình trạng trên, nhiều người đã viện cớ rút lui sớm sau khi đã phát biểu hùng hồn…, hiếm có ai trong họ ngồi lại tới cuối chương trình. Họ ngủ gục vì không thể cảm nhận để thưởng thức được loại nhạc mà họ không quen nghe! Lỗi không phải của họ vì họ đâu có được “tập huấn” nghe loại nhạc này! Tuy nhiên, họ lại rất nhạy bén nhận ra: “Âm nhạc là một trong những công cụ phục vụ chính trị hiệu quả nhất!”. Họ không thể thưởng thức được những “kiệt tác giao hưởng của thế giới” thì phải bù đắp bằng cách, chỉ đạo trong các chương trình kỷ niệm lớn phải “giao hưởng hoá” các ca khúc Việt Nam, kể cả chen vài lĩnh xướng vô cùng 1 bài cũng không sao, miễn hoành tráng với lý do là “đưa nhạc giao hưởng đến với công chúng” và tiết mục nào cũng phải đầy sân (một trong những điều tối kỵ khi biên tập và dàn dựng một chương trình)... Chưa hết, họ còn chỉ đạo thay đổi hoặc cắt bài xoành xoạch trong thời gian gấp rút, khiến các thành viên trong ekip phối nhạc xoay sở chóng mặt và những chương trình đó luôn có truyền hình trực tiếp hoặc cầu truyền hình, khi ấy họ sẽ tới dự với một tâm thế rất hãnh diện ngồi ở hàng đầu (trong khi trên thế giới, trừ bóng đá, người ta không còn dùng 2 thể loại này từ lâu để tiết kiệm và bảo đảm chất lượng chương trình). “Bi kịch của họ chính là họ không thể thẩm thấu được nghệ thuật. Họ đã và đang nhìn tương lai vài chục năm sau bằng con mắt của hôm nay…” (trích ý kiến của nhà báo - nhạc sĩ Hà Quang Minh).

Thế kỷ 21 rồi, chúng ta không thể tư duy theo kiểu “cần gì đáp ứng nấy”, kẹt xe thì xây thêm cầu vượt mà tình trạng kẹt xe vẫn không cải thiện được. Hoặc thiếu bệnh viện, trường học thì xây cấp tốc hay bị ngập úng thì phải khắc phục ngay theo kiểu đầu tư dàn trải… Cứ nhìn dân ta hành xử thế nào khi bị kẹt xe thì biết, cứ leo lên lề đi theo hàng ngang (kể cả đi ngược chiều trong giờ cao điểm), rốt cục tắc đường luôn!

Hãy nghe những người trẻ lên tiếng: “Nhà hát 1500 tỷ hay Nhà hát 1,5 tỷ, thì nó cũng là cái Nhà hát, nó là một dạng công trình mà một Thành phố nếu thiếu, thì nên có. Đó là một nhu cầu văn hóa… Chúng ta nên độc lập việc nâng cấp văn hóa, và được quyền tiếp cận với văn hóa của người muốn tiếp cận văn minh… với việc giúp đỡ người khó khăn hay xóa mù chữ, thật không công bằng nếu dùng tất cả tiền có được của xã hội, chỉ để làm một việc là xóa đói giảm nghèo…vVà nhu cầu văn hóa này là hoàn toàn độc lập với nhu cầu về y tế, hoặc giáo dục và các vấn đề xã hội khác”. (trích ý kiến của kiến trúc sư - nhạc sĩ Lê Huy Trực).

“Ai cũng có nhu cầu chính đáng tương xứng với điều kiện sống của mình. Việc nào nên ra việc đó… Không nên chửi cái Nhà hát. Một lượng đông đảo con người đang mong chờ để được cống hiến, thưởng thức. Nhà hát sẽ là nơi thu hút du lịch quốc tế kèm theo các tour liên quan để thu ngoại tệ. Nếu bạn đã đi Singapore, Thái, Nhật, Đài Loan, châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi..., bạn sẽ thấy phát triển du lịch bằng văn hoá nghệ thuật là hợp thời, hợp lí, đẳng cấp và rất hiệu quả…” (trích ý kiến của doanh nghiệp trẻ Huy Cường).

Nhà hát Giao hưởng không có lỗi! Hơn 20 năm rồi, bao nhiêu bệnh viện quốc tế và trường học quốc tế đã được xây dựng tại sao nhà hát đúng chuẩn quốc tế thì không được quan tâm? Tại sao phải họp bất thường và tại sao vị trí xây Nhà hát lại là Thủ Thiêm, một “điểm nóng” nhất của TP Hồ Chí Minh hiện nay, để ngày khánh thành Nhà hát sẽ là ngày người dân nơi đó kéo tới biểu tình? Hoặc sau đó, người ta sẽ “thể hiện” bằng hành động  khiến cho nơi “thánh đường văn hoá” ấy sẽ trở thành nỗi ám ảnh của các thành viên của Nhà hát Giao hưởng mỗi khi đi làm? Ai kia có hiểu được nỗi niềm khao khát được “có Nhà” của cả trăm con người đã gắn bó với Nhà hát hơn 20 năm rồi, họ đã cống hiến tuổi trẻ của mình cho dòng nhạc được xem là “xa xỉ, khó hiểu, khó gần” (một quan điểm sai lầm). Đã bao nhiêu lần họ phải mừng hụt rồi? Hãy đặt mình vào tâm trạng của những con người ấy, quí vị mới thấy hết những hy sinh thầm lặng của họ! Quí vị có biết, những chương trình của họ sẽ tuyệt vời hơn, đẳng cấp hơn, họ sẽ được thăng hoa nhiều hơn khi có một Nhà hát được đầu tư đúng tầm, chứ không phải tập một nơi, diễn một nẻo và nhạc cụ xuống cấp nhanh vì không có không có nơi bảo quản cần thiết. Lại lãng phí tiếp!

Nhạc trưởng – NSƯT Trần Vương Thạch Giám đốc Nhà hát GH-NVK TP Hồ Chí Minh

 

Sơ đồ & Vị trí dự kiến xây dựng Nhà hát

Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh, cần xây “vỏ hay ruột” trước?

- Thứ nhất, khí hậu ở Việt nam nóng ẩm, nếu xây “cái vỏ” trước, chắc chắn Nhà hát sẽ cùng chung số phận với các sân vận động được xây dựng trước các mùa Seagame do Việt Nam đăng cai hay những công trình văn hoá từng lâm vào cảnh xây xong rồi trùm mền và xuống cấp.

- Thứ hai, nếu xây “cái ruột” trước, là tiếp tục đào tạo nhạc công, đặc biệt là các chuyên ngành hiếm như đàn harp, các loại kèn và duy trì hoạt động như hiện nay, thì Nhà hát sẽ tiếp tục mãi “không Nhà”!

- Giải pháp: tìm địa điểm thích hợp hơn để xây Nhà hát, trong thời gian xây dựng Nhà hát, các thành viên của Nhà hát vẫn duy trì việc tập dợt để vẫn bảo đảm hoạt động 3 lần/tháng theo định kỳ như hiện nay. Khi đã hoàn tất Nhà hát, sẽ thực hiện theo kế hoạch của Ban lãnh đạo Nhà hát. Về lâu dài, Thành phố cần tìm ra những đơn vị doanh nhân có tâm và có tầm để ngoài ngân sách của Nhà nước, họ có thể bảo trợ cho các hoạt động của Nhà hát như Sun Group ngoài Hà Nội để không chỉ tạo uy tín cho thương hiệu như Hennessy concert, Toyota concert hoặc các dự án âm nhạc khác mà còn nâng cấp “văn hoá âm nhạc” của TP Hồ Chí Minh.

Thay cho lời kết: là người làm việc trong môi trường nghệ thuật lâu năm, tôi chẳng thích mình bị chê là đang sống ở một nơi đông dân nhưng “văn hoá kém”! Tôi cũng không muốn mai sau con em chúng ta cứ mở mắt ra là chỉ nghĩ tới Cơm – Áo – Gạo – Tiền và chống ngập lụt hoặc than thở khó khăn và đói nghèo! Tôi chỉ muốn con cháu chúng ta khi trưởng thành sẽ là những thế hệ không chỉ có cuộc sống no đủ mà còn có văn hoá hơn để có thể tiếp thu được văn minh của nhân loại không chỉ thời hội nhập, điều này khó lắm thay!

Nhạc trưởng – NSƯT Hoàng Điệp

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...