Trung Quốc: Thế lực mới của âm nhạc cổ điển
Dù thường bị mặc định là “tân binh” trong thế giới âm nhạc cổ điển nhưng một cách lặng lẽ, Trung Quốc đã trở thành một thế lực mới: Dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải ký hợp đồng với Deutsche Grammophon, hãng thu âm hàng đầu thế giới vào cuối năm 2018 và bắt đầu lưu diễn tại các liên hoan âm nhạc danh tiếng của châu Âu, châu Mỹ vào mùa hè năm nay.
Nhạc trưởng Long Yu chỉ duy Dàn nhạc giao hưởng Thượng Hải. Nguồn: USC News
Không cần phải cuốc bộ xa trong khu vực trước đây là khu nhượng địa Pháp của Thượng Hải, người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh quảng cáo trên một hộp đèn rọi sáng kiểu cổ được đặt trên một bệ gỗ trang nhã. Đây là một phần trong chiến dịch tiếp thị của Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải (SSO), thông báo cho người dân thành phố đông dân thứ hai thế giới rằng đèn điện đã được sử dụng lần đầu tiên ở đây vào năm 1879 – đúng năm thành lập dàn nhạc. ‘Illuminating the city since 1879’ (Chiếu sáng thành phố từ năm 1879) là khẩu hiệu nhằm thu hút sự chú ý vào mùa diễn thứ 140 của SSO. Khán giả của SSO là những người thuộc thế hệ chuyển giao thiên niên kỉ, yêu thích công nghệ, khao khát nghe Rachmaninov từ đôi tay nghệ sỹ piano Haochen Zhang và sau đó đăng bài về sự kiện trên ứng dụng Snow, một mạng nội bộ của Trung Quốc cho ứng dụng Snapchat.
Có rất nhiều điều chúng ta đã hiểu về đất nước này đang cần được đính chính lại. Chúng ta ít biết đến có một sự thật là SSO còn lâu đời hơn so với nhiều dàn nhạc ở Anh và Mỹ. Và trong khi chúng ta vẫn chỉ bàn luận qua loa về hiện tượng các tài năng âm nhạc người Trung Quốc thì ít ai ngờ, chính tại Bắc Kinh, chứ không phải Berlin, Deutsche Grammophon (DG) đã phát động lễ kỉ niệm sinh nhật lần thứ 120 vào tháng 10/2018 cùng SSO.
Không cần phải là một nhà kinh tế mới hiểu được việc DG ký thỏa thuận dài hạn với SSO có mối liên hệ thế nào đấy với quy mô thị trường ở Trung Quốc. Mối quan tâm đến âm nhạc cổ điển phương Tây ở quốc gia này đã tăng lên từ khi âm nhạc cổ điển được biết đến như một hiện tượng mới sau Cách mạng Văn hóa. Ngày nay, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đặc biệt coi trọng việc thuê giáo viên dạy nhạc, chỉ tính riêng piano đã có (ít nhất) khoảng 40 triệu trẻ em chơi đàn. Một thị trường tiêu thụ băng đĩa nhạc cổ điển khổng lồ được mở ra, ngay cả khi đó chỉ là một công cụ hỗ trợ học tập hoặc là tàn dư của mong muốn muốn có các giai điệu của Mozart và Beethoven ngân vang trong mỗi gia đình. Sự phát triển của kỹ thuật phát trực tuyến rõ ràng đã góp phần cắt giảm nạn sao chép băng đĩa lậu. Chủ tịch của DG, tiến sỹ Clemens Trautmann, nói với tôi qua điện thoại từ Berlin: “Trung Quốc hiện là một trong mười thị trường âm nhạc thu âm [hợp pháp] hàng đầu thế giới. Sự quan tâm từ thế hệ trẻ và khả năng tiếp cận rộng rãi với công nghệ di động đem lại cơ hội cho tăng trưởng.” Khắp nơi người ta tin rằng vị trí trong top 10 sẽ sớm trở thành top 5 – mà có lẽ là top 3.
Cuộc trỗi dậy của SSO
TS. Trautmann hồi tưởng về ‘trình độ cực kỳ cao’ mà ông đã nghe thấy qua phần biểu diễn của SSO vài năm trước tại Liên hoan Lucerne. Các nghệ sỹ chủ chốt của SSO và giám đốc âm nhạc Long Yu – một nhạc trưởng đang tạo ra sự khác biệt cho văn hóa âm nhạc cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc.”
Sự phát triển của SSO ghi dấu ấn đậm nét trên những biến chuyển không ngừng trong sự giao thoa văn hóa: dàn nhạc được các nghệ sỹ Nga và Do Thái đến đây vào đầu thế kỉ trước xây dựng, và sau đó tiếp thu thêm nét văn hóa từ người Pháp, những người duy trì quyền kiểm soát quận Từ Hối (Xuhui) cho đến năm 1943. Kể từ năm 2014, dàn nhạc có trụ sở là một tổ hợp kiến trúc có kiểu dáng đẹp đẽ do kiến trúc sư người Nhật Arata Isozaki thiết kế đi kèm với hệ thống âm học của Yasuhisa Toyota. Mùa diễn hiện tại của SSO không chỉ có các tác phẩm âm nhạc cổ điển phương Tây mà còn có những tác phẩm hiện đại, ví dụ trước Giáng sinh có biểu diễn vở opera Written on Skin của Georg Benjamin, một nhà soạn nhạc người Anh. “Đây là một thành phố quốc tế và các dàn nhạc của chúng tôi đang hoạt động trong bối cảnh đa dạng đó,” ông Sebastian Wang, giám đốc kế hoạch nghệ thuật của SSO nhắc lại các buổi biểu diễn gần đây bản War Requiem của Britten và vở opera Elektra của Strauss cũng một loạt các đêm diễn tác phẩm của Steve Reich được bán hết vé trong vài phút.
SSO dẫn đầu trong số 80 dàn nhạc đang phát triển ở Trung Quốc, vốn được xây dựng từ triết lý phát triển “dò đá qua sông” và quyết tâm của các thành phố mới đông dân không muốn các thành phố lân cận vượt qua mình. Điều đó dẫn đến việc nhiều dàn nhạc đã phải vật lộn để tìm nhạc công. “Hai điều còn thiếu rất nhiều trong bối cảnh dàn nhạc Trung Quốc hiện nay: một là nhân sự và một là hệ thống quản lý tốt để đảm bảo tiêu chuẩn cao”, Doug He, giám đốc điều hành của Học viện Dàn nhạc Thượng Hải (SOA) – một tổ chức được SSO thành lập. Tại SOA, các học viên có thể tốt nghiệp với bằng thạc sỹ và mỗi năm bắt buộc biểu diễn cùng SSO từ 10 đến 12 chương trình. SSO kết hợp với dàn nhạc New York Philharmonic và mời các nghệ sỹ ở đây tham gia giảng dạy. Hiện tại có 17 nhạc công tốt nghiệp SOA chơi trong SSO còn những người khác có mặt rải rác trong các dàn nhạc nước ngoài.
Một phần quan trọng của âm nhạc thế giới
Nhạc trưởng Long Yu của SSO được gọi là ‘Karajan của Trung Quốc’. Là người có ảnh hưởng lớn đến đời sống âm nhạc Trung Quốc, ông đã sáng lập Liên hoan âm nhạc Bắc Kinh và giám đốc âm nhạc của SSO, Dàn nhạc Philharmonic Trung Quốc và Dàn nhạc Giao hưởng Quảng Châu (GSO), một dàn nhạc mà ông tuyên bố đã trở thành một trong những dàn nhạc hàng đầu Trung Quốc kể từ khi mình trở thành giám đốc âm nhạc vào 16 năm trước. Hiện tại, dàn nhạc trẻ của riêng GSO đang giúp đào tạo 200 nhạc trưởng đủ “cung cấp” cho ít nhất 200 dàn nhạc trẻ đang hoạt động chỉ riêng ở tỉnh Quảng Đông (tỉnh chiếm khoảng tám phần trăm dân số Trung Quốc đại lục). Dù có thể không phải tất cả đều là những dàn nhạc giao hưởng trọn vẹn nhưng thực sự gây sửng sốt về sự tăng tốc của đời sống âm nhạc của đất nước. Quy mô là một chuyện, năng khiếu là chuyện khác. Thời gian tôi ở Quảng Châu trùng với sư kiện Youth Music Culture Guangdong (Văn hóa âm nhạc trẻ Quảng Đông YMCG), một học viện được Yu thành lập với sự hậu thuẫn của chính quyền. Nhiệm vụ của YMCG là phát hiện các nghệ sỹ Trung Quốc tài năng. “Chúng tôi đang gieo những hạt giống mà trong tương lai sẽ mang lại những ý tưởng, những khái niệm, những kết nối,” nhạc trưởng Yu nói. “Thế hệ này sẽ làm tốt hơn chúng ta.” Khi cuộc trò chuyện chuyển sang mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt giữa Trung Quốc và phương Tây, nhạc trưởng sử dụng một phép ẩn dụ: “Mọi người cần học cách lắng nghe nhau, giống như các nghệ sỹ chơi nhạc thính phòng. Trung Quốc là nước rộng lớn, đôi khi người miền Bắc thậm chí không hiểu người miền Nam trong khi có những người đến từ phần còn lại của thế giới nữa. Nhưng rất nhiều người trẻ ở Trung Quốc ngày nay sẵn sàng học nhạc và xem nó như một ngôn ngữ quốc tế.”
Nghệ sỹ cello Yo Yo Ma tham gia giảng dạy tại Youth Music Culture Guangdong. Nguồn: Yo yo M
Có một vị khách mời trong buổi hòa nhạc cuối cùng của sự kiện YMCG. Một người Mỹ tên là Alexander Brose đã thực hiện hành trình từ thành phố Thiên Tân ở phía đông bắc, nơi anh thành lập Trường Juilliard Thiên Tân – một tiền đồn của nhạc viện nổi tiếng New York. Có nhiều điều khiến các nhạc viện phương Tây quan tâm đến phương Đông hơn là lợi ích thương mại của việc cung cấp giáo dục. Các nhạc viện Đức cung cấp miễn phí nơi ở cho sinh viên châu Á khi biết rằng họ làm phong phú môi trường học tập và thổi luồng sinh khí mới vào đời sống âm nhạc đang có phần chậm lại của nước mình. Jonathan Freeman-Attwood, cộng tác viên của Gramophone và hiệu trưởng của Học viện Âm nhạc Hoàng gia London (RAM), đồng tình: “Các đồng nghiệp của tôi và tôi luôn ấn tượng về mức độ tiếp thu nhanh chóng mà sinh viên Trung Quốc khi họ đến một thành phố châu Âu”. Dù số lượng sinh viên Trung Quốc tại RAM đã tăng đều đặn trong 15 năm qua, nhưng không phải lúc nào họ cũng dễ dàng tới được London; cần có lời giới thiệu của một giáo viên nổi tiếng hay một nghệ sỹ thỉnh giảng masterclass.
Bản thu âm studio đầu tiên của SSO cho DG sẽ được phát hành vào cuối năm nay và vào mùa hè, dàn nhạc bắt đầu chuyến lưu diễn tới các liên hoan danh tiếng của châu Âu và Mỹ. Các tiết mục trong bản thu âm và trong chuyến lưu diễn, phản ánh các liên kết và biên giới lịch sử giữa Trung Quốc và Nga (Bản Symphonic Dances của Rachmaninov) cũng như sự nở rộ của âm nhạc Trung Quốc mới viết cho dàn nhạc giao hưởng dưới hình thức một bản concerto violin mới của Qigang Chen, La joie de la souffrance (Niềm vui của nỗi đau, 2016-17) do nghệ sỹ Maxim Vengerov độc tấu.
Nhạc trưởng Yu cho rằng để tạo được sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc cổ điển phương Tây và chất liệu âm nhạc Trung Quốc, cần loại bỏ những phiên bản chuyển soạn tồi âm nhạc truyền thống Trung Quốc. Đồng nghiệp của ông, Wang của SSO đề cập đến “chủ nghĩa giả hiệu” tồn tại trong âm nhạc cổ điển thế giới thông qua việc các nhạc sỹ phương Tây đang cố gắng ‘bắt chước’ âm nhạc Trung Quốc, từ nhà soạn nhạc Ý Puccini đến nhạc sỹ kiêm ca sỹ người Anh Damon Albarn. “Trong ngôn ngữ âm nhạc của chúng tôi ẩn chứa rất nhiều thứ tinh tế hơn so với phong cách rập khuôn mà họ gợi ra,” ông nói. Trautmann, từng học trường Juilliard cùng nhà soạn nhạc Ruo Huang, đồng tình với quan điểm này và đang nỗ lực thúc đẩy SSO thu âm tác phẩm do Xiaogang Ye phổ nhạc chính các bài thơ của Lý Bạch, vốn là cơ sở cho bản Giao hưởng ca khúc Das Lied von der Erde (Bài ca trái đất) của Mahler.
Hai thập kỉ qua, với sự am tường chính trị, những ông trùm nghệ thuật của Trung Quốc đã tận dụng những cơ hội mà chính phủ đưa ra để đưa âm nhạc cổ điển đất nước này phát triển. Nhưng liệu họ có tiếp tục thành công trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? Với rất nhiều tài năng có trong tay, quá trình hội nhập của âm nhạc cổ điển Trung Quốc có thể vẫn bền bỉ diễn ra, bất chấp những bất lợi về bối cảnh chính trị và kinh tế. Khi nhìn lại những nỗ lực mang những kiệt tác châu Âu đến với Trung Quốc vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, người ta có thể tin vào một tương lai đa sắc cho đất nước này: một tiếng nói độc đáo vang lên trên thị trường âm nhạc và một đội ngũ nhạc công hùng hậu sẽ tiếp tục có mặt trong các phòng hòa nhạc của thế giới một thế kỉ nữa.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)