Around the World của Nhà hát Nhạc vũ kịch

01/04/2019

Nhà hát nhạc vũ kịch Việt nam vừa có hai buổi biểu diễn chương trình thể nghiệm “ca múa nhạc hàn lâm tổng hợp” với tên gọi “Around the World”.

“Thể nghiệm” tức là có cái mới. Và cái mới ở đây là cách dàn dựng chương trình. Thay vì cách biểu diễn riêng biệt từng tiết mục hay từng phần như xưa nay vẫn thế, chương trình này có tính chất xuyên suốt từ nội dung đến hình thức. Các trích đoạn opera và ballet xen kẽ nối tiếp nhau, tiết mục này lồng ghép tiết mục khác bằng sự tham gia của các diễn viên, ví dụ như các ca sĩ hợp xướng của tiết mục trước sẽ vào vai “quần chúng” cho màn múa sau, và ngược lại. Cách làm này khiến sân khấu không bị “chết” giữa mỗi tiết mục, khán giả luôn bị cuốn hút vào câu chuyện đang được kể. Và bởi cách kể chuyện khác nên các tác phẩm quen thuộc như được khoác lên tấm áo mới, lung linh hấp dẫn hơn.

Sự đổi mới thấy ở cả phần của dàn nhạc. Vị trí của dàn nhạc khi solo là ở sân khấu chính, khi đệm cho opera hay ballet thì các nhạc công ngồi trong hộc thấp hẳn xuống ở phía trước sân khấu. Ở chương trình thể nghiệm này, dàn nhạc được nâng tầm, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, tức là dàn nhạc được ngồi ở tầng trên của sân khấu, các nhạc công cũng được góp mặt chứ không chỉ góp tiếng trong vai trò mới của mình. Sự tham gia của dàn nhạc tích cực và chủ động hơn nhờ có tầm nhìn bao quát cả sân khấu. Nhưng chính vị trí ngồi này đã gây ra nhược điểm duy nhất của chương trình, đó là yêu cầu về chất lượng âm thanh “mộc” không được đảm bảo 100%. Chắc do thiết kế sân khấu cần phù hợp với nội dung chương trình nên phần sân khấu của dàn nhạc không lắp những tấm phản âm như mọi khi. Để tránh âm thanh bị “loãng”, đạo diễn đã dùng một số micro để khuếch âm, dẫn theo việc mỗi soloist cũng phải gắn vào áo một micro để không bị “lép” so với dàn nhạc. Mặc dù được dùng rất tiết chế, nhưng âm thanh nghe qua hệ thống loa vẫn không thể tránh được bị vỡ ở những nốt cao. Đúng là khó có thể cầu toàn trong một điều kiện hạn hẹp.

Có rất nhiều cách để đưa nghệ thuật hàn lâm đến với đại chúng. Cách như Nhà hát đang làm rất sáng tạo. Nó vẫn giữ được sự sang trọng quý phái của sân khấu cổ điển, vẫn đảm bảo ở mức chấp nhận được đòi hỏi khắt khe về chất lượng âm thanh acoustic. Bên cạnh đó nó thật gần gũi, mềm mại, như xoá bỏ được định kiến rằng nghệ thuật bác học kiêu kỳ khó hiểu. Theo dõi những chương trình gần đây của nhà hát, có thể thấy rõ sự thay đổi tư duy của ekip lãnh đạo mới, năng động hơn, trẻ trung hơn, nhiều ý tưởng mới lạ mà hay. Họ biết cách huy động tổng lực, đốt cháy lên từng ngọn lửa yêu nghề của mỗi nghệ sĩ để gom thành một điểm sáng trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm quê nhà. Mừng cho Nhà hát! Mừng cho những người bạn của mình.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...