Tình đất, tình người Bắc Giang qua những ca khúc mới
Trại sáng tác âm nhạc “Đất và người Bắc Giang” được ra đời bắt đầu từ ý tưởng của lãnh đạo Vườn Nghệ thuật Sông Thương, còn gọi là SongThuongGarden ở 64, đê Châu Xuyên (TP Bắc Giang). Một ý tưởng độc đáo mong muốn được tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần của miền quê ngàn năm văn hiến Bắc Giang. Nguyện vọng thiết tha đó đã được lãnh đạo, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ.
Một cuộc chinh phục âm nhạc đầy khó khăn, phiêu lưu và kỳ thú bắt đầu từ hơn 4 tháng trước. Các tác giả giàu tâm huyết và yêu mến vùng đất Phủ Lạng Thương đã về dự Trại sáng tác như: Nhạc sĩ Nguyễn Cường, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, An Hiếu, Vũ Thiết, Ngô Tự Lập, Đức Nghĩa, Tuấn Khương.
Các nhạc sĩ đi thực tế tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám (Yên Thế).
Hiện thực cuộc sống bao giờ cũng phong phú, sinh động hơn sự tưởng tượng của người nghệ sĩ. Chỉ có đắm mình vào cuộc sống mới có tác phẩm hay. Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, các vùng đất Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên... là những nơi đoàn nhạc sĩ đi thực tế. Sau hơn 4 tháng, 9 ca khúc về đất và người Bắc Giang đã ra đời trong lao động nghệ sĩ miệt mài, gian khó và đầy cảm xúc khám phá thú vị.
Tối 10-10, 9 ca khúc của Trại sáng tác âm nhạc “Đất và người Bắc Giang” đã được công bố và trình diễn tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Tại đây, UBND tỉnh cũng tặng Bằng khen cho 9 nhạc sĩ và Doanh nghiệp tư nhân Mười Duyên (đơn vị đầu tư SongThuongGarden và có sáng kiến tổ chức Trại sáng tác). |
Ca khúc "Phiêu diêu Sơn Động" của nhạc sĩ Nguyễn Cường là sáng tác sớm nhất: “Đá đứng đá ngồi. Đá về cặp đôi. Thảo nguyên lả lơi. Đá nường đá nõn. Mây kia là Tây Yên Tử... Phiêu diêu Sơn Động. Cả câu quan họ níu chân người về”. Vẻ đẹp hoang sơ Sơn Động với hình tượng đá... cũng là người. Chất nhạc gần gũi với quan họ và được hiện đại hóa. Trẻ trung tươi mới cả giai điệu và ca từ.
"Say trong câu hát Bắc Giang" của nhạc sĩ An Hiếu là một câu chuyện tình lãng mạn, đôi trai gái gặp nhau, yêu nhau qua câu hát quan họ. “Nón ba tầm chao nghiêng che mặt người. Câu quan họ bay trên triền dốc. Hát trao duyên người ơi chớ quên...”. Giai điệu đẹp bài hát đẹp, trữ tình.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến hoàn thành ca khúc "Mùa trám xanh" cũng rất sớm. Mượn ý quả trám còn xanh để kể lại một câu chuyện tình. Rồi lại mượn ý câu chuyện tình để kể về đất và người Bắc Giang với những sông Thương, Đồng Cao, quan họ... Ca khúc đậm chất dân gian đương đại. Tự sự. Trữ tình. Nhịp điệu chậm rãi. Không gian âm nhạc rộng mở.
Là nữ tác giả duy nhất tham gia Trại sáng tác, nhạc sĩ Giáng Son có những cảm nhận rất tinh tế về đất và người Bắc Giang: “Bắc Giang thêm nồng câu hẹn thề. Tháng Giêng ta lại về. Đục trong một dòng thương nhớ nhau. Sông Thương như lụa đào. Vẫn mang trong lòng hồn Xương Giang, Phồn Xương, Yên Thế hào hùng”. Âm nhạc và lời thơ ca khúc "Về đây tình tang" của Giáng Son hoà quyện trong những nét giai điệu êm đềm, lãng mạn.
Nhạc sĩ Vũ Thiết lại có tâm trạng da diết, khắc khoải khi cảm xúc trôi cùng dòng sông Thương lịch sử. “Xa rồi sông Thương ơi! Xa rồi người yêu dấu. Xa rồi tiếng nhạc rơi, cứ chiều chiều buông lơi. Nhớ dòng Như Nguyệt, nhớ mẹ già ngóng con đi chiến trận... “Xa rồi sông Thương” là một ca khúc trữ tình tràn ngập da diết yêu thương, nỗi niềm hoài niệm của người con đi xa nhớ về quê mẹ Bắc Giang.
“Tôi yêu cơn gió ở đây quá" của nhạc sĩ Lê Minh Sơn lấy cảm hứng ngọn gió vô hình. Gió Lục Nam, Lục Ngạn. Gió dịu mát Đồng Cao. Gió vi vu con chích chòe đậu cành tre. Gió tâm linh rung rinh tiếng chuông chùa cổ... Gió không phải vô hình mà là tâm hồn con người và trầm tích văn hóa. Ca khúc của Lê Minh Sơn có âm vực không quá rộng. Tiết tấu đặc trưng là những âm hình đảo phách rất trẻ trung, văn minh.
Ca khúc "Nhớ chiều sông Thương" của nhạc sĩ Đức Nghĩa gợi ký ức xưa cũ trở về. Bến bờ sông Thương vẫn hiển hiện ở đây, còn em xưa đâu rồi. Giai điệu đậm chất dân gian và hiện đại. Tình yêu và nỗi nhớ cứ theo nhau hiện về trong từng nốt nhạc và ca từ.
Là tác giả duy nhất của Bắc Giang tham gia Trại sáng tác, nhạc sĩ Tuấn Khương viết: “Về chùa Bổ Đà, về cõi tâm linh. Vườn tháp tăng ni uy nghi trầm mặc. Về chùa Bổ Đà về cõi nguyên sơ”. Ca khúc "Về chùa Bổ Đà" đầy ắp chất liệu quan họ và tuồng, mang hơi thở của âm nhạc dân gian đương đại.
Sông Thương, núi Huyền, Lục Nam, Yên Thế, khúc soong-hao… là những tên đất tên sông huyền thoại với hình ảnh hùm thiêng Yên Thế. Đất làm nên người - người con gái Bắc Giang. Môi thương với mắt huyền. Ca khúc "Phủ Lạng Thương" của Ngô Tự Lập có giai điệu giản dị nhưng phóng khoáng, da diết.
“Đất và Người Bắc Giang” đã phiêu diêu cùng âm nhạc với hành trình sáng tạo, chinh phục gian khó, kỳ thú. Lao động nghệ thuật, tình cảm nồng nàn của các nhạc sĩ đối với Bắc Giang là rất đáng ghi nhận và trân trọng. Hy vọng những ca khúc của các nhạc sĩ sáng tác về đất và người Bắc Giang sẽ đi cùng năm tháng.
(Nguồn: http://m.baobacgiang.com.vn)