Quảng Bình ơi, hãy biết điểm dừng
Nhân Quảng Bình tham gia Hội diễn Đàn hát dân ca ba miền tại Hạ Long, Quảng Ninh, 2018, tôi có đôi điều muốn bày tỏ.
Bởi là người dân Việt, ai cũng nặng lòng với quê hương - nơi mình được sinh ra, nơi nuôi dưỡng và chắp cánh cho mình bước vào đời! Tôi cũng không ngoại lệ, luôn ngóng về quê hương, đau nỗi đau khi quê hương gặp khó khăn, chung niềm vui khi quê hương đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Bởi vậy, muốn cho Quảng Bình ngày càng đổi mới theo hướng phát triển, theo tôi, mỗi chúng ta hãy cùng chung sức (dù là nhỏ) gánh vác, cũng như hãy lên tiếng khi có điều gì chưa ổn, để làm cho diện mạo Quảng Bình khởi sắc... Và tôi muốn lên tiếng cả về những trăn trở mà có lẽ ít ai quan tâm.
Tác giả cùng Câu lạc bộ Hát Bội múa tiên của người Nguồn ở xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình
Đại diện cho một vùng đất, ngoài những yếu tố khác liên quan như lịch sử, địa lý, kinh tế... thì yếu tố văn hóa là quan trọng hơn cả. Đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể (chùa chiền, đình làng, lăng tẩm, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt, âm nhạc..v.v...) của từng vùng miền, từng địa phương đã thể hiện, phản ánh rõ nét diện mạo cũng như đời sống tinh thần, bản sắc của người dân bản địa một cách cụ thể và rõ nét. Nhưng...
1. Chương trình tham gia Hội diễn Đàn hát dân ca ba miền tại Quảng Ninh của đoàn Quảng Bình phong phú, quy tụ nhiều giọng ca hay, nhiều nghệ nhân gạo cội, dàn dựng kỹ, trang phục phù hợp... Dân Quảng Bình hẳn là hân hoan, tự hào. Riêng tôi, trong nỗi vui chung, vẫn day dứt đượm buồn và xót...
Buồn, vì phần lớn các tiết mục đều sử dụng các thể loại, bài bản âm nhạc dân gian của Thừa Thiên Huế (trừ tiết mục đầu tiên là sử dụng Hò khoan Lệ Thủy của Quảng Bình):
Tiết mục thứ 2: Hò lỉa trâu (Nghĩa Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) nhưng toàn bộ giai điệu lại là của Hò mái nhì (Huế), phảng phất Vè (Huế).
Tiết mục thứ 3: Hò lơ - Hò nậu xăm (Quảng Bình), phần đầu sử dụng Hò mái nhì (Huế), phảng phất Vè (Huế) - phần giữa rất ngắn là dân ca của Quảng Bình - phần cuối là Hò hụi của Huế.
Tiết mục thứ 4: Hòa tấu Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ đương nhiên là âm nhạc cung đình Huế rồi.
Xót, vì Quảng Bình đâu có thiếu các thể loại, các làn điệu âm nhạc dân gian, vậy tại sao lại phải vay mượn của nơi khác, còn của mình thì không hề đoái hoài? Qua thực tế điền dã tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tôi thấy rõ ràng so với các vùng, miền khác, Quảng Bình có rất nhiều thể loại âm nhạc dân gian vẫn đang còn tồn tại, đang sống, đang hiện hữu..., rất nhiều nghệ nhân gạo cội, tài ba vẫn nhẫn nại, âm thầm gìn giữ, lưu truyền vốn cổ của cha ông mà không hề có (cũng như không hề đòi hỏi) được sự đãi ngộ, đối xử công bằng của xã hội.
Đề cập vấn đề này, tôi không cực đoan, tôi vẫn luôn ủng hộ việc tất cả chúng ta nên biết hát dân ca, không chỉ của riêng nơi mình ở, mà còn là dân ca của các vùng miền khác, biết càng nhiều càng tốt... Nhưng khi đã "mang chuông đi đánh xứ người", tại sao ta lại không dùng của ta? Đây là cơ hội để ta có thể phát huy, giới thiệu, quảng bá "đặc sản" của mình cho công chúng biết, tại sao ta lại không làm? Có thể thấy Huế hơn Quảng Bình trong việc giới thiệu, quảng bá cho các giá trị văn hóa của mình.
Day dứt, vì nếu cứ tiếp tục giữ nguyên tình trạng như thế này, dần dần, không những công chúng ở các vùng, miền, mà ngay cả người dân Quảng Bình sẽ hoàn toàn không biết ở Quảng Bình có thể loại âm nhạc dân gian gì ngoài Hò khoan Lệ Thủy. Tôi dám chắc rằng ngay cả thành viên trong Hội đồng giám khảo của Hội diễn cũng thế thôi. Quả thực làm giám khảo không dễ, vì cần hiểu rõ toàn diện âm nhạc dân gian Việt Nam, chí ít cũng cần nắm sơ lược, tổng quát. Còn công chúng phía Bắc và Nam (kể cả miền Trung, Tây Nguyên), đa số chỉ hiểu sơ sơ và đổ đồng âm nhạc dân gian Huế là âm nhạc của khu vực Bình Trị Thiên, người rành hơn một tý thì biết ở Quảng Bình có Hò khoan Lệ Thủy, rành hơn tý nữa thì biết ở Cảnh Dương (Quảng Bình) có Hò chèo cạn, hơn tý nữa nữa thì biết ở Minh Hóa (Quảng Bình) có Hò thuốc cá. Chấm hết!
Ngay cả cư dân tộc người Nguồn ở Minh Hóa, khi được hỏi thì họ cũng chỉ biết có mỗi làn điệu Hò thuốc cá, hỏi nữa thì họ hoang mang, ngơ ngác, nhìn mình như nhìn vật thể lạ... Sự kiên trì (cộng với bướng bỉnh) của tôi đã được đền đáp: không kể tộc người Kinh và các thành phần tộc người Chứt (như Mày, Sách, Khùa, Rục, Mã Liềng...) cùng sinh sống cận cư, xen cư ở huyện Minh Hóa, thì chỉ riêng tộc người Nguồn thôi thì tôi cũng đã thu âm, thu hình được rất nhiều thể loại như Hò (gồm có Hò thuốc cá, Hò phổ rệp, Hò kéo dốc), Hát ru, Đồng dao, Đúm - Pí, Hát Kiều, Hát Sắc bùa, Hát Bội múa tiên.,v.v... mà mỗi thể loại lại có một số làn điệu, giai điệu, cấu trúc khác nhau...
Cậu học trò người Nguồn khi dịch tiếng Nguồn cho tôi, sửng sốt hỏi: "Cô tìm ở mô ra rứa, từ nhỏ đến lớn chừ em mới được nghe?". Đấy, chỉ là của một tộc người thôi nhé, còn biết bao nhiêu tộc người khác, biết bao nhiêu thể loại âm nhạc dân gian nữa nằm rải rác trên vùng đất Quảng Bình đang trên đà thất truyền? Phải có biện pháp như thế nào để giữ cho khỏi mất đây?
2. Cũng đề cập đến âm nhạc dân gian Quảng Bình, cụ thể là thể loại Hát nhà trò (còn gọi là Ca trù, hát Nhà tơ, hát Ả đào...) - một loại hình mang tính lễ nghi, phong tục với nhiều làn điệu phong phú, kết hợp với múa quạt, rung phách... hiện vẫn tồn tại, thì hiện tượng các phóng viên báo đài do không có chuyên môn, nên cứ gọi bừa là "Ca trù", là "hát Cửa đình"... Đáng trách là ngay cả những người có chuyên môn cũng gọi như vậy. Đáng trách hơn nữa là những người thuộc diện nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc dân gian ở một số viện, ngành cũng như thế! Chưa kể họ còn mở những lớp tập huấn về Ca trù, cho những nghệ nhân hát Nhà trò ở Quảng Bình ra Hà Nội để Hà Nội tập cho họ hát theo kiểu Ca trù ngoài Bắc. Rồi họ hướng dẫn mở câu lạc bộ, nhưng lại cố ý hướng nghệ nhân gọi tên là "Câu lạc bộ Ca trù"!?! Điều này đã gây không ít bức xúc cho các nghệ nhân ở Quảng Bình. Có nghệ nhân căng thẳng: "Hát như rứa có phải giống như của bọn tui mô?", có nghệ nhân dứt khoát: "Đó không phải là tiếng nói của dân tui"!
Việc quá tự tin để mở lớp tập huấn, ép nghệ nhân hát theo kiểu Bắc một cách khiên cưỡng... là việc thiếu chuyên nghiệp, không hiểu biết, không tôn trọng nghệ nhân (là chủ thể của loại hình này), vô hình trung đã đồng hóa, xóa bỏ bản sắc riêng của từng vùng, miền rồi!
3. Tương tự như vậy trong mô hình văn hóa biển. Nếu mô hình này thể hiện đúng "màu cờ sắc áo" của từng địa phương thì quả thật sẽ rất phong phú, thú vị. Nếu trước áp dụng mô hình vào thực tế, chúng ta tìm hiểu sâu sắc tinh thần, tín ngưỡng, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng, miền để mỗi địa phương không trùng lặp nhau, tránh máy móc, nhàm chán thì chương trình sẽ giàu bản sắc.
Thế nhưng Quảng Bình đã cử người vào Hội An để học hỏi mô hình văn hóa làng xã vùng biển, và kết quả là một Hội An thứ hai xuất hiện trên đất Quảng Bình, cũng cùng một mô típ, cùng một màu sắc, kể cả đèn lồng cũng được treo trên khắp cùng ngõ xóm, mà vùng đất này từ xưa có bao giờ sử dụng đèn lồng bánh ú đó đâu!
Lại tiếp tục bị đồng hóa, bản sắc mờ dần…
Quảng Bình ơi, hãy biết điểm dừng khi còn chưa muộn.