Giám đốc Sở VHTT Hà Nội lên tiếng về lễ hội âm nhạc 7 người chết
Công an Thành phố Hà Nội nhận định vụ việc là "đặc biệt nghiêm trọng" và đã cử Phòng cảnh sát hình sự vào cuộc, phối hợp với công an quận Tây Hồ điều tra làm rõ sự việc.
Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) diễn ra tối 16.9 tại công viên nước Hồ Tây nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) thu hút hàng nghìn người tham dự. Sự kiện này được trình diễn đồng thời cùng lúc với 3 sân khấu với hệ thống loa “khủng”, đèn laser, màn hình visual tương tác hình ảnh.
Lễ hội âm nhạc Trip to the moon tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội tối 16.9 thu hút hàng nghìn người tham dự. Ảnh: Hải Quân
Đã có 7 người chết và nhiều người đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch được cấp cứu tại bệnh viện. Công an quận Tây Hồ đang cho các đội nghiệp vụ điều tra, bảo vệ và khám nghiệm hiện trường theo quy định của pháp luật.
Nói về sự cố tại Lễ hội âm nhạc này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết thêm: “Sự việc xảy ra tại lễ hội âm nhạc khiến nhiều người tử vong là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ vào kết luận của cơ quan chức năng tìm rõ nguyên nhân, lý do xảy ra sự cố là gì, từ đó mới có phương án và tăng cường công tác phối hợp để tổ chức các sự kiện khác được tốt hơn. Nếu đơn thuần chỉ là sự kiện âm nhạc thì việc xô đẩy khi nhẩy nhót cũng sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn và sự kiện này không có lỗi gì cả, nhưng nếu như người ta cố tình lợi dụng sự kiện để dùng chất gây nghiện (ma túy) chẳng hạn thì phải đợi phía công an tìm rõ nguyên nhân và có kết luận chính thức”.
Công an TP Hà Nội nhận định vụ việc là "đặc biệt nghiêm trọng" nên đã cử Phòng cảnh sát hình sự vào cuộc, phối hợp với công an quận Tây Hồ để điều tra làm rõ sự việc.
Công viên nước Hồ Tây- nơi xảy ra vụ việc.
Theo tìm hiểu, thì Lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) không chỉ gây thiệt hại về người mà đơn vị tổ chức là công ty TNHH Kết nối Á châu còn vi phạm quy định trong việc tổ chức biểu diễn khi không thực hiện đầy đủ cam kết đã ký.
Trao đổi với phóng viên báo ủa Báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt, bộ phận pháp chế của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết: "Cuối năm 2016, công ty TNHH Kết nối Á châu đã ký kết với VCPMC và thực hiện chi trả tác quyền sau khi đối soát, nhưng năm 2017, khi thực hiện một số chương trình, công ty TNHH Kết nối Á châu đã không thực hiện chi trả tác quyền theo quy định của luật pháp, mặc dù phía VCPMC đã có công văn yêu cầu làm việc nhưng không có sự hợp tác. Trước khi chương trình diễn ra, VCPMC đã có công văn số 939 ngày 31.8.2018 đến Sở VHTT Hà Nội; Công văn số 942 ngày 11.9.2018 đến Cục NTBD và Công văn số 943 ngày 11.9.2018 đến Phòng Văn hóa Quận Tây Hồ đề nghị hỗ trợ, nhắc nhở đơn vị tổ chức biểu diễn, nghiêm túc thực hiện việc chi trả tiền tác quyền âm nhạc theo quy định của pháp luật".
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”. Tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016), Khoản 2 Điều 7 quy định đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật có trách nhiệm phải “Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan”; Khoản 1 Điều 9 quy định hồ sơ xin cấp giấy phép tổ chức biểu diễn quy định phải có “bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
Cũng theo bộ phận pháp chế của VCPMC thì đơn vị này đã liên hệ qua điện thoại và email nhiều lần, nhưng không có hồi đáp thiện chí từ phía công ty TNHH Kết nối Á châu. Ngày 16.9, đại diện của VCPMC đã tiến hành các bước lập vi bằng về những sai phạm liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ với đơn vị tổ chức sự kiện thuộc công ty TNHH Kết nối Á châu.
Tuy nhiên, đơn vị tổ chức là Công ty TNHH Kết nối Á châu đến nay vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc sử dụng để biểu diễn trong chương trình nói trên, mặc dù Trung tâm đã nhiều lần chủ động liên hệ đến đơn vị tổ chức đề nghị thực hiện.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề cấp phép, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Chương trình đã được cấp phép và đơn vị tổ chức chương trình cũng đã cam kết sẽ thực hiện đầy đủ việc chi trả bản quyền theo quy định của Luật. Còn nếu chương trình không thực hiện thì có nghĩa là họ sai, vì họ đã ký cam kết với sở sẽ thực hiện đầy đủ. Vì vậy, nếu họ không thực hiện thì có thể đưa ra tòa”.
Nguồn: http://danviet.vn