Chưa nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc như kỳ vọng (Bài 2)
Những kết quả, thành tựu của văn học nghệ thuật (VHNT) sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị được khẳng định trong thực tế, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, số lượng tác phẩm VHNT những năm qua ra đời tương đối lớn, nhưng chưa có những tác phẩm thật sự xuất sắc như công chúng mong đợi, kỳ vọng.
Hạn chế dễ thấy của VHNT hiện nay là nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng. Nhất là thể loại thơ, vì dễ dàng có giấy phép nên được in rất nhiều, hầu như bị thả nổi, có nhà phê bình phải lên tiếng: “Chúng ta đã phản bội thơ”. Thuộc lĩnh vực tinh thần “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, không theo kiểu “bó đũa chọn cột cờ” nên có tình trạng như vậy là cần phải khắc phục. Giải thưởng cũng nhiều, từ cấp Trung ương, cấp ngành, địa phương đều có giải thưởng riêng cho từng loại hình, nhưng tác phẩm tiêu biểu về một đề tài thực sự xuất sắc, nổi trội thì hiếm. “Rải đều” giải thưởng thì không khuyến khích được các tài năng xuất chúng và cũng khó hấp dẫn được văn nghệ sĩ đầu tư dài hơi vào các công trình lớn. Việc đầu tư là cần thiết nhưng thiếu chiều sâu, thiếu trọng điểm theo kiểu “mưa cho khắp” cũng không kích thích được sự đầu tư của các tác giả.
Trình diễn một hoạt cảnh thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2018. Ảnh: Trần Hoàng.
Tác phẩm VHNT, nhìn từ phương diện tiếp nhận là khát vọng, là ước mơ, là niềm tin của bạn đọc, rộng hơn là của cả cộng đồng. Có nhà triết học nói rất đúng rằng, những gì nhân dân muốn nói thì nhà thơ (văn nghệ sĩ) sẽ nói thay họ. Như vậy, văn nghệ sĩ phải là người thuộc về nhân dân, là sự kết tinh văn hóa của nhân dân, đại diện cho nhân dân để nói lên những hoài bão, khát vọng. Điều này góp phần giải thích vì sao chúng ta có một thời đại thơ chống Mỹ đặc sắc và giải thích một lý do gốc của thực trạng hôm nay chưa có tác phẩm lớn ngang tầm thời đại.
Tình trạng nghiệp dư hóa trong sáng tác biểu hiện rõ nhất là tác phẩm thiếu chất sống. Có lẽ nên hiểu câu của Nam Cao “Sống đã rồi hãy viết” là một cuộc tạo vốn và tích vốn. Vốn ở đây cần được hiểu rộng rãi hơn là vốn sống, vốn văn hóa, vốn tri thức, vốn tình cảm. Là tiếng nói của đời sống, của cảm xúc nên tác phẩm thiếu chất đời thì nhạt, thiếu cảm xúc thì giả. Thơ mới 1930-1945 hay vì các nhà thơ sống thật cùng đất nước với những nỗi buồn thật, những nỗi đau thật. Chất sống, chất đời làm nên tư tưởng. Phải sống cho đã đầy, phải thương yêu cho hết mực, phải đọc cho thật nhiều sách, phải thấm thía thật sâu sắc văn hóa nước nhà, phải nhập vào nhiều nền văn hóa thế giới. Văn nghệ sĩ lớn sẽ có tư tưởng lớn. Không ngẫu nhiên ở nhiều ngôn ngữ đều lấy hình tượng cây đại thụ để chỉ các đại văn hào. Vì giống như cây đại thụ cường tráng và mạnh mẽ cắm sâu rễ vào mảnh đất truyền thống dân tộc và nhân loại để hút dinh dưỡng văn hóa rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng lý tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ từng nói, phải đọc vạn quyển sách thì khi hạ bút con chữ mới có “thần”. Cái “thần” ấy là tư tưởng. Với số ít người trẻ cứ chăm chăm hô to cái “tư tưởng” của mình trong “tác phẩm” nhưng người đọc chẳng thấy tư tưởng đâu. Vì ít vốn quá. Tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu(nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (tình cảm) vào hình tượng rồi truyền cảm (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận. Đó là quá trình đồng hóa và chuyển hóa cái tinh chất của cuộc đời vào trang sách, cũng là quá trình tư tưởng sẽ chuyển hóa để trở thành máu thịt nội dung tác phẩm. Nghèo nàn chất đời thì nhân vật không sinh khí, dật dờ nên tác phẩm dễ dãi, nhạt nhẽo. Sức bấy thì không thể bơi được vào dòng chủ lưu mạnh mẽ nên loanh quanh ở dòng đời nông cạn thở than cùng cái tôi buồn nhỏ bé, hạn hẹp, vặt vãnh.
Nhìn từ chế độ nhuận bút hay tiền đầu tư hiện nay thì quả là tài năng, tâm huyết, công sức mà văn nghệ sĩ bỏ ra thật chưa tương xứng. Nhưng đó không phải nguyên nhân chính. Ngày xưa các bậc anh tài Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… không hề có nhuận bút, mà vẫn có tác phẩm lớn? Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở chủ thể văn nghệ sĩ.
Và tại sao vẫn có một số văn nghệ sĩ có biểu hiện thái quá, tại sao vẫn có những thứ phẩm lệch lạc? Văn nghệ sĩ sáng tạo bằng cái tôi cá tính, cá tính mạnh là tiền đề thuận lợi cho một năng khiếu. Văn nghệ sĩ vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội, nhưng thiên chức của anh ta là tạo ra “cuộc sống thứ hai”, tức tác phẩm. Anh ta phải sống, phải “đi, về” giữa hai thế giới, thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với bao những nhân vật, hình tượng, chi tiết... Người ta hay dùng các từ “phân thân”, “hóa thân”, “nhập thân” khi nói về quá trình sáng tạo là vì vậy. Tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng văn nghệ sĩ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách, thất thường, dễ ảo tưởng, hay xúc động, cực đoan… là ít nhiều có căn cứ. Đây sẽ là điểm yếu khi có người thiếu bản lĩnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt. Nếu văn nghệ sĩ không tỉnh táo, nhà quản lý lại nhìn nhận đơn giản, một chiều sẽ dễ đẩy vấn đề càng đi về phía tiêu cực, có hại.
Văn nghệ sĩ luôn sống trong cái tôi cô đơn, để suy ngẫm, để tưởng tượng không chỉ về cái tốt, tích cực mà cả cái xấu, cái thấp hèn, tiêu cực. Vì sứ mệnh của nghệ thuật chân chính vẫn phải phản ánh về cái xấu để người đọc hiểu mà tránh xa nó, tiêu diệt nó. Có khi vì sống quá sâu với nhân vật mà có văn nghệ sĩ phát ngôn không phải cho cá nhân mình mà nói thay cho nhân vật (xấu), nên dễ gây ngộ nhận. Trường hợp này rất cần sự thông cảm, thể tất với đặc thù sáng tạo. Nhưng khi cái tôi bị đẩy đến cực đoan, vượt ngưỡng thì một hạn chế của số ít người này là quá đề cao cá nhân, chỉ mình là nhất rồi coi thường, coi rẻ sản phẩm nghệ thuật cũng như nhân cách đồng nghiệp. Thế là dẫn tới quan hệ “cánh hẩu” khen vống những ai hợp mình, nói xấu những kẻ khác mình. Tác hại hơn có người như vậy lại là thành viên trong hội đồng tuyển chọn, xét duyệt sẽ dẫn tới sự thiếu công, bằng gây ra dư luận không tốt… Với họ, sự khen chê chẳng qua cũng vì thỏa mãn sự ích kỷ, để làm nổi cá nhân mình. Nguyên nhân của trường hợp này là do ít hiểu biết về sự mênh mông vô tận của tri thức nhân loại nên sinh ra bệnh tự phụ, tự cao, tự đại. Ngồi dưới giếng nên chỉ nhìn thấy bầu trời bằng cái miệng giếng! Đúng ra văn nghệ sĩ phải là những người chịu khó, chịu khổ học tập, lao động nhiều nhất, am hiểu nhiều nhất, có vậy mới sáng tạo ra được một “cuộc sống thứ hai” sống động, giàu có ý nghĩa.
Văn nghệ sĩ tiếp thu văn hóa nước ngoài để làm giàu văn hóa nước mình là đáng khuyến khích. Nhưng tiếp thu thiếu chọn lọc sẽ tạo ra sự lai căng, nhất thời, không phù hợp với văn hóa Việt. Chạy theo thì mãi đi sau, phải có cái gì của riêng mình. Tiếp thu bên ngoài chỉ là cành lá, bản sắc dân tộc mới là gốc. Gốc vững thì cành lá mới có điều kiện quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hóa nhân loại để kết trái thơm tác phẩm.
(còn nữa)
Nguồn: http://www.qdnd.vn