Để những ca khúc viết về Đà Nẵng được lan tỏa

17/07/2018

Từ sau khi trực thuộc Trung ương năm 1997 đến nay, không thể phủ nhận đã có những ca khúc viết về Đà Nẵng chiếm được cảm tình và có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng yêu âm nhạc thành phố. Số lượng ca khúc được sáng tác tăng dần theo thời gian. Tính đến nay, thành phố đã tổ chức 3 cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng, những đĩa nhạc CD, VCD gồm những ca khúc là những tác phẩm đoạt giải, cũng như các ca khúc được lựa chọn để phát hành. Có một thực tế là, điểm qua các ca khúc về Đà Nẵng trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhân các sự kiện lớn của thành phố, các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng, thường giới hạn trong phạm vi các "ca khúc quen" như Đà Nẵng tình người của Đình Thậm, Chiều Đà Nẵng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, Đà Nẵng thành phố tuổi thơ tôi của Hoàng Dũng, Sông Hàn tuổi 18 của An Thuyên, Dòng sông tha thứ của Trần Tiến, Tình yêu Đà Nẵng của Trần Ái Nghĩa, Đà Nẵng tôi yêu của Quỳnh Hợp phổ thơ Nguyễn Bá Thanh, Đà Nẵng đẹp như mơ của Đinh Gia Hòa, Đà Nẵng tôi yêu của Tôn Thất Bằng... Tuy nhiên, để tìm ra trong số đó những ca khúc, nói theo ngôn ngữ của giới âm nhạc là "hit" thì vẫn còn hơi khiêm tốn.

Ca sĩ Anh Thơ thể hiện ca khúc "Huyền diệu sông Hàn" trong DVD ca nhạc "Tình yêu Đà Nẵng".

Phải thẳng thắn nhìn nhận là sức lan tỏa của các ca khúc chưa cao, số lượng bài hát gọi được "hát thường xuyên" về Đà Nẵng hầu như cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một dẫn chứng "có liên quan" là trong các đĩa nhạc karaoke, một loại hình ca nhạc phổ thông nhất, nếu người Đà Nẵng muốn hát cho bạn bè gần xa bài hát về thành phố mình  thì đến nay cũng chỉ mới có 2 ca khúc là "Đà Nẵng tình người" và "Chiều Đà Nẵng". Hầu như thành phố chưa tổ chức được  những cuộc thi ca nhạc cấp thành phố có chủ đề về Đà Nẵng, đại loại những cuộc thi như "Người Đà Nẵng hát về thành phố quê hương", "Liên hoan những ca khúc hay về Đà Nẵng"... Về việc còn ít bài hát hay viết về Đà Nẵng, có nhiều ý kiến khác nhau đưa ra về nguyên nhân này, chẳng hạn như một số nhạc sĩ chưa cảm nhận hết được về Đà Nẵng mỗi khi viết ca khúc hoặc cũng có khi chưa thể sáng tác hay do phải làm theo "đơn đặt hàng"? Hay là Đà Nẵng ít có trầm tích như Quảng Nam, vì vậy các bài hát bị cưỡng bức bởi người viết cho có tên vùng miền thì khó bay bổng được ! Cũng có ý kiến cho rằng, giá trị giải thưởng cho các ca khúc được giải còn thấp, thậm chí đợt thi này cũng không cao hơn đợt thi trước là bao nhiêu, nên chưa động viên, khuyến khích người sáng tác tập trung đầu tư cho sáng tác!?

Một ý kiến khác lại cho rằng, thị hiếu âm nhạc cũng khác những người thế hệ 7X, 6X khác với 8X, 9X mà đối tượng sau thì chiếm tỉ lệ khá cao nhưng Ban giám khảo các cuộc thi đa số đều là các "cây đa cây đề" trong làng âm nhạc nên các ca khúc được giải đôi khi mang tính hàn lâm, tính chính trị xã hội nhiều hơn tính trữ tình, trẻ trung sôi động mà tuổi trẻ vốn ưa thích. Cũng có ý kiến cho rằng, kết quả các đợt thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng chưa ra được ca khúc hay là do cách "mời gọi và ứng xử" của ban tổ chức. Ở một khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, bài hát hay thì chẳng cần những chương trình  quảng bá rầm rộ, tầm cỡ gì đó, thoáng nghe một lần ở đâu đó thấy hay thì dẫu cho có bị "không cho nghe" thì người ta vẫn tìm cách nghe cho bằng được! Nhân chuyện này, người viết từng chứng kiến trong một buổi lễ khai mạc "Du lịch Đà Nẵng- Điểm hẹn mùa hè" vừa qua, trong chương trình nghệ thuật trước lễ khai mạc, sau khi nghe một ca khúc viết về Đà Nẵng do một nhạc sĩ trẻ của thành phố sáng tác gần 2 năm rồi, một lãnh đạo thành phố nhận xét ngay "Bài hát này nghe hay mà sao lâu nay không nghe hát ở đâu cả"...

Nghe các ca khúc về về Đà Nẵng qua các đĩa nhạc được phát hành chính thức và tại một số buổi biểu diễn nhân các sự kiện của thành phố trong những năm qua, theo nhìn nhận chủ quan của người viết thì những ca khúc có chất lượng về Đà Nẵng không phải là "hiếm hoi" nếu chú tâm để nghe và cảm nhận. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là sự tâm huyết của những người sáng tác,  có thể nói, họ đã dốc hết nhiệt tình vào từng lời ca nốt nhạc để làm nên những ca khúc trọn vẹn, hay về nhạc, ý nghĩa về nội dung, làm cho những ai là người Đà Nẵng, không khỏi rung động, từ đó thêm yêu thành phố quê hương mình hơn. Ở một khía cạnh nào đó, những ai không phải người Đà Nẵng cũng biết và hiểu hơn về mảnh đất và con người của thành phố bên sông Hàn này. Để cho các ca khúc về Đà Nẵng từ "ít biết" trở thành phổ biến, từ chỗ nghe không hay trở thành hay, cần có những bước đi bài bản và dài hơi giúp cho sự lan tỏa của những sáng tác đó bay xa và để lại dấu ấn trong lòng công chúng thành phố và bạn bè gần xa. Nên chăng tăng cường phát hành rộng rãi các đĩa nhạc, MV về Đà Nẵng thông qua nhiều phương tiện truyền thông cũng như nghe nhìn. Không nên cứ sau mỗi cuộc thi sáng tác, các đĩa nhạc được sản xuất xong rồi để đó, lâu lâu lấy ra biếu tặng mỗi dịp lễ, hội nào đó. Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng có thể có những chuyên mục giới thiệu những ca khúc hay về Đà Nẵng hoặc mở chuyên mục "Mỗi tuần một sáng tác về Đà Nẵng" trên sóng phát thanh và truyền hình. Các Trung tâm văn hóa, các cơ quan, đoàn thể nên quan tâm tổ chức các cuộc thi hát những ca khúc viết về Đà Nẵng với các thể loại từ đơn ca đến hợp xướng. Về tổ chức các cuộc thi sáng tác  nên chăng xen kẽ Ban giám khảo giữa "già" và "trẻ", chẳng hạn cuộc thi năm nay thành phần Ban giáo khảo là các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc có thâm niên, cuộc thi sáng tác tiếp theo lại lựa chọn thành phần Ban giám khảo là các nhạc sĩ trẻ nhưng "có nghề". Như vậy sau mỗi cuộc thi sẽ có được những tác phẩm viết về Đà Nẵng phù hợp cho nhiều đối tượng từ người hát đến người nghe, từ giới trẻ đến giới trung niên, cao tuổi... Bên cạnh đó cũng cần quan tâm nâng cao giá trị giải thưởng hơn hiện nay, nên chăng đẩy mạnh xã hội hóa trong các cuộc thi để tranh thủ các nhà tài trợ, các Mạnh Thường Quân góp sức cùng ngành văn hóa nâng cao mức giải thưởng, qua đó phần nào nâng cao chất lượng các ca khúc...

Thiết nghĩ, bên cạnh đổi mới trong việc tổ chức các cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng, thành phố hoàn toàn có thể tổ chức những cuộc thi hát những sáng tác hay về Đà Nẵng, điều đó không có gì là khó nếu quyết tâm làm. Làm thế nào để các ca khúc viết về Đà Nẵng không còn phổ biến trong phạm vi hẹp, chưa đến nhiều với công chúng cả nước, trong khi hai tiếng Đà Nẵng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp từ Nam chí Bắc. Thiết nghĩ, đó là câu hỏi nghiêm túc đặt ra cho những người có trách nhiệm về đời sống  âm nhạc của thành phố.

Hy vọng trong tương lai không xa, những ca khúc về Đà Nẵng sẽ tăng cả về lượng và chất, để nhiều người Đà Nẵng, biết thuộc và thưởng thức những ca khúc viết về thành phố quê hương,  những ca khúc mà dù mới nghe nhưng người ta còn muốn nghe và nhớ từng nét nhạc, từng ca từ, qua đó cảm thấy có một cái gì đó thân thương, thấm đượm tình cảm đối với Đà Nẵng mà còn nhớ mãi khi xa nó.

(Nguồn: http://cadn.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...