Để các ban nhạc Việt hồi sinh
Vài năm trở lại đây, những chương trình truyền hình thực tế, cuộc thi tìm kiếm ban nhạc tài năng liên tiếp xuất hiện. Sau thời kỳ hoàng kim ở thế kỷ trước liệu thời kỳ hồi sinh của ban nhạc sẽ đến?
Yellow Star Big Band, á quân Ban nhạc Việt 2017 tham gia chương trình The BandFest - ẢNH: T.L
Những dòng chảy ngầm
Những năm 1970 - 1980 là khoảng thời gian hoàng kim của nhiều ban nhạc huyền thoại thế giới, nhiều ban nhạc trẻ tại VN cũng đã xuất hiện. Họ chơi nhạc quốc tế ở đám cưới, các phòng khiêu vũ cổ điển, vũ trường, khách sạn… Những ban nhạc nổi lên khi ấy có Sông Hồng, Thăng Long, Sao Mai…
Đến những năm 1990, nhạc nhẹ phát triển tại VN, nhiều ban nhạc nhẹ ra đời và nhanh chóng được công chúng mến mộ, như Hoa Sữa, Phương Đông, Chìa khóa vàng, Anh Em. Thời gian sau đó, nhiều ban nhạc rock xuất hiện, trong đó nổi bật là ban nhạc Bức Tường.
Sau một thời gian dài, số lượng các ban nhạc Việt dần ít ỏi, hoạt động không thường xuyên. Cho đến vài năm trước, khi chương trình truyền hình thực tế The X-Factor (Nhân tố bí ẩn) được phát sóng, khán giả bất ngờ với sự xuất hiện ấn tượng của nhiều ban nhạc. Năm 2017, chương trình truyền hình thực tế Ban nhạc Việt dành riêng cho các ban nhạc cũng lên sóng. Đầu năm nay, cuộc thi The Band tìm kiếm ban, nhóm nhạc Việt tài năng trên khắp cả nước đã được khởi động.
Nhạc sĩ Anh Quân, người đồng sáng lập ban nhạc Anh Em, nhận xét: “Những năm gần đây, đời sống âm nhạc Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng khi xuất hiện nhiều ban nhạc indie cùng nhiều nhân tố âm nhạc mới, đầy tài năng và tiềm năng”.
"Các ban nhạc đang hoạt động manh mún, không có sân khấu biểu diễn thực thụ và thị trường cho mình" Nhạc sĩ Anh Quân |
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng lạc quan về tiềm năng của các ban, nhóm nhạc Việt: “Âm nhạc là dòng chảy. Các ban, nhóm nhạc là dòng chảy ngầm trong đó”. Anh vẫn nhìn thấy niềm đam mê của những người trẻ, trong đó có các học trò của mình. “Với niềm đam mê, các em tự bỏ tiền thuê phòng tập với nhau, tự tập với nhau, tự bùng nổ”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nói.
Tạo động lực làm nghề
Mặc dù các chương trình truyền hình, cuộc thi cho thấy tiềm năng của các ban nhạc là có, nhưng để các ban nhạc đi đường dài lại là câu chuyện khác. “Âm nhạc VN từng chứng kiến thời hoàng kim của các ban nhạc. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang mất cân bằng giữa ca sĩ và ban nhạc. Các ban nhạc đang hoạt động manh mún, không có sân khấu biểu diễn thực thụ và thị trường cho mình”, nhạc sĩ Anh Quân nhìn nhận.
Trên thực tế, nhiều ban nhạc bước ra từ các chương trình, cuộc thi gặp không ít khó khăn khi hoạt động. Hồng Ngọc, ca sĩ chính của ban nhạc Yellow Star Big Band, á quân của chương trình Ban nhạc Việt 2017, chia sẻ: “Trong một chương trình, một ca sĩ đi hát riêng có thể nhận cát sê 30 triệu đồng, một ban nhạc đi biểu diễn cũng chỉ nhận được từng đó. Cát sê dành cho mỗi thành viên của ban sẽ phải chia nhỏ, có lúc không biết phải chia như thế nào”. Bên cạnh đó, nhiều ban nhạc ít có cơ hội được biểu diễn, như nhạc sĩ Anh Quân nhìn nhận: “Đa số các bạn trẻ vẫn đang loay hoay và hoạt động tự phát, chủ yếu trên các diễn đàn online”. Tay trống Lê Minh Hiếu, thành viên nhóm Jazz Glory Band, á quân của chương trình Ban nhạc Việt 2017, tâm sự: “Tôi có nhiều sáng tác, nhưng đó không phải là ca khúc mà chủ yếu là các bản hòa tấu, nhưng lại không biết biểu diễn ở đâu”.
Nếu chỉ có sự cố gắng đơn lẻ của nhóm các nghệ sĩ có lẽ là chưa đủ. Một số nhà sản xuất, nghệ sĩ đã tìm cách hỗ trợ các ban nhạc đến với khán giả. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Trưởng ban giám khảo cuộc thi The Band, cho biết sau cuộc thi, ban nhạc, nhóm nhạc được giải sẽ được hỗ trợ thực hiện sản phẩm âm nhạc đưa đến công chúng. Trong khi đó, vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh đã bỏ tiền túi thực hiện The BandFest để các ban nhạc trẻ tiềm năng của VN được chơi và giao lưu với các ban nhạc danh tiếng của quốc tế. Việc này cũng nhằm tạo sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ trong ban nhạc, đồng thời dần thay đổi thói quen nghe nhạc của công chúng và mang đến cho các ban nhạc trẻ động lực làm nghề.
(Nguồn: https://thanhnien.vn)