Những hình bóng ngựa trong âm nhạc

30/03/2018

Trong nền âm nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến cho đến nay có khá nhiều bóng dáng con ngựa được các nhạc sĩ ưu ái đưa vào trong ca khúc, rất đa dạng, nhiều thể loại từ dân ca,hành khúc,tình khúc… Sau đây có thể điểm qua vài bài hát tiêu biểu được mọi người yêu thích.

(Nguồn: internet)

Về dân ca có bài Lý Ngựa Ô ai cũng biết, trở thành dân ca ba miền Bắc Trung Nam và bài nầy được trình diễn rất phong phú, ngoài đơn ca, song ca, hợp ca…. còn có độc tấu nhạc cụ nữa.

Có thể nói bài hành khúc lâu đời nói về ngựa là của nhạc sĩ lão thành Lê Yên có từ thời tiền chiến bài Ngựa phi đường xa với tiết tấu sôi nổi vui tươi, qua hình ảnh ngựa phi  nói lên lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sức phấn đấu của tuổi trẻ :

Ngựa phi, ngựa phi đường xa

Tiến trên đường cát trắng trắng xóa

Tiến trên đường nắng chói chói lóa

Trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao

Ngựa phi ngoài xa thật mau

Lúc nguy nàn ta yêu thương nhau

Lúc bên đời quyết sức phấn đấu

Giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu

Cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng

Nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào 

Bài nầy được nhiều nghệ sĩ biểu diễn từ trước 1975 nhưng có thể nói với ban hợp ca Thăng Long trình diễn thì thành công  nhất, rất hay, rất ấn tượng. Tôi nhớ đoạn nhạc dạo có lồng tiến ngựa hí vang rền nghe náo nức, thôi thúc.

Một trong những trường ca trứ danh của Việt Nam là bài Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương sáng tác từ năm 1943 đến năm 1947 mới hoàn thành, bài hát đưa ta về một không gian xa xưa với đoàn binh mã rầm rập trong thời chiến, tiếng vó ngựa kiêu hùng, qua đó là ẩn hiện tâm trạng thiếu phụ thời chiến chinh chờ chồng đến hóa đá. Bài Hòn vọng phu 1:

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn,

Quan với quân lên đường,

Đoàn ngựa xe cuối cùng,

Vừa đuổi theo lối sông.

Phiá cách quan xa trường,

Quan với quân lên đường,

Hàng cờ theo trống dồn

Ngoài sườn non cuối thôn…

Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về

Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề

Người tung hoành bên núi xa xăm

Người mong chồng còn đứng muôn năm…

Bài Hòn vọng phu 3 với khung cảnh ảm đạm, bi hùng của tiếng vó ngựa trong chiều tà:

Đường chiều mịt mù cát bay tỏa bước ngựa phi

Đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió

Bóng từ xa sắp dần qua bóng chàng chập chùng vượt núi qua khe

Với hành lương độ đường

Chiếc hùng gươm danh tướng

Dưới tà uy đếm nhịp đi vó ngựa phi.

Bài Sài Gòn đẹp lắm của Y Vân rất phổ biến ở miền Nam những năm 60 không ai mà không biết. Bài hát vui tươi, trẻ trung, ca ngợi về Sài Gòn một thời được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông :

Ngựa xe như nước trên

Đường vẫn qua mau

Người ra thăm bến

Câu chào nói xôn xao

Phố xá thênh thang đón

Chân tôi đến chung vui

Sài Gòn đẹp lắm

Sài Gòn ơi!

Sài Gòn ơi!

Lời hát cho ta thấy con người vui vẻ chan hòa và sự sầm uất nhộn nhịp, xôn xao của đường phố Sài Gòn thời ấy.

Từ thập niên 70 tại Sài Gòn, bài Vết thù trên lưng ngựa hoang của Phạm Duy viết cho nhạc phim, lời phỏng theo cuốn truyện Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang của Duyên Anh không mấy chốc đã nổi tiếng, được giới yêu nhạc ái mộ qua giọng hát quen thuộc của danh ca Elvis Phương:

Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời, đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời.

Ngựa phi như điên cuồng, giữa cánh đồng, dưới cơn giông

Vì trên lưng cong oằn những vết roi vẫn in hằn.

Một bài ăn khách nữa là bài Vó ngựa trên đồi cỏ non của nhạc sĩ Giao Tiên, giai điệu rất tươi, tiết tấu nhanh, được giới trẻ yêu thích:

Em dấu yêu ơi,

Anh đang quay về mười năm xa vắng,

Anh sẽ đưa em

Đưa em đi tìm một giấc mơ đời,

Mười năm lạc loài phải không em

Mười năm đợi chờ, trĩu trong tim

Ta trót vong thân

Ta trót vong ân

Mang tuối hoa niên làm kiếp phong trần,

Bóng tà ngả trên lưng đồi cỏ non

Gió hiền thoáng vi vu ngàn lau xanh

Đường ra biên ải của Phạm Duy rất hào hùng cũng phảng phất hình bóng ngựa kiêu hùng :

Ra biên cương! Ra biên cương!

Thiết tha lòng gái

Hôm nay nâng khăn hồng

Đưa chân anh hùng ngàn phương.

Ra biên cương! Ra biên cương!

Khói hôn hoàng xuống men rừng

Qua con sông khuất ngàn nẻo thương

Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước

Hiu hiu, lá rơi lối mòn tuyết sương

Năm 1987 nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài Tùy hứng lý ngựa ô mang phong cách nhạc dân gian đương đại rất mới mẻ với chất rock rất sôi động, một thời ăn khách được nhiều ca sĩ trình bày:

Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy

Nghe một tiếng ầu ơ nửa đêm bão giông

Đêm phương Nam nằm nghe đường xa vó ngựa

Nghe từ thuở hồng hoang ngựa qua bến sông

Đêm phương Nam nhìn lên mây bay khói tỏa

Nhìn hòn đá lăn

Nghiêng... nghiêng...

Nghiêng nghiêng câu ca dao

Nghiêng nghiêng mái chèo

Dưới bóng cây, bóng cây ngô đồng

Có con ngựa dừng chân

Có hai người... hôn nhau.

Nhạc sĩ Thế Hiển đã dựa ý tưởng trên một câu ca dao cổ: “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn” để sáng tác bài Nhong nhong nhong cho thiếu nhi rất hay, dí dỏm, dễ thương, cảm động nói lên tình cảm cha con đậm đà, thân thiết. Bài hát  nhanh chóng được các em nhỏ yêu thích: Nhong nhong nhong cha làm con ngựa, để cho con lên cưỡi con ơi. Nhong nhong nhong cha làm con ngựa để cho con vui hòa tiếng cười, nhong nhong nhong ngựa cha mệt quá, con không biết con nói ngựa phi.Nhong nhong nhong ngựa phi thật khùng, hai cha con cùng ngã lăn đùng…

Hình bóng ngựa nhiều nhất chỉ có trong ca khúc của Trịnh Công Sơn. Có thể nói hình bóng ngựa là một nét đặc thù rất riêng biệt trong nhạc Trịnh mà ít thấy trong dòng ca khúc khác. Trong bài Đóa hoa vô thường, tiếng nhạc ngựa nghe da diết như xa xăm, khi ẩn khi hiện chỉ còn lại trong kí ức: “Từ đó trong hồn ta ơi tiếng chuông não nề, ngựa hí vang đường xa,vọng suốt đất trời kia...”.

Bài Một cõi đi về, tiếng nhạc ngựa nghe như tiếng vọng thời gian, ẩn hiện một kiếp người: “Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa...".  Tôi tự hỏi tại sao trong vòng đất trời bốn mùa như thế, mà nhạc sĩ lại bỏ lửng lơ mùa đông để thế vào đó hình ảnh “.nghe chân ngựa về chốn xa", nghe cô đơn buồn bã. Người ta có thể liên tưởng rằng tiếng ngựa nầy là một hình ảnh chuyến xe thổ mộ quê hương đưa những cô gái quê ra chợ sớm hay chuyến xe oan nghiệt đưa một cổ quan tài về huyệt lạnh trong một ngày tàn năm?

Những âm vang Ngựa buông vó hay Ngựa xa rồi là những chiếc bóng đã qua, là cảm nhận sâu thẳm của con người đứng trước bờ vực sự cô đơn: "Vó ngựa trên đời hay dấu chim bay…" (Xa dấu mặt trời). Sự ngập ngừng chần chừ trong phận người: "Ngựa buông vó người chùng chân đã bao lần, nửa đêm đó lời ca dạ lan như ngại ngùng…" (Dấu chân địa đàng). Hay chờ đợi mãi mãi cho đến thiên thu: "Ngựa xa rồi người vẫn ngồi hoài giữa đêm…" (Phúc âm buồn) hoặc thời gian trôi qua lặng lẽ trong đời: “Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say” (Một ngày như mọi ngày).

Đôi khi tiếng nhạc ngựa như báo hiệu một định mệnh, một tiên cảm về phận người hay cho chính nhạc sĩ: "...Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương,còn có ai không còn người,ơi nhân loại mặt trời và tôi thôi, nầy đôi môi xin thương người…" (Xin mặt trời ngủ yên), “Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng” (Chỉ có ta một đời).

Những chuyến xe ngựa trong bài Em còn nhớ hay em đã quên đã thổn thức bao trái tim xa quê, những hình ảnh ly chè thơm, hàng quán đêm, dòng kinh, cây cầu, hàng cây, góc phố... là rất quen thuộc với người Sài Gòn: "Em còn nhớ hay em đã quên nhớ đường dài qua cầu lại nối, nhớ nhưng con sông nối bao dòng kênh,nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng, nối xôn xao hàng quán đêm đêm..." làm ta nhớ những chuyến xe ngựa gỏ nhip từ ngoại ô chở rau mỗi sáng tinh mơ về Sài Gòn…

Đôi lúc, phảng phất một dấu ngựa từ quê nhà nhạc sĩ, vùng đất trầm mặc cố đô xa xưa: "...Đường phố buồn mọi người đi vắng,trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng…" (Có những con đường).

 

Có thể còn nhiều bài hát mang hình bóng ngựa nữa trong âm nhạc Việt Nam, chúng tôi không đủ thời gian lược ghi ra hết được.

Tác giả: Nguyễn Quốc Đông

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...