Có một tín ngưỡng như thế
Việt Nam thời kì hiện đại, người dân vẫn còn tín ngưỡng vào các vị nhân thần và tự nhiên thần tồn tại trên khắp thế gian. Nhưng trong các nhân thần và tự nhiên thần ấy thì có tín ngưỡng thờ thần Mẹ là tồn tại dai dẳng nhất, phát triển mạnh mẽ nhất trong đời sống xã hội. Nó phát triển xuyên suốt lịch sử xã hội Việt Nam từ xã hội Âu Lạc đến xã hội Việt Nam hiện đại. Tín ngưỡng này có thể có khởi nguồn từ chế độ Mẫu hệ (nhà nước Công xã nguyên thủy ở Việt Nam) với tên gọi "bà tôn Mẫu". Bà tôn Mẫu là người đứng đầu Công xã nguyên thủy.
(Nguồn: internet)
Chế độ mẫu hệ chấm dứt, phụ hệ lên ngôi, vai trò của "bà tôn Mẫu" không còn, nhưng tình yêu và tín ngưỡng với bà thì không chấm dứt. Người ta đã thánh hóa bà vào trong một bản "lí lịch mới" với tên gọi Chúa Liễu để tôn vinh và tôn thờ. Họ soạn ra câu chuyện rồi truyền đi rằng: Chúa Liễu là con gái của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì yêu nhân quần mà hạ giới cứu khổ. Rồi đến khi đất nước rơi vào cảnh phân tranh, người dân đàng trong mở rộng biên cõi, tiếp thu văn hóa Chăm thì "bà tôn Mẫu" lại có một "lí lịch mới" với tên gọi Thiên Y A Na. Tên gọi thì Chăm, nhưng nội dung các giá văn và âm nhạc vẫn thuần Việt (nhạc hầu đồng được Huế hóa).
Tín ngưỡng thờ Chúa Liễu và Thiên Y A Na phát triển nhanh hơn bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam. Điều này đã làm cho những người đứng đầu xã hội các triều đại phải ra các sắc chỉ, sắc lệnh cấm đoán. Vua Lê ra lệnh chỉ: "Trong buổi loạn li, thói mê tín cùng các tà thuật có cơ hội tốt để phát triển. Thấy bọn thuật sỹ giả thác thần thánh có thể mê hoặc và dao động nhân tâm, làm nguy hại cho sự an ninh của xã hội... ra lệnh cấm các "vu trùng tả đạo". Vua Gia Long cũng ra lời răn: "Dân gian nếu có người nào đau ốm, chỉ nên mời thầy thuốc, chớ nên tin nhảm là tà ma, lễ bái nhảm nhí, các cửa đền cửa phủ, cô đồng cũng không được hương khói thờ cúng, để cầu khẩn hộ người; nếu cứ quen theo thói cũ, tất phải can vào pháp luật nghiên trọng. Còn Bác Hồ của chúng ta, cũng có sắc lệnh cấm mê tín dị đoan. Hầu bóng tưởng đã hết đường.
Bỏ mặc tất cả, tín ngưỡng này, những người theo tín ngưỡng này vẫn ung dung tồn tại, vẫn ung dung phát triển và phát triển mạnh mẽ. Có lẽ bởi nó có sức sống tự thân mãnh liệt; có lẽ bởi nó mê hoặc con người bằng "liệu pháp xin cho". Và ngày nay nó lại được hội thêm sự đồng thuận của nhân loại trong một vinh danh duy nhất trong lịch sử phát triển và tồn tại của nó - sự công nhận của UNESCO. Nghĩ mà thầm phục: có một tín ngưỡng như thế, được nâng niu, được vinh danh như thế!
Tác giả: Đặng Hoành Loan