Vị trí của vai hề trong hát Chèo

06/03/2018

Hề Chèo thường là những vai hề đồng, hầu phòng, vị trí là hề, công việc là đi hầu, nhưng tên tuổi thì vô vàn.

Nói tới sân khấu Chèo nhiều người hay nhắc đến vai Hề. Hề Chèo thường là những vai hề đồng, hầu phòng, vị trí là hề, công việc là đi hầu, nhưng tên tuổi thì vô vàn: Hề mồi, hề gậy, hề nhất, hề nhị, hề tam, hề tứ cho đến hề thập, hề nhân, hề chanh, hề chóp, v.v... và mỗi cái tên hề đều mang một nội dung vận dụng “điển cố” nhằm đả kích thói đời bon chen, vị kỷ, bạc bẽo, bất nhân ...

Những vai hề này thường gọi là những vai nhọ. Câu hát ra trò của hề:

Đốt nhọ bôi mồm

Bôi mồm đốt nhọ

Bôi ngay cái mép ...

Hề Chèo thường là những vai hề đồng, hầu phòng, vị trí là hề, công việc là đi hầu, nhưng tên tuổi thì vô vàn.

Chợt nghe tưởng như vậy là một câu ra trò có tính chất tự diễu cợt, nhưng thực ra đấy là một ước lệ quy định cho tính cách vai hề, và nhất là quy định cho vị trí hoạt động với một giới hạn “vô cai quản, bất đắc hành hạ” của vai hề trên sân khấu chèo cổ. Về mặt nghệ thuật, ta đã biết cách thức hóa trang của chèo cổ không mang tính cách tượng trưng như tuồng cổ. Diện mạo những nhân vật chèo cổ rất gần với hiện thực, tuy đã được mỹ lệ hóa theo yêu cầu chung của nghệ thuật. Vai hề chèo, sao lại có sự quy định về hóa trang như vậy? và với quy định đó, có phải hề chèo đã được phép thả sức tung hoành trên sân khấu chèo cổ?

Hãy trở lại những thời kỳ phong kiến thống trị từ những thế kỷ xa xưa ở Việt Nam ta, cũng như ở Trung quốc và cả ở những nước Phương Tây, như Pháp chẳng hạn. Và nếu đột nhập nơi cung đình, người ta sẽ bắt gặp một nhân vật đặc biệt, quan không thành quan, hầu cận không ra hậu cận, chuyên trách làm trò mua vui cho các “vì thiên tử”.

Đó là những “Con hát Ban hí” của triều đình vua nhà Đường, đó là những “cái đuôi” của những nhà vua Lu – i (Louis) triều đại dòng họ Buốc – bong (Bourbons), mà lịch sử văn học nghệ thuật Pháp còn ghi lại với cái tên “phu” (fou), dịch theo nghĩa chữ là kẻ điên, đó là những “con hát” chuyên bôi nhọ mặt làm trò hề mua vui cho vua nhà Đinh nước Việt.

Trong quá trình phát triển lịch sử xã hội, trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, Đông và Tây thường có sự gặp gỡ đặc biệt như vậy.

Nhưng vai hề khởi thủy này không phải chỉ vận dụng tài nghệ làm hề và ứng đối để gây cười một cách vô thưởng, vô phạt, mà trò hề của họ còn khai thác từ những việc xảy ra trong cuộc sống triều nội, những việc đó liên quan đến cả những người trong hàng triều thần văn võ, với nội dung chỉ trích, phê phán hẳn hoi. Nhiều khi trò hề của họ đã chiếu thẳng cả vào “thiên tử”, nhưng là vì chuyện phải làm cho “ngài ngự” vui bằng được, nên những sự phê phán, giễu cợt kia mặc dù có khi đã tràn qua ranh giới “phạm thượng” cũng vẫn được cổ vũ, yêu chuộng là đằng khác, bởi hình thức nghệ thuật trào lộng vô can của anh ta.

Từ vị trí “bất khả xâm phạm” ở nội đình như vậy, vai hề tiến ra sân đình, cũng vẫn với tư thế ngang nhiên, tung hoành, tưởng cũng chỉ là nằm trong quy luật phát triển mở rộng mà thôi.

Bên cạnh những vai hề “nhọ” lực lượng chính của tiếng cười, Chèo còn những nhân vật có tên và có vị trí xã hội cụ thể như: Thầy bói, mụ quán, xá lại, khán thủ, mẹ mõ, lý trưởng, cu sứt, con cụ lớn, thằng nô, thằng khoèo và cả chú tiểu. Những nhân vật này tuy giữ tuyến thứ hai của chất Chèo, nhưng đều đã mang mỗi vai một tính cách cố định, đã được khái quát hóa đến mức khá cao. Và theo yêu cầu của từng đối tượng khan giả, có thể rất linh hoạt xuất hiện trên chiếu chèo, hết sức “thoải mái” hết sức tự do, vào bất cứ tinhg huống nào có thể xuất hiện, trong bất cứ một một tích trò nào có những lớp có khả năng xuất hiện, chẳng khác gì trong xã hội nông thôn ngày trước, người ta có thể gặp họ bất cứ ở đâu trong thực tế cuộc sống hàng ngày.

Chèo đã đẩy những nhân vật này lên chiếu một cách rất sinh động và linh hoạt. Những vai hề đồng, hầu phòng, thầy đồ ... có thể xuất hiện bên cạnh bất cứ một thư sinh hoặc một công tử con quan nào đó với những nội dung diễn xuất không mảy may dính líu gì đến cốt truyện tích trò. Chẳng hạn như vai thầy đồ trong tích Tôn Mạnh – Tôn Trọng cũng rất có thể gài vào tích trò Lưu Bình – Dương Lễ hoặc bất cứ tích trò nào có nhân vật học trò đi học.

Nhân vật thầy bói cũng vậy, trong bất kể tích trò nào khán giả cũng có thể gặp, và cũng không thể thắc mắc. Người thầy bói bốc quẻ cho Trinh Nguyên trong Tôn Mạnh – Tôn Trọng cũng có thể đoán quẻ cho bất kể nhân vật nào đang lo âu về số phận của mình ở những tích trò khác.

Hai chủ tiểu trong Từ Thức nếu cần có thể đến tu tại chùa Vân Tự và sẵn sang giễu cái cảnh “Trốn việc quan đi ở chùa” của họ, ngay tại lớp Thị Kính bị mắc oan với Thị Mầu và sắp hóa thành Phật. (Theo các bác nghệ nhân cho biết thì hai vai tiểu này là của tích trò Phan Trần).

Những vai hề trên chiếu chèo thường đã kéo khán giả vào những chuỗi cười, tưởng như “bất tuyệt” và xem chừng khan giả đã cười  thỏa thích rồi, những vai hề mới chịu đưa họ về với những rung cảm tâm tình qua những tình huống éo le của những nhân vật chính truyện!

Thông qua những tích trò văn học đã liên hệ với tích trò biểu diễn rõ ràng là vai hề đã “làm mưa làm gió” trên chiếu chèo xưa. Nó đã đứng hầu như tách ra ngoài tuyến phát triển tất yếu và hợp lý của chủ đề tích trò.

Lớp rao khoán Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, và cảnh việc làng, lớp thầy đồ ngồi bảo học trong Tôn Mạnh – Tôn Trọng, lớp mụ quán - thằng khoèo và lớp thầy phù thủy trong Kim Nham v.v..., về mặt nghệ thuật biểu diễn càng gây được sức hút mạnh bao nhiêu thì về mặt cấu trúc càng “phá” mất cái không khí nhất quán cần thiết của tuyến nội dung tích truyện bấy nhiêu.

Trong nhiều tích trò, tính chất trào lộng còn chiếm một tỷ lệ thoáng đạt cả nội dung tích truyện. Tích truyện đã được xử lý trong những mảng trò đó. Do vậy không những chỉ là cái “thân trò”, mà cái thân trò ở đây cũng chỉ còn là một cái cớ để chèo gài lên chiếu những “mưu đồ” đả kích những cái gai mắt, chướng tai trong cái xã hội rách nát dưới ách thống trị phong kiến.

Từ truyện Thiệt Thê phụ bạc Chu Mãi Thần, chèo đã dựng lên chiếu cả một nhân vật Tuần Ty, một ông quan thu thuế nơi cửa sông, với cả một cảnh đào Huế đánh ghen, mà nhìn về mọi mặt nghệ thuật, đã làm mờ cả tích trò Chu Mãi Thần. Sự kiện “Hắt bát nước xuống đất đố hót lên được đầy” thì tình nghĩa vợ chồng mới vẹn toàn như cũ (tích trò chính của Chu Mãi Thần) chỉ còn là một đóm lửa nhỏ bên cạnh một ngọn lửa cháy bùng.

Rõ nhất là tích trò Từ Thức. Tích trò khai thác từ tích truyện Từ Thức gặp tiên, một nội dung chủ đề trữ tình mang tư tưởng thoát tục của người xưa.

Chèo, có nghĩa là quần chúng – đã tỏ thái độ bài bác một cách châm biếm cái tư tưởng “thoát ly thực tế cuộc sống” đó. Nhưng ở đây, với sự giễu cợt của cả một loạt vai hề đầy chất tiếu lâm, từ hai hề hầu quan huyện họ Từ, đến vai khán thủ, qua hai vai chú tiểu tiếp đến vai hề theo Từ Thức đột nhập động tiên và ông già Tơ Hồng. Nhiều khi còn có cả vai Bà Nguyệt lão, không những hai nhân vật chủ đề Từ Thức, Giáng Hương đã bị dồn vào một cái thế hoàn toàn bị động, mà cả cuộc tình duyên huyền ảo, thơ mộng, siêu phàm của cặp trai trần tục, gái cung tiên kia cũng đã bị khuấy loãng đến nhạt thếch, và tích truyện đã bị tước hết chất “thi vị trữ tình” để tích trò trở nên hoàn toàn trào lộng, trào lộng với dạng một náo kịch thông tục.

Nếu bảo rằng những lớp trò trào lộng đó hoàn toàn không dính gì với tích trò cả thì cũng không đúng. Rõ ràng là nội dung những lớp hề đó phải có cơ sở tình huống của tích trò mới phát triển được. Nhưng có điều sự phát triển này đã vượt quá giới hạn cần thiết và hợp lý, theo yêu cầu tập trung của chủ đề tích truyện.

Thực tế đó đã dẫn đến chỗ những vai hề chèo là những nhân vật độc lập, mang cái dạng nhân vật hề độc lập của hình thức sân khấu châm biếm dân gian - tiền thân của hài kịch cổ điển thời phục hưng của nền văn học nghệ thuật Pháp, hoặc giống như những vai hề của hình thức hài kịch cổ Ý.

Mấy kiểu nhân vật hài hước đó, tuy khác nhau về chất địa phương với những cơ sở phong tục tập quán, tác phong, nhưng đã giống nhau về vị trí hoạt động trên sân khấu, cả về phương pháp khắc họa hình tượng điển hình với những tính cách đã được khái quát hóa đến mức cố định để trở nên những nhân vật “khuôn mẫu” trong cuộc sống hiện thực. Và riêng hề chèo, là những nhân vật mẫu mực của nghệ thuật biểu diễn sân khấu chèo cổ.

Từ thực tế diễn xuất trên sân khấu chèo, ta đã thấy: những vai hề, hoặc những lớp trò hề, như hề mồi, hề gậy, cô đồng, thầy bói, thầy đồ, mụ quán, thằng khoèo, lão say, cu sứt, xã trưởng, mẹ đốp, v.v. từ những tích trò hoàn chỉnh đã được rút ra và đưa lên sân khấu biểu diễn thành những trích đoạn tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống.

Đó cũng chính là cơ sở cụ thể để quy định vị trí của những vai hề chèo, đặc trưng của tính chất trào lộng của nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống mà tổ tiên ta bao đời để lại./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...