"Giáo dục âm nhạc trong các trường phổ thông theo yêu cầu của Unesco"

18/10/2017

Thật tiếc, tôi chưa lần nào được gặp và nghe Giáo sư Trần Văn Khê trò chuyện. Bởi lẽ, những năm tháng ấy tôi đang còn là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nay, về công tác tại Viện Âm nhạc, có dịp ngồi nghe băng ghi lại cuộc nói chuyện của Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê vào năm 2005 tại Viện Âm nhạc về "Giáo dục âm nhạc trong các trường phổ thông theo yêu cầu của UNESCO", tôi mới thực sự vỡ lẽ ra nhiều điều. Nghe xong bài nói chuyện của Giáo sư, tôi tự hỏi: điều gì làm tôi lưu mãi những câu chuyện của Giáo sư trong tâm trí như vậy? Có lẽ không chỉ là giọng nói ấm áp, gần gũi đã thu hút tôi mà chính là cái “tình” của Giáo sư với âm nhạc dân tộc, vốn tri thức, cùng phương pháp nghiên cứu uyên thâm của Giáo sư đã chinh phục trái tim và tình cảm của tôi.

Giáo dục âm nhạc truyền thống cho học sinh trong các trường phổ thông nhằm làm tăng sự hiểu biết, khơi gợi tình yêu của thế hệ trẻ đối với những di sản văn hóa của cha ông, không phải là một vấn đề mới nhưng luôn là nỗi niềm đau đáu đối với các nhà giáo dục và những người đang nỗ lực bảo vệ nền âm nhạc truyền thống. Cũng vì thế, trong số Nghiên cứu Âm nhạc - Thông báo khoa học này, chúng tôi xin giới thiệu tới quý độc giả toàn bộ nội dung bài nói chuyện của GS -TS. Trần Văn Khê như những gợi ý thiết thực từ những trải nghiệm thực tế của Giáo sư.

Câu chuyện bắt đầu 

“Hôm nay được nói chuyện với mấy cháu[1] về chương trình UNESCO đưa ra, UNESCO muốn gợi lên một sự kiện đã lan tràn khắp thế giới. Đó là âm nhạc kích động, âm nhạc mới, âm nhạc khiêu vũ, đang xâm nhập tới tất cả các nước. Trong khi đó, trẻ em (ở các nước) chưa được trang bị vốn âm nhạc dân tộc nên thấy cái gì mới, thấy cái gì lạ là tiếp thu ngay. Do vậy, UNESCO muốn làm sao cho có một sự trang bị cho trẻ em về âm nhạc dân tộc. Không phải để tất cả trẻ em đều biến thành những nhạc công, nhạc sĩ biết đánh đàn, biết hát, mà là những người yêu âm nhạc dân tộc, đấy là điểm thứ nhất. Điểm thứ nhì là làm sao tạo cho trẻ em có một tinh thần không phải là cứ học rồi trả bài như một con két, mà phải có óc sáng tạo. Hai cái tư tưởng đó là hai tư tưởng chính trong chương trình đầu tiên của UNESCO.

Mấy năm trước đây, trong một cuộc hội họp trên thế giới, tất cả các nước đều tán đồng làm một cuộc thể nghiệm, thử đem âm nhạc dân tộc vào cấp tiểu học, mỗi một nước tham dự là một cuộc thể nghiệm. Sau cuộc thể nghiệm đó, các nước tự đưa ra rút kinh nghiệm xem mình đã làm cái gì và thành công chỗ nào. Tất cả kinh nghiệm đó đem góp lại, làm thành một kinh nghiệm chung cho tất cả châu Á và có thể cho tất cả thế giới.

UNESCO gửi thư cho năm nước là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Philippines thì chỉ có Việt Nam trả lời. Ở ngoài Bắc, có cháu Đặng Hoành Loan trả lời, trong Nam có Thiếu Quang trả lời, cá nhân thuộc về UNESCO thì có mình bác trả lời, còn không ai trả lời nữa. Họ giật mình, họ thấy lạ khi đưa ra một chương trình như vậy mà đợi hai, ba tháng chỉ có Việt Nam trả lời. Họ mừng quá, mới mời bác lên. Bác nói với họ, nếu vậy chúng tôi sẽ làm một cuộc thể nghiệm tại Việt Nam.In

Chuyện đó định vào năm 2001, đùng một cái, tại Mỹ nổ ra sự kiện 11/9[2], hai cái lầu bị máy bay đâm vào đổ sập, bao nhiêu người chết, bao nhiêu người bị mất công ăn việc làm, trong đó có một số lớn những người nhận tài trợ cho chuyện này. Đây là chương trình do UNESCO đề xướng, nhưng không dùng ngân quỹ của UNESCO mà dùng ngân quỹ tìm được bên ngoài từ những mạnh thường quân, những mạnh thường quân đó một số lớn là Mỹ; thành ra sau vụ 11/9, họ nói, giờ sạt nghiệp rồi, không cho tiền được nữa.

Vào tháng 12, bà Tenra Vacne gặp bác nói: 

- Chương trình mình tính trước giờ không làm được nữa, hết tiền rồi. Tiếc quá, nghe ông nói chuyện tôi thấy thú vị lắm, mặc dù chưa có làm thể nghiệm tại Việt Nam nhưng ông đã thể nghiệm ở Mỹ, Pháp, giờ nếu làm được ở Việt Nam thì có lẽ cuộc thể nghiệm đó sẽ phong phú lắm, mà bây giờ chúng tôi hết tiền rồi, chúng ta nghĩ cái đó như là dĩ vãng đi.

- Việt Nam chúng tôi có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, không có tiền nhiều thì có tiền ít, bà cho tôi biết tối thiểu bà có bao nhiêu?

- Tôi xấu hổ lắm, bởi số tiền này không đủ để mời ông, thành ra đừng nghĩ tới!

- Bà nghĩ giờ bà muốn mời tôi, bà muốn trả bao nhiêu?

- Theo chức vụ của ông, theo kinh nghiệm của ông thì khi mời ông phải trả một số tiền thế nào cho nó tương xứng?

- Tôi không cần tương xứng, bà chỉ cần cho tôi vé máy bay và một số tiền để tôi giao dịch thư từ thôi, còn ngoài ra tôi không lấy tiền.

- Ông làm chuyện này mà ông không lấy tiền à?

- Không, vì tôi làm chuyện này không phải cho UNESCO mà cho đất nước của chúng tôi, nên chúng tôi sẵn sàng làm. Nếu UNESCO ủng hộ thì việc này không chỉ được ở Việt Nam mà nó sẽ lan rộng ra bên ngoài.

- Nghe ông nói mà tôi phấn khởi quá. Tôi chỉ có thể giúp Việt Nam nhiều nhất 5 ngàn đôla, tức là 75 triệu đồng[3] để lo cho chương trình này.

Trở về Việt Nam, bác bắt tay vào công việc chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm. Bác không dám nói chuyện ở Hà Nội mà nói chuyện ở trong Nam, nhờ Trường Cao đẳng Văn hóa và Nghệ thuật ở thành phố. Ông Huỳnh Quốc Thắng - Hiệu trưởng nhà trường cũng say mê với công việc này. Ông nói với bác: Giáo sư yên lòng đi! Giáo sư đã nói câu "Liệu cơm gắp mắm" thì chúng ta sẽ làm chương trình nhỏ lại, chỉ thể nghiệm nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh thôi.

Thứ nhất, lựa khoảng hai chục thầy cô giáo, tuy sống ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhưng sinh ra là người gốc Bắc, người gốc Trung để đặng những người đó sau khi nghe truyền dạy có thể áp dụng trong vùng của mình. Đồng thời mời luôn cả hai em người dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên xuống, hai em người dân tộc Khơme ở Trà Vinh lên để lớp học có thêm dân tộc ít người.

Kết quả, lựa được hai chục thầy cô giáo, hai chục học trò, trong đó có 2 em trai và 18 em gái tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo”.

Sau ba tháng mở lớp (tháng 3, tháng 5 và tháng 6 năm 2004), có một cái vui là tìm được phương pháp mới. Phương pháp mới là gì?

Nguyên tắc thứ nhất

 Đối với học trò là giáo viên, trước hết phải giới thiệu một cách ngắn gọn, cô đọng về cả một nền Âm nhạc truyền thống Việt Nam trong 12 bài. Thời lượng quá ít nhưng cũng phải cố gắng làm. Sau khi trang bị cho thầy cô kiến thức đấy rồi mới tới dạy cho mấy em.

   Khi dạy các em cần có mấy chuyện thay đổi lớn, thay đổi về nguyên tắc và thay đổi về phương pháp.

Nguyên tắc lớn nhất là cho trẻ em thấy là “Học mà chơi, chơi mà học”. Như vậy, phòng học không phải là phòng học nữa, phòng học biến thành buồng chơi, người giáo viên không phải là người thầy giáo ra dạy nữa mà là một người bạn chơi. Nhạc cụ, nhạc khí đều trở thành những món đồ chơi. Tất cả điều này để các em thấy rằng, gặp gỡ âm nhạc truyền thống Việt Nam không phải là chuyện gì khó khăn, bí mật, mà là môi trường chơi thôi.

Nhưng dạy cái gì, dạy bằng cách nào và theo phương pháp nào?

Dạy cái gì?

Đối với trẻ em, không thể dạy cái gì ngoài sức của nó, tức là dạy cái gì gần gũi với nó nhất. Bắt đầu nói chuyện với trẻ em, đầu tiên phải nói chuyện đồng dao, trẻ em hát, trẻ em chơi. Những bài hát ru, tiếng hát ru của người mẹ với con, hoặc là nói những bài gì dễ nghe, những câu ca dao, tục ngữ đều có thể dạy cho trẻ em tiểu học.

Dạy bằng cách nào?

Lần lần tập cho các em làm quen với những nhạc cụ, nhạc khí đơn giản nhất, từ giản dị tới phức tạp. Những nhạc cụ, nhạc khí có sẵn trong người như tiếng nói, bàn tay, bàn chân, thân thể rồi ngoài ra những nhạc cụ đơn giản thường được dùng trong xã hội Việt Nam, đi từ cụ thể tới trừu tượng.

Mới vô không dạy ký âm, hò xự xang xê cống, đồ rê mi pha son, không dạy bài hát tập thuộc lòng rồi trả bài. Mà mới vô cho nó tạm chơi với những gì cụ thể như cái muỗng, cái chén, cái ly, chai nước, chơi mà trong đó có âm nhạc, thế là biến chơi mà học, học mà chơi. Từ cụ thể tới trừu tượng, rồi từ gần tới xa, từ giản dị tới phức tạp. Con đường đó là con đường phải đi. Chuyện dạy như vậy, nó gần gũi với trẻ em, không có gì phức tạp. Đó là nguyên tắc chung.

Bằng phương pháp nào?

Hồi đó tới bây giờ, chúng ta giáo dục âm nhạc trong các trường đều theo các phương pháp dạy của phương Tây, tức là mới vô dạy đô rê mi pha son la xi, rồi dạy các bản nhạc dễ. Bên đây thì thấy vô dạy mấy em "Bắc kim thang cà lang bí rợ" rồi hát "Tập tầm vông". Đây là giáo dục con mắt, đọc cho đúng, đọc cho mau và bàn tay, cái miệng phản xạ cho đúng, phản xạ cho mau.

Phương pháp dạy ở phương Tây và trên thế giới là chú ý dạy cho con mắt đọc được. Trong khi đó quên rằng âm nhạc không phải là con mắt, âm nhạc là lỗ tai. Lỗ tai thì dạy sau mà dạy con mắt trước. Điều đó không phù hợp.

Nếu dạy theo chúng ta, dạy theo truyền khẩu, truyền ngón thì con mắt thấy sau mà lỗ tai sẽ nghe trước, luyện cho lỗ tai nghe thật rõ, thật đúng. Trong khi luyện lỗ tai nghe thật đúng mà không có gì mình ghi chép làm tín hiệu thì không có cách nào hơn bằng đem trí nhớ ra mà nhớ cái giọng đó mới phát lại được, thì chừng đó cái trí nhớ làm việc rất mau, rất nhiều mà rất mạnh, đó là sự đào luyện, huấn luyện cái lỗ tai mà huấn luyện luôn cả trí nhớ làm việc. Chừng nào trí nhớ làm việc nhận thức được rồi chừng đó mới viết ra trên bảng để đặng mà nhìn thấy trên bảng đó mà có tín hiệu trở lại cái miệng hát lên, cái tay đờn thì mới ra. Do đó một cái xáo trộn lớn trong phương pháp bác đề nghị ra đó là: Giáo dục cho cái lỗ tai và trí nhớ trước khi giáo dục cho con mắt và phản xạ của bàn tay và cái miệng. Cái đó làm ngược hết với tất cả những cái từ hồi đó người ta dạy cho học trò.

Nguyên tắc thứ hai

Người ta hát một bài để cho biết giai điệu trước rồi tới chừng 5, 6 tháng sau mới cho nó biết nhịp như thế nào. Nhịp 1, nhịp 2, nhịp 4, nhịp 3 thì tới chừng đó dạy sau lâu lắm. Theo bác chuyện đó không hợp với tự nhiên.

Theo tự nhiên thì bào thai trong lúc 2 tháng, bào thai tựa hình đã bắt đầu nghe tiếng trái tim của bà mẹ, mỗi ngày nghe tịch/tịch/tịch/tịch… Tiết tấu đã vô trong người của bào thai. Bào thai 7, 8 tháng tự nghe được tiếng trái tim của mình thì là chuyện hai tiết tấu đó nhập vô. Khi bào thai đó bước ra khỏi lòng mẹ, khóc 1 tiếng lên rồi thở ra / hít vào / thở ra là tiết tấu. Rồi bà mẹ đưa võng lên kẽo cà kẽo kẹt ầu ơ, ví dầu, à ơi, à ời…, đưa qua đưa lại cũng là tiết tấu. Khi trẻ em lớn hơn một chút xíu, bước ra ngoài đường thấy người ta đi là tiết tấu, thấy cái gánh gồng nhích lên nhích xuống là tiết tấu, thấy nước lớn, nước ròng, thấy thủy triều là tiết tấu. Ngày và đêm là tiết tấu, bốn mùa là tiết tấu… Tiết tấu là một yếu tố quan trọng, tại sao không dạy trước mà lại dạy sau? Dạy tiết tấu để cho trẻ chơi với tiết tấu, rồi lần lần quen với tiết tấu thì từ đó sẽ dần chuyển qua giai điệu. Phương pháp thay đổi thứ nhì đó là dạy tiết tấu trước khi dạy giai điệu, cũng giống như hồi nãy huấn luyện lỗ tai và trí nhớ trước khi luyện con mắt và phản xạ, của bàn tay và cái miệng.

Nguyên tắc thứ ba

Không bắt mấy trẻ em học thuộc lòng một cái gì để trả bài. Nếu được thì nói chuyện để gợi lên cho mấy em cảm giác tự làm ra một câu ca dao, tự tạo ra một bài đồng dao, tập cho óc sáng tạo của trẻ em luôn luôn linh động để mà làm việc. Không cho trẻ em thụ động mà muốn các em chủ động để sáng tạo, chứ không để nghe rồi học lại. Khi bác dạy ca dao hay đồng dao, bác không bắt trẻ học thuộc lòng mà hỏi chuyện để hướng cho trẻ trả lời.

Ví dụ:

· Câu chuyện thứ nhất:

Hôm đó bác nói với mấy cô giáo: Các con biết trong Nam có câu: Chuồn chuồn có cánh thì bay / Có thằng bé nhỏ thò tay bắt chuồn. Bài đó trong Nam người ta dạy mấy nít nhỏ nó hát thì ngày mai thầy sẽ không dạy bài đó mà thầy sẽ làm cho mấy em tìm lại được câu đó. Bước vô, bác ngồi xuống mới hỏi: Các con ơi, đứa nào biết chuồn chuồn? Dạ, đứa nào cũng biết hết ạ.

- Chuồn chuồn thì sao con?

- Chuồn chuồn có cái đầu to.

- Rồi gì nữa con?

- Nó có cái mình dài.

- Gì nữa con?

- Nó có cánh.

- Có cánh để chi vậy?

- Có cánh để bay.

   Mấy con nói vậy nha. Mấy con vừa nói, giờ chép lại những gì mấy con mới nói nhé: Chuồn chuồn có cánh… bay. Có 5 chữ giờ thêm chữ nữa thành ca dao, thì chút xíu nó nói: Chuồn chuồn có cánh để bay. Mỗi đứa muốn thêm gì thì thêm, thêm cái gì cũng cho vô hết, để nó thấy rằng cái gì nó sáng tạo cũng được coi trọng. Rồi một lát bốn, năm cách nói: Chuồn chuồn có cánh đểbay, Chuồn chuồn dùng cánh để bay. Trong dân gian có nói: Chuồn chuồn có cánh thì bay. Người ta nói như thế, thì các con nói Chuồn chuồn có cánh để bay cũng được.

- Rồi bây giờ các con có ưa bắt chuồn chuồn không?

- Dạ ưa.

- Vậy bắt chuồn chuồn bằng cái gì?

- Dạ bằng tay.

- À, chữ “tay” - chữ “bay” là một vần rồi, tay con làm gì?

- Dạ tay con bắt chuồn chuồn.

- Vậy tay bắt chuồn. Vậy ai bắt chuồn?

- Dạ con.

- Con là ai?

- Con là một thằng nhỏ.

Thì bác nói: Thôi bây giờ này thằng nhỏ làm sao… cho thành câu tám chữ đặng coi. Suy nghĩ chút xíu, có đứa nói:  Chuồn chuồn có cánh để bay/ Có một thằng nhỏ thò tay bắt chuồn (đưa tay bắt chuồn).

Nó nói như vậy được rồi, lần lần hướng cho nó tới câu thực sự thì không có xa. Mà câu đó không phải ai đặt, chúng nó vừa đặt tức thì. Bác hỏi thêm: Nhỏ ưa bắt chuồn thì lớn ưa bắt chuồn không con?

- Dạ ưa.

- Nếu thằng đó không phải nhỏ mà thằng lớn, con nói sao? 

- Thưa thầy: Có thằng lớn đại thò tay bắt chuồn.

- Được, câu nữa, chép lên. Rồi thằng lớn đại cao hay thấp con?

- Dạ cao.

- Nó cao thì nói sao con?

- Thưa thầy, cao nghệu… Có thằng cao nghệu thò tay bắt chuồn. Nó không
cao nghệu thì nó gì con?

- Dạ nó lùn.

- Nó lùn thì sao?

- Lùn xịt.

- Có thằng lùn xịt thò tay bắt chuồn. Rồi có thằng béo, có thằng gầy? 
trong Nam thì có thằng mập, có thằng ốm.

- Thằng mập nói sao con?

- Dạ thưa thầy, nó mập ú.

- Có thằng mập ú thò tay bắt chuồn. Không ú, không mập thì sao con?

- Dạ: Có thằng ốm nhắt thò tay bắt chuồn.

- Mập thì cái bụng nó làm sao con?

- Dạ thưa thầy, bụng bự.

- Thì sao con? Có thằng bụng bự thò tay bắt chuồn.

- Bụng bự trong Nam kêu bụng gì nữa?

- Thưa thầy, kêu là bụng phệ. Có thằng bụng phệ thò tay bắt chuồn.

Ghi hết trên bảng rồi. Cái này vừa nãy mấy con đặt ra rồi, đứa nào thuộc? Đứa nào cũng thuộc vậy á, không cần học gì hết, nó nghe là nó nhớ vậy.

Chuồn chuồn có cánh thì bay

Có thằng mập ú thò tay bắt chuồn

Chuồn chuồn có cánh thì bay

Có thằng ốm nhắt thò tay bắt chuồn.

Nó nói mà nó vui lắm, nó có cảm giác rằng chúng nó sáng tạo ra câu nói đó, chứ không phải là học, thì cái điều đó nó rất thú vị.

· Câu chuyện thứ nhì:

Thầy hỏi mấy con có thấy, một cây đờn đờn không hay phải hông? Ba cây đờn nghe hay rồi đó, mấy con nhớ trong ca dao của mình có cái gì mà có ba không? Đứa nào cũng nhớ hết.

- Thưa thầy: Một cây làm chẳng nên non

- Ba cây sao?              

- Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

- Hỏi ai đặt đấy con?

- Dạ hổng biết.

- Vậy hổng biết thì ta nói sao?

- Dạ cái đó là dân gian.

- Dân gian là ai?

- Dạ! dân gian là tụi con, là thầy.

- À, ngày xưa dân gian đặt được như vậy thì dân gian ngày nay có đặt được hay không?

- Dạ không được.

- Tại sao không được?

- Tụi con không biết đặt, không biết đặt bài hát.

- Mấy con không biết, vậy phối hợp với thầy đi, rồi thầy trò mình làm thử một câu như người xưa, bắt chước như người xưa. Người xưa nói: Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

- Hồi nãy con làm một cái thanh đờn, con nói: Một thanh làm chẳng nên đờn. Rồi các con nói sao?

- Ba thanh chụm lại nên bộ nhạc gõ.

Nó nói liền vậy, mà nó nói đúng. Bởi vì con thấy ba đứa chụm lại. Phải rồi, nhưng con nói ba thanh dụm lại nên bộ nhạc gõ không ra cái câu ca dao. Ca dao là: Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, chữ này nó phải đi xuống, nó phải bình. Chỉ nên nói sơ qua về vần của ca dao chứ không cần nói cái luật bằng - trắc của thơ lục bát. Mà nói: Một thanh làm chẳng nên đàn/ Ba thanh dụm lại nên bộ nhạc gõ, hổng được. Sau nó nói: Dạ, thưa thầy Một thanh làm chẳng nên đàn / Ba thanh dụm lại nên đàn rất hay. Thầy nói được, câu này được rồi. Nhưng mà hai chữ đàn giống nhau, giờ mình tìm chữ khác chơi. Giờ ba thanh dụm lại nên “àng” cái gì được không?  Thì trong vòng 40 giây có đứa nó làm: Dạ, thưa thầy,  Một thanh làm chẳng nên đàn / Ba thanh dụm lại nên dàn nhạc hay. Thì đã được một câu rồi. Rồi thầy nói: giờ mình đừng có nói mình khen mình hay trước, mình nói một cách khách quan đi. Cái đàn này nó bằng gì? Nó bằng gỗ hay bằng đồng hay bằng gì? Dạ, bằng tre. Vậy giờ làm sao? Tự nhiên nó nói: Một thanh làm chẳng nên đàn / Ba thanh dụm lại nên dàn nhạc tre. Mấy câu mới đặt thì bây giờ hát lên. Tự nhiên học trò hát, mà hát vui lắm. Các trò nghĩ, các trò sáng tạo ra được một câu ca dao như người thời xưa, và hiểu rằng ca dao không chỉ do người thời xưa sáng tạo thôi, người thời nay có thể sáng tạo được. Như vậy, thầy đã cho trò được một tư tưởng rằng không phải mình phải học để thuộc, mình còn có thể sáng tạo được.

Tới chừng khi bác cho các trò học chữ nhạc hò xừ xang xê cống, thì bác cho các trò ra tập chơi, chơi với hò xừ xang xê cống. Bác chọn bài "Long hổ hội", bài nhạc của Đờn ca Tài tử mà trò nào cũng thuộc hết.

Ví dụ 1:

Bác nói, giờ mấy con đặt bản đờn chơi, con thấy đặt hò xử hò/ xang xừ xang/ xê cống xê…. 3 chữ, 3 chữ. Một lát các trò làm: xế xang xừ/ cống xang hò/ xê xàng xê/ xừ xang hò/ xang xừ xang… Các trò làm gì nó làm, làm được thì đều chép ra. Đứa nào cũng làm ra một bài hết, có đứa làm hay, đứa làm không hay. Sau đó cho các trò xướng âm với nhau, nó chơi, nó có cảm giác rằng nó sáng tác ra được âm nhạc.

Tiếp tục cho các trò làm quen với thanh tre, làm quen với song loan, làm quen với trống, làm quen với nhạc cụ. Cho làm quen từ nhạc cụ dễ tới khó thì nó thấy như chơi trò chơi. Chơi trò chơi một mình, chơi trò chơi đối với nhau. Thầy nói vỗ tay, thầy dạy đánh nhịp, ban đầu vỗ tay, vỗ ngực, vỗ đùi, vỗ bàn. Vỗ bàn thì tụi nó thích lắm, thầy nói vỗ bàn rồi giờ vỗ lại coi nào, chúng vỗ:

Ví dụ 2:

Chẻ nhịp đi nào! Chúng chẻ nhịp:

Ví dụ 3:

Chẻ nhịp nữa đi! Chúng chẻ tiếp:

Ví dụ 4:

Làm xen kẽ cho chúng nghe, tạo ra tiết tấu cho chúng chơi với nhau. Rồi tập múa, thầy dạy múa theo dân gian Việt Nam. Đứa học trò nào cũng khoái lắm. Thầy dạy rồi, lấy ví dụ múa cho chúng coi.

Múa xong rồi thì cho chúng học đánh trống. Thầy nói, đánh chính giữa trống thì kêu bằng “tùng”. Gõ trên tang trống kêu bằng “cắc”, bịt mặt trống gõ kêu bằng “tịch”. Thầy chỉ nói ba chữ trống tùng, cắc, tịch thôi:

Ví dụ 5:

Mình dạy rồi chơi cùng các trò. Rồi nói trong Hát Bội miền Nam có cái nhịp là cắc - rụp - cắc, cắc - rụp - cắc / cắc - rụp - cắc.

 Ví dụ 6:

Mặc dù đánh ba tiếng như vậy, nhưng trong Nam gọi là nhịp một thầy rùa. Mà thầy rùa là gì, là cái nhân vật trên sân khấu, cặp mắt vàng như cái lục lạc. Khi dưới đánh cắc - rụp - cắc, trên thì thầy rùa hát, rồi bây giờ mấy con làm dàn nhạc, thầy làm thầy rùa thầy hát. Mấy con đập nhịp. Thế là ở dưới học trò đánh cắc - rụp - cắc / cắc - rụp - cắc, miệng đọc cắc - rụp - cắc / cắc - rụp - cắc, tay đánh đọc cắc - rụp - cắc / cắc - rụp - cắc... Nó đánh liên tục, thầy hát chừng nào, trò đánh chừng nấy, hai bên thầy trò chơi với nhau, nó khoái quá, nó nghĩ nó là dàn nhạc đệm cho thầy Hát Bội. Chừng đó nói tới Hát Bội nó không lạ nữa. Nó không nghĩ cái chuyện đó là xa xôi, cái chuyện đó là thầy trò chơi với nhau cũng được.

Rồi qua bác giảng nhịp 2. Nhịp 2 là cái nhịp dễ nhất trong hát Chèo. Sau đó bác đánh:

Ví dụ 7:

Đánh xong bác hỏi: nhịp gì các trò? Dạ, nhịp 2. Nghe ở đâu? Nghe trong hát Chèo. Qua tới nhịp tư. Mình làm thì nó làm theo liền. Qua tới nhịp 8 thì không dạy nó vì nhịp 8 nó khó.

Bên cạnh những bài nhạc lý cơ bản, cách đánh trống với tiết tấu nhịp 2, nhịp 4 sinh động, bác còn nói thêm cho các trò nghe về những triết lý trong dân gian Việt Nam. Bác nói, khi mà con đánh cắc, đánh tùng là bình thường. Cắc với tùng cái nào ở cao? - Dạ, cắc cao. Việt Nam mình kêu bằng đánh sáng, đánh sáng nó cao lên. Còn tịch nó tối kêu là đánh tối, nó thấp. Nhạc gõ Việt Nam phải có âm sáng và âm tối, mà cái gì sáng là dương, cái gì tối là âm. Cao là dương, thấp là âm. Nói vậy thì ban ngày là gì con? Dạ, ban ngày là dương. Ban đêm là gì con? Ban đêm là âm. Rồi luôn tới chuyện ăn uống cũng vậy, cái gì mặn là dương, và chua là âm. Trong khi đó mình nói chuyện chơi, dẫn lần lần thôi thì cái quan điểm âm - dương, quan điểm sáng - tối, quan điểm Thái cực sanh Lưỡng nghi, thì đó là một cái quan điểm về triết lý trong dân gian của mình.

Khi dạy về nhạc cụ không phải dạy vẽ hình không, mà phải đem cái đờn kìm, đờn nguyệt vô trong lớp cho học trò được thấy tận mắt, sờ tận tay. Sau đó thầy mới nói:

- Giờ mấy con lại coi cái thùng nó sao con?

- Dạ, tròn.

- Cái đờn này trong Nam gọi là đờn kìm. Miền Trung và miền Bắc gọi là gì?

- Đờn nguyệt.

- Tại sao là nguyệt, nguyệt là gì?

- Mặt trăng.

- Tại sao?

- Vì cái thùng ở đây nó tròn như mặt trăng.

- Mấy con đếm đi, coi đờn kìm có mấy phím?

- Một, hai, ba, bốn…, dạ đờn kìm có tám phím.

- Đờn kìm có mấy dây?

- Dạ, hai dây.

- Đánh ra làm sao?

- Dạ đánh chữ Tồn với chữ Tang.

Tiếp đến, đưa cái đờn tỳ bà vô. Thầy nói: các trò dòm coi. Rồi hỏi:

- Đờn tỳ bà này sao con?

- Dạ đờn tỳ bà này có bón dây.

Bốn dây thì dạy nó Tồn - Tang - Tôn - Tính (Hò - Xang - Xê - Líu) hoặc là Tồn - Lang - Mai - Chúc. Cho nó coi, nó nói, dạy cho nó vậy rồi thì nó chơi với đờn tỳ bà.

Rồi dạy tới cái đàn bầu, rồi cho người đờn, đờn cho chúng nghe. Rồi dạy tới đờn nhị hai dây có cái cung như thế nào... Thì cứ lần lần từ cái dễ cho tới cái khó, một dây, hai dây rồi lên tới bốn dây, rồi dạy tới đờn tranh 16 dây.

Trong khi dạy nó xong rồi, cho nó biết đờn rồi thì cho nó chơi một trò chơi. Biểu đờn kìm đờn sao con? Tồn - Tang. Rồi đứa nào cũng cầm đờn kìm. Đàn tỳ bà đi: Tồng - Tang - Tồn - Tang - Tôn - Tính. Dạy nó chơi rồi thì làm một bài hát:

- Em nào có biết đờn kìm?

- Thưa thầy, em biết đờn kìm (Tồn - Tang - Tồn - Tang - Tồn - Tang).

- Em nào có biết đờn tỳ?

- Thưa thầy, em biết đờn tỳ. (Tồng - Tang - Tông - Tính/ Tồng - Lang - Mai - Chúc).

- Em nào có biết đờn cò?

- Thưa thầy, em biết cò. (Ò e, ò e, ò e)

- Em nào có biết đờn tranh?

- Thưa thầy, em biết đờn tranh. (Á rằng tăng tăng tằng tăng…)

- Em nào có biết đánh trống?

- Thưa thầy, em biết đánh trống. (Tùng tùng tùng tùng tùng tùng…)

- Em nào biết gõ song lang?

- Thưa thầy, em biết gõ song lang (cóc cóc cóc cóc cóc cóc…)

Làm vậy một hồi chơi, đứa này đố đứa kia, nó chơi một hồi nó thích quá, nó quên rằng nó học, nó nghĩ nó chơi, chơi mà học. Thầy dạy như vậy mấy em thấy rằng, thầy đi từ giản dị tới cái phức tạp, từ cái cụ thể tới cái trừu tượng, từ một cái tiết tấu đi trước qua tới cái giai điệu thì tất cả mấy chuyện đó tạo cho nó học, nó thành công.

Ngày sửa soạn để mai làm lễ bế mạc, vô lớp bác nói: Bữa nay thầy gặp mấy con lần này là thôi, mai đi vô làm lễ bế mạc, thì thầy trò mình chia tay nghe con. Mấy đứa, đứa nào cũng không chịu chia tay. Giờ mình đặt một bản để mình kỷ niệm. Rồi thầy ra câu đầu, mấy con tiếp theo nha:

+ Hò - xừ - hò

+ Ngày gặp thầy

+ Xang - xừ - xang

+ Vui thật vui.

- Rồi mấy em làm gì?

+ Xê - cống - xê

+ Em hát ca

- Thì sao?

+ Hay thật hay.

- Thầy vô đây để làm gì?

- Dạ, thầy dạy em đánh trống, thầy dạy em ca, em hát…

+ Hò - xừ - xang

+ Thầy dạy em

+ Xang - hò - xang - xừ

+ Ca đàn dân tộc

- Thầy dạy âm nhạc gì con?

- Dạ âm nhạc Việt Nam.

- Thầy dạy vậy rồi mấy em có biết âm nhạc Việt Nam không?

- Dạ biết.

- Biết âm nhạc Việt Nam, mấy em có thương nhạc Việt Nam không?

- Dạ thương.

- Mấy em biết, mấy em thương, giờ nói sao cho thành Cống - hò - xê -  xang - xừ - hò - xê

- Biết và thương âm nhạc Việt Nam.

+ Líu - cống - xê - líu - công - xê - xang

Sáng hôm nay tới phút chia tay.

- Dạ thưa thầy không chịu chia tay.

- Không chịu chia tay thì mấy con đàn sao?

- Mấy em hát: Sáng hôm nay không chịu chia tay. Thầy nói không được, không chịu thì phải hát âm xự, cái này là líu cống, nó nói: Sáng hôm nay chẳng muốn chia tay.

- Thầy hỏi, con thương thầy không?

- Dạ thương.

- Thương thầy thì con thương cái gì?

- Dạ con thương thầy là con thương nhạc Việt Nam.

- Nhớ thầy hông?

- Nhớ thầy lắm.

- Nhớ thầy thì con nhớ gì?

- Nhớ thầy là con nhớ âm nhạc Việt Nam.

Rút cuộc nó để: Xừ xang xê xang xê cống hò ứng với lời ca Nhạc Việt Nam em yêu suốt đời.

Buổi học cuối cùng, các trò đặt lời ca vô bài Long hổ hội:

Ví dụ 8:

Giờ có lời rồi, mấy con cho nó cái tên, mỗi đứa đưa ra cái tên, rồi thầy nói bây giờ bỏ thăm, bỏ thăm coi đứa nào được. Lớp có hai chục em thì mười ba em ưa cái tựa “Buổi học cuối cùng”, mời một em ưa tên “Tình thầy trò”, còn lại ba, bốn em đặt “Buổi chia tay”. Thầy mới nói, giờ thầy để cho mấy con đặt tựa, cho mấy con định đoạt.

- Trong xã hội có một cái luật dân chủ thì thiểu số phải phục tùng đa số, mấy con 11 là thiểu số, 13 là đa số thì bây giờ phải để tựa là “Bài học cuối cùng”, mấy con đồng ý hông?

- Dạ thưa thầy đồng ý là đồng ý mà vẫn tiếc như thường.

- Mấy con tiếc thì thầy cho mấy con năm phút để thảo luận với nhau làm sao thuyết phục mấy người kia bỏ cho mình. Sau năm phút thảo luận, tất cả các con tính sao?

- Dạ thưa, mỗi bên đều muốn giữ tên của mình, không ai chịu thua ai hết.

- Rốt cuộc muốn tỏ vẻ thuận hòa với nhau, mình có thể đặt tựa dài hơn là “Tình thầy trò trong buổi học cuối cùng”.

- Thưa thầy, thầy mới nói cái tựa đó dài quá.

- Giờ cho hai phút thảo luận lại, cho hai phút thôi. hai phút xong, kết cục là sao?

- Thưa thầy, thầy nói nó dài quá thì tụi con nghĩ thế này: tụi con thua nó nên để “Buổi học cuối cùng” nhưng con xin thêm một câu “Buổi học cuối cùng" hay là "Tình thầy trò”, đặng đứa nào muốn nhớ "Tình thầy trò" thì nhớ "Tình thầy trò", nhớ "Buổi học cuối cùng" thì "Buổi học cuối cùng", nhưng chính thức thì để “Buổi học cuối cùng”, còn trong lòng con, con vẫn nhớ là “Tình thầy trò”.

Từ đó chúng ta thấy cái cách nó chơi với nhau, để mà tôn trọng tư tưởng của nó, tôn trọng ý của nó. Khi được tôn trọng vậy rồi, sức sáng tạo ra không biết bao nhiêu. Còn mình bắt nó học cái này, trả bài thế này thì nó có cảm giác ông thầy đưa ra cái gì phải làm y cái đó, không dám làm gì khác hết. Đằng này nó thấy nó có quyền sửa đổi. Thấy trẻ con mà nó cũng có những tư tưởng của nó, đại khái như vậy.

Đấy là chuyện về lớp học của các em nhỏ, còn các cô giáo, mấy chục cô thì có 13 cô biết đàn tranh, 7 cô không có biết đàn tranh là cái gì hết, chỉ biết guitare với organ thôi. Bây giờ mở một lớp cho các cô học đàn tranh hết, mà không học hò xừ xang xê cống, không học đô rê mi pha son, mà học truyền ngón. Thầy Thiếu Quang dạy truyền ngón trong 10 giờ đồng hồ đờn được hai bản: Khổng Minh tọa lầu và Long hổ hội. Rồi buổi bế mạc đó, mấy cô giáo lên đờn cho bọn trẻ lên ca cái bài của nó đặt ra.

Trong vòng 3 tuần lễ, có 12 ngày học, mỗi ngày 2 tiết thành ra 24 tiết mà chứa đựng bao chuyện học hành. Mấy cô giáo nói: học có ba tuần lễ thôi mà cái sự thay đổi tư tưởng và làm cho họ có cảm giác thích thú nghề dạy học. Sự thích thú đó biết bao năm cũng không có được.

Ở bên Pháp, khi Việt kiều nghe nói có chương trình đó thì lần đầu tiên ở Paris, bốn năm hội Việt kiều yêu cầu bác nói chuyện bác dạy làm sao, nói chuyện cho họ nghe. Bác nói chuyện trong nhiều buổi lắm mà có một buổi bác xúc động nhất là cái buổi họp dược sĩ, bác sĩ. Mỗi một năm vào Ngày Văn hóa của Việt Nam, có chừng 60 người bác sĩ, dược sĩ tới nghe nói chuyện là nhiều nhất. Nhưng năm nay nghe nói có bác tới nói chuyện về dạy học thì tất cả bác sĩ, dược sĩ nào làm biếng cũng ráng đi, đi gần 200 người. Trong 200 người đó, có cậu bé 8 tuổi ngồi coi thấy mấy đứa nhỏ làm gì cũng vỗ tay, vui lắm. Coi từ đầu chí cuối, không có la mà không hét, không có lộn xộn gì hết. Bữa đó có bà cụ Việt Nam 102 tuổi, ráng đi, coi rồi, nắm tay bác nói: Tôi hồi nhỏ tới lớn cả trăm tuổi rồi mà chưa bao giờ thấy con nít nhỏ mà nó biết nhiều như vậy. Hỏi nó trả lời vanh vách vậy. Có bà bác sĩ 99 tuổi, gãy tay, nghe nói có bác đến nói chuyện, cánh tay đang bó bột vẫn vô nghe. Nghe xong rồi hỏi bác: Anh ơi, tôi cảm động quá, bởi vì tôi học Tây thôi à, tôi biết đô rê mi fa sol không à. Anh hỏi mấy đứa nhỏ câu nào, tôi cũng không trả lời được. Tôi nghĩ giờ mình mắc cỡ quá.

Sau những câu chuyện bác kể, bác mời mọi người xem lại những thước phim tư liệu bác đã quay về lớp học. Đó là những buổi học cùng các em nhỏ, những bài giảng về các nhạc cụ của dân tộc Việt Nam - đó là buổi bế mạc khóa học đầy ý nghĩa.

*

   Nghe xong bài nói chuyện của giáo sư qua băng cassette, tôi mới hiểu sâu hơn về ngữ nghĩa và mục đích của phương châm giáo dục hiện đại "Chơi mà học, học mà chơi". Học là thầy gợi ý, giảng giải để các trò tự do suy nghĩ. Chơi là các trò được thỏa sức sáng tạo trên những gợi ý học của thầy. "Còn mình bắt nó học cái này, trả bài thế này thì nó có cảm giác ông thầy đưa ra cái gì phải làm y cái đó, không dám làm gì khác hết. Đằng này nó thấy nó có quyền sửa đổi". Một đúc kết khoa học giáo dục sắc sảo và thật dễ hiểu.


[1]. Khi nói chuyện ở Viện Âm nhạc, Giáo sư thường xưng hô bác và các cháu rất thân mật, vì Giáo sư coi Viện là nhà, là gia đình thân thuộc của mình.

[2]. Ngày 11/9/2001 nhóm không tặc lái hai phi cơ lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, thành phố New York làm cả hai tòa tháp bị sụp đổ.

[3]. Tính theo giá hối đoái năm 2005.

(Nguồn: http://www.vienamnhac.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...