Nhà hát giao hưởng: Câu chuyện 20 năm
Niềm vui sáng đèn mỗi tháng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM không đủ để che đi những nỗi buồn của những con người nơi đây khi phải rơi vào tình cảnh quá nhiều khó khăn chồng chất
Một trong những đơn vị nghệ thuật được Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM chọn làm việc trong đợt khảo sát lần này là Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM (HBSO). Vẫn không thiếu bài ca "cơm áo gạo tiền" như những nhà hát khác tại TP HCM nhưng những câu chuyện về nhân lực chuyên môn về dự án nhà hát mà phía HBSO bức xúc nêu ra thì người nghe nào cũng bất ngờ.
Dàn nhạc không đủ vì "cắt" theo biên chế
Hiện tại ở Việt Nam chỉ có HBSO là dựng được những vở nhạc kịch, vũ kịch lớn như "Cây sáo thần", "Kẹp hạt dẻ", "Cô bé Lọ Lem", "Cuộc sống Paris", "Con dơi"... lại có đủ nhân sự để biểu diễn. Nhưng mỗi lần dàn dựng những vở diễn lớn, dàn nhạc lẽ ra phải có đủ tối thiểu 70 người thì theo biên chế, nhà hát chỉ có 51 nhạc công. Nói vui như ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, "chả lẽ cắt bớt vài cây đàn, vài cây sáo?".
Tổng số cán bộ - nhân viên của HBSO là 142 người, trong đó biên chế: 52, theo Nghị định 68: 6 người, hợp đồng trong quỹ lương: 4 người, hợp đồng: 73, cộng tác viên: 7. Trong đó, đoàn giao hưởng là: 51, đoàn nhạc kịch: 30, đoàn vũ kịch: 21, có 7 cộng tác viên, nhân sự khối văn phòng.
Đáng lẽ phải là 3 nhà hát hoặc 3 đoàn riêng biệt nhưng với tính chất của một nhà hát gồm nhạc giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch gắn liền nhau nên 3 đoàn phải ở trong một nhà hát mới có thể dàn dựng được những vở diễn đúng tầm. Nên tính biên chế theo đơn vị thì thiệt thòi cho nhà hát.
Người không đủ, phải sử dụng nhiều nhân sự hợp đồng thì tiền đâu để trả lương? Theo bà Nguyễn Thoại Hường, Phó Giám đốc HBSO, mỗi năm, nhà hát được thành phố cấp kinh phí 12 tỉ đồng, trong đó hơn 6 tỉ đồng là trả lương cho cán bộ - nhân viên, số còn lại chi vào các hoạt động khác, trong đó chủ yếu là tiền thuê địa điểm biểu diễn, mặt bằng để nghệ sĩ tập luyện. Nhưng lương thấp, tiền bồi dưỡng biểu diễn ít ỏi, trong khi nghệ sĩ ở Việt Nam đã phải hy sinh quá nhiều về mặt tài chính khiến ban lãnh đạo nhà hát luôn phải băn khoăn. Đã thế, đang từ lương hợp đồng, lương cộng tác theo thỏa thuận nếu được vào biên chế, hưởng mức lương theo quy định thì còn eo hẹp hơn nữa nên nhiều nghệ sĩ chán nản. Vậy làm thế nào để giữ được nhân tài? Làm sao để họ phát huy được tài năng khi không thể giải quyết câu chuyện đời sống?
Luẩn quẩn chuyện xây nhà hát
Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, cho biết Nhà hát Thành phố - nơi biểu diễn hằng tháng của HBSO - có 463 ghế. Nếu bán hết vé, số tiền thu được không đáng kể, chỉ đủ bù thêm một phần chi phí cho nhà hát. "Chúng ta có rất nhiều liên hoan, lễ hội văn hóa nghệ thuật... nhưng cả nước chỉ có tại TP HCM là có được liên hoan nghệ thuật hàn lâm, "Giai điệu mùa thu" vừa diễn ra từ ngày 19 đến hết 27-8. Đến hôm nay, chúng tôi đã tổ chức thành công 11 lần, đây là liên hoan nghệ thuật quy mô và lớn nhất trên cả nước, ước chừng tổng kinh phí khoảng 4 tỉ đồng, trong đó, sở cấp 1,2 tỉ đồng, còn lại là tiền bán vé và tài trợ. Chúng tôi tha thiết đề nghị thành phố thực sự hỗ trợ, đầu tư, nâng tầm của liên hoan trở thành một điểm son văn hóa của thành phố" - ông Trần Vương Thạch bày tỏ.
Sẽ chẳng thể nâng tầm được nếu HBSO vẫn trong tình cảnh ăn nhờ ở đậu, không trụ sở, không nhà hát, không nơi tập luyện đúng chuyên môn...
Câu chuyện xây nhà hát giao hưởng TP HCM thực sự bắt đầu từ 20 năm nay. Theo Quyết định số 6404/QĐ/UBND ký ngày 16-12-2005 về việc thu hồi và bàn giao nhà, đất số 23 Lê Duẩn (trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP HCM) bố trí sử dụng cho HBSO. Sau đó, địa điểm này đã bán với giá 1.400 tỉ đồng.
Sau đó, Công văn số 30/BQLĐTXDCT của Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM ngày 4-4-2012, rồi đến Công văn số 2196/SVHTT-KH của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM ký ngày 10-5-2012 gửi UBND TP báo cáo về chủ trương phê duyệt xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tại địa điểm Công viên 23 Tháng 9, trong không gian rộng 1,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 2.200 tỉ đồng. Thành phố đã chi tiền khảo sát địa điểm, lập bản vẽ, lên phương án thiết kế sau khi đi nước ngoài học tập, tham khảo. Cuối cùng, không hiểu vì sao phương án này vẫn chỉ là nhà hát trên... giấy.
Mới đây nhất, theo Quyết định số 4841, do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu ký ngày 15-8-2017, địa điểm được lựa chọn lần này thuộc khu vực Thủ Thiêm (quận 2). "Sở Xây dựng đã trình UBND TP HCM phê duyệt nhiệm vụ. Bây giờ cần phải lập dự toán, có đầu bài mới tổ chức thi tuyển được và sẽ là thi tuyển mô hình thiết kế quốc tế nên sở cũng đã có văn bản xin UBND TP HCM để tư vấn và xin bố trí vốn" - đại diện Sở Xây dựng cho biết.
"Đề bài đã rất rõ ràng rồi, chỉ có thủ tục là chậm chạp thôi. Trước đây, đơn vị thiết kế của Đức đã làm xong thiết kế. Nhưng sau 20 năm, chúng ta quay lại từ đầu, tôi rất sốt ruột, nếu chúng ta cứ quay tới quay lui, không biết sẽ đi đến đâu đây? Địa điểm mới còn chưa giao đất. Hồi bán tòa nhà trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP HCM được 1.400 tỉ đồng, lãnh đạo thành phố có hứa số tiền đó sẽ để dành xây nhà hát nhưng cho tới giờ này, chúng tôi chưa nhìn thấy số tiền đó ở đâu?" - ông Thạch nói.
Tránh xây xong không sử dụng được "Đề nghị thành phố sớm thành lập ban chỉ đạo về việc xây nhà hát, tổ chức các cuộc họp nghe ý kiến chuyên môn của nhà hát, tránh tình trạng xây xong lại không thể sử dụng được" - ông Nguyễn Hồng Hà đề xuất. Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, kết luận: "Nếu không làm kịp thời điểm, có khi thêm 20 năm nữa xây nhà hát cũng không xong. Chúng tôi ghi nhận những khó khăn của nhà hát, đề nghị sở nghiên cứu và sớm đưa ý kiến tư vấn lên UBND TP". |
(Nguồn: http://nld.com.vn)