Hồi sinh vũ điệu đại ngàn
Ngọn lửa đã rực sáng giữa buôn làng. Âm ba của chiêng, trống quyện hòa cùng điệu lơkel (kèn bầu) tấu khúc T’rumpô nhã nhặn, khúc thức trong nhịp điệu mời thần; Păhgơnăng tưng bừng, hối hả mời mọi người nhập cuộc; Arya gợi mở cuộc vui vào đêm bất tận... Đó là những điệu Tamya huyền thoại, từng nhạt nhòa trong ký ức của người Chu-ru, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, nay bỗng được hồi sinh mãnh liệt.
Tamya là múa. Còn Arya, T’rumpô, Păhgơnăng, Damtơra... là các vũ điệu. Đối với người Chu-ru, trong các sự kiện có tính cộng đồng, cộng cảm, không thể thiếu các điệu Tamya trên nền nhạc cồng chiêng, lơkel… Đó là lễ thức quan trọng trong đời sống tâm linh, văn hóa cộng đồng người Chu-ru”, nghệ nhân Touneh Ma Bio (buôn Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương), mở lời trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi.
Ánh trăng chênh chếch đỉnh núi. Lửa bập bùng, nhịp chiêng, điệu lơkel quấn quyện đôi chân trần của các chàng trai, cô gái miền sơn cước. “Nhạc trưởng” Ma Bio khơi điệu Arya, điệu dân vũ mời khách thưởng thức rượu cần và nhảy múa. Vũ điệu Arya động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, quyến luyến, mang tính cộng đồng cao, thể hiện tình đoàn kết dân tộc và thường được sử dụng trong các lễ hội, kết giao, động tác khá đơn giản. “Nói đơn giản, nhưng sự tinh tế nằm ở hình thái những ngón tay, ai tinh ý đều có thể nhận ra người nào múa đẹp”, Nai Luyến, học trò của nghệ nhân Ma Bio, thổ lộ.
Theo những người già trong buôn Diom A, ngày xưa, Arya xuất hiện tại các lễ cúng bái. Sau đó, với những động tác múa mộc mạc và trở thành điệu múa dân gian, nó thường mở đầu cho các lễ hội văn hóa, lễ kết giao giữa các buôn làng và trong các cuộc vui.
Ánh trăng nhạt dần. Nghệ nhân Ma Bio đánh chiêng, Ya Nam giữ nhịp trống sơgơr với tiết tấu chậm, làm nền cho vũ điệu Arya. Các sơn nữ Chu-ru thả mình vào điệu vũ chiêng chao, mềm mại. Với người Chu-ru, khi chiêng, trống, lơkel tấu lên, là lúc những thông điệp của những người con buôn làng đã được thần linh chấp thuận. Mối giao cảm giữa con người và các đấng vô hình được thiết lập qua từng khúc thức âm nhạc, vũ điệu, được cộng đồng quy định nghiêm ngặt về phương thức diễn tấu và diễn xướng. Arya là vũ điệu thường dành cho các cuộc vui, còn T’rumpô được coi là vũ điệu thiêng, chặt chẽ bài bản trong khúc thức. Trong đời sống tín ngưỡng của người Chu-ru, họ thường thờ thần lúa, thần đình, thần đập nước, thần cây cổ thụ... và cúng tế theo chu kỳ nhất định, do cộng đồng quy ước. Vít cong cần rượu, già làng Ya Thơng thổ lộ: “Chu-ru là cư dân trồng lúa nước, lễ hội chủ yếu là nghi lễ nông nghiệp, trải dài suốt chu kỳ canh tác, cho nên rất nhiều lễ cúng liên quan, như cúng đầu mùa, gieo giống, mừng lúa trổ bông, mừng lúa chín, lễ rửa chân trâu... Sau những nghi thức tín ngưỡng thường là vũ điệu T’rumpô, kết nối thần linh”.
Lửa rừng bập bùng. Dòng Đạ Nhim vẫn rì rầm chảy như đang tỉ tê kể chuyện. Cụ già trầm mặc dáng núi, dặt dìu điệu Ktha măk mdâu. Ngưng tấu lơkel, già làng Ya Hin cho biết: “Cùng với các vũ điệu trên, người Chu-ru còn có vũ điệu Damtơra kết nối gái-trai. Bởi thế, người Chu-ru cứ lớn lên là biết múa điệu này. Vũ điệu có tiết tấu nhạc đệm rộn ràng, cởi mở. Cái khó là động tác múa giống nhau, nhưng nam đi nhanh hơn nữ. Đây cũng là dịp để trai, gái kết giao, con gái tìm nơi bắt chồng”.
Đêm tận hưởng niềm vui, âm nhạc, điệu vũ trong lễ hội đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi người, không phân biệt già trẻ, gái trai, cùng ăn những món thần linh ban cho, sản vật nhờ thần linh mới có, được chuyện trò, múa hát... Khi ánh trăng chìm khuất phía cuối buôn, lại tấu khúc Păhgơnăng bịn rịn tiễn khách. Bình minh ló rạng, những người con của buôn làng Chu-ru trở về với cuộc sống hằng ngày, cùng lên rẫy, ra đồng.
Nắng lên. Những cô gái Chu-ru lúng liếng về đồng. Trong cái nắm tay thật chặt, bà Ma Bio bảo: “Các điệu múa Tamya được biểu diễn trên nền những bài chiêng cổ của người Chu-ru. Mỗi điệu múa gắn với một bài chiêng, hoặc hợp tấu của sar (chiêng), sơgơr, lơkel. Vũ điệu và bài chiêng là hai “mảnh ghép” không thể thiếu trong các lễ hội của cộng đồng người Chu-ru”. Quả thật, đúng như lời già làng Tou Prong Dzung, “từ điển sống” về văn hóa dân tộc Chu-ru, hiện ở Đơn Dương, nghệ nhân Ma Bio là “báu vật”, người có công hồi sinh những vũ điệu Tamya, bị nhạt phai một thời gian dài trong tâm thức của người Chu-ru. “Tuy là các vũ điệu truyền thống, nhưng Arya, T’rumpô, Păhgơnăng... bị lãng quên trong thời gian dài. Vài năm trở lại đây, các điệu dân vũ này đã sống lại mãnh liệt, là phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Chu-ru”, bà Ma Bio tâm sự.
Mỗi điệu chiêng, điệu múa của người Chu-ru đều gửi gắm một thông điệp với thần linh, với rừng xanh, với cộng đồng... trong không gian buôn làng, không gian văn hóa nuôi sống nó. Lòng người, hồn chiêng và những vũ điệu Tamya mê hoặc, quyện hòa, thao thiết trong tiếng chiêng, điệu lơkel ngân dài tận đỉnh núi. Chính vì vậy, trong các sự kiện mang tính cộng đồng, cộng cảm, người Chu-ru đều sử dụng âm nhạc cồng chiêng, hoặc “hòa âm” chiêng, trống, lơkel... cùng các vũ điệu, từ nghi lễ cúng thần, đến cưới hỏi, tang ma.
“Từ ngày nằm sau lưng mẹ, mình đã “thẩm” tiếng chiêng của người Chu-ru, thấm thoắt đã qua 59 mùa rẫy”, nghệ nhân Ma Bio thổ lộ. Sinh ra và lớn lên trên miền đất của người Chu-ru bên dòng Đa Nhim, tuổi thơ trên lưng mẹ, Ma Bio đã được ru bằng nhịp chiêng, bằng điệu lơkel Ryou anặh (ru con)... Cô gái hấp thụ sinh khí buôn làng và lớn lên giữa không gian văn hóa mê đắm hồn người. Có lẽ nhờ thế, khi vừa lên bảy, lên tám, đôi tay của Ma Bio đã gõ đúng nhịp chiêng, đôi chân đã bước được vài điệu Tamya theo trai gái trong làng. “Sau đó hai năm, mình đã biết chơi chiêng, đánh trống một cách hồn nhiên, nhưng không hề lỗi nhịp”, Ma Bio bộc bạch.
Trong nếp nhà xưa của bà Ma Bio, già làng Ya Thơng thổ lộ: “Hồi đó, nhiều thanh niên trong buôn mình biết đánh chiêng, nhưng hầu như không biết điệu. Có lẽ, Ma Bio được Yàng phú cho cái khiếu bẩm sinh nên cái chiêng, điệu vũ cứ bám riết lấy nó. Giờ Ma Bio đã trở thành người nổi tiếng trong cộng đồng Chu-ru mình, bởi nó có công hồi sinh Tamya”.
Khổ luyện 20 năm, khi đã thành nghệ nhân, Ma Bio mới hiểu Tamya được sinh ra trên chính nền âm nhạc cổ cùng tên với điệu vũ. Bởi vậy, trình diễn múa không thể thiếu nhịp chiêng và ngược lại, điệu chiêng mà vắng dân vũ cũng sẽ lạc lõng. Trong hòa tấu, chiêng giữ vai trò trung tâm.
“Người Chu-ru biết sự huyền diệu của chiêng, của trống... nhưng bẵng đi một thời gian dài, vì nhiều lý do, lớp trẻ dân tộc Chu-ru không còn mặn mà với sar, sơgơr nữa. Các điệu Tamya từ đó cũng vắng dần trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng”, nghệ nhân Ma Bio trầm buồn. Gõ vào bộ chiêng ba đang “lên nước” treo trên vách nhà dài, bà khoe: "Bộ này mình bán hơn hai tấn lúa mới đón về được đó". Đã có chiêng quý, năm 2007, Ma Bio đứng ra thành lập đội chiêng để truyền dạy cho lớp trẻ trong buôn đánh chiêng, đánh trống và các vũ điệu truyền thống. Hơn mười năm ròng rã truyền lửa, đến nay, buôn làng Chu-ru đã có những thế hệ tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống. “Hơn 70 đứa biết tấu chiêng, đánh trống, hòa nhịp Tamya rồi, mình vui lắm”, bà Ma Bio bộc bạch.
Nhờ sự tiếp sức của ngành văn hóa địa phương trong đầu tư trang phục, làm nhà mái che, giờ đây, hằng đêm tại nhà Ma Bio mở lớp dạy đánh chiêng, đánh trống, múa Arya, Damtơra... cho 22 thanh, thiếu niên. “Có những đêm kéo dài đến tận khuya, nhưng những đôi chân bọn trẻ không muốn dừng lại. Cứ thế, ngày chúng nó đi học, hoặc lên rẫy, tối lại cùng nhau hòa nhịp Tamya”, bà Ma Bio kể.
Bây giờ, nghệ nhân Ma Bio đang là “nhạc trưởng” của đội cồng chiêng buôn làng Chu-ru. Nhiều năm qua, mỗi dịp lễ hội văn hóa của quê hương, đất nước, đội chiêng của bà đều được mời tham gia biểu diễn, góp phần mang nét văn hóa độc đáo của người Chu-ru đến với cộng đồng, thế giới. Trong ngày hội văn hóa “Bản sắc nam Tây Nguyên”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức mới đây, hai học trò trong lớp của Ma Bio là Nai Niệm (12 tuổi) và Ya Nam (11 tuổi), đã đoạt giải đặc biệt với màn tấu chiêng Chu-ru.
(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)