Mùa hát chầu, hát bội khởi sắc
Ý thức được sân đình là mảnh đất cuối cùng cho sự sống còn của hát bội, thế hệ nghệ sĩ đi trước không dám xao lãng việc truyền nghề cho thế hệ sau
Gần chục năm nay, hát bội không có đất diễn, nghệ sĩ chỉ trông chờ vào mùa hát chầu bắt đầu từ tháng 3 âm lịch khi lễ Kỳ Yên, được xem là lễ Thần Hoàng lớn nhất trong năm, diễn ra tại các ngôi đình thờ Thần ở Nam Bộ.
Trẻ hóa nghệ sĩ
Ngoài lễ thỉnh sắc, xây chầu, lễ Chánh tế..., các đình thường phải có hát chầu. Sau lễ rước Tổ hát bội về đình, 2-3 ngày sau, chương trình biểu diễn hát chầu sẽ diễn ra, thu hút đông người dân trong khu vực đến thưởng thức nghệ thuật.
Khác với mọi năm, mùa chầu năm nay, hơn 70 hội đình và ban quý tế đã tạo điều kiện cho dàn nghệ sĩ trẻ tham gia hát chầu. Các đoàn nghệ thuật xã hội hóa tập trung đẩy mạnh việc giới thiệu tài năng trẻ cho sàn diễn sân đình. Nghệ sĩ trẻ có chỗ đứng, thế hệ nghệ sĩ tiền bối đã làm tròn trọng trách truyền nghề, giúp lớp trẻ vừa học nghề vừa thực hành.
Nhiều nghệ sĩ trẻ không chỉ đảm nhận tốt những vai diễn trung tâm mà còn thực hành cả công tác tổ chức.
“Nghệ sĩ trẻ đã đủ sức làm bầu gánh. Nhờ có sức trẻ, họ đảm đương nhiều khâu, lại năng động, biết trân trọng giữ gìn giá trị nghề, không lai căng pha tạp như cách làm trước đây, cố mời nhiều nghệ sĩ ngôi sao của các bộ môn khác chẳng liên quan, khiến nghệ thuật sân đình biến tướng, không phù hợp lễ hội cúng đình” - NSND Đinh Bằng Phi nhận xét.
Các nghệ sĩ trẻ như: Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Thúy My, Khánh Vy, Nhật Khánh, Ái Vy, Trung Hậu, Lưu Thiện, Hoài An... được giao nhiều vai diễn hay. Họ tích cực lắng nghe các bậc tiền bối chỉ dạy để hoàn thành tốt vai diễn. Các vở tuồng biểu diễn theo nền nếp, được tập dượt nghiêm túc nhưng không bị ép buộc theo trình thức quá nặng nề như lâu nay mà được phép sáng tạo cho phù hợp với yêu cầu thời đại. Điều này giúp khán giả trẻ hiểu hơn về hát bội khi đến với sàn diễn cúng đình.
NSƯT Ngọc Khanh phân tích: “Nghệ thuật hát chầu xưa nay vốn theo niêm luật sẵn có của các thế hệ tiền nhân để lại. Đó là nghệ sĩ trước giờ diễn hội ý, nắm chặt bài bản, hiểu nội dung câu chuyện, sau đó ra sàn diễn chứng tỏ tài nghệ thông qua việc hát cương, đối đáp ngẫu hứng. Đạt đến trình độ này không phải dễ, vì nếu diễn cương hư sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả nghệ thuật. Cách tốt nhất là tập dượt kỹ lưỡng, khi đã đạt được trình độ và có thể ứng biến giỏi, nghệ sĩ trẻ mới được cho thử lửa, tập tành sáng tác, viết lời hoặc áp dụng cách diễn ngẫu hứng”.
Diễn viên trẻ Nhật Khánh cho biết mùa chầu năm nay đã mở ra cho anh sự khởi sắc về nghề. “Tôi được hát các vai tuồng vượt quá sức của mình trước đây bởi nhờ dàn bao là các cô chú giỏi nghề nâng đỡ” - Nhật Khánh khoe.
Gieo “hạt” những mùa sau
Sân khấu nghệ thuật hát bội đã gặp khó khăn từ nhiều thập niên qua. Biết được sân đình là mảnh đất cuối cùng cho sự sống còn của hát bội, những thế hệ nghệ sĩ đi trước đã không dám xao lãng việc truyền nghề cho thế hệ đi sau. Cụ thể, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM nhiều năm qua đã đào tạo được 17 nghệ sĩ trẻ, giao cho họ trọng trách diễn những vai khó, dần dần thay thế đàn anh, đàn chị đã lớn tuổi.
NSƯT Ngọc Nga cho hay: “Các suất diễn trong mùa cúng đình là nơi các em được đào luyện thêm cho nghề. Những khen chê, góp ý, thậm chí phê bình nghiêm khắc, của đồng nghiệp và khán giả sẽ giúp các em tiến bộ về nghề; đồng thời nhận thức hát cúng đình không phải nơi chạy sô kiếm tiền mà đó là sàn diễn duy nhất để mưu sinh và bảo tồn nghề nghiệp”.
Một số nghệ sĩ trẻ thông qua các mùa cúng đình tham gia lễ xây chầu, tập làm quen với việc tổ chức chỉ huy nghi thức, nghi lễ, tôn giáo thờ cúng với các niêm luật đã định sẵn. “Chúng tôi xem đây là áp lực lớn để nâng mình lên vị thế mới trong nghề, vì cầm chầu và tổ chức các nghi lễ là tạo thêm cơ hội cho nghề nghiệp thăng hoa. Yếu tố tâm linh tác động lớn đến nghề, không làm xao lãng việc rèn luyện kỹ năng ca diễn, để sân đình không còn phải nghe những điều tiếng kém vui sau mỗi mùa chầu, thay vào đó là lời khen ngợi, động viên” - nghệ sĩ Bình Tinh bày tỏ.
Lập đoàn đứng tên nghệ sĩ trẻ cũng là việc làm tốt cho mùa chầu năm nay. Các đoàn Khánh Vy, Thúy My, Nhật Khánh đã ra đời, theo sau một cách vững vàng từ khi đoàn Bình Tinh - Huỳnh Long ra mắt khán giả cách đây 2 năm. Nghệ thuật hát bội không còn đất diễn nhưng thế hệ diễn viên trẻ đã nỗ lực kết hợp giữa hát bội với cải lương tuồng cổ, mang lại sức sống mới cho mùa chầu năm nay. Bằng chứng là các hội đình đã có lời khen ngợi, cổ vũ, sẵn sàng ký hợp đồng cho mùa chầu vào tháng 8 âm lịch.
Về nghệ thuật sáng tác kịch bản, chính giới trẻ hiện nay đã là minh chứng cho sự tồn vong của hát bội. “Các em sáng tác, tìm đến tôi để lắng nghe ý kiến. Tôi mừng lắm, cố chỉnh sửa, nâng tầm để có được kịch bản dù chỉ là một trích đoạn ngắn. Điều hạnh phúc là các em biết chọn đề tài lịch sử, ca ngợi tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm để xây dựng kịch bản” - NSND Đinh Bằng Phi phấn khởi.
Thu nhập đủ sống Thu nhập của diễn viên hát bội đã đủ để trang trải cuộc sống. Nghệ sĩ Nhật Khánh cho biết mỗi suất diễn hát chầu, vai chính do anh đảm nhận lãnh được 1,2-3 triệu đồng, trong khi những năm trước chỉ ở mức 600.000 đồng/chầu. Năm nay, suốt mùa chầu, nếu chịu khó “cày” thì có thể kiếm được 30 triệu đồng. “Đời sống phấn khởi lắm từ khi các hội đình có chủ trương cho lớp trẻ đóng vai chánh” - nghệ sĩ Nhật Khánh tâm sự. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)