Giấc mơ âm nhạc

16/02/2017

Trên kênh SCTV Truyền hình cáp thành phố Hồ Chí Minh đang chiếu dang dở bộ phim truyền hình “Khúc giao hưởng định mệnh” của Hàn Quốc. Bộ phim có thể coi như bản tụng ca di sản văn hóa âm nhạc Cổ điển đồ sộ của phương Tây, bên cạnh đó còn cho thấy tham vọng hiện thực hóa giấc mơ âm nhạc lớn trên đất nước này.

Ngoài những thành tựu nổi bật trên cả hai lĩnh vực âm nhạc kinh điển và nhạc Pop, Hàn Quốc ngày càng muốn chứng tỏ với thế giới thấy “sức mạnh mềm” của mình thông qua hoạt động văn hóa. “Khúc giao hưởng định mệnh” là một bộ phim phản ánh sự tham gia, huy động nguồn lực tổng hợp của xã hội nói chung, chứ không chỉ tập trung vào một nhóm xã hội để hiện thực hóa “Giấc mơ âm nhạc”. Điều đáng chú ý ở bộ phim nằm trên khía cạnh truyền bá, phổ biến, đại chúng hóa thứ văn hóa âm nhạc tinh anh của thế giới nhằm từng bước chuyển biến, chuyển hóa tập quán văn hóa đại chúng.

1. Thấy gì qua các Khu phố văn hóa ở ta

Hơn 10 năm trước, khi cả nước dấy lên phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tôi từng mơ ước nội dung văn hóa âm nhạc được lồng ghép vào bên trong hai phong trào, chủ trương lớn này. Nước ta vốn có đời sống âm nhạc phong phú nhờ hình thành trên cơ tầng văn hóa của quốc gia đa tộc người. Âm nhạc dân gian vô cùng phong phú, người dân nhiều vùng miền có tố chất văn nghệ. Công cuộc sưu tầm văn hóa dân gian thực hiện suốt thời gian dài với những kết quả định lượng cho thấy di sản âm nhạc đồ sộ đang chìm dần vào quên lãng. Trên thực tế, công cuộc xây dựng đời sống văn hóa nói chung vẫn dừng lại ở tính chất “thời vụ” của hoạt động phong trào. Hơn một thập kỷ đã trôi qua, nhiều khu phố có bảng hiệu  “Khu phố văn hóa” đã mờ nhạt cả chữ lẫn nghĩa, còn mục tiêu cần xây dựng vẫn xa vời. Đứng trước hoàn cảnh hiện nay, Khu phố văn hóa như những cụm dân cư “hữu danh vô thực”. Nói cách khác, người ta đã vội vã đặt tên “văn hóa” cho những khu phố chưa có văn hóa mà cụ thể là thiết chế văn hóa. Thiết chế văn hóa gồm toàn bộ hệ thống, công trình công cộng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu văn hóa của người dân nhằm hiện thực hóa Thể chế văn hóa. Ví dụ: người dân có nhu cầu giải trí bằng âm nhạc, nhưng vì thiếu nơi sinh hoạt, nên khu phố đó chưa có hoạt động văn hóa âm nhạc... Tình trạng thiếu thốn Thiết chế văn hóa này biến Khu phố văn hóa thành cụm dân cư trôi nổi theo chiều hướng “hữu danh vô thực”. Hoạt động văn hóa tại các khu phố hết sức nghèo nàn, không đủ sức lay chuyển đời sống. Ngược lại, nhiều địa phương lại huy động nguồn lực vào việc dựng biển hoành tráng, giăng đầy biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu, cờ xí, tranh cổ động, nội quy… những “món ăn tinh thần” chẳng hề chạm vào được nhu cầu thực sự của người dân, gây lãng phí, tốn kém và biến văn hóa tinh thần thành thứ mặt hàng xa xỉ.

Văn hóa - Xã hội là hai mặt của một thực thể, không có xã hội nào tồn tại không có văn hóa, đồng thời không có nền văn hóa nào tồn tại ngoài xã hội cụ thể. Những vấn đề bất cập trong hoạt động văn hóa đều bắt nguồn từ mảnh đất xã hội bạc màu. Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, văn hóa làng xã luôn là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng vốn di sản nghệ thuật dân gian. Nếu chúng ta sớm lồng ghép văn nghệ dân gian vào sinh hoạt văn hóa, cung cấp điều kiện cơ sở vật chất (thiết chế văn hóa) trong những đại bản doanh mang tên Khu phố văn hóa thì công tác bảo tồn hy hữu có thể thực hiện được một cách sâu rộng. Thế nhưng, sau thời gian dài sống qua thời kỳ bao cấp, con người văn hóa trở nên thụ động và bị “khử trùng” bằng tư duy chờ “sự chỉ đạo sáng suốt”. Bên cạnh mảng văn hóa giải trí tập trung vào các tổ chức dân doanh, còn đại bộ phận do nhà nước chi phối. Thói quen ỷ lại nhà nước, chính quyền địa phương đã biến một quyết sách lớn dừng lại ở hoạt động phong trào, đứng ngoài nhu cầu tự nguyện của người tham gia.

Hơn một thập niên trôi qua, đời sống văn hóa vẫn ngổn ngang, tồn đọng nhiều vấn đề dai dẳng. Các trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa cứ đến hẹn lại huy động nguồn lực, tập kết nhân sự… tổ chức thi hát dân ca, nhạc Tài tử, dân vũ, trò chơi dân gian… Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa… bấy lâu nay thường tập trung vào công tác, nhiệm vụ tuyên truyền, khó thể trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa đích thực. Hoạt động văn hóa luôn phụ thuộc vào sự chỉ đạo, kinh phí, hướng dẫn… mà không hề xuất phát từ hoạt động tự nguyện. Với những chủ trương, chính sách lớn rõ ràng cần được thiết kế nội dung tương thích và được kiểm chứng thông qua hoạt động thực tiễn. Bằng những gì báo chí thường xuyên đưa tin, rõ ràng thực trạng văn hóa đất nước đang phản biện lại chất lượng, tính hiệu quả của cuộc vận động huy động tổng lực xã hội trên.  

2. “Sáng tạo” văn hóa bằng tư duy nhân rộng

Xã hội với những điều kiện hiện hữu là điểm tựa vật chất lẫn tinh thần cho sinh hoạt văn hóa. Trong đó, thiết chế văn hóa đóng vai trò quan trọng. Nước Ý sau thời kỳ Phục hưng với sự nở rộ về nhà hát đã cung cấp cơ sở vật chất, thúc đẩy hoạt động ca kịch phát triển và đạt tới đỉnh cao vào thời kỳ Baroco. Ở Áo, kinh đô của âm nhạc, thế kỷ XVIII hẳn nhờ sự đầu tư thích đáng của giới quý tộc, cung đình cho các Phòng khách quý tộc, Cung điện đã đưa đến viễn cảnh xán lạn và quá khứ vàng son trong hoạt động âm nhạc Cổ điển, bên cạnh mảng âm nhạc dân gian diễn ra nơi phố phường, quảng trường…  Đối với nước ta, đằng sau biển hiệu “Khu phố văn hóa…” có thể thấy một khoảng trống mênh mông về thiết chế văn hóa. Rất ít khu phố có khu vui chơi, hồ bơi, sân bóng, công viên, nhà tập thể dục, thư viện, nhà truyền thống… Bênh cạnh chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, hạn chế cố hữu bộc lộ qua tư duy “nhân rộng” trong sáng tạo văn hóa. Khu phố nào có mô hình mới về sinh hoạt văn hóa ngay lập tức sẽ được khu phố khác bắt chước, áp dụng theo phương pháp “sinh sản vô tính”, không hề tham chiếu điều kiện cụ thể, nguồn nhân lực, vật lực, tài lực và đặc tính đa dạng bên trong nội hàm văn hóa. Nội dung hoạt động nghèo nàn đến độ chủ yếu xoay quanh trục họp hành. Thiết chế văn hóa cơ sở cung cấp cho nhu cầu văn hóa phổ biến nhất là Hội trường. Từ chức năng chính của hội trường đã chỉ ra nội dung sinh hoạt chủ đạo trong đời sống văn hóa, tình trạng lạm phát họp hành diễn ra trên diện rộng. Thiết chế hội trường không những phát triển ở đô thị, khu vực người Kinh mà còn xâm lấn thô bạo đến đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi vốn khu biệt về bản sắc văn hóa. Nhà rông, nhà dài, nhà sàn… bị Hội trường hóa. Nhiều nhà văn hóa địa phương trang trí nội thất theo tư duy, thẩm mỹ hội trường, băng rôn, khẩu hiệu… giăng mắc như tơ nhện, thứ văn hóa cờ, đèn, kèn, trống… ùa vào không gian thiêng trong thiết chế văn hóa truyền thống góp phần tạo nên môi trường xã hội chuộng bề nổi, hình thức, tất cả xoay quanh “quan điểm, lập trường” dẫn tới xa rời một đời sống văn hóa đích thực.

Qua những biểu hiện trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa có thể thấy tình trạng dùng dằng giữa ngã ba đường của phương hướng mục đích, cách thức tổ chức và thực trạng đời sống. Chủ trương đa dạng hóa, tôn trọng bản sắc chưa được thống nhất trong hoạt động thực tiễn. Vì thế, nhìn vào nhiều mô hình văn hóa không khỏi thấy trống trải, đơn điệu, thiếu vắng bản sắc và xu hướng đồng nhất về cách thức chỉ đạo thực hiện. Nó cho thấy tư duy, trình độ kém cỏi của cán bộ quản lý địa phương, biến nỗ lực của người làm công tác bảo tồn di sản thành công việc “khảo cổ”. Nhà nước bỏ tiền thực hiện đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể, nhưng chính cán bộ địa phương, cán bộ ngành văn hóa là những thủ phạm phá hoại, làm biến dạng, méo mó di sản văn hóa. Công sức bỏ ra để giữ gìn không gian văn hóa đa dạng đắm chìm vào những hành vi xâm hại thô thiển mà kẻ hủy hoại lại rơi vào thành phần trên danh nghĩa là cán bộ văn hóa. Hậu quả của việc “giao chứng cho ác”, trao quyền cho người “giữ gìn lập trường” kém từ tâm thuật đến học thuật đã biến xã hội thành vùng đất văn hóa bạc màu.

3. Nhìn người mà ngẫm đến ta

Giáo dục âm nhạc như trường hợp El Sistema ở Venezuela là một chương trình hành động vì âm nhạc. Tổ chức này quản lý trên 150 dàn nhạc thanh niên và 70 dàn nhạc thiếu niên. Nó đã tạo điều kiện cho hơn 250 nghìn thanh niên tham dự miễn phí các trường âm nhạc trong hệ thống của mình, 90% trong số đó là con gia đình nghèo. Các em được miễn phí, cung cấp nhạc cụ và thể xe buýt đến lớp. Suốt hơn 35 năm qua, tổ chức này đã không ngừng nuôi dưỡng giấc mơ âm nhạc cho nhiều thế hệ. Chính phủ Venazuela bắt đầu tài trợ cho tổ chức từ năm 1977, nhờ vậy, El Sistema không ngừng lớn mạnh, chương trình giáo dục âm nhạc đưa vào giảng dạy trong trường công lập, phấn đấu đến năm 2015 sẽ tăng số trẻ được học nhạc lên 500.000 em. Đây là tổ chức đào tạo âm nhạc Cổ điển theo khuôn mẫu phương Tây, chứ không dừng lại ở việc tiếp xúc với âm nhạc qua tập chép nốt nhạc và hát ca khúc như ở ta. Giáo dục âm nhạc mang tính toàn diện, chuyên sâu đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, bồi bổ kỹ năng tương tác giữa các thành viên từng nhóm nhạc, đồng thời hướng các em đến khả năng làm việc nhóm, hợp tác tốt giữa các thành viên và cộng đồng. Giáo dục âm nhạc là giáo dục về nghệ thuật, chứ không phải giáo huấn bằng công cụ âm nhạc. Nếu tách bạch được mục đích thực dụng ra khỏi đời sống âm nhạc sẽ góp phần gieo trồng những hạt giống tâm hồn, ngây thơ, trong trẻo hồn nhiên ngay từ thời thơ ấu của các em. Đầu tư cho tương lai, cho giáo dục và sức khỏe là những lĩnh vực chưa từng thấy lỗ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thay vì rao giảng thành tích vì trẻ thơ, chúng ta cần có hành động thiệt thực hơn, mang tính đồng bộ, toàn diện, chắc hẳn trong tương lai sẽ sản sinh ra những thế hệ công dân thực sự hữu ích. Tất cả các loại hình nghệ thuật đều có bản chất hồn nhiên, không vụ lợi, không thực dụng, do vậy, công tác giáo dục âm nhạc cũng phải nương theo bản chất mang tính đặc trưng này.

4. Hệ quả nhãn tiền

Trong nghiên cứu thực nghiệm đã tìm thấy mối quan hệ giữa trẻ em vị thành niên phạm pháp và tình trạng giáo dục âm nhạc. Từ những bài học thất bại trong hoạt động thực tiễn ta có thể liên kết hàng loạt biểu hiện sa sút về đạo đức với hiệu quả của công cuộc xây dựng đời sống văn hóa. Rất nhiều dấu hiệu tiêu cực bị quy kết vào mặt trái của nền kinh tế thị trường. Song, thực tế cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa mặt trái của nền Kinh tế thị trường và mặt phải của lối xây dựng đời sống văn hóa theo tư duy cũ? Nhiều sai phạm nghiêm trọng đều nảy sinh tại những tập đoàn kinh tế kiên cố thuộc khối doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp này đã tự đặt mình ra ngoài cuộc chơi, không theo luật của nền kinh tế thị trường, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần tham gia.

Nếu chúng ta chẩn đoán không đúng sẽ khó thể chữa trị được căn bệnh trầm kha mang tính hệ thống của cơ chế. Sau khi xác định bệnh tình một cách xác đáng phải chấp nhận áp dụng biện pháp chữa trị, có thế mới mong cơ thể xã hội phục hồi, đời sống văn hóa tiếp tục phát triển lành mạnh. Rõ ràng, rất nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước xảy ra sai phạm trong thời gian qua là tự đặt mình ra ngoài cuộc chơi của nền kinh tế thị trường. Như vậy, lỗi nằm ở mặt phải trong tư duy bao cấp, chứ không phải mặt trái theo nền kinh tế thị trường.

Trở lại bộ phim “Bản giao hưởng định mệnh” của Hàn Quốc, người nhạc trưởng đóng vai trò “thủ lĩnh tinh thần” của một dàn nhạc khu phố vốn làm việc trong môi trường rộng rãi của thế giới đã chấp nhận ở lại huấn luyện cho các nhạc công nghiệp dư. Nhưng, sự nghiệp của ông đã rẽ sang một trang mới kể từ đây và đã đóng một vị trí không thể thay thế được trên hành trình văn hóa đất nước. Còn ở ta, nhìn nhiều khu phố văn hóa đa số được điều hành bởi các cụ hưu chí, những người chẳng hề có trình độ chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, nói cách khác, họ không hề có thẩm quyền chuyên môn trong lĩnh vực mà mình tham gia. Xuất phát từ rảnh rỗi mà được bầu bán vào Ban điều hành khu phố văn hóa. Và văn hóa đối với họ, không khác gì ngoài “Cờ đèn kèn trống”, thứ thông tin cổ động thời mới giành chính quyền.

Sự thành bại của mọi công cuộc vận động đều xuất phát từ yếu tố con người. Hãy thử hình dung về tính hai mặt của một quyết sách lớn mà một mặt được điều hành bởi những con người kém cỏi về trình độ văn hóa, tuy mục đích có to tát, xa vời thì nội dung của nó cũng thiển cận như chính nguồn nhân lực tham gia. Văn hóa xuống cấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhận dễ thấy nhất đó chính là phẩm chất ở những người tham gia vào hoạt động này.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...