“Làm mới” những ca khúc đã đi cùng năm tháng như thế nào?

20/12/2016

Gần đây, trong đời sống âm nhạc khá ồn ào chuyện làm mới những ca khúc đã vượt thời gian, đi cùng năm tháng, sống với công chúng nhiều thế hệ.

Việc những ca khúc đã có tuổi đời của nhiều thế hệ cộng lại vẫn được công chúng yêu mến, được các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ dàn dựng, biểu diễn, là một tín hiệu đáng mừng. Trên thực tế, việc “làm mới” của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã thành công và cũng nhiều trường hợp gặp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng.

Gần đây nhất, ca sĩ Mỹ Linh đã “chưa thật sự thành công” khi hát Quốc ca Việt Nam tại sự kiện đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 24-5-2016. Mỹ Linh đã chuyển nhịp bài Quốc Ca từ 2/4, sang nhịp 3/4 và hát theo tốc độ quá chậm. Phần lớn ý kiến đánh giá Mỹ Linh đã “chưa thể hiện được” tinh thần của Quốc ca Việt Nam ngay trong một sự kiện trọng đại. Lỗi không chỉ nằm ở chỗ cô “biến tấu” Quốc ca, mà còn là vì cô hát bị đuối hơi (có thể do quá xúc động), sai nhịp, nên bài hát trở nên thiếu sức sống.      

Trước Mỹ Linh, một số nghệ sĩ đã chưa thành công trong những chương trình đáng trân trọng, như “Giai điệu tự hào”. Bên cạnh việc dàn dựng và biểu diễn thành công nhiều ca khúc cách mạng, “Giai điệu tự hào” cũng để lại những hạt sạn không đáng có. Trong số đó, nổi lên hai trường hợp là ca khúc Đi học do ca sĩ Hải Bột trình diễn và ca khúc Xa khơi do ca sĩ Anh Thơ biểu diễn. Qua phần trình diễn bài hát này, Anh Thơ chỉ đem lại số điểm rất thấp: 67,02% số phiếu bình chọn của khán giả tại trường quay. Có thể thấy, điểm yếu của ê kíp cùng Anh Thơ dàn dựng ca khúc này là đã thêm đoạn xướng âm (các ca sĩ hay gọi là phiêu) vào gần cuối bài, làm loãng chủ đề âm nhạc, phá vỡ cấu trúc của tác phẩm. Mặt khác, cách hát rền rĩ, ủ ê của Anh Thơ trái hẳn với tính chất mạnh mẽ, tha thiết của ca khúc, biến hình tượng người phụ nữ “kề vai” với nam giới trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước thành người phụ nữ cô đơn hóa đá trông chồng! Còn bài Đi học do ca sĩ Hải Bột trình diễn, đã tự tiện chuyển nhịp từ 2/4 sang 3/4 và hát sai một số nốt nhạc, gây phản cảm cho người nghe.

Có thể thấy mấy nguyên nhân của việc “làm mới” ca khúc lại biến thành “thảm họa”, như sau: Thứ nhất, nhạc sĩ và ca sĩ chưa hiểu thấu đáo tác phẩm cùng thời đại mà tác phẩm ra đời, quá tự tin nên đã can thiệp sâu vào bản thân tác phẩm chứ không thể hiện sự đổi mới của mình qua cách phối khí, dàn dựng và biểu diễn. Hoặc là nghệ sĩ chỉ chăm chú tới kĩ thuật nghề nghiệp mà không chú ý tới sự rung động của bản thân mình, hoặc là sự rung động của nghệ sĩ ở đây lệch hướng, khiến cho họ làm biến dạng tác phẩm. Thứ hai, nhạc sĩ và ca sĩ đã đụng chạm vào cấu trúc của tác phẩm, phá vỡ nó, khiến nó mang dị tật, mất hình hài đẹp đẽ hiền hòa vốn có.

Không phải chỉ âm nhạc, mà trong các bộ môn nghệ thuật khác, có rất nhiều tác phẩm của Việt Nam và các nước trường tồn với thời gian, làm rung động con tim của nhiều thế hệ công chúng. Ví dụ như các tác phẩm điêu khắc, hội họa. Vậy, “làm mới” các tác phẩm đó thế nào đây? Lẽ nào vì sợ công chúng đương đại không hiểu nổi những tác phẩm xa xưa, mà phải thêm râu ria hoặc chặt bớt chân tay, thay đổi mầu sắc? Câu trả lời là cần tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, còn có thể đổi mới ở cách trưng bày, dàn dựng…

Việc làm mới tác phẩm xưa không phải bây giờ mới có, cũng không phải chỉ các nghệ sĩ trẻ đương đại mới phát hiện ra và thực hành. Nó đã có từ lâu và khá phổ biến. Đáng khâm phục là nghệ sĩ của một số nước đã dàn dựng, trình diễn thành công nhiều tác phẩm của Việt Nam, nghe rất mới, hiện đại mà vẫn thấy nguyên hình tác phẩm. Có thể dẫn ra đây 2 trường hợp là Diễm xưa của Trịnh công Sơn, và Chú ếch con của Phan Nhân.

Khi dàn dựng, biểu diễn bài Diễm xưa, các nghệ sĩ Nhật Bản phải vượt qua hai thử thách: thứ nhất là về sự khác biệt văn hóa. thứ hai là về nhu cầu “làm mới” tác phẩm của thời đại trước cho phù hợp với không khí thời nay. Một bài hát của Việt Nam, có cách cảm, cách nghĩ, cách diễn Việt Nam, nay làm sao công diễn mà thu hút được sự yêu mến của người Nhật? Trả lời câu hỏi, các nghệ sĩ Nhật Bản đã đưa về chỉ số chung - đó là chất nhân văn, mà dân tộc nào cũng có, đồng thời dàn dựng ca khúc này theo phong cách âm nhạc dân gian Nhật Bản với ca từ được dịch sang tiếng Nhật. Bởi vậy, Diễm Xưa đã trở nên gần gũi với người Nhật. Khi nghe bản Diễm xưa có phần lời bằng tiếng Nhật do nữ ca sĩ thể loại enka (dân gian Nhật) nổi tiếng nhất nước Nhật là Tendo Yoshimi thể hiện, hoặc do Tendo Yoshimi cùng Shimazu Aya song ca, người nghe rung động mạnh mẽ bởi chất trữ tình và nhân văn sâu sắc, nét nhạc phóng khoáng, mở ra những hy vọng cho tình yêu của con người. Diễm xưa do người Nhật trình diễn không hiện lên với nét nhạc trữ tình êm đềm, buồn man mác như ta thường nghe Khánh Ly hát, mà có sắc thái mới, đằm thắm, rộng mở, lạc quan. Diễm xưa đã được người Nhật tôn vinh là một trong 10 bài hay nhất mọi thời đại.

Cũng như vậy, sự thành công đã đến với ca khúc Chú ếch con do Phan Nhân sáng tác năm 1967 - được dàn dựng, biểu diễn ở Ý với giọng đơn ca của cô bé người Việt Hương Trà cùng dàn hợp xướng thiếu nhi Quốc tế vào năm 2003. Cô bé Hương Trà 8 tuổi đã trình bày tự tin ca khúc Chú ếch con (Ma va la) với phiên bản tiếng Ý và tiếng Việt trong sự hòa đồng của dàn hợp xướng thiếu nhi với nguyên bản của ca khúc, trong sáng, rộn ràng, không bị thay đổi dù chỉ là một nốt luyến láy. Trong khi đó, ca khúc được làm sôi động thêm, vang ngân hơn nhờ phần phụ họa. Có thể hình dung rằng, giọng ca của Hương Trà với ca khúc nguyên bản tập trung thể hiện nhân vật chính là chú ếch con, còn dàn hợp xướng phụ họa “làm mới” lại thể hiện một cánh đồng rộng bao la - khung cảnh sống của chú ếch, làm cho chú ếch càng nổi bật lên.

Ở trong nước, cũng không hiếm hiện tượng làm mới ca khúc rất thành công.

Gần đây nhất, trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 6 năm 2016, nhạc sĩ Thanh Phương, ca sĩ trẻ Đông Hùng đã bạo dạn làm mới ca khúc truyền thống bằng cách hát cùng người đã quá cố! Đông Hùng đã nghiên cứu kỹ bài hát và giọng hát của NSND Quốc Hương, đồng cảm với các nghệ sĩ tiền bối, dày công luyện tập, vận dụng được kĩ thuật hát liền mạch của hơi, luyến láy rất nhiều và đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Hà Tây quê lụa được vang lên, khi là giọng hát của cố nghệ sĩ Quốc Hương, khi có sự hòa thanh của ca sĩ trẻ Đông Hùng, lúc lại hát đuổi, hát đối đáp…trở nên sinh động, trẻ trung hơn, trong khi vẫn giữ được tinh thần lãng mạn cách mạng của bài hát.

Với “tuổi đời” 55, Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho đã bộc lộ sức trẻ của mình khi được ca sĩ Tùng Dương thể hiện. Đúng như nhận xét của nhạc sĩ Doãn Nho, “Chiếc khăn piêu đã được làm mới, có sức chinh phục mới là nhờ ca sĩ Tùng Dương cùng nhạc sĩ phối khí Nguyên Lê đã có rất nhiều sáng tạo. Sự sáng tạo này trước hết có được là do Tùng Dương cùng Nguyên Lê đã tìm hiểu kỹ ca khúc, tham khảo các phiên bản do các nghệ sĩ bậc thầy từng trình diễn, tôn trọng tác giả, tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, rồi thay đổi một chút kết cấu nhưng không phá vỡ cấu trúc, đã biến ca khúc từ một đoạn đơn thành hai đoạn đơn có tái hiện, tạo sức hấp dẫn mới. Hơn nữa, Tùng Dương đã thẩm thấu từ nốt nhạc tới tinh thần của bài hát, cho nên đã hát bằng sự say đắm cùng kĩ thuật điêu luyện của mình, khiến người nghe bị mê hoặc.

Ca sĩ Đức Tuấn đặc biệt thành công với ca khúc Lá xanh, ca khúc duy nhất trong 15 ca khúc của Album “Những bài ca không quên” được anh ghi dòng chữ REMIX (Làm mới). Anh đã tìm ra sợi dây kết nối giữa hai thế hệ, hai giai đoạn lịch sử, đó là tình yêu nước và trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc. Và anh làm mới theo sự dẫn dắt của dường dây đó. Anh hát nguyên bản Lá xanh, với phong thái sôi nổi, vui vẻ trong thể loại nhạc Electror Pop để làm giảm bớt tính trang trọng, hơi căng thẳng của không khí thời chiến. Đặc biệt, anh thêm vào ở phần nhạc dẫn, ở phần giữa hai lần hát và phần vĩ thanh của ca khúc những đoạn Hip hop, Rap rất sôi động, với nội dung tương đồng với ca từ của Lá xanh, nhưng lại có không khí của thời đại mới. Làm kĩ như vậy nên khi thu âm chỉ mất 30 phút và khi công bố, đã làm rung động hàng triệu con tim!

Bài học ở đây là cần thận trọng khi làm mới tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng, bởi dòng nhạc hiện đại và cổ điển luôn luôn có ranh giới cần thiết. Phải coi việc làm mới tác phẩm không chỉ đơn thuần là về kĩ thuật, mà là một hành vi văn hóa. Nghệ sĩ cần bồi đắp cho mình một vốn văn hóa nhất định để hiểu và xử lý hợp lý tác phẩm. Khi muốn thực hiện công việc này, trước hết, nghệ sĩ phải rung động với tác phẩm, tiếp đó cần nghiên cứu kỹ tác phẩm và hoàn cảnh ra đời của nó, đặt mình vào hoàn cảnh đó, kết hợp với nhận thức của thời đại mới, mà sáng tạo. Tuyệt đối tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, bởi đây không những là yêu cầu của nghệ thuật, mà còn là yêu cầu của Luật pháp - Bộ Luật về quyền sở hữu trí tuệ đã khẳng định điều này

         Thời nào cũng vậy, những sắc thái của con người đều tương đồng, có vui và buồn, có thương yêu và căm ghét, có mạnh mẽ và yếu đuối, có dũng cảm và hèn hạ, có hào hùng và bi thảm. Bởi vậy, con người của thời đại này có thể đồng cảm với những tác phẩm của thời đại khác, đặc biệt là đối với những tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao. Có những tác phẩm không cần làm mới mà vẫn luôn luôn mới mẻ trong sự cảm nhận của công chúng mọi thời đại. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chỉ rõ: “Remix (làm mới) có nguyên tắc của nó, người làm nhạc phải tuân thủ. Có những bài không thể remix được. Do bỏ qua hoặc vô tình bỏ qua vì vốn kiến thức về âm nhạc của người làm còn hạn chế, sẽ tạo nên một mớ hỗn độn các sản phẩm nhạc remix, đến mức khán thính giả yêu nhạc không thể nghe được”.

Tags:

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...