Không giết thời gian cũng chết

14/12/2016

Trong quá trình phát triển, loài người đã sáng chế ra nhiều phương tiện hữu hiệu, có thể chao liệng trên bầu trời bằng máy bay, du hành trong không gian bao la bằng phi thuyền, ẩn mình xuống đáy biển sâu bằng tàu ngầm, phát minh ra điện, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo… Song, cùng với sự dịch chuyển bề bộn trong không gian, con người lại chẳng hề mảy may chạm vào dòng chảy liên tục của thời gian lặng lẽ, ngoại trừ sáng chế ra chiếc đồng hồ để nhận biết về sự dịch chuyển âm thầm của nó. 

Nhân vật Doraemon trong câu truyện cùng tên của tác giả Nhật Bản Fujiko F. Fujio vốn là một chú mèo máy đến từ thế kỷ XXII mang theo rất nhiều bảo bối lợi hại, một trong những bảo bối có tần suất sử dụng khá cao là cỗ máy thời gian. Muốn tìm hiểu quá khứ chỉ cần ngồi lên cỗ máy thời gian trở về thời điểm xảy ra sự kiện là có thể kiểm chứng được biến cố; muốn vượt thoát khỏi chướng ngại hiện tại cũng chỉ cần leo lên cỗ máy thời gian để lẩn trốn vào chiều thời gian khác… Tất cả mọi ưu tư, phiền muộn đều có thể giải quyết bằng cách dịch chuyển cỗ máy thời gian. Nhân vật Chằn tinh trong bộ phim hoạt hình đoạt giải Oscar “Shreck” cũng xảy ra một biến cố liên quan đến thời gian. Theo cốt truyện, Chằn tinh muốn trở vể một ngày huy hoàng trong quá khứ, tìm lại hình ảnh quyền uy của mình, nên đã ký hợp đồng với phù thủy Rumpel Still Skin nhằm đổi lấy một ngày đã mất. Sau khi ký kết, Chằn tinh đã bị phù thủy lấy đi cái ngày mình chưa kịp sinh ra. Vì thế, mọi hiện hữu của Chằn tinh trên thế gian đều bị biến mất, cả vợ con, tài sản cùng các mối quan hệ. Bởi vậy, sinh - tử chính là khung thời gian định chế quy con người vào một cuộc đời. Hiện tại, cỗ máy thời gian vẫn chưa được phát minh, nên con người vẫn phải chấp nhận một sự thật về sự ra đi không trở lại của thời gian.

Theo thuyết Giãn nở vũ trụ, sau vụ nổ lớn (big bang), không gian và thời gian hình thành. Thời gian trôi theo chiều hướng về phía trước tương ứng với sự giãn nở của không gian. Không gian càng ngày càng phình ra và thời gian cứ thế thẳng tiến. Như vậy, thời gian chẳng cần giết cũng chết đi theo bản chất một đi không trở lại. Thực tế ấy khiến cho thời gian trở thành thứ vô giá trên cuộc đời này. Người Nhật Bản từng ví: “Một tấc thời gian một tấc vàng. Tấc vàng không mua nổi tấc thời gian.” Giá trị của vàng cùng lắm nằm ở thuộc tính ngoại tại, còn giá trị của thời gian nằm ngay trong bản chất. Thời gian của vũ trụ là vô thủy, vô chung, còn thời gian của chúng ta là ngắn ngủi, hữu hạn. Thuở xưa, biết bao vị hoàng đế ngự trị trên đỉnh cao quyền lực, có trong tay cả thiên hạ, có khả năng nô dịch kẻ khác, nhưng vẫn không sao kiểm soát nổi thời gian. Vị hoàng đế đầu tiên góp công thống nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn là Tần Thủy Hoàng sai biết bao cận thần lên núi tìm thuốc trường sinh. Rốt cuộc thuốc trường sinh chẳng thấy đâu. Ngay cả bản thân ông cũng tự tìm đến cái chết trên đường đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Tập tục tuẫn táng vốn là một trong những giải pháp nhằm níu kéo nhu cầu của con người trước nguy cơ bị thời gian tước đoạt. Thay vì đứng nhìn thời gian ra đi một cách vô vọng, nhiều bậc vua quan thời xưa đã chế định thứ tập tục dã man này, rồi sau mới chuyển sang dùng hàng mã thay thế. Song, dù họ có mang theo cả đoàn tùy tùng cùng của cải, ngọc ngà, châu báu xuống mồ thì vẫn không thể làm thời gian đổi chiều. Đại đa số chúng ta đều sớm phát hiện ra nguyên lý một đi không trở lại của thời gian, thậm chí nhiều người còn khuyên nhau không nên tích trữ tiền bạc, của cải, vì chết cũng không thể mang theo. Điều đó càng chứng tỏ về lòng tham vô đáy của con người. Chẳng phải họ không muốn mang theo mà vì không thể đem theo được thôi. Trong khi giá trị ở một con người nằm ở tài sản để lại sau khi ra đi, chứ không phải ra đi đã mang theo những gì. Nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Volfgang Amadeus Mozart sau khi qua đời có vài người biết tin đến đưa tang cùng một con chó tiễn chủ tới nơi an nghỉ cuối cùng. Ông được người ta chôn cất tạm bợ trong khu nghĩa trang công cộng. Tập tục mai táng người quá cố nơi công cộng chủ yếu dành cho những thân phận vô gia cư, vô thừa nhận hay những kẻ bị cộng đồng nguyền rủa, mắc tội báng bổ Thiên Chúa… Những thi hài này đa số được chôn trong hố tập thể, không có bia mộ, thánh giá. Vậy mà thiên tài âm nhạc Mozart đã bị chôn cất tại đây. Tất nhiên, điều ấy chẳng hề ảnh hưởng đến giá trị vốn di sản ông để lại cho đời. Vài ngày sau cái chết của Mozart đã xuất hiện một trận bão tuyết cuốn trôi những dấu tích làm nên một tên tuổi vĩ đại trong lịch sử âm nhạc khiến cho người đời cứ mãi phải đi tìm ông. Qua đó, chúng ta không khỏi thấy xót xa, ngậm ngùi cho thân phận một nhà soạn nhạc thiên tài mà tên tuổi đã đi vào lịch sử âm nhạc thế giới. Volfgang Amadeus Mozart để lại cho nhân loại một di sản âm nhạc đồ sộ, vô giá. Âm nhạc của Mozart vẫn vang lên trên khắp các thánh đường âm nhạc thế giới. 

Có lẽ, chết là một trong những nỗi ám ảnh đeo bám con người dai dẳng nhất, thậm chí kéo dài suốt một kiếp người Nó không chỉ xuất phát từ tính chất “phóng dụ” về cuộc sống ở bên kia thế giới, mà còn vì bản chất chung của con người là đều phải chết. Con người ta nói chung, đa số đều không có cảm giác hay trải nghiệm về cái chết. Cái chết dường như cứ ám ảnh, lởn vởn bên trong cuộc sống mà thời gian đưa đẩy. Cửa tử vừa là ga đến vừa là ga đi trong cuộc đời hữu hạn. Bằng nhiều cách thức khác nhau, các tôn giáo đều lưu lại dấu ấn của mình qua việc phác họa bức tranh về viễn tượng sau cái chết. Và trước khi đến với “cái chết sau cùng”, chúng ta phải đối diện với những cái chết “lâm sàng” của từng phút giây trôi qua trên hiện tại. Thời gian đặt con người vào tình trạng hủy diệt để sáng tạo và một nhu cầu khao khát vượt lên trên hiện tại nhằm vươn tới giá trị bất tử! Sáng tạo như một quyền năng nhiệm màu thu gom mọi ý nghĩa hiện sinh vào cuộc sống này, qua đó con người ký thác ước nguyện. Nhà Phân tâm học người Áo Freud từng nói: “Con người sinh ra từ một mớ lùng bùng, lớn lên trong ảo mộng và chết khi chạm phải hiện thực.” Cái chết chính là một hiện thức trần trụi mà ai cũng phải đối mặt. Nhờ có cái chết, chúng ta sáng tạo nên cuộc sống nhằm đảm bảo tính liên tục thông qua những cá thể hữu hạn.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...