Nhạc rock hay cổ điển hơn?

21/11/2016

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đã từng có nhiều bạn trẻ hỏi : “Thế theo anh nhạc rock hay cổ điển hơn?”.

Mình phải nói rằng không nên đặt câu hỏi như thế, không có nhạc nào hơn cả, đây là 2 con đường âm nhạc khác nhau tùy theo cảm nhận và lựa chọn của bạn mà bạn thích nhạc nào thôi. Để làm rõ hơn vấn đề này mình xin trình bày vài ý như sau :

  • Nhạc cổ điển đã hình thành và phát triển từ rất lâu trong quá trình tiến hóa của xã hội loài người có thể nói đã có từ hàng ngàn năm trước, qua sự chắt lọc của nhân loại những bản nhạc của những nhạc sĩ nổi tiếng như Beethoven, Moza, Bách, Sô Panh….lưu truyền cho đến nay đều là những bài kinh điển hoàn hảo đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc. Các bản nhạc này có giai điệu, hòa thanh đẹp, hình tượng âm nhạc sâu lắng rõ nét để người nghe có thể cảm nhận được những hình ảnh, khung cảnh, bối cảnh, tình cảm….cảm xúc khi nghe nhạc có thể rung động đến sâu thẳm trái tim, có thể kể một số bản nhạc dễ dàng cảm nhận và đồng cảm được số đông nhân loại yêu thích như bản Ánh Trăng, Sô nát Ánh trăng, Phiên chợ Ba tư, Hồ Thiên Nga…. Cho nên giá trị của nhạc cổ điển đã được hầu hết nhân loại công nhận và có một số quan điểm chỉ coi nhạc cổ điển mới là âm nhạc chính thống đỉnh cao có giá trị tuyệt đối không loại nhạc nào khác có thể so sánh được. Tuy nhiên các bạn thử xem tiếp mình nói về nhạc rock ở phần sau nhé.
  • Nhạc Rock mới bắt đầu phổ biến thời kỳ đầu những năm 50 ở Mỹ bằng rock’n roll rồi được thổi bùng lên nhanh chóng ở mức độ toàn cầu bởi ban nhạc huyền thoại Beatles với bốn cái tên John Lenon, Paul Mc. Cartney, Ringo Star và Goerge Harrison vào những năm 60-70 thế kỷ trước. Tiếp theo đó là các dòng hard rock, heavy, Metal…. bùng nổ với sự cuồng nhiệt của hầu hết giới trẻ trên toàn thế giới, có thể kể tên rất nhiều ban nhạc hàng đầu thế giới đã được lưu danh như The Kiss, Deep Purple, Ledzeppelin, Scorpions, Pinkfloy, Europe, Blacksabath, UFO, Roses ‘n Guns, Queen, Metalica…. Tại sao nhạc rock lại lôi cuốn được số đông giới trẻ phát cuồng hâm mộ đến thế, nó có một sức hút dữ dội đối với những người đã đam mê và trở thành tín đồ phê hơn nghiện ma túy. Để phân tích sâu ta sẽ thấy những nghệ sỹ rock họ là những người đam mê âm nhạc đến cuồng tín, họ có năng khiếu chơi nhạc (chủ yếu là ghi ta và trống) đặc biệt trời cho, họ có đầu óc sáng tạo thiên phú, họ nhận thấy nếu đi theo con đường nhạc cổ điển họ sẽ phải xếp hàng rất lâu sau những nghệ sĩ cổ điển đẳng cấp hàng đầu và có thể chẳng bao giờ vượt qua được những sản phẩm đã trở thành đỉnh cao của nhân loại. Đa số họ lúc đầu cũng đã từng chơi được nhạc cổ điển điêu luyện sau này có những người còn dùng nhạc rock chơi những bản cổ điển như Queen đã từng chơi rock bài “Bức thư gửi Elidabeth” của Beethoven, Yngvi Malm Steen chơi rock bản giao hưởng số 9 của Beethoven…. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại có thể tạo ra được những âm thanh mới, kỹ thuật mới mà trước đây nhạc cổ điển chưa thể có được, Các nghệ sĩ rock đã tạo ra những kỹ thuật chạy tay, những chùm âm thanh, những tiếng rú rít ….với âm lượng lớn chưa từng có, lôi cuốn những đám đông chưa từng có tạo nên hiệu ứng đám đông cuồng nhiệt phải sử dụng những sân bóng hoặc những quả đồi mới thỏa mãn được người hâm mộ. Có thể kể những đại nhạc hội của Ledzeppelin, Deep Purple, Queen… với số lượng fan lên đến khoảng 100 ngàn người kín những sân vận động, những quả đồi với âm lượng lớn đến nỗi những căn nhà trong vòng 1 km có thể vỡ cửa kính và được bồi thường (trong một số quảng cáo khi bán vé). Với âm lượng lớn đến mức khi đi xem tiếng trống, tiếng bass làm người xem cảm thấy rung từng thớ thịt, từng mạch máu trong người, với những chùm kỹ thuật chạy tay tốc độ cao của ghi ta solist và tiếng rú rít nhấn nhéo dây đàn kết hợp những bộ “phơ” tạo âm sắc đặc biệt xoáy sâu vào tai tới tận não gây hiệu quả phê hơn ngáo đá. Đến nỗi có lần nghệ sĩ ghi ta cổ điển Hải Thoại những năm 80 thế kỷ thước đã phải thốt lên cây ghi ta điện nó đã trở thành một loại nhạc cụ khác không phải là ghi ta nữa rồi, đấy là ông còn chưa được nghe 3 cây ghi ta hang đầu thế giới hiện nay Yngvi Malm Steen, Steve Vai và Michael Angelo Batio chơi như làm xiếc trên những sợi dây đàn. Nhưng một trong những hiệu quả hay nhất của nhạc rock (mà chủ yếu sau này dân mê rock nói đến rock là họ nghĩ đến Hard, Heavy, Metal…) chính là những đoạn giằng (còn gọi là tu ti nghĩa là chơi cùng tiết tấu thường là kết hợp đảo phách của tất cả các cây) ở tốc độ cao tạo hiệu quả phê lòi mắt muốn nháy nhót dậm dật cho người nghe.
  • Đến đây lại có một số bạn hỏi vậy giá trị chính của rock nằm ở đâu và người ta sẽ đánh giá xếp hạng các nghệ sĩ rock như thế nào? Một số bạn cuồng tín rock ở Việt nam cho rằng cứ phải kỹ thuật chạy tay solist ghi ta tốc độ cao mới là đẳng cấp, mới đáng mặt là đỉnh cao của rock nên họ chỉ tập trung vào việc học kỹ thuật và chơi cover lại những bản rock tuyệt tác của các ban nhạc rock đỉnh cao như Deep Purple, Blacksabath, Metalica, Scorpions…. Nhưng đấy chính là sự nhầm lẫn và tự đóng khung mình vào giới hạn của việc tập kỹ thuật dẫn đến đa số chỉ trở thành thợ chơi nhạc chứ không có nghệ sĩ (như ông bầu Quốc Trung đã từng nói “ở Việt Nam chủ yếu chỉ có thợ nhạc, ít có nghệ sĩ”). Thế giới họ ghi nhận những người chơi kỹ thuật đỉnh cao, nhưng xếp hạng nghệ sĩ thì họ đánh giá dựa trên sự sáng tạo là chính, người ta luôn ghi nhận xem các nghệ sĩ đã sáng tạo được gì để lại được dấu ấn gì vào lịch sử âm nhạc. Có thể thấy cho đến giờ ban nhạc Beatles vẫn luôn được coi là ban nhạc hàng đầu có ảnh hưởng lớn nhất đến âm nhạc đương đại trên thế giới, có số lượng fan lớn nhất chưa ban nhạc nào hơn được. Về kỹ thuật chơi so với các ban hard rock, heavy, metal rock họ không hơn được thế nhưng thế giới ghi nhận ở họ sự sáng tạo đầu tiên làm thay đổi hẳn cách chơi nhạc, làm bùng nổ một phong cách chơi nhạc mới mẻ lấn át và làm lu mờ hẳn trào lưu nhạc cổ điển từng thống trị trước đó. Trong nhiều tạp chí âm nhạc quốc tế cây ghi ta solist của Beatles – Goerge Harrison đều được đánh giá là cây ghi ta đặc săc mặc dù về mặt phô diễn kỹ thuật thì các thế hệ sau họ đã vượt hẳn ông. Cũng vậy cây ghi ta của ban nhạc Smokie chỉ là một ban soft rock không nặng về trình diễn kỹ thuật cũng được ghi nhận là cây solist đặc sắc. Trong các bảng xếp hạng ghi ta đương đại hầu như tạp chí nào cũng xếp hạng  Jimmy Hendrix là cây ghi ta số một thế giới mặc dù ông không chơi tốc độ cao như những cây ghi ta đỉnh cao hiện nay ví dụ Yngvy Malm Steen, Steve Vai, Michael Angelo Batio…. Tiếng đàn của Jimmy Hendrix luôn trầm mặc tạo âm sắc riêng như đối đáp, nói chuyện với người hát, nhiều chỗ không phân biệt nổi đâu là đàn đâu là người hát, chơi đàn như kể chuyện. Các vị trí thứ 2,3,4 thì có sự đảo chỗ của những cái tên quen thuộc như Richy Blackmore (của Deep Purple), Val Hallen,  Jimmy Page (Ledzepplin) hay BB King…. Họ đều là những người tạo được phong cách mới của những dòng nhạc rock mới được ghi nhận và để dấu ấn lại trong lịch sử nhạc rock. Đến bây giờ những người có thể chơi kỹ thuật ngang ngửa các ngôi sao kể trên không phải là hiếm nhưng lịch sử chỉ ghi nhận sự sáng tạo của những người đi đầu thôi.
  • Còn về hình tượng âm nhạc thì sao? Có phải chỉ có nhạc cổ điển mới rõ nét hình tượng không? Xin thưa rất nhiều bản nhạc rock có hình tượng rõ nét, mang cả sắc thái của thời đại ví dụ ban nhạc PinkFloy dùng dàn organ điện tử tạo nên những hình tượng âm thanh hoành tráng mênh mông bao la sâu thẳm của vũ trụ. Yingvi Malm Steen chơi những chùm âm thanh rú rít như mưa giông chớp giật, bão tố, bản “High way star” của Deep Purple mang hình tượng rõ nét của tốc độ đường cao tốc với hình tượng âm thanh vun vút như những chiếc xe vùn vụt vượt nhau, những vòng quay tít của bánh xe như lẫn trong âm thanh của động cơ, còi xe…., bản “Big city night” của Scorpions có hình tượng rõ nét của những thành phố lớn về đêm ồn ào, náo nhiệt, phù hoa hào nhoáng, bản “eagle” của ABBA với những phức điệu mang hình tượng lượn vòng của những cánh chim, tiếng chim trên bầu trời bao la giữa thảo nguyên, đại dương. Bản “Black Magic Woman” của Santana được đánh giá là thấm đẫm hơi thở và màu sắc các quán bar, cafe Nam Mỹ, nếu có điều kiện đi du lịch Thái Lan thôi bạn sẽ thấy các quán bar và cafe ở Bangkok hầu như chỉ mở nhạc của Santana và Deep Purple….
  • Đến đây ta có thể thấy rock và cổ điển là 2 con đường âm nhạc khác nhau, không có chuyện bên nào hơn bên nào. Cổ điển đã khẳng định được giá trị chắt lọc qua hàng ngàn năm, nhưng rock lại khẳng định được giá trị qua số đông người hâm mộ cuồng nhiệt của thời đại. Hai thể loại này không bên nào lấn át được bên nào, vấn đề chỉ là do sở thích, cảm nhận của mỗi người nghe thôi.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...