Giao lưu âm nhạc mới Á - Âu
Từ lâu nhạc không lời mà đỉnh cao là giao hưởng đã trở thành ngôn ngữ từ trái tim, không phân biệt màu da, địa lý, tuổi tác và thời đại.
Ngày nay với công nghệ internet cùng các phuơng tiện truyền thông khác đã không ngừng chuyển tới khán thính giả thế giới những giao hưởng cổ điển tới cận đại và đương đại. Nền giao hưởng Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng cũng đã có những đóng góp trong dòng chảy này. Như những giao hưởng của các nhạc sĩ: Nguyễn Thiên Đạo, Nguyễn Văn Nam, Lân Tuất, Đoàn Linh, Nguyễn Đình Tấn cùng Huy Du, Chu Minh, Vĩnh Cát, Trọng Bằng, Nguyễn Thị Nhung, Đỗ Hồng Quân, Trần Trọng Hùng, Đặng Hữu Phúc và Quang Hải, Ca Lê Thuần, Trần Mạnh Hùng, Hoàng Cương vv…
Các tác phẩm giao hưởng này đã trình tấu đều gợi lên tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam cùng thiên nhiên và những trang sử anh hùng của dân tộc. Có lẽ hầu hết các thủ pháp của các trường phái âm nhạc trên thế giới đều được sử dụng cùng sự khơi thác só sáng tạo các chất liệu dân ca trên mọi miền của đất nước, tạo nên một ngôn ngữ, một diện mạo riêng. Đó là thành công bước đầu của nền nhạc giao hưởng Việt Nam và cũng là điều kiện tiên quyết để giao lưu, bởi vì qua giao lưu không chỉ góp phần đen lại vẻ đẹp mới cho nền âm nhạc thế giới mà còn nhằm trau dồi cho bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ giao hưởng Việt Nam ngày càng rõ nét và phong phú hơn.
Ngoài giao hưởng, những tiểu phẩm dành cho Piano cũng có tiếng nói riêng của mình mà gần đây trong chương trình Recital của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tại Canada giới thiệu tác phẩm của NS Đặng Hữu Phúc mang tên “Chùm hoa Việt Nam” lấy chất liệu từ dân ca đã được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều nghệ sĩ thế giới ngạc nhiên về màu sắc hiện đại trong ngôn ngữ nhạc đàn của Việt Nam.
Không thể không nhắc tới nhóm trình tấu nhạc gõ độc đáo Vũ Nhật Tân – Kim Ngọc cũng góp phần tạo nên những màu sắc mới, dù qua dư luận còn nhiều điều phải bàn cãi, tranh luận.
Âm nhạc giải trí vốn được đông đảo công chúng ưa thích, cũng góp phần không nhỏ đem lại thiện cảm và sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi hy vọng trong tương lai cũng sẽ có những cuộc biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam thành công như những cuộc biểu diễn của Paul Mauriat, Yanni, Kitaro với những tác phẩm lấy chất liệu từ những giai điệu đẹp, những khúc ca nổi tiếng, những âm điệu vũ khúc dân gian dài hơi với sự trình diễn của dàn nhạc nhẹ bán cổ điển, không chỉ gần gũi với lớp trẻ mà còn hấp dẫn cả lớp già.
Tóm lại, chúng tôi hy vọng được học hỏi nhiều qua Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2016, hy vọng có thêm những minh chứng về sự khác biệt giữa “tư duy đơn âm” và “tư duy đa âm” đặc biệt sự giao lưu giữa hai tư duy ấy đúc kết lại nhằm từng bước hình thành nên “Lý thuyết âm nhạc Việt Nam”.
7 tháng 10 năm 2016