Trân trọng từng di sản của cha ông

25/10/2016

Chắc hẳn nhiều người Việt Nam sẽ đồng ý với tôi rằng, đàn bầu (với tư cách là một nhạc cụ) cũng như những bản nhạc đàn bầu (với tư cách là di sản văn hóa phi vật thể) là di sản thiêng liêng của dân tộc ta, là vốn quý của cha ông nghìn đời trao truyền lại.

Sự thật này vốn tưởng rất hiển nhiên, như khí trời, nước nguồn; như âm thanh, ánh sáng. Vậy nên, tôi thật sự bất ngờ khi nhà nghiên cứu Đinh Văn Minh, cán bộ Viện Hán-Nôm Việt Nam công bố rằng: Chưa tìm thấy một chữ nào về đàn bầu trong kho tàng tư liệu của viện!

Tài liệu về đàn bầu không được ghi chép trong thư tịch cổ, nghĩa là từ xưa đến nay, nhạc cụ này chưa hề có mặt trong các dàn hợp xướng nhạc cụ truyền thống, không có trong các bản nhạc cung đình, nhạc chèo, nhạc tuồng. Tiếng đàn bầu từng được ví “cung thanh là tiếng mẹ/ cung trầm là giọng cha”; tiếng đàn bầu in hằn trong câu hát đầu nôi trong ký ức của mỗi người dân Việt, ươm hồn dân tộc, ru giấc quê hương từ thuở ta còn thơ bé. Theo ta lớn lên “đàn bầu ai gảy nấy nghe/ làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” thì đó còn là lời giao duyên tình tứ, lắng đọng nghĩa tình của những đôi lứa yêu nhau. Người Việt Nam yêu tiếng đàn bầu, coi đó là tiếng nói ân tình, là hơi thở sức sống cất lên từ tận đáy lòng. Vậy mà văn bản cổ không hề chép lại. Lạ thế!

Đàn bầu và những bản nhạc đàn bầu có lẽ sẽ cứ tồn tại trong cái sự “tưởng rằng” như vậy nếu gần đây giới âm nhạc quốc tế không rộ lên một phong trào học và sáng tác các nhạc phẩm cho đàn bầu. Và vì là một xu hướng âm nhạc lớn nên người ta mới có nhu cầu tìm lại nguồn gốc xuất xứ của cây đàn này. Giữa những công trình nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn... đang lan truyền trên mạng có nhiều cách hiểu sai về xuất xứ của đàn bầu. Trong đó có giả thuyết cho rằng đàn bầu là nhạc cụ xuất xứ từ Trung Quốc. Các học giả Việt Nam cho rằng, nhận định này là khiên cưỡng và thiếu cơ sở khoa học. Bởi hầu hết các tác giả chỉ căn cứ vào một tên gọi khác của đàn bầu là “độc huyền cầm” nghĩa là “đàn một dây”.

Hội thảo “Đàn Bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam”. Ảnh: QDND.VN. 

Trong thực tế thì trên thế giới có đến 11 loại đàn một dây, phổ biến ở nhiều nước chứ không riêng gì Trung Quốc. Vậy nên, để xác định rõ đàn bầu là cây nào trong số 11 cây “đàn một dây” này, người ta phải xác định vào đặc trưng là âm thanh do nhạc cụ tạo ra. Ở trường hợp của đàn bầu là âm bồi, âm thanh cộng hưởng từ sự rung của dây đàn (khác với âm thực do trực tiếp vào dây đàn mà phát ra tiếng kêu). Nhạc cụ một dây cho ra âm bồi chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Từ đó, các nhà nghiên cứu lại tập trung theo một tên khác của đàn bầu đó là “Nam cầm”, cũng có một dây và sử dụng âm bồi.

PGS, TS Đặng Hoành Loan cho biết, căn cứ vào từ khóa “Nam cầm” thì có thể xác định được tác giả của loại nhạc cụ này là Tôn Thức Dục sống ở thời Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777). Ngoài ra, truyền thuyết dân gian thì có nhiều, sớm nhất là giả thuyết cho rằng đàn bầu có từ thời nhà Đinh với chuyện một người bị mù vào núi được tiên, phật ban cho cây đàn làm kế sinh nhai. Xuất thân “hèn kém” này cũng lý giải một phần tại sao cây đàn bầu không được “tuyển vào” các dàn nhã nhạc, tiểu nhạc vốn là âm nhạc của giai cấp thống trị. Song cũng còn một giả thuyết khác là do âm thanh của đàn bầu nhỏ hơn so với các loại nhạc cụ dân tộc khác nên nó không thể tham gia hòa tấu trong dàn nhạc. Cho đến thời Pháp thuộc, cây đàn bầu vẫn gắn liền với những nghệ sĩ hát xẩm có cuộc sống bần hàn, bán lời ca tiếng hát để mưu sinh.

Cây đàn bầu chỉ thật sự được tôn vinh sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Từ năm 1957, các nghệ sĩ của chúng ta đã cải tiến cây đàn bầu theo nhiều cách nhằm tăng âm lượng, phục vụ cho đông đảo công chúng. Cây đàn bầu có gắn tăng âm ra đời đã theo bộ đội đi phục vụ khắp các mặt trận, chiến dịch. Trong thời gian này, đội ngũ sáng tác, chuyển soạn âm nhạc cho đàn bầu cũng có nhiều, đến nay, nhiều giai điệu vẫn cất lên trong sáng tự hào như: "Vì miền Nam" (Huy Thục), "Dòng kênh trong" (Hoàng Đạm), "Ông Gióng" (Nguyễn Xuân Khoát), "Vũ khúc Tây Nguyên" (Đức Nhuận)… Âm nhạc cách mạng cũng đã tạo ra một lớp nghệ sĩ tài hoa biểu diễn đàn bầu xuất sắc, được bạn bè quốc tế khâm phục như: Nguyễn Thanh Tâm, Mạnh Thắng, Nguyễn Tiến, Hoàng Anh Tú…  

Hội thảo “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa Việt Nam” bây giờ mới được tổ chức là quá muộn, nhưng rõ ràng là muộn còn hơn không tổ chức, không tìm ra được những chứng cứ thuyết phục khẳng định đàn bầu là di sản của cha ông chúng ta. Mong rằng sau hội thảo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Viện Âm nhạc Việt Nam thật khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận đàn bầu Việt Nam là di sản văn hóa đại diện của nhân loại.

(Nguồn: qdnd.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...