Luật để làm gì
“Luật sở hữu trí tuệ” hiện hành được Quốc hội thông qua vào ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Qua 10 năm đi vào cuộc sống, những nội dung liên quan đến “Luật sở hữu trí tuệ” dường như vẫn nằm uể oải trên giấy, chưa chịu đi vào cuộc sống nhằm lay chuyển thói quen và nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Tình hình vi phạm bản quyền, tác quyền vẫn diễn ra hết sức sôi nổi, phổ biến. Theo “Chương II, nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan”, Mục 1: “Nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền tác giả”, Điều 18: Quyền tác giả” quy định: Quyền tác giả bao gồm quyền thân nhân và quyền tài sản. Về quyền thân nhân, Điều 19 viết: Quyền thân nhân bao gồm các quyền: “1. Đặt tên cho tác phẩm. 2 Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm… 3. Công bố tác phẩm… 4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…” Còn Quyền tài sản, Điều 20 viết: “Quyền tài sản bao gồm các quyền: a. Làm tác phẩm phái sinh; b. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; c. Sao chép tác phẩm; d. Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao…” Ngoài ra, cũng trong Điều luật này, khoản 3 còn quy định: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”
Như vậy, tính riêng 2 khoản về quyền “Đứng tên thật hoặc bút danh” và “quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả” đã thấy tình trạng vi phạm bản quyền hết sức phổ biến. Đơn cử về quyền “Đứng tên” tác giả chẳng hạn, hàng loạt web site, như Nhaccuatui.com, Nhacso.net, Imusik, Zing mp3, Rap.vn, Nghe nhac vang, Tình khúc bất hủ… chẳng hề có thông tin về tác giả. Việc tìm kiếm tên tác giả một tác phẩm bất kỳ trên website nghe nhac online có khi phải thực hiện rất nhiều động tác mới may ra tìm thấy tên. Đó là suy xét dưới góc độ quyền “Đứng tên”, còn lợi từ “Tổ chức, cá nhân khi khai thác” được trả bằng hình thức tiền nhuận bút, thù lao thì chặng đường này còn gian nan hơn và thường bắt đầu sau mỗi vụ kiện kết thúc! Ngay cả nhiều chương trình truyền hình cũng không ngần ngại “đạo phim”, phớt lờ nghĩa vụ trả nhuận bút, thù lao, như chương trình Chào buổi sáng, kênh Youtube của VTV… mà Tạp chí Nhịp cầu đầu tư số 472 (bài viết: Cuộc chiến với những kẻ vô tình hay cố ý của tác giả Trường Bùi) đã đăng tải. Theo Điều 8. Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ” “Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đàm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng”, giới hạn trong phạm vi Điều 19, cả hai quyền và lợi của tác giả đều đã bị xâm hại.
Trong suốt nhiều năm qua, thỉnh thoảng nổi lên vài vụ kiện đình đám có liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc, như vụ của nhạc sĩ Trần Tiến, Lê Vinh, từ thế kỷ trước, vụ của nhạc sĩ Phú Quang, Vũ Quốc Việt, Trần Lập... Các vụ kiện ấy sở dĩ gây đình đám là vì tính chất hiếm hoi của chúng, chứ không hề có tác động mạnh mẽ đến phạm vi xã hội, cũng như khả năng lay chuyển thói quen và giảm thiểu nguy cơ tái phát. Sau mỗi vụ kiện, tình trạng vi phạm bản quyền, tác quyền “Nguyễn Y Vân”, thậm chí còn phổ biến hơn. Mới đây, một vụ kiện về xâm phạm sở hữu trí tuệ công nghiệp ở tỉnh Đắc Lắc liên quan tới nhà sáng chế Hoàng Thịnh không khỏi khiến người ta ngán ngẩm. Tác giả (Hoàng Thịnh) đã theo đuổi vụ kiện suốt 8 mới có được kết quả. Mặc dù chứng cứ rành rành, nhưng con đường đi tìm công lý mất 8 năm. Chúng ta thấy được điều gì đang xảy ra trên đất nước mình? Đó là luật pháp bị lu mờ và luật rừng phát triển. Luật rừng đẩy cuộc sống vào tình trạng phải đối diện trước nguy cơ “chọn lọc tự nhiên”, “cá lớn nuốt cá bé”, chân lý thuộc về kẻ mạnh… Tình trạng luật rừng phát triển, luật pháp đi vắng biến xã hội thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm, bạo lực… Bạo lực với những khía cảnh đa dạng thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau mà theo giáo sư Nguyễn Tường Bách: “Chửa rủa là bạo lực trên ngôn ngữ. Tham nhũng là bạo lực trên mặt kinh tế… Đất nước chúng ta đi từ bạo lực của chiến tranh tiến thẳng đến một nền kinh tế sơ khai.” (Nguyễn Tường Bách: “Đường rộng thênh thang”, Nxb Hồng Đức). Bởi vậy, tình trạng chụp giật, cướp đoạt, chiếm đoạt công khai mà ít bị trừng phạt, trừng trị nghiêm khắc. Thói quen ăn bám, gặm nhấm vào “miếng bánh có sẵn”, tinh thần ăn thật, làm giả phổ biến. Thực trạng này trói buộc con người vào hành vi nô lệ, dừng lại ở giai đoạn bắt chước, biến môi trường văn hóa, xã hội trở thành vùng bất trắc, thiếu an toàn, không tạo điều kiện cho những biểu hiện tích cực được đảm bảo, phát triển. Ý tưởng trộm cắp cứ lởn vởn, len lỏi vào suy nghĩ, thể hiện ra bằng hành động âm thầm đầu độc suy nghĩ con người và làm ô nhiễm môi trường văn hóa. Hễ thấy cảnh hớ hênh, người ta có thể ăn trộm, ăn cắp, từ đồ vật thông thường đến sản phẩm văn hóa, công trình khoa học, tác phẩm nghệ thuật. Sợ nhất là đất nước độc lập, nhưng người dân không có khả năng tự chủ, không thể trưởng thành khi phải đi kèm hệ thống giám sát. Xu hướng trên làm mai một tinh thần sáng tạo, kích thích nhu cầu sao chép, bắt chước, con đường tắt nhanh nhất để thụ hưởng thành quả không do mình làm ra.. Đối với sự phát triển của một đất nước, không thể cứ mãi đi “ăn giỗ”, “ăn xin”, ăn trộm từ ý tưởng đến sản phẩm, biến vùng lãnh thổ thành công xưởng gia công hàng dởm, hàng nhái. Chưa tính đến khả năng đột phá trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, chấp pháp, mà chỉ dừng lại ở những gì Nhà nước đã ban hành thì tình trạng trên thể hiện rõ sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhiều quan chức, nhà nghiên cứu… đã đề xuất chuyển đổi chức năng quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, phát triển. Để làm được việc đó, trước hết cần bắt đầu bằng cách củng cố môi trường pháp lý. Sở dĩ kẻ phạm pháp coi thường luật, vì luật pháp chẳng đáng sợ, trong nhiều trường hợp chúng còn bị vô hiệu hóa. Để tránh những cái giá đắt phải trả cho những hành vi coi thường pháp luật, cần nhanh chóng đưa cuộc sống vào luật. Luật pháp phải hiện diện trong đời sống, chứ không thể ngủ yên trên văn bản dùng để đối ngoại hay trang sức cho “thương hiệu” đất nước pháp quyền.
Trên đường hướng phát triển văn hóa chung, dường như nhiều người quên mất mục tiêu phấn đấu của cả nền văn hóa, bao gồm phẩm chất “tiên tiến” và tính chất “đậm đà bản sắc.” Nếu nền văn hóa đậm đà bản sắc, nhưng chưa tiên tiến thì cũng không được. Không thể nói bản sắc văn hóa Việt Nam thuộc hình thái chiếm đoạt hay cưỡng bức, cũng không thể coi kiểu dáng công nghiệp, nhãn mác thương mại, giống cây trồng, công trình khoa học, tác phẩm văn chương, nghệ thuật thuộc “sở hữu toàn dân”... Cùng với quá trình hội nhập, phải sớm đưa đất nước thoát khỏi cảnh này mới mong tránh được những vụ kiện liên quan đến Luật sở hữu trí tuệ. Hiệp định TTP cũng dành một chương (chương QQ) đề cập đến Sở hữu trí tuệ/Quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, bên cạnh luật của quốc gia sở tại, chúng ta còn phải tuân thủ công ước, hiệp định quốc tế với những nguyên tắc đã ký kết.
Các nước láng giềng của Việt Nam, như Singapore, Thái Lan, Philippine... đều là những quốc gia tuân thủ nghiêm luật liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ở Singapore, tất cả trang mạng sử dụng sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều bị phạt rất nặng và sau đó không còn đất sống ngay cả trên không gian ảo. Việc làm ấy góp phần đảm bảo quyền của người sáng tạo, đồng thời xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo... Trong thời kỳ hội nhập, những công ty uy tín không thể đầu tư vào một đất nước tiềm ẩn nhiều rủi ro, coi thường luật pháp. Nếu muốn nắm cơ hội trong thách thức, không thể không bắt đầu từ việc hiện thực hóa luật pháp như bộ công cụ hữu hiệu để luật thực sự hiện hữu trong đời sống, có tác dụng điều chỉnh hành vi con người, đảm bảo quyền lợi của người sáng tạo, đồng thời tạo điều kiện cho những biểu hiện tích cực phát sinh, phát triển.