Tính dân tộc trong nhạc Việt
Bản sắc dường như là một “mặc định” trong suy nghĩ của nhiều người Việt chúng ta mỗi khi nói tới tính dân tộc trong âm nhạc. Tuy nhiên, để chỉ ra những gì cụ thể thật không đơn giản. Nhân ngày xuân, thử lạm bàn về tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam, mong như một chén rượu cho ngày xuân thêm nồng.
Lướt một vòng theo dải đất hình chữ S, chúng ta vẫn còn quá nhiều những gì thuộc về âm nhạc dân tộc. Chỉ tính riêng những di sản được vinh danh tầm thế giới đã có một số lượng tương đối. Từ quan họ, ca trù, hát xoan của miền Bắc tới ví giặm xứ Nghệ, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên của miền Trung, vào Nam có thêm đờn ca tài tử. Vẫn còn đó hát then, hát văn, bài chòi… đang trên hành trình chờ ngày UNESCO vinh danh. Và còn biết bao di sản âm nhạc khác nữa của người Kinh cũng như các tộc người trên khắp đất nước khó có thể kể đầy đủ ra đây. Còn chưa nói tới những tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau của nền âm nhạc mới giờ cũng là một di sản đồ sộ và quý giá. Nhưng tính dân tộc thể hiện ở đâu trong những di sản ấy? Đương nhiên, nó hiện hữu trong tất cả các di sản và thể hiện trong từng chi tiết tạo nên diện mạo của mỗi di sản. Điều này tôi luôn coi là một phi thường và từ đó càng thêm nể phục, ngưỡng mộ những bậc tiền nhân mỗi khi soi lại quá khứ về hành trình âm nhạc của dân tộc.
Gần 1000 năm trước, năm 1057, chùa Phật Tích ở Bắc Ninh ngày nay được xây dựng. Trong đó có hai chi tiết đặc biệt quan trọng đối với âm nhạc đó là tượng đầu người mình chim đang vỗ trống cơm và chân cột đá chạm hình một dàn nhạc với 10 người đang hòa tấu, ở đó, người đang đánh mõ, thổi sáo, kéo nhị, gẩy đàn tranh, thổi sanh, dập phách, gẩy đàn tỳ bà, thổi sáo dọc, đàn tam, đánh trống bông. Theo thông tin của Bảo tàng lịch sử Quốc gia, “Hầu hết các nhạc cụ này đều có nguồn gốc từ Chiêm Thành (Champa)… Qua đó đã phản ánh được sự phát triển mạnh mẽ nghệ thuật ca múa nhạc của nhân dân Đại Việt dưới thời Lý có sự tiếp thu và giao lưu với cư dân Champa cổ”1 . Một trường đoạn quan trọng khác của âm nhạc trong lịch sử dân tộc không thể không nhắc tới là sự kiện tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1437) vua Lê Thái Tông sai Nguyễn Trãi và Lương Đăng san định âm nhạc cung đình. Nguyễn Trãi bảo vệ truyền thống dân tộc thì Lương Đăng vọng ngoại, không tìm được tiếng nói chung nên Nguyễn Trãi xin rút lui. “Về cơ bản, những quy chế âm nhạc mới do Lương Đăng dâng là bắt chước theo quy chế âm nhạc của nhà Minh: từ cấu trúc dàn nhạc, các nhạc khí, đến quan niệm bát âm của Trung Hoa” 2. Nếu chỉ nhìn vào những chi tiết trên đây sẽ thấy trong suốt gần 4 thế kỷ kéo dài từ thời Lý cho tới thời Lê âm nhạc của nước ta chịu ảnh hưởng từ Champa và Trung Hoa, từ nhạc khí tới tổ chức dàn nhạc. Vậy thì bản chất của nhạc Việt là gì?
Gần như chỉ biết tới cây đàn bầu là một trong số hiếm hoi nhạc cụ do cha ông ta tạo nên. Cây đàn có âm thanh trữ tình buồn man mác nghe rất quyến rũ. Sự ra đời gắn liền với người hát xẩm, lại chỉ có nam giới dùng nên dân gian mới khuyên răn “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”! Âm thanh của tiếng đàn rất gần với giọng người, được ví như giọng hát thứ hai cùng song ca với nghệ nhân. Vậy thì phải chăng, nhạc hát mới là bản chất của nhạc Việt khi mà hầu hết di sản xưa nhất đều là những thể loại ca hát dân gian không nhạc đệm, có chăng chỉ là nhạc cụ gõ đơn giản như trong hát xoan, hát ví, hát đúm, trống quân, quan họ… Theo thời gian, những thể loại âm nhạc này được bổ sung thêm nhạc cụ vốn được du nhập từ bên ngoài vào dùng để đệm cho thêm hấp dẫn. Điều này cũng chính là một trong những bản chất của nhạc Việt. Tuy nhiên, sự giao lưu tiếp biến không chỉ diễn ra ở riêng nhạc hát dân gian mà nó ở ngay trong chính những yếu tố du nhập từ bên ngoài vào.
Nhã nhạc cung đình Huế là tổ chức dàn nhạc truyền thống quy mô nhất bao gồm hai hệ thống dàn nhạc là Đại nhạc và tiểu nhạc. Ngoài ra, hiện nay trong nghệ thuật cung đình còn tồn tại dàn nhạc đệm cho múa và tuồng cung đình. Ở đây có thêm đàn bầu, theo các nhà nghiên cứu, cây đàn chỉ xuất hiện hơn chục năm lại đây từ khi phục hồi nghệ thuật âm nhạc cung đình. Điều này khẳng định cây đàn hoàn toàn không có liên quan tới nguồn gốc Trung Hoa; đồng thời, cho thấy nhã nhạc Huế là sự tiếp nối thời Lê và sự ảnh hưởng từ nhạc cung đình Trung Hoa. Nhìn lại quá khứ, mặc dù nhã nhạc xuất hiện từ thời Lê nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn sau đó được nuôi dưỡng trong dân gian. Tới nhà Nguyễn đời vua Minh Mạng (1820-1840) một lần nữa nhã nhạc được chú ý. Chính sử thời Nguyễn cuốn “Đại Nam thực lục” còn ghi chuyện vua Minh Mạng lệnh cho các quan bộ lễ san định nhã nhạc bằng cách khảo các đồ bát âm trong dân gian và cũng rất cởi mở khi ban lệnh nên tìm người hiểu âm nhạc để cùng chế tác 3. Đây chính là lý do tại sao sự ảnh hưởng chỉ còn ở hình thức sinh hoạt và bóng dáng trong tên gọi những bài bản, còn về giai điệu và hiệu quả âm nhạc thì gần như không còn ảnh hưởng. Nhưng cũng như nhã nhạc thời Lê, nhã nhạc thời Nguyễn không tồn tại được nhiều thời gian thì cuộc đổ bộ của âm nhạc phương Tây đã làm thay đổi cơ bản cục diện âm nhạc nước ta, đẩy toàn bộ âm nhạc vốn có vào quá khứ và gọi chung với cái tên truyền thống hay cổ nhạc để đối trọng với nhạc mới có nguồn gốc từ phương Tây.
Lớp nhạc sĩ thế hệ đầu tiên nhanh chóng đưa nhạc mới đến gần với màu sắc dân ca. Ngay cả những bài hành khúc như “Chiến thắng Điện Biên” Đỗ Nhuận cũng tràn ngập âm hưởng dân gian từ đồng bằng đến miền núi phía Bắc. Những thể loại lớn như ca kịch, nhạc kịch cũng vậy, yếu tố dân tộc luôn chiếm vị trí chủ đạo. Trong khí nhạc tính dân tộc cũng luôn ở vị trí hàng đầu. Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo thành công ở Pháp có lẽ bởi chính từ phương châm sáng tác của ông là: “Dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng viết: “Tôi thấy cách sáng tác do tinh hoa của vốn cổ dân tộc (cả hình thức lẫn nội dung) đã “nhập” vào tâm hồn người viết một cách nhuần nhuyễn và bật ra thành ngôn ngữ thời đại của dân tộc là một cách sáng tác lý tưởng” 4. Tính dân tộc trong âm nhạc mang tính trìu tượng nhưng nó lại có sức sống vô cùng mạnh mẽ bởi nó nằm trong chính tâm thức, bản năng và suy nghĩ và hành động của người Việt. Có lẽ trong suốt quá trình lập nước luôn gắn với việc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm để giữ nước nên ý thức về tính dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Cũng vì thế mới có việc Nguyễn Trãi xin rút khỏi việc san định nhã nhạc; đồng thời, trải qua những cơn “đại hồng thủy” về âm nhạc từ lần đầu ảnh hưởng Champa và Trung Hoa thế kỷ XI trở về trước, cho tới lần hai khi xuất hiện nhã nhạc kéo dài từ nhà Lê thế kỷ XV tới nhà Nguyễn thế kỷ XIX và lần sau cùng là sự hiện diện của âm nhạc phương Tây từ cuối thế kỷ XIX mà yếu tố dân tộc vẫn không bị mất đi trong nhạc Việt. Sự tiếp nhận và nhanh chóng “Việt hóa” chính là phương châm thể hiện tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam vốn đã có từ xa xưa mà ngày nay còn hiện hữu.
____________________________________________________
1. Đinh Phương Châm: Những tác phẩm điêu khắc đá chùa Phật Tích lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nguồn: http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Kien-thuc-lich-su---van-hoa/20...
2. Nguyễn Thụy Loan: Lược sử Âm nhạc Việt Nam. NXB Âm nhạc, Hà Nội, 1993, tr.28-29.
3. Nguyễn Quang Long, Nhã nhạc một phát triển sáng tạo của người Việt, báo Tiền phong số ra ngày 25/7/2009.
4. Đỗ Nhuận: Từ ca khúc đến nhạc kịch. Báo Văn hóa số 8-9 năm 1969, in lại trong Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, quyển 5, Viện Âm nhạc, 2003, tr.538-550.