Truyền hình trực tiếp không còn là 'độc quyền' của nhà đài
Kể từ khi YouTube mở rộng tính năng truyền hình trực tiếp vào năm 2013, cho đến nay, tính năng ưu việt này đang được khai thác ngày một triệt để trên nhiều lĩnh vực.
Không chỉ trong các chương trình quảng cáo sản phẩm thương mại, các chương trình xã hội được quan tâm mà đặc biệt, với các nghệ sĩ, các chương trình nghệ thuật, truyền hình trực tiếp trên YouTube đang trở thành một cửa sổ lớn để đến với công chúng nhanh nhất.
1. Theo YouTube, không khó để bạn có thể sử dụng dịch vụ này bởi YouTube sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trực tiếp cho những tài khoản có từ trên 100 người theo dõi (subscribers). Và công đoạn để truyền hình trực tiếp trên YouTube đối với một chương trình cũng không quá vất vả.
Một đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật chia sẻ: bình thường, nếu không có truyền hình trực tiếp, các chương trình vẫn phải cần đến ê-kíp hàng chục người để quay hình cho đêm diễn. Nên chỉ cần có khoảng hơn chục người hỗ trợ, kết nối kỹ thuật là có thể lên sóng trên YouTube dễ dàng.
Live concert “Ngày xanh” được truyền hình trực tiếp trên YouTube
Như vậy, giờ đây, khái niệm truyền hình trực tiếp đã không còn là hoạt động “độc quyền” với nhà đài. Thậm chí, nếu khán giả không có… TV, có thể xem trực tiếp các chương trình của VTV trên kênh YouTube VTV.
Cùng với VTV, hiện nay, một số đơn vị truyền hình đều lựa chọn phương thức truyền hình trực tiếp trên youtube như một kênh phát sóng thứ 2 “chạy” song song cùng kênh chính thức. Có thể kể đến như HTV Entertainment, VTV Showbiz, Biz TV, ANTV, POPs World Wide…
2. Chưa kể đến các đơn vị doanh nghiệp làm văn hóa thông qua các chương trình nghệ thuật, cũng rất biết “tận dụng” hình thức này để phát triển thương hiệu. Có thể kể đến các các đêm nhạc nở rộ trên kênh truyền hình trực tiếp YouTube diễn ra gần đây như Đại nhạc hội Unilever, live show Ngày xanh, Nơi tình yêu bắt đầu, live show của ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập…
Nếu như trước đây, Mỹ Tâm là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên trở thành đối tác của YouTube, thì với công nghệ mới của YouTube là live streaming, Sơn Tùng M-TP được coi là người đầu tiên trong giới giải trí ra mắt sản phẩm âm nhạc trực tiếp trên youtube với dự án Âm thầm bên em hồi tháng 8/2015. Sau đó, hàng loạt live show của các nghệ sĩ như Trần Lập, Đan Trường, Mỹ Tâm, Mỹ Linh cũng đều lựa chọn hình thức phát sóng trực tiếp trên YouTube.
Ngay sau đêm nhạc Để được gần anh, Mỹ Linh tiếp tục cho ra mắt dự án âm nhạc Hợp âm gió cũng trên kênh YouTube riêng của chị.
Lý giải sự tấn công “ồ ạt” của mình trên YouTube, ca sĩ Mỹ Linh cho biết, điều đầu tiên là chị không thể đi ngược lại với công nghệ, với xu thế phát triển của thế giới cũng như chính trong đời sống của giới trẻ.
“Đến chính các con tôi cũng khá thường xuyên sử dụng các sản phẩm công nghệ như iPad. Còn tôi thì đang xây dựng một ngôi trường nghệ thuật nên rất cần đến sự đầu tư cấp tiến trong mọi phương thức giảng dạy. Ở thời điểm này, tôi thấy việc sử dụng các ứng dụng trên YouTube là một hình thức phát triển hợp lý” - ca sĩ Mỹ Linh cho biết.
Như Thể thao & Văn hóa đã đề cập, khi nghệ sĩ trở thành đối tác của YouTube, họ dễ dàng khai thác “mỏ vàng” này trong việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình với công chúng trên kênh YouTube riêng.
Và công nghệ của live streaming trên YouTube hiện nay đã và đang giúp các nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu những MV, album online, clip hài mà kể cả các live show - những đêm diễn hầu như chẳng bao giờ có cơ hội lên sóng trực tiếp đến được với công chúng một cách nhanh nhất.
Tất nhiên, một chương trình live, không gì hơn là được nghe trực tiếp. Nhưng nếu không có điều kiện thì xem trực tiếp trên YouTube là một sự lựa chọn không thể tốt hơn. Chỉ cần bạn có một chiếc máy tính tốt, đường truyền mạng tốt và đôi loa hiệu quả là có thể thưởng thức một chương trình như ý ngay tại nhà.
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)