Đến với xứ sở ông già nôel

30/12/2015

Từ lâu, tôi đã được nghe nói nhiều về một vùng đất xa xôi phủ đầy tuyết trắng, “một quốc gia giàu văn hóa, một dân tộc tôn trọng cái đẹp, chân lý, và trên hết, quyền tự do biểu đạt của con người”, đó là xứ sở của ông già Noel, quê hương của nhà soạn nhạc Sebelius - Phần Lan. Và, tôi thầm mơ sẽ có ngày được đặt chân lên vùng đất xa xôi ấy, để ngắm nhìn những “bông hoa tuyết”, những cánh rừng bạch dương xa tít chân trời, những công trình kiến trúc cổ kính với những chủ nhân đã làm nên một đất nước Phần Lan tươi đẹp, nổi tiếng thế giới. Tôi không ngờ giấc mơ của tôi đã thành hiện thực.

Đầu tháng 11 vừa qua, nhận lời mời của Quỹ Jumikeko, tôi đã sang thăm và dự Hội thảo quốc tề về dân ca, do Runolaulu - Akatemia tổ chức tại thành phố Kuhmo, Phần Lan. Thực tình, trước lúc nhận lời mời tham gia hội thảo, tôi còn nhiều băn khăn do dự, nhưng nhờ sự động viên khích lệ của tiến sĩ Bùi Việt Hoa – người đã dịch và xuất bản Kalevala - sử thi nổi tiếng của Phần Lan - sang tiếng Việt, từ năm 1994, nên tôi đã vui vẻ nhận lời. Mọi chi phí cho chuyến đi của tôi đều do Quỹ Jumikeko - Trung tâm thông tin Kalevala và văn hóa Karelia, Phần Lan đài thọ.

Do giữa Việt Nam và Phần Lan chưa có đường bay thẳng, nên tôi phải bay từ Hà Nội qua Franfurt (Đức), rồi từ Frantfurt mới bay sang Helsinki. Sau gần 15 giờ bay, tôi mới đặt chân xuống sân bay quốc tế Helsinki -Vantaa, Phần Lan. Và, tôi vô cùng xúc động khi lần đầu tiên đặt chân xuống xứ sở của ông già Nole. Sự xúc động của tôi không chỉ vì nhìn thấy sự lộng lẫy, văn minh, hiện đại của sân bay quốc tế Helsinki - Vantaa và bầu không khí trong lành ở nơi đây, mà hơn hết, là sự nồng nhiệt chào đón của những người làm việc tại sân bay này. Theo thói quen, sau khi nhận hành lý kí gửi để rời sân bay, tôi cầm sẵn vé trên tay để qua cửa kiểm soát. Thật bất ngờ, tôi đi qua cửa kiểm soát mà không hề có một nhân viên nào kiểm tra vé như ở Việt Nam. Thay vào đó là ánh mắt, nụ cười và lời chào hỏi thân thiện của nhân viên an ninh sân bay. Lúc ấy, bỗng dưng, tôi có cảm giác như một người đi xa “lâu ngày được gặp lại người thân”.

Đón tôi tại sân bay là vợ chồng tiến sĩ Bùi Việt Hoa – Võ Xuân Quế. Từ sân bay quốc tế Helsinki - Vantaa vào trung tâm thủ đô khoảng 15 km, đường rộng và rất đẹp với 6 làn xe. Ngồi trên chiếc xe du lịch do anh Võ Xuân Quế cầm lái mà tôi cứ ngỡ như đang đi trong mơ. Lúc ấy, khoảng 4 giờ chiều (giờ địa phương), hoàng hôn vừa chợt tới, điện đường bật sáng như ban ngày, đó cũng là lúc tan tầm nên ô tô (chủ yếu là xe du lịch) ngược xuôi như mắc cửi với tốc độ khoảng 90 đến 100 km/giờ. Thành phố Helsinki hiện dần trước mắt tôi như một “nàng tiên” trong câu chuyện cổ - vừa kiều diễm, giản dị vừa hiện đại và thân thiện với môi trường. Helsinki không có những ngôi nhà “chọc trời” như ở các thành phố Tokyo hay Hồng Kông, không tráng lệ như Paris, không đông đúc, nhộn nhịp như Bắc Kinh, không bộn bề như Hà Nội..., nhưng con người và thiên nhiên ở nơi đây cứ quấn quýt với nhau tạo nên một thành phố thơ mộng, đáng sống nhất thế giới.

Phần Lan là một trong những quốc gia nằm ở vùng Bắc Âu “đất rộng, người thưa”. Dân số Phần Lan có 5,3 triệu người, trong đó người Việt Nam có khoảng 5 ngàn người. Phần Lan là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất trong các nước Liên minh châu Âu, khảng 17 người/km2. Rừng chiếm 2/3 diện tích của Phần Lan. Hồ chiếm 1/10 diện tích của Phần Lan (tổng số khoảng 188.000 hồ), với 179.000 đảo lớn nhỏ khác nhau.

Khí hậu của Phần Lan có sự khác biệt rõ rệt vào mùa đông và mùa hè, nhiệt độ trung bình mùa hè từ 13 đến 17 0C, mùa đông từ -3 đến -14 0C. Là một quốc gia “đất rộng, người thưa”, nhưng hiện nay, Phần Lan là một quốc gia có nên kinh tế phát triển cao, bình quân thu nhập hàng năm tính theo đầu người là 30.000 USD/người. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ được Chính phủ Phần Lan rất quan tâm. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển mà sử thi Kalevala - một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới là một minh chứng. Hiện nay, Phần Lan có 40 nhà hát chuyên nghiệp. Phần Lan được coi là quốc gia có hệ thống giáo dục và nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, trong đó điện thoại di động Nokia là một ví dụ điển hình. Trẻ em trong độ tuổi đi học ai cũng được học hành với chế độ miễn phí; học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học được cấp học bổng. Với hơn 5,3 triệu người, Phần Lan có tới 20 trường đại học hàng đầu, 26 trường trường đại học khoa học ứng dụng, nhiều trường kỹ nghệ tiên tiến, và nhiều tổ chức nghiên cứu nổi tiếng thế giới, cung cấp một trong những lực lượng được đào tạo tốt nhất thế giới. Mọi người dân Phần Lan đều được chăm sóc sức khỏe với chế độ bảo hiểm y tế toàn dân và hệ thống bệnh viện được trang bị những thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Theo luật Phần Lan, là thanh niên trong độ tuổi 18 đến 35 tuổi, ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 12 tháng, nữ giới thì tùy khả năng của mỗi người (không bắt buộc). Trong thời gian nhập ngũ, tuần đầu huấn luyện, tân binh không được nghỉ phép, sau thời gian ấy thì được nghỉ phép, hàng tuần, có xe đơn vị hoặc xe buýt chở miễn phí ra các giao lộ chính và được cấp tiền tàu xe và sinh hoạt phí đi đường.

Đến Helsinki, Phần Lan tôi được tiến sĩ Bùi Việt Hoa dẫn đi tham quan một số danh lam thắng cảnh của thủ đô. Helsinki không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Phần Lan mà còn là một thành phố du lịch nổi tiếng với những công trình kiến trúc độc đáo, giản dị và cổ kính được xếp hạng của châu Âu và thế giới. Đó là tượng Amanda được làm bằng đồng hình một người con gái ở trong trung tâm chợ (Central Market), được coi là biểu tượng của Helsinki; là Nhà thờ Lutheran (Lutheran Cathedral) nằm trên quảng trường Thượng Viện (Senate Square) được xây từ năm 1832 đến 1850; là Nhà thờ Uspenski ở trung tâm thủ đô Helsinki; là Trường Đại học Helsinki - một trong những trường đại học lớn nhất thế giới, trường được thành lập năm 1640; là Thư viện Quốc gia Phần Lan, một trong những viện nghiên cứu lớn nhất của Phần Lan; là Tòa nhà Quốc hội; là Nhà ga Trung tâm thủ đố Helsinki; là Đài tưởng niệm nhà soạn nhạc Sibelius (1865 – 1957) . Sibelius là một nhà soạn nhạc Phần Lan cuối thời kỳ lãng mạn, ông được coi là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Âm nhạc của ông đã góp một phần quan trọng trong việc xác định Phần Lan trên bản đồ âm nhạc thế giới. Vì thế, học viện âm nhạc quốc gia tại thủ đô Helsinki được mang tên ông - Học viện Âm nhạc Sebelius.

Tới thăm Khoa Âm nhạc dân gian Học viện Âm nhạc Sebelius, sau khi giới thiệu “Một vài nét khái quát về âm nhạc dân gian Bahnar, Jrai của Việt Nam” với một số giảng viên, sinh viên của Khoa, tôi được GS. Anna kaisa liedes - Chủ nhiệm khoa giới thiệu về công tác đào tạo của Học viện nói chung, Khoa Âm nhạc dân gian nói riêng, thăm cơ sở chế tác nhạc cụ của Học viện. Phải nói rằng, việc đào tạo ở đây rất căn bản và toàn diện: ngoài sinh viên của Khoa Âm nhạc dân gian, tất cả các sinh viên của Học viện đều được/phải học âm nhạc dân gian một năm đầu, sau đó, mới học theo từng chuyên ngành chính; tất cả sinh viên của học viện đều được/phải học chế tác nhạc cụ để sau khi tốt nghiệp, ngoài hoạt động chuyên môn, họ có thể tự chế tác, sửa chữa các loại nhạc cụ, chí ít là loại nhạc cụ chuyên môn của họ. Cơ sở chế tác nhạc cụ của Học viện có đầy đủ máy móc, trang thiết bị, vật liệu chuyên dụng, mở cửa cho sinh viên vào học hàng ngày. Ngoài giờ học chính (chủ yếu là thực hành), sinh viên có thể đăng kí thời gian “tự học” – thực hành đều được cơ sở chế tác nhạc cụ tạo điều liện thuận lợi và miễn phí. Nhờ làm tốt công tác đào tạo mà Học viện Âm nhạc Sebelius, Phần Lan đã thu hút hàng ngàn sinh viên theo học, trong đó có cả sinh viên Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Estonia, Na Uy, Thụy Điển và nhiều nước châu Âu khác.

Tạm biệt Helsinki, tôi đến thành phố Kumo ở miền trung Phần Lan để dự Hội thảo quốc tế về dân ca, tại trụ sở của Quỹ Jumikeko. Cùng đi với tôi là tiến sĩ Bùi Việt Hoa. Đón chúng tôi là nhà văn Markku Nieminen, người sáng lập và là Chủ tịch Quỹ Jumikeko, vừa được Bộ VHTTDL Việt Nam trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch”, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Jumikeko (10.10.1985 – 10.10.2015). Nhìn bề ngoài, trụ sở của Quỹ Jumikeko không lớn lắm, nhưng bên trong là những tác phẩm đồ sộ của nền văn hóa dân gian Phần Lan, đặc biệt là sử thi Kalevala và những pho tượng nghệ nhân dân gian đã góp phần tạo nên sự trường tồn của nó. Được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật ở đây, lòng tôi chợt thấy nao nao, đặc biệt khi đứng dưới pho tượng “Người hát rong” ở trung phố chợ của thành phố Kuhmo. Tình cảm ấy của tôi không chỉ được xuất phát từ sự yêu quý các tác phẩm nghệ thuật của các bậc tiền nhân, mà còn là sự tri ân của người nghệ sĩ đối với những người đã, đang và sẽ tiếp tục nâng niu, gìn giữ những giá trị văn hóa dân gian của Phần Lan.

Được biết, 30 năm qua, Quỹ Jumikeko đã đóng vai trò là “Nhịp cầu văn hóa Phần Lan và Việt Nam” bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, như: giúp đỡ Bùi Việt Hoa dịch và xuất bản sử thi Kalevala bằng tiếng Việt tại Việt Nam, năm 1994; mời họa sĩ Lương Xuân Đoàn, người minh họa sử thi Klevala sang Phần Lan sáng tác, năm 1995; đặt hàng cho họa sĩ Đặng Thu Hương sáng tác minh họa dựa trên các tác phẩm thơ ca dân gian Phần Lan; biên soạn sử thi Việt Nam “Con cháu Mon Mân”; dự án “Nhịp cầu văn hóa Phần Lan - Việt Nam”, cử nhiều chuyên gia và các nghệ nhân, nghệ sĩ Phần Lan sang Việt Nam, đồng thời mời nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam sang Phần Lan giao lưu và biểu diễn, trong đó, có GS. Tô Ngọc Thanh, các nghệ sĩ của Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, các nghệ nhân cồng Mường, các nghệ nhân Bahnar, Jrai, Êđê, M’Nông... Nhờ đó, âm nhạc dân gian Việt Nam được đón nhận rất nồng nhiệt ở Phần Lan; các tham luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam được các đồng nghiệp Phần Lan chăm chú theo dõi, các đĩa dân ca Phần Lan đã được phổ biến ở Việt Nam, và ngược lại các đĩa dân ca Việt Nam, trong đó có Dân ca Bhanar, Jrai được phổ biến ở Phần Lan...

Hy vọng, Jumikeko sẽ có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để góp phần làm cho những giá trị văn hóa dân gian của Phần Lan - Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội của cả hai nước.

Sau một tuần được sống trên quê hương của nhà soạn nhạc Sebelius - xứ sở của ông già Noel, tôi thực sự nao lòng trước vẻ đẹp của đất nước, con người nơi đây. Và giờ đây, Phần Lan là tình yêu và nỗi nhớ của tôi./.

Pleiku, Noel 2015
Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan


Tượng Amanda


Nhà thờ Uspenski


Tượng Người hát rong ở TP. Kuhmo


Bến cảng Helsinki Olympia

H

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...