Phát huy nghệ thuật ca trù tại Thành phố Hà Nội thực trạng và giải pháp
Ca trù là một bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật ca trù là sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ với giọng hát, hòa cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu. Ngày 01/10/2009, ca trù của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là một sự kiện đánh dấu sự trở lại của ca trù sau nhiều thế kỉ bị quên lãng và có nguy cơ bị mai một. Sau khi được UNESCO ghi danh, nghệ thuật ca trù đã được quốc tế biết đến và nhiều người quan tâm được xem là những yếu tố thuận lợi để cho nghệ thuật ca trù phục hưng.
1. Một số vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát triển Ca trù hiện nay ở Thành phố Hà Nội
Trong thời gian qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung ở Việt Nam đã được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã đạt được một số thành tựu sau: tôn vinh và xác định được một số nghệ nhân Ca trù làm nòng cốt trong việc phục hồi lại những giá trị của ca trù như nghệ nhân Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Phúc, Ngô Thị Lịch… ; Công tác sưu tầm và phổ biến những công trình về ca trù được chú trọng. Tư tưởng về phục hồi cũng rõ ràng, đó là kết hợp bảo tồn với phát huy; Xác lập được một số người hiểu biết về loại hình nghệ thuật này để tham gia quá trình bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này như : Lê Thị Bạch Vân, Bùi Trọng Hiền, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Thị Huệ… Tổ chức được nhiều câu lạc bộ, giáo phường ca trù ở nhiều nơi và đã tổ chức được 02 Liên hoan ca trù toàn quốc (năm 2009 và 2014). Một số quỹ phi lợi nhuận đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy ca trù như Quỹ Ford… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, còn một số hạn chế cần phải khắc phục.
Thứ nhất, phát triển theo kiểu phong trào và “quần chúng hóa” Ca trù
Để khôi phục lại làn điệu Ca trù, Quỹ Ford tài trợ và Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức lớp đào tạo diễn viên trẻ đàn và hát ca trù trong hai tháng tại Hà Nội. Lớp học trong 40 buổi và cho khoảng 80 người của 13 tỉnh thành, chủ yếu là diễn viên hát của các đoàn ca múa nhạc ở tỉnh. Đây được xem là đội ngũ nòng cốt trong việc quảng bá, biểu diễn nghệ thuật ca Trù tại địa phương. Sau lớp học, nhiều người về địa phương biểu diễn, mở lớp dạy và nhanh chóng được “trao xiêm y”, chính thức được công nhận là đào nương. Tuy nhiên, sự nôn nóng mang tính chủ quan này đã tạo nên một kiểu ca trù “quần chúng” và đi kèm với nó là sự phong tặng huy chương, bằng khen ở nhiều liên hoan, hội diễn đã đưa đến một hiện thực rằng nhiều đào nương, kép đàn chỉ biết một hai thể cách cũng nhận được huy chương tại các liên hoan, nhưng thực tế hát chưa đúng giai điệu, phách còn sai lạc. Kết quả là công chúng phải thưởng thức một ca trù chưa thật là ca trù, hoặc lai căng hoặc thậm chí biến dạng và méo mó. Điều này cũng làm cho tính nghệ thuật, chất lượng ca trù giảm đi hoặc biến dạng.
Thứ hai, hoạt động của các câu lạc bộ Ca trù không nhiều và chưa có sự liên kết
Thành phố Hà Nội sau khi sáp nhập với tỉnh Hà Tây trở thành địa phương có số lượng người biết đàn, hát Ca trù và tổ chức sinh hoạt Ca trù nhiều nhất, thường xuyên nhất. Tổng số người biết đàn, hát, múa lên tới 188 người; có tới 13 câu lạc bộ Ca trù đang hoạt động; số lượng di tích liên quan tới Ca trù là 49 [1], nhưng thực trạng của hoạt động của các câu lạc bộ ca trù không đều nhau và mang theo hướng tự phát. Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Chanh Thôn, xã Văn Nhân (Phú Xuyên), hiện nay chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về kinh phí cũng như chuyên môn từ phía Nhà nước. CLB duy trì hoạt động vào tối thứ năm, thứ sáu và thứ bảy hằng tuần đều do những người dân Chanh Thôn yêu môn nghệ thuật này tự nguyện tham gia, đóng góp. Có lẽ hiện nay chỉ có CLB ca trù Hà Nội, giáo phường Ca trù Thăng Long và giáo phường ca trù Thái Hà mới hoạt động có nguồn thu từ những biểu diễn Ca trù. CLB Ca trù Hà Nội và giáo phường Ca trù Thăng Long có lịch biểu diễn định kỳ mỗi tuần năm buổi (xen kẽ nhau) trong khu phố cổ Hà Nội. Giáo phường Ca trù Thái Hà biểu diễn ở địa điểm Thụy Khuê, Hàng Bồ... Trong hoạt động, mỗi giáo phường lại có những thế mạnh khác nhau. Giáo phường Ca trù Thăng Long được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc hàng đầu như GS Tô Ngọc Thanh, GS.TS Trần Văn Khê, PGS. TS. Vũ Nhật Thăng, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan… bởi hoạt động của giáo phường không chỉ đơn thuần là biểu diễn mà còn nghiên cứu chuyên sâu và định hướng phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này. CLB Ca trù Hà Nội của ca nương Lê Thị Bạch Vân có sự quan tâm, ủng hộ của cơ quan hữu quan thành phố Hà Nội trong việc hoạt động và quảng bá Ca trù… Điểm qua như vậy để thấy nếu các câu lạc bộ, giáo phường trên địa bàn Hà Nội tìm được tiếng nói chung, cùng chia sẻ những lợi thế của mình và chắc chắn rằng sự kết hợp này sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn trong việc phát triển Ca trù trong bối cảnh hiện nay.
Ảnh: Một tiết mục biểu diễn Ca trù (Nguồn: st)
Thứ ba, bảo tồn Ca trù theo hình thức mà chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể về công tác giáo dục, tuyên truyền và quảng bá về Ca trù một cách bài bản.
Khác với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác, đi thưởng thức Ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Người hát Ca trù không có múa và diễn như chèo hay hát văn. Đào nương Ca trù chỉ ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Đạo cụ của đào nương là một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, các chương trình biểu diễn hay sinh hoạt của các nghệ nhân Ca trù chỉ biểu diễn hạn chế ở các chương trình mang tính truyền thống, hàn lâm và dành cho đối tượng nghiên cứu là chính bởi không được đông đảo khán giả quan tâm. Cho nên ở nhiều nơi, do mục đích phục vụ nhu cầu du lịch – giải trí nên nhiều buổi trình diễn Ca trù có sự kết hợp với các loại hình nghệ thuật diễn xướng khác nên nhiều khi tạo cho người xem có cảm nhận khác về loại hình nghệ thuật Ca trù. Sự ngợi khen qua một vài canh hát không thể phản ánh được khả năng cũng như đúng trình độ của đào nương, kép hát trong Ca trù.
Thứ tư, chưa có chính sách đãi ngộ, ứng xử với các nghệ nhân Ca trù ở Hà Nội một cách cụ thể, bền vững
Các nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian ở Hà Nội nói riêng và ở cả nước nói chung chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Từ Trung ương, chưa có sự phân cấp rõ ràng trong đánh giá tiêu chí, thống nhất các danh hiệu. Trong đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất năm 2015, TP Hà Nội có 39 hồ sơ thì có đến 36 hồ sơ trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Ngay cả trong đợt xét tặng này, sau 12 năm xây dựng quy chế (2003), các nghệ nhân cũng mới chỉ được ở mức Nghệ nhân ưu tú, với mức hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/ tháng cùng chi phí bảo hiểm, mai táng với những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn… Cũng theo Luật Thi đua khen thưởng thì phải sau 3 năm nữa thì các « cụ » nghệ nhân mới tiếp tục được xét tặng ở danh hiệu « nghệ nhân nhân dân ». Chính điều này có lẽ không công bằng với các nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian bởi hầu hết các nghệ nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm.
2. Một số giải pháp nhằm phát huy những mặt tích cực và khắc phục những mặt hạn chế trong sự phát triển của nghệ thuật Ca trù
Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về vai trò bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa nói chung và nghệ thuật Ca trù nói riêng
Trong nhóm giải pháp này thì việc nhận thức của cấp ủy và chính quyền địa phương cùng cơ quan, quản lý các cấp rất quan trọng bởi vì chỉ có nhận thức đúng mới có được hành động hiệu quả. Đồng thời, cần khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức thực hiện tốt những giải pháp mới nhằm phát huy, quảng bá các giá trị của nghệ thuật Ca trù. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh vực này cũng rất cần được quan tâm đúng mức. Chính vì thế, Nhà nước rất cần nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Thực tế đã cho thấy mọi hoạt động bảo tồn di sản nói chung, trong đó có di sản văn hóa Ca trù nói riêng, chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về Ca trù. Chỉ với sự tham gia tích cực, tự giác của cộng đồng này mới có thể bảo tồn và phát huy được những giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Thành lập hiệp hội các câu lạc bộ, giáo phường ca trù trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Nên chăng Hà Nội hình thành một đơn vị chuyên trách theo mô hình Ty giáo phường (hay gọi là Hiệp hội giáo phường ca trù Hà Nội) như là đầu mối hỗ trợ, tạo điều kiện và giúp các câu lạc bộ, giáo phường có thể phối kết hợp với nhau, bổ sung những thế mạnh của nhau và quan trọng là tạo ra một không gian Ca trù lành mạnh, vì mục tiêu bảo tồn và phát triển Ca trù. Nhà nước thông qua Ty giáo phường trên địa bàn Hà Nội để nắm bắt tâm tư tình cảm của anh chị em tham gia sinh hoạt Ca trù cũng như có những hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần để mọi người yên tâm sống với nghề. Ty giáo phường này cũng căn cứ trên thực tiễn để đề xuất những chính sách phù hợp và kịp thời hỗ trợ các nghệ nhân cao tuổi, các tài năng trẻ, các câu lạc bộ và lớp truyền dạy nghề, tránh để việc đầu tư dàn trải, không có trọng tâm và hiệu quả thấp.
Phát triển du lịch và tuyên truyền đối với nghệ thuật Ca trù
Tổ chức hoạt động biểu diễn tại các tụ điểm văn hóa - du lịch. Cần thành lập một nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ học và biểu diễn ca trù ở một đẳng cấp, trình độ cao để biểu diễn tại các tụ điểm văn hóa - du lịch. Bên cạnh đó phải xây dựng các mô hình làm ca quán với một phương pháp tổ chức văn hóa, văn học thật chặt chẽ. Có như vậy mới dần đần thu hút được cả khán thính giả lẫn các nghệ nhân biểu diễn và đặc biệt là làm cho Ca trù trở thành "đặc sản" quý đối với du khách khi du lịch qua các nơi khác nhau. Điều này không những tôn vinh, bảo tồn, phát huy được giá trị Ca trù mà còn làm cho người yêu nghề có thể sống bằng nghề, người yêu Ca trù có không gian để sinh hoạt.
Xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động diễn xướng Ca trù.
Việc các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống đề nghị Thành phố Hà Nội về một nơi biểu diễn chung để công chúng có thể hiểu, biết và yêu những giá trị của di sản văn hóa dân tộc rất cần thiết. Cơ quan quản lý nên đầu tư nâng cấp một nhà hát nào đó không hoạt động hiệu quả trên địa bàn thành nhà hát di sản âm nhạc truyền thống, để những nghệ sĩ biểu diễn những di sản phi vật thể của nhân loại được sống với niềm đam mê, góp phần duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp được gìn giữ qua nhiều năm tháng. Việc này hoàn toàn có thể làm được bởi hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiều nhà hát, rạp chiếu phim sử dụng sai mục đích như cho thuê làm vũ trường, mặt bằng kinh doanh đồ điện tử, điện máy...
Tổ chức các hội diễn giữa các câu lạc bộ và giáo phường Ca trù đình kì, thường xuyên
Cách thức phát huy nghệ thuật Ca trù là thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan Ca trù ở các địa điểm khác nhau trong cả nước, tạo điều kiện để các nghệ nhân và những người thực hành Ca trù được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Việc này rất cần tham gia của các nghệ nhân để những tài năng Ca trù đi đúng hướng và sự phối kết hợp của Ty giáo phường trong việc tổ chức đào tạo và bồi dưỡng để có được các lớp ca nương, kép đàn giỏi thực sự về Ca trù. Đội ngũ này sẽ là những hạt nhân quan trọng để duy trì những giá trị của Ca trù trong đời sống xã hội và sẽ là lớp người truyền dạy Ca trù trong cộng đồng.
Ban hành cơ chế và chính sách của nhà nước về việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca trù và quan tâm đúng mức đối với đội ngũ nghệ nhân Ca trù trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội cũng cần có sự quan tâm đúng mức đối với đội ngũ nghệ nhân Ca trù bởi những nghệ nhân này không chỉ xứng đáng được vinh danh mà còn cần được quan tâm thực chất cả về tinh thần và đãi ngộ về vật chất. Chính đội ngũ nghệ nhân Ca trù là nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy những tinh hoa của di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố. Do đó, Thành phố Hà Nội rất cần có những giải pháp xây dựng các chính sách hỗ trợ nghệ nhân nói chung, trong đó có nghệ nhân Ca trù phù hợp với tầm vóc phát triển phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.
Dẫu biết những công việc để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Ca trù phải cần nhiều thời gian, trí tuệ và lòng nhiệt thành của lãnh đạo các cấp Ban, ngành, đoàn thể cùng với quần chúng nhân dân mới có thể có hiệu quả, và không biết phải mất bao nhiêu lâu nữa thì mới đưa nghệ thuật Ca trù khỏi mối lo bị mai một, có vị thế xứng tầm với những giá trị của nó trong nền nghệ thuật nước nhà nhưng dẫu sao, qua thực trạng và một số giải pháp được đưa ra trong bài viết này cũng mong góp một tiếng nói chung trong việc đưa nghệ thuật Ca trù cũng như rất nhiều loại hình âm nhạc dân gian khác của Việt Nam phát triển bền vững bởi chúng là những giá trị văn hóa phi vật thể vô giá, cần được bảo vệ trong cuộc sống hôm nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngọc Tùng (2009), "Nỗi lo từ kiểm kê di sản ca trù", http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/noi-lo-tu-kiem-ke-di-san-ca-tru-53215-u... (truy cập lúc 15 giờ ngày 27 tháng 8 năm 2015).
2. Lê Hồng Lý - chủ Biên (2010), Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Giáo trình Đại học Văn hóa Hà Nội, Nxb ĐHQG.
3. Nguyễn Quốc Hùng (2001), Bảo vệ văn hóa phi vật thể, khái niệm và nhận thức, Tạp chí VHNT.
4. Cục Di sản (2006), Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Nxb Thế giới.
5. Cục Di sản văn hóa (2007), Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, tập 1, Nxb Hà Nội.
(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)