Kỳ diệu những cây “đàn trời” phát ra âm thanh từ… không trung
Đó là những cây đàn chẳng cần có nhạc công ngồi bên biểu diễn, thay vào đó, sóng biển, gió trời là những “nghệ sĩ” sẽ biểu diễn bên cây đàn này.
Đàn organ sóng biển
Âm thanh rì rào của sóng biển vỗ nhẹ vào bờ sẽ tạo nên những thanh âm trầm hùng, đó là những gì cây đàn organ sóng biển này sẽ dành tặng cho du khách trong một ngày hóng gió ở biển. Hãy tưởng tượng bạn vừa ngắm cảnh biển, thưởng ngoạn nắng gió, vừa được lắng nghe những âm thanh mê hoặc…
Cây đàn organ sóng biển này nằm ở thành phố biển Zadar, Croatia, nó dài tới… 70m. Cây đàn được thiết kế rất đặc biệt, thực tế nó là một loạt những bậc thang chạy ra tận biển để du khách vừa có thể ngồi hóng gió, đồng thời, sóng vỗ vào các bậc thang với các lỗ hổng của nó, sẽ tạo nên âm thanh kỳ lạ và mê hoặc.
Đàn organ sóng biển được thực hiện năm 2005 bởi kiến trúc sư Nikola Basic. Bên dưới bề mặt của cây đàn organ khổng lồ này là những ống chạy ngầm, mỗi bậc thang đều có những ống như vậy để tạo nên những nốt nhạc khác nhau.
Âm thanh tạo ra hoàn toàn dựa vào độ mạnh của sóng biển và vị trí mà sóng biển “giao tiếp” với các ống đàn đặt ngầm trong các bậc thang. Du khách có dịp thưởng thức âm thanh của cây đàn này hẳn đều không khỏi kinh ngạc. Năm 2006, đàn organ sóng biển của Croatia từng được nhận giải Không gian Công đồng Đô thị của Châu Âu.
Trên thế giới chỉ có 3 cây đàn organ khổng lồ được chơi bằng sóng hoặc gió như vậy, ngoài cây organ kể trên còn có cây đàn organ sóng biển nằm ở thành phố San Francisco (Mỹ) và cây đàn organ gió biển ở Blackpool (Anh).
Đàn organ sóng biển nằm ở thành phố San Francisco (Mỹ)
Đàn organ gió biển ở Blackpool (Anh)
Đàn organ sóng biển ở Zadar (Croatia)
Con đường âm nhạc
Ở ngoại ô thành phố Lancaster, bang California, Mỹ có một con đường biết chơi bản nhạc “William Tell Overture” của nhà soạn nhạc người Ý Rossini. Trên con đường có những sọc gồ ghề được thiết kế đặc biệt, khi xe chạy qua sẽ tạo nên những thanh âm thú vị của bản nhạc “William Tell Overture”.
Những sọc gồ ghề này được đặt gần nhau khi bánh xe lăn qua sẽ tạo thành những nốt cao, khi đặt xa nhau sẽ tạo thành những nốt thấp. Ngoài ra, trên thế giới còn có những con đường âm nhạc như đường Asphaltophone của Đan Mạch, bộ ba con đường Giai điệu của Nhật, con đường Ca hát ở Hàn Quốc, và con đường ở làng Tijeras, bang New Mexico, Mỹ.
Con đường âm nhạc ở Lancaster, Mỹ
Đàn hạc gió thổi
Đàn hạc chơi bằng những làn gió có tên là đàn hạc Aeolian - một nhạc cụ được đặt theo tên của vị thần Aeolus trong thần thoại Hy Lạp - vị thần của những cơn gió. Đàn hạc Aeolian truyền thống được làm bằng gỗ, thường được đặt ở không gian mở để gió có thể tới “tìm gặp” cây đàn và tạo nên những thanh âm.
Đàn hạc Aeolian là đàn dây duy nhất có thể chơi bằng gió, đàn này vốn rất phổ biến thời xa xưa, là món nhạc cụ có trong mỗi gia đình. Giờ đây, đôi khi người ta vẫn có thể bắt gặp một cây đàn hạc chơi bằng gió được đặt trên một đỉnh đồi đón gió.
Lấy cảm hứng từ đàn hạc gió thổi này, một nghệ sĩ người Anh có tên Luke Jerram đã chế ra một nhạc cụ nặng 10 tấn bằng kim loại. Những ống dài của nó trải khắp bề mặt của một hình cung tròn kích thước lớn. Những ống này được gắn những sợi dây đàn, sẽ rung lên khi có gió thổi qua.
Âm thanh khi đó sẽ được khuếch đại nhờ vào hệ thống ống kim loại. Âm thanh cho ra nghe rộn ràng, kỳ quái, tiếng to nhỏ dựa vào sức mạnh của những cơn gió thổi qua.
Giai điệu của một cây đàn hạc đặt bên bờ biển
Đàn organ nhũ đá
Ông Leland W. Sprinkle là một kỹ sư điện người Mỹ. Công việc chính của ông là xử lý các vấn đề về điện tại Lầu Năm Góc. Cho tới ngày nay, điều khiến người ta nhớ nhất về Sprinkle chính là công trình cây đàn organ nhũ đá nằm trong quần thể hang động Luray ở bang Virginia, Mỹ.
Hồi cuối thập niên 1950, ông Sprinkle đã nảy ra ý tưởng chế tác bộ đàn organ nhũ đá khi tới thăm hang động Luray cùng con trai, cậu bé đã va đầu vào một chiếc nhũ đá khiến nhũ đá phát ra âm thanh nghe khá vui tai. Sau đó, ông Sprinkle đã dành ra 3 năm để ngày ngày tới khu hang động này tìm ra những nhũ đá cho ra âm thanh hay nhất.
Sau khi hoàn tất công việc, ông Sprinkle đã cho ra một cây đàn organ 37 nốt. Khi cây đàn organ được chơi, nó sẽ truyền động tới hệ thống dây dẫn và búa cao su để tạo ra những âm thanh thánh thót từ các nhũ đá. Sự âm vang của các nốt nhạc bên trong hang động càng khiến cây đàn organ này trở nên đặc biệt bởi những thanh âm trong trẻo, vang vọng.
Âm thanh của đàn organ nhũ đá
Cái cây biết hát
Nhạc cụ khổng lồ này được thiết kế bởi hai kiến trúc sư - Mike Tonkin và Anna Liu hồi năm 2006.
Nằm ở thị trấn Burnley (Anh), giữa cánh đồng Pennine, tác phẩm nghệ thuật cao 3m này tận dụng những ngọn gió thổi qua, tựa như một người khổng lồ vô hình đang thổi sáo một cách vụng về, cho ra những âm thanh đôi khi hơi chói tai và dễ khiến người nghe cảm thấy… rờn rợn khi đêm xuống.
Giai điệu từ cái cây biết hát
(Nguồn: http://dantri.com.vn)