Người thầy không tuổi

20/11/2015

Tôi dắt con gái tới nhà thầy giáo cũ để xin học cho con, đang lúng túng chưa biết dạy cháu xưng hô thế nào thì cô bé đã nhanh nhảu nói: Em chào thầy. Tôi không chỉnh lại cách xưng hô của con, vì xem ra đã đúng trong trường hợp này.

Trên đường về, tôi cứ nghĩ ngợi miên man về tình huống vừa xảy ra, hai cha con giờ đã trở thành đồng môn của nhau. Ở tiếng Việt, danh xưng thầy, cô thật hàm súc, ý vị, nó dường như phản ánh một giá trị chẳng hề thay đổi trước vật đổi sao dời. Bao thế hệ học trò trước sau đều xưng hô cùng một cách thân thuộc đối với thầy cô giáo. Có nhiều người trong đời, ngoài đời đã lên chức ông nọ, bà kia, nhưng hễ gặp thầy bèn chắp tay: bẩm thầy, thưa thầy. Trong cơn cuồng phong xô nghiêng nhiều giường cột đạo đức, hình ảnh ấy khơi gợi một giá trị bền bỉ trường tồn qua thời gian, đó là tình thầy trò. Mối quan hệ ấy nhắc nhở chúng ta, trong đó có cả tôi rằng, ở đời làm thầy là một việc thậm khó. Thầy cô phải làm sao để cho hình ảnh của mình không bị biến dạng, méo mó trong lòng các thế hệ học trò. Người thầy không chỉ đóng vai trò truyền thụ tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật mà còn thổi vào tâm hồn học trò tình yêu, đạo đức và lý tưởng. Theo chiều hướng tìm kiếm những giá trị nội tại, ngoại tại, tôi đã mang ơn rất nhiều người thầy, trong đó, có ba vị tuy chẳng dạy dỗ mình ngày nào, nhưng có tầm ảnh hưởng đến suốt cuộc đời.

Vị thầy thứ nhất tôi muốn nhắc đến là Đức Khổng – bậc thầy của muôn đời. Do học Thư pháp, đọc sách “Tam tự kinh”, “Thất tự kim ngôn” và chương trình phổ cập giáo dục dành cho con em người Hoa, nên tôi có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng Khổng Tử. Mặc dù, sách “Quốc văn”, “Quốc ngữ” biên soạn tại Hong Kong, Đài Loan sử dụng ở trường Hoa rất ít trích dẫn lời Khổng Tử, ngoại trừ những bài có chép: “Tử viết”. Song, trên thực tế, tư tưởng Khổng Tử đã len lỏi vào mọi khía cạnh đời sống. Lời dạy Khổng Tử không chỉ phơi bày qua những câu trích dẫn trong sách giáo khoa, mà còn lọt xuống nền văn hóa Hán. Rất nhiều câu nói tưởng chừng như thành ngữ, châm ngôn, thực chất lại là của Khổng Tử, như “Đi xa phải bắt đầu từ gần. Lên cao phải bắt đầu từ thấp”; “Không biết lo xa sẽ có nỗi ưu tư gần”; “Học mà không nghĩ thì mông lung. Nghĩ mà không học thì nguy hiểm”… Chẳng phải ngẫu nhiên mà chữ Hán còn gọi là chữ Nho, vì hàm lượng tư tưởng Nho giáo chiếm tỉ lệ cao trong ngôn ngữ này. Qua đó, tư tưởng Khổng Tử chan hòa trong văn hóa Trung Quốc. Nhà Tâm lý học Phân tích người Thụy Sĩ Carl Jung từng triển khai các phạm trù: “Di truyền văn hóa”, “Nguyên mẫu” và “Vô thức tập thể”. Cả ba khái niệm này, tuy không trùng khớp với cách giải thích của Carl Jung, nhưng có thể ứng vào trường hợp Khổng Tử. Theo đó, tư tưởng Khổng Tử giống như một “Nguyên mẫu” cấy ghép lên bộ công cụ tư duy của người Trung Quốc là ngôn ngữ, bằng “di truyền văn hóa” khiến cho người Trung Quốc thấm nhuần tư tưởng Nho giáo và hình thành tập quán “Vô thức tập thể”.

Vị thầy thứ hai tôi nhắc đến để tri ân là Đức Chúa. Ngày đi học, lớp tôi từng tổ chức buổi thảo luận nhằm tìm kiếm vị anh hùng cho riêng mình. Những Hạng Võ, Lưu Bang, Thành Cát Tư Hãn, Nhạc Phi, Napoleon… thậm chí cả Võ Tòng, Tống Giang, nhân vật trong tiểu thuyết “Thủy hử” của Thi Nại Am, La Quán Trung lần lượt được dọn lên bàn thảo luận. Riêng tôi chọn cho mình Đức Chúa Jesus với lý do, người hùng của các bạn xây dựng sự nghiệp trên đau khổ của đồng loại, còn Đức Chúa lại lấy đau khổ của mình để trục vớt lỗi lầm cho kẻ khác. Tư tưởng của ngài xây dựng trên lòng vị tha, tinh thần bình đẳng và bác ái. Những giá trị ấy đã soi sáng cho nhân loại đi từ dã man đến văn minh. Tuy thế giới còn đầy rẫy bất công, hận thù… nhưng, lòng vị tha, bác ái bao la vẫn sáng long lanh và đem đến cho con người hơi ấm nồng nàn. Anh hùng không thể chỉ có biết chém giết, tàn sát, gây thương đau cho người khác, mà còn nằm ở sự bao dung, sức chịu đựng tuyệt vời, tinh thần nhẫn nại, vượt khó cùng tình yêu thương vô bờ. Tất cả những đức tính siêu việt ấy đều hội tụ ở con người Đức Chúa. Những bản tụng ca dành cho ngài vang suốt hàng nghìn năm qua minh chứng cho tinh thần vượt thoát khỏi thiên kiến hẹp hỏi, trải qua nhiều nền văn hóa.

Vị thầy thứ ba mà tôi kính ngưỡng đó là Đức Phật. Từ lâu, Đạo Phật đã được giảng dạy trong trường đại học, song, cũng giống như nhiều tôn giáo, học thuyết khác, do đề cao triết học Marx mà lần lượt bị phủ nhận. Cho đến hiện tại, triết học Marx là học thuyết duy nhất nhận được sự bảo hộ của nhà nước, thậm chí nâng cấp lên thành ý thức hệ chính thống. Triết học Marx không gặp bất kỳ trở ngại nào trên con đường truyền bá, cũng không ai dám thách thức bằng tinh thần phản biện triết học! Vì thế, các học thuyết khác dễ dàng bị lãng quên hay “hạ bệ”. Đạo Phật giảng dạy trong bộ môn triết học ở bậc đại học sớm bị bỏ vào chiếc rọ “Duy tâm chủ quan” để từ chối tìm hiểu. Sau khi bước qua Cánh cửa với những biến cố, mất mát tất yếu trong cuộc đời, tôi đã bước chân vào ngôi Tự viện kinh sách vạn pho của Đức Phật. Phật đã dạy cho tôi biết mọi chúng sanh đều có phẩm chất tương đồng, phẩm chất ấy nằm ở “Phật tính”. Sự bình đẳng theo quan niệm này không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa con người mà phủ khắp mọi chúng sinh. Chúng ta không chỉ bình đẳng với nhau, mà còn bình đẳng trước cả Đức Phật, như lời ngài nói: “Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành.” Phật giáo cũng chỉ ra bản chất mọi sự vật, hiện tượng đều “tánh không”. “Tánh không” không phải là không có gì mà là một đặc tính trong cấu trúc của tồn tại. Đây là tôn giáo duy nhất coi việc tu tập thuộc về sự nghiệp của mỗi cá nhân, không có phép màu quyền uy nào có thể thay thế. Ngày nay, nhiều người đến chùa cầu tài, cầu lộc, cầu tiền, cầu tình, cầu địa vị, danh vọng… tất cả đã xa rời chánh pháp tiến gần tới mê tín.

Học thuyết của các vị đạo sư tuy mênh mông, trời biển, song lại có thể đúc kết thành những giá trị cốt lỗi, nền tảng, như Từ bi, Giác ngộ… của Đức Phật, Trung thứ (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người. Điều mình muốn có thể làm cho người) của Đức Khổng, Bình đẳng, Bác ái… của Đức Chúa để theo đuổi, phụng sự một đời. Họ như những người thầy không tuổi nghiêng mình trước thời gian thay đổi truyền dạy cho bao thế hệ học trò tiếp nối.

Và người thầy cuối cùng tôi muốn nhắc đến ở đây, đó là người thầy trong tôi. Theo John Dewey, nhà triết học, giáo dục học người Mỹ cuối thế kỷ XIX, một nền giáo dục ít nhất phải dạy cho người học hai việc: thứ nhất là biết “tự giáo dục”; thứ hai là: “tạo ra tính liên tục cho tri thức.” Cả hai nhiệm vụ này có thể khả thi và trở thành hiện thực thông qua vai trò trung gian của người thầy trong tôi. Không có người thầy trong tôi, mọi sự nghiệp giáo dục sẽ trở nên vô bổ và khó thể làm lay chuyển bản tính lầm lỳ ở mỗi cá nhân. Vì thế, nhiệm vụ của mỗi người là phải vời được ông thầy ở trong tôi ra bái làm sư, tuy vắng mặt, dấu tên, nhưng mọi lỗi lầm hay công trạng của chúng ta đều có liên quan tới người thầy này. Nói cách khác, ta chính là sản phẩm phái sinh từ nền giáo dục tự trị. Sách “Tam tự kinh” viết: “Nuôi mà chẳng dạy là lỗi ở cha. Dạy mà không nghiêm là lỗi ở thầy.” Trước bối cảnh giáo dục dư thừa như hiện nay, những người thầy nghiêm khắc xem ra đã bị lỗi nhịp với thời đại và ngày càng trở nên lẻ loi. Lối giáo dục ban thưởng, khích lệ, động viên quá đà khiến cho học trò càng ngày càng dễ dãi với bản thân. Vì thế, sự nghiêm khắc tự tìm đến cho mình một vị trí thật sự xứng đáng bên người thầy trong tôi.

Năm tháng trôi đi, dù chúng ta có trở thành ai lẽ đương nhiên vẫn mãi là học trò của ai đó trong cuộc đời này. Trên mỗi bước đường trưởng thành của chúng ta đều in dấu công ơn dạy dỗ của những người thầy. Dù họ có ở nơi đâu, chân trời hay góc biển, có người đã di trú sang thế giới bên kia thì trong lòng học trò vẫn dành một chốn linh thiêng để tôn thờ. Thời gian làm cho mọi hình hài thay đổi, nhưng còn đó hình ảnh người thầy không tuổi vẹn nguyên đi về trong ký ức không phai.

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...