Sự trở lại của các nghệ sĩ châu Á

09/11/2015

Tại cuộc thi Piano Quốc tế Fryderyk Chopin 2015, chỉ riêng số thí sinh từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, và Hàn Quốc đã chiếm gần một nửa tổng số thí sinh của cuộc thi. Hai trong số ba thí sinh đoạt giải cao nhất cũng là người châu Á hoặc gốc Á. Giám khảo Đặng Thái Sơn hào hứng tuyên bố: “Đây là sự trở lại của các nghệ sĩ châu Á!”


Nét mặt hạnh phúc của Seong-Jin Cho sau khi tên anh được xướng lên cho giải thưởng cao nhất
của Cuộc thi Piano Quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 17 tối 20/10/2015 ở Warsaw.

Trong lần tổ chức thứ 17, cuộc thi đã phá vỡ kỷ lục về số thí sinh tham gia với 450 tay đàn từ 45 quốc gia, tăng hơn 100 người so với năm năm trước. Theo thống kê của Ban tổ chức, thí sinh năm nay đa phần đến từ khu vực Đông Á, trong đó Nhật Bản: 88 thí sinh – tăng thêm 31 thí sinh so với kỳ thi trước, Trung Quốc và Đài Loan: 77, Hàn Quốc: 47 (so với Ba Lan: 56, Nga: 35, Mỹ: 34).

Năm nay cũng là năm đầu tiên Học viện Fryderyk Chopin, đơn vị tổ chức cuộc thi, hợp tác với hãng thu âm nhạc cổ điển danh giá nhất thế giới Deutsche Grammophon để tặng hợp đồng thu âm kéo dài một năm cho người chiến thắng.

Cuộc thi trải qua bốn vòng. Trong ba vòng đầu, các thí sinh được tự do chọn lựa các tác phẩm của Chopin, nhưng trong vòng chung kết, họ chỉ được chọn một trong hai bản concerto của Chopin là Piano concerto cung Mi thứ, Opus 11 hoặc bản Piano concerto cung Fa thứ, Opus 21.

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra từ ngày 18 đến 20 tháng 10 với sự tham gia của 10 thí sinh đến từ tám quốc gia. Ban giám khảo gồm 17 người, trong đó có những cựu thí sinh từng giành chiến thắng tại cuộc thi này như Adam Harasiewicz (1955), Martha Argerich (1965), Garrick Ohlsson (1970), Đặng Thái Sơn (1980), và Lý Vân Địch (2000).

Các vòng thi diễn ra như thế nào?

Theo quy định của giải, thí sinh phải ở trong độ tuổi từ 16 đến 30. Ở vòng đầu tiên, thí sinh gửi đơn đăng ký kèm với một bản thu âm tới Học viện Fryderyk Chopin trước ngày 1/12/2014. Sau khi phân tích các bản thu âm và đơn đăng ký của các thí sinh, Ủy ban đánh giá chọn ra 160 thí sinh để tham gia vòng sơ kết diễn ra vào tháng 4/2015 tại Warsaw. Ở vòng này, Ban giám khảo chọn ra 77 thí sinh đi tiếp vào vòng thi chính. Bảy thí sinh từng giành chiến thắng trong các cuộc thi quốc tế khác (được nêu trong quy định của giải) và trong cuộc thi Fryderyk Chopin Piano Ba Lan năm 2015 được quyền vào thẳng vòng chung kết. Tới vòng chung kết chỉ còn lại 10 thí sinh tham gia tranh tài.

Hai cách đánh giá của Ban giám khảo

Trong ba vòng thi đầu, Ban giám khảo đánh giá theo hai hệ thống: cho điểm và nhận xét. Các giám khảo không được đánh giá học sinh của mình (trên phiếu cho điểm, họ sẽ ghi chữ “S” bên cạnh tên học sinh của mình). Với hệ thống cho điểm, thí sinh được đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 25. Còn hệ thống nhận xét với hai lựa chọn “có-không” được các giám khảo sử dụng để thể hiện ý kiến của mình về việc có chấp thuận cho thí sinh đi tiếp vào vòng thi sau hay không.

Ở vòng thi cuối, các giám khảo đánh giá thí sinh theo thang điểm từ 1 đến 10; nguyên tắc giám khảo không được đánh giá học sinh của mình vẫn được áp dụng. Mỗi giám khảo chỉ được phép chấm điểm cao nhất cho một thí sinh, và tổng số điểm của mỗi giám khảo đưa ra không được vượt quá 55 điểm.

Kẻ tám lạng người nửa cân

Nhờ tính chất chuyên môn hóa cao và độc đáo của cuộc thi nên qua đây có thể dễ dàng nhận ra những nghệ sĩ piano vĩ đại của tương lai: nếu bạn chơi Chopin xuất sắc thì có thể suy ra rằng bạn cũng sẽ là bậc thầy chơi Mozart, Liszt hay phần lớn các nhạc phẩm piano khác.

Năm nay, những bàn tán và phỏng đoán về người thắng cuộc không dứt khoát cho tới tận khi cuộc thi kết thúc, bởi chất lượng thí sinh khá đồng đều. Sau ba tuần căng thẳng, Ban giám khảo đã đưa ra phán quyết cuối cùng của mình vào lúc gần 1 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 20/10, và đêm gala của những người giành chiến thắng diễn ra vào ngày hôm sau cũng kéo dài tới nửa đêm.

Kết quả chung cuộc như sau:

Các giải thưởng chính:

Giải nhất (30.000 Euro) kèm huy chương vàng: Seong-Jin Cho, Hàn Quốc

Giải nhì (25.000 Euro) kèm huy chương bạc: Charles Richard-Hamelin, Canada

Giải ba (20.000 Euro) kèm huy chương đồng: Kate Liu, Mỹ

Giải tư (15.000 Euro): Eric Lu, Mỹ

Giải năm (10.000 Euro): Yike (Tony) Yang, Canada

Giải sáu (7.000 Euro): Dmitry Shishkin, Nga

Các giải đặc biệt:

Giải chơi polonaise hay nhất của Hội Fryderyk Chopin (3.000 Euro): Seong-Jin Cho, Hàn Quốc

Giải chơi mazurka hay nhất của Đài phát thanh Ba Lan (5.000 Euro): Kate Liu, Mỹ

Giải chơi sonata hay nhất của nghệ sĩ piano cổ điển Ba Lan Krystian Zimerman (10.000 Euro): Charles Richard-Hamelin, Canada.

Dư âm

Đầu giờ sáng ngày 21/10, GS Popowa-Zydron, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, chia sẻ trong buổi họp báo: “Chúng tôi rất mệt nhưng vẫn cảm thấy tiếc vì cuộc thi đã kết thúc.” Giám khảo Đặng Thái Sơn thì hào hứng tuyên bố: “Đây là sự trở lại của các nghệ sĩ châu Á!” GS John Rink, nhà âm nhạc học duy nhất trong Ban giám khảo, nói đinh ninh: “Cuộc thi này là một quá trình đầy mệt mỏi, kéo dài, nhưng rất thú vị. Nó giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cách diễn giải âm nhạc Chopin của từng thí sinh, trong đó có những người vô cùng xuất sắc. Như vậy là tương lai của nhạc cổ điển đã được bảo đảm rồi, và âm nhạc của Chopin cũng sẽ còn tiếp tục sống mãi.”

Điều thú vị là ba người không hề cho thấy dấu hiệu mệt mỏi nào cũng chính là ba người giành chiến thắng. Seong-Jin Cho chia sẻ: “Tôi đã mơ ước được tham gia vào cuộc thi này từ năm 11 tuổi, khi tôi xem TV và thấy Rafał Blechacz giành chiến thắng. Bây giờ ước mơ của tôi đã thành sự thật rồi! Tôi không lo lắng trong vòng thi cuối, nhưng tôi không nhớ mình đã chơi như thế nào trong vòng đầu và phải vào YouTube để xem lại!”

Charles Richard-Hamelin, thí sinh duy nhất chọn chơi bản piano concerto cung Fa thứ, nói đùa: “Chắc giờ tôi phải học thêm cả cung Mi thứ nữa!”

Nhạc trưởng Jacek Kaspszyk, người chỉ huy dàn nhạc sát cánh cùng 10 thí sinh trong suốt ba ngày thi căng thẳng, tâm sự: “Âm nhạc của Chopin gắn kết mọi người với nhau. Công chúng toàn cầu đều hiểu nhạc của ông. Mỗi người đều có cảm nhận riêng về nhạc Chopin nhưng nhạc của ông thì trước sau vẫn là một. Đó là lý do vì sao người dân Ba Lan yêu quý ông.”

Ước mơ lớn nhất của Seong-Jin Cho

Seong-Jin Cho, người giành giải cao nhất tại cuộc thi năm nay, sinh năm 1994 tại Seoul, Hàn Quốc. Anh tốt nghiệp Trường Trung học Nghệ thuật Seoul, hiện là học trò của nghệ sĩ piano kiêm nhà soạn nhạc người Pháp gốc Bulgary Michel Béroff tại Nhạc viện Paris, Pháp. Trước khi tham gia Cuộc thi Piano Quốc tế Fryderyk Chopin, anh đã tham gia và giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi khác như: Cuộc thi Hamamatsu, Nhật Bản (2009), Cuộc thi Tchaikovsky Quốc tế, Nga (2011, giải Ba), và Cuộc thi Arthur Rubinstein, Israel (2014).

Seong-Jin Cho đã và đang tham gia biểu diễn với Dàn nhạc Thính phòng Mariinsky, Đài phát thanh Pháp, Dàn nhạc Quốc gia Nga, Dàn nhạc Thính phòng Basel,…

Anh đã thực hiện nhiều tour biểu diễn ở Nhật Bản, Đức, Pháp, Nga, Ba Lan, Israel, Trung Quốc và Mỹ. Anh cũng đã tham dự nhiều liên hoan âm nhạc ở châu Âu và Mỹ.

Trong đêm chung kết cuộc thi, Seong-Jin Cho biểu diễn bản concerto cung Mi thứ một cách xuất sắc và đậm chất thơ. Trong buổi phỏng vấn diễn ra sau đó, anh xúc động nói: “Ước mơ lớn nhất đời tôi là được biểu diễn âm nhạc cho tới lúc chết, là được đứng trên sân khấu lúc tuổi đã cao.” Nhờ vào ảnh hưởng to lớn của cuộc thi Chopin , ước mơ của anh sẽ không quá khó để trở thành hiện thực.

Những dấu mốc khó quên

Ý tưởng

Sau Thế chiến I, âm nhạc của Chopin mất dần người hâm mộ. Âm nhạc của ông bị đánh giá là không đủ hiện đại và quá khó hiểu. Để khôi phục vị thế của Chopin, đồng thời ngăn chặn xu hướng phổ biến trong giới biểu diễn đương thời là tách khỏi tinh thần âm nhạc của ông, hai giáo sư tại Nhạc viện Warsaw đã quyết định khởi xướng Cuộc thi Piano Quốc tế Fryderyk Chopin, sau này trở thành một trong bốn cuộc thi piano lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là cuộc thi có tuổi đời lâu nhất trong số này. Được tổ chức định kỳ năm năm một lần tại Warsaw, đây là sự kiện âm nhạc cổ điển thu hút sự quan tâm theo dõi và ủng hộ của người dân địa phương nhiều nhất. Cuộc thi kéo dài một tháng, là dịp tôn vinh nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất Ba Lan, đồng thời cũng là cơ hội tìm “bệ phóng” cho các nghệ sĩ piano trẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Cuộc thi mở màn

Cuộc thi được tổ chức lần đầu vào tháng 1/1927. Tuy chỉ có 26 nghệ sĩ piano từ tám quốc gia tham dự song đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông quốc tế và được khen ngợi vì các thí sinh tham gia đều có trình độ cao. Nghệ sĩ Lev Oborin của Liên Xô giành giải nhất cuộc thi này.

“Rút thăm trúng thưởng”

Trong cuộc thi lần thứ hai, Ban giám khảo quyết định trao đồng giải nhất cho hai nghệ sĩ Alexander Uninsky (Nga) và Imré Ungár (Hungary). Tuy nhiên, Ungár không đồng tình và đề nghị quyết định người giành chiến thắng bằng cách… tung đồng xu. Ban giám khảo đồng ý và Ungás chính là người không gặp may.

Trong lần tổ chức thứ hai, cuộc thi đã có quy mô lớn hơn hẳn với 200 thí sinh từ 18 quốc gia. Thành phần Ban giám khảo cũng được mở rộng: lần đầu tiên những nghệ sĩ uy tín ở nước ngoài cũng góp mặt bên cạnh các nghệ sĩ Ba Lan.

Thiên tài Ý

Các cuộc thi diễn ra vào năm 1960 và 1975 đi vào lịch sử giải Chopin vì một số lượng lớn những ngôi sao mới đã ra đời từ đây, và chính họ là những người đã thiết lập nên tiêu chuẩn cho cuộc thi ngày hôm nay. Thiên tài đầu tiên trong giai đoạn này là nghệ sĩ Ý Maurizio Pollini, người được toàn bộ Ban giám khảo nhất trí trao giải nhất năm 1960. Đây cũng là mốc đánh dấu chặng đường vinh quang sau này của ông với đỉnh cao là tên ông được vinh danh trong Phòng Danh dự Grammphon năm 2012.

Martita chiến thắng trong “Cuộc thi Vĩ đại”

Cuộc thi năm 1965 đi vào tâm trí của nhiều người với tên gọi “Cuộc thi Vĩ đại”. Cuộc thi này đã phải bổ sung thêm vòng thứ tư và Martha Argerich, nữ nghệ sĩ giàu cảm xúc người Argentina, đã giành chiến thắng trước hai bạn chơi xuất sắc khác là Arthur Moreira Lima người Brazil và Marta Sosnicka người Ba Lan, chơi xuất sắc dù đang trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Tuy chiến thắng sít sao nhưng về sau, chỉ có Martha Argerich thật sự trở thành ngôi sao trong nền âm nhạc cổ điển, chứng minh được rằng Ban giám khảo đã không đặt niềm tin sai chỗ.

Khoảng lặng

Trong hai cuộc thi lần thứ 12 (năm 1990) và 13 (năm 1995), Ban giám khảo quyết định không trao giải nhất và cũng chỉ trao một trong số sáu giải đặc biệt vì cho rằng không tìm được người xứng đáng. Trước thềm thế kỷ 21, bắt đầu xuất hiện nỗi lo cuộc thi đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng.

Blechacz khiến cả thế giới kinh ngạc

Bầu không khí ủ dột và nặng nề của giải Chopin được giải tỏa với cú đột phá mang tên Rafal Blechacz năm 2005. Blechacz (người Ba Lan, sinh năm 1985) không chỉ giành giải nhất mà còn “ẵm” luôn tất cả các giải thưởng đặc biệt khác! thành

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...