Tổng phổ viết tay hay soạn bằng máy tính?

31/08/2015

Nhân chuyến đi công tác không mang theo máy tính và phải viết bằng giấy bút (sau 15 năm chuyển sang dùng máy) thì chia sẻ với mấy bạn sinh viên sáng tác những trải nghiệm sau.

Bởi đã từng nhìn thấy và mê mẩn những tổng phổ chép tay của một số nhà soạn nhạc lỗi lạc, nên thời sinh viên tôi đã có suy nghĩ bảo thủ cho rằng không cần thiết phải soạn tổng phổ bằng máy tính. Bởi tôi nghĩ tổng phổ viết bằng giấy bút có hồn hơn, trông có cảm xúc hơn, và thậm chí với một số ít nhà soạn nhạc nổi tiếng thì tổng phổ viết tay của các Ngài ấy đẹp như một bức hoạ mà chẳng bao giờ máy móc làm được... Trong khi đó phần mềm chép nhạc trên máy tính còn nhiều hạn chế...

Nhưng đến khi phải viết cho dàn nhạc rồi thì mới thấy những ưu điểm của máy tính mà viết tay không thể có được. Ví dụ:

- Tốc độ nhập nốt nhanh hơn nhiều lần. Chẳng hạn khi ta viết liên tục một đoạn dài các chùm tiết tấu móc kép hoặc móc tam... thì viết tay phải tô từng cái đầu nốt và vẽ cái đuôi nốt, trong khi đó trên máy nếu ta nhập bằng keyboard thì tốc độ nhập nốt nhanh gần như khi ta chơi đàn.

- Nếu viết bằng tay thì ta phải viết tất cả các cái gạch nhịp cho từng ô, phải viết lại tên viết tắt và khoá nhạc cùng hoá biểu cho từng dòng nhạc cụ khi sang trang mới... Trong khi đó, những việc phụ nhàm chán này thì máy tính sẽ tự động làm hộ ta hết, thậm chí ngay cả việc cân chỉnh cho các nốt nhạc thẳng hàng theo vị trí chiều dọc hoặc sự co giãn hợp lý của chiều rộng phù hợp với riêng từng ô nhịp cũng được tự động hoá...

- Đặc biệt với Công đoạn tách phân phổ, nếu chép bằng tay thì sẽ mất rất nhiều thời gian, và ngày chưa có máy photocopy thì mỗi lần biểu diễn người ta lại phải chép lại tất cả phản phổ cho từng người chơi, trong khi máy tính sẽ giúp ta làm việc này một cách nhanh chóng.

- Trong tổng phổ, có rất nhiều lúc các nhạc cụ đi unison với nhau. Nếu viết tay thì ta phải chép lại toàn bộ, trong khi đó với máy tính, ta chỉ việc copy and paste một cách nhanh chóng, và rất thuận tiện cho việc copy những đoạn tái hiện nguyên dạng, hoặc dịch giọng...

- Quan trọng hơn cả là sự chính xác của tổng phổ. Nếu chép bằng bút, bạn sẽ không thể kiểm soát các loại lỗi và nếu một nốt nhạc bị viết nhầm thì cả trang tổng phổ phải làm lại. Trong khi đó, máy tính có thể tẩy xoá sửa chữa tất cả mọi lỗi, thậm chí nó còn có thể nhắc nhở ta khi mắc lỗi, kể cả lỗi về âm vực của nhạc cụ...

- ...

Không thể kể hết được ưu điểm của việc soạn tổng phổ trên phần mềm của máy tính. Tuy vậy, sự quan sát, thẩm mĩ và sự làm chủ mọi tình huống của người viết nhạc cũng khá quan trọng, bởi máy tính hỗ trợ để làm cái ta muốn, nó chỉ là người giúp việc đắc lực cho nhạc sĩ mà thôi. Do vậy, muốn làm ra các tổng phổ đạt tiêu chuẩn ở mức trung bình thì sinh viên chắc chắn là cần có nhiều năm tập viết tổng phổ bằng giấy bút trước đó.

Chợt muốn chia sẻ đôi điều với các bạn sinh viên sau khi sống lại cái cảm giác "bảo thủ" bởi phải bất đắc dĩ viết tổng phổ bằng giấy bút sau 15 năm dùng máy.

Hình ảnh những trang tổng phổ lem nhem tẩy xoá ở đây dùng để minh chứng cho cái sự chấm hết đương nhiên của thời viết tay.

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...