Khó để bảo tồn âm nhạc dân gian Chăm!

16/06/2015

Nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nền âm nhạc dân gian Chăm, gần 5 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức sưu tầm hơn 70 điệu trống Ghi-năng (nhạc cụ truyền thống của người Chăm) và gần 200 bài dân ca tại các tỉnh có đông đồng bào Chăm như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định và Phú Yên. Tuy nhiên, việc làm này hiện chỉ là tư liệu nằm “bất động” trong những ngăn tủ của Trung tâm.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận, hiện trung tâm này đã sưu tầm và ký âm hơn 90 bài dân ca với sự thể hiện của 36 nghệ nhân. Ngoài ra, Trung tâm cũng tập hợp gần 60 bài dân ca Chăm H’roi do 27 nghệ nhân ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên thể hiện.

 
Các văn bản sưu tầm đang nằm bất động trong tủ

Ông Thập Liên Trưởng, Trưởng Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận cho biết, hầu hết các bài dân ca đều xoay quanh các chủ đề như: Đề cao công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, lao động sản xuất và nhiều nhất là đề tài tình yêu đôi lứa… với nhiều làn điệu khác nhau.

Hiện nay, công tác sưu tầm và phát triển âm nhạc dân gian Chăm chỉ dừng lại ở phần sưu tầm tư liệu. Các nghệ nhân tuổi đã cao, còn thế hệ trẻ không mấy mặn mà, các làn điệu dân ca Chăm cũng từ đó mà rơi rụng theo tháng năm.

Bà Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian Chăm hiện rất khó khăn. Phương thức truyền dạy theo kiểu dân gian hiện nay không còn nữa. Trong khi các kênh truyền dạy khác chưa triển khai, như: Truyền dạy trong các trường học, qua hệ thống phát thanh, truyền hình. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn tại Trung tâm vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Thu cho biết thêm: “Một cái khó khăn trong bảo tồn và phát huy đó là công tác phổ biến rất hạn chế. Chẳng hạn như công tác xuất bản, sau khi sưu tầm về chúng tôi nghiên cứu, đánh giá, phân loại nhưng không có kinh phí để xuất bản bằng những ấn phẩm như sách, đĩa, DVD, CD để phổ biến rộng rãi ra công chúng để mọi người biết đến nền văn hóa rất độc đáo của người Chăm”.

Để những tư liệu đang nằm “bất động” ấy trở thành nguồn thông tin quý giá cho thế hệ con em người Chăm đang rất cần có những cách làm thiết thực, hiệu quả. Có thể quảng bá sâu rộng âm nhạc dân tộc trong cộng đồng Chăm, đưa âm nhạc dân tộc vào học đường...

Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam cho biết: “Trung tâm đã đưa sân khấu âm nhạc dân tộc vào học đường rồi. Chính phủ cũng đã ra quyết định cho thực hiện tiếp từ nay đến năm 2020. Bản thân tôi cũng mong muốn chương trình này nhân rộng ra toàn quốc. Bởi vì chúng ta biết âm nhạc dân tộc Việt Nam là 54 dân tộc và rất đa dạng và phong phú. Mỗi vùng miền có một bản sắc âm nhạc riêng. Chính các em là bảo tàng sống để gìn giữ âm nhạc dân tộc này”.

Ngoài ra, muốn bảo tồn và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian Chăm nói riêng, chúng ta phải có cơ chế chính sách đặc biệt cho nghệ thuật dân gian truyền thống, cần có chiến lược giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần tổ chức nhiều hơn những cuộc liên hoan dân ca, liên hoan âm nhạc dân tộc… bởi những hoạt động này góp phần khuyến khích người dân và nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên quan tâm hơn đến âm nhạc dân tộc để thưởng thức, giữ gìn, phát huy./. 

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...