Xe tăng trên phố và âm nhạc vẫn vang lên từ nhà hát

02/04/2015

Những ngày này tại Donetsk, khi tất cả dân chúng, từ trẻ em cho đến người già, đều đã có thể phân biệt được những tiếng nổ đang đe dọa cuộc sống của họ là hỏa lực xe tăng, súng cối hay hỏa tiễn, thì cuối tuần họ vẫn đến Nhà hát thành phố, chọn lựa giữa Verdi hay Puccini, Strauss hay Bizet để thưởng thức.


Biển chỉ dẫn đường xuống hầm trú ẩn trong Nhà há

Tại một thành phố mà quân lính và xe tăng đi lại đầy đường, hơn nửa cư dân đã sơ tán và hầu hết các cửa hiệu, nhà hàng đều đóng cửa, thì việc Nhà hát opera Donetsk vẫn hoạt động quả là đáng ngạc nhiên. Tuy không thành viên nào được nhận lương đã hàng tháng trời, và cả bốn nhạc trưởng cùa nhà hát đều đã rời thành phố, các nghệ sĩ vẫn bất chấp nguy hiểm để đến nhà hát làm việc hằng ngày như bình thường. Đối với họ, duy trì sự hoạt động của nhà hát mang một ý nghĩa tinh thần mà chỉ có người trong cuộc hiểu.

“Dù người dân không đến nghe nhạc nhưng chỉ cần họ biết là Nhà hát vẫn mở cửa thì đó đã là sự khích lệ tinh thần lớn cho toàn cư dân thành phố rồi, bởi nó khiến mọi việc có vẻ vẫn như bình thường,” theo lời ca sĩ giọng nam trung Sergei Dubnitsky, người hát chính trong vở opera Die Fledermaus của Johann Strauss tại Nhà hát Donetsk cuối tháng Một vừa qua. Ngoài hát trong các vở opera, Dubnitsky còn bắt đầu học chỉ huy và đã chỉ huy vở La Traviata tại nhà hát.

Dubnitsky kể, các nghệ sỹ biểu diễn thường cảm nhận được rõ một buổi biểu diễn có kết nối được với khán giả không, và thật lạ là trong những buổi biểu diễn của mùa này - cả những buổi diễn tốt lẫn chưa tốt - khán giả có vẻ chăm chú và gắn kết với âm nhạc hơn.

“Khi xung quanh bạn chỉ toàn những điều xấu xí thì bạn lại càng trân trọng nghệ thuật và cái đẹp hơn.” Galina, nữ y tá 42 tuổi, đã nói như vậy khi đưa hai con mình đến nhà hát để làm chúng vui lên.

Âm nhạc xua đi tiếng bom

Nhà hát Donetsk bắt đầu mở cửa vào tháng Tư năm 1941, chỉ vài tháng trước khi quân Quốc xã chiếm đóng thành phố có tên gọi bấy giờ là Stalino. Tọa lạc trên con phố chính của thành phố, Nhà hát mang phong cách kiến trúc Stalin tân cổ điển (Stalinist neoclassic), với khán phòng 960 chỗ ngồi long trọng, tiền sảnh được trang trí hoa mỹ với tượng chân dung của hai đại văn hào, Alexander Pushkin của Nga và Taras Shevchenko của Ukraina.

Cho đến nay, may mắn là chưa thành viên nào của Nhà hát nằm trong số 5.000 người đã bỏ mạng kể từ khi nổ ra xung đột giữa nhóm li khai địa phương và nhóm trung thành với chính phủ Kiev. Tuy nhiên, tháng Chín năm ngoái, nhà kho của Nhà hát ở ngoại ô thành phố cũng bị trúng đạn pháo, phá hỏng đạo cụ sân khấu của nhiều vở diễn, bao gồm cả các đạo cụ cho The Flying Dutchman - vở diễn “tủ” của nhà hát.

Trước mùa diễn mới vào tháng Mười, Vasily Ryabenky – người giữ cương vị giám đốc nhà hát suốt hơn hai thập kỷ qua - đã trưng cầu ý kiến tập thể về việc họ có nên tiếp tục mở cửa Nhà hát hay không. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng họ cần phải tiếp tục làm việc, và họ đã diễn vở Die Fledermaus vào mùng 4/10.

Phó giám đốc nhà hát Natalia Kovalyova kể, vé của buổi diễn hôm đó được phát miễn phí và đã có một hàng dài hàng trăm người chờ nhận vé. Những người không có vé đã buồn đến nỗi cuối cùng Nhà hát phải cho mọi người vào ngồi tràn ra cả bậc thang hoặc đứng ở cánh gà. Hai cụ bà thậm chí còn khóc và hôn tay giám đốc nhà hát để cảm ơn việc ông đã mở cửa mùa diễn này.

Nhưng chỉ ba ngày sau đó, ông Ryabenky đã bị một cơn đau tim và qua đời ở tuổi 55. Các đồng nghiệp của ông đều cho rằng đây rất có thể là kết quả của những căng thẳng mà ông đã phải chịu đựng trong việc giữ cho Nhà hát có thể mở cửa trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Sau đó, một giám đốc bảo tàng địa phương được cử làm giám đốc thay thế, và các thành viên Nhà hát quyết định phải tiếp tục biểu diễn đúng lịch trình của mùa diễn.

Vì lý do an ninh, các buổi diễn giờ đây chỉ diễn ra vào ban ngày và chỉ vào cuối tuần. Đôi khi, các buổi diễn cũng bị hủy nếu trùng vào ngày thành phố để tang các nạn nhân của các cuộc đụng độ. Hay như một xuất diễn chiều Chủ nhật của vở Die Fledermaus cũng suýt bị hủy do nhà máy điện địa phương bị nã súng và phải cắt điện đúng một tiếng trước giờ Nhà hát mở màn. Nhưng cả nghệ sỹ lẫn khán giả không ai bỏ về mà kiên nhẫn ngồi chờ. Ba mươi phút sau giờ biểu diễn đã định, khi có điện trở lại, các nghệ sỹ vội vàng hóa trang và khởi động chỉ trong vòng mười lăm phút. Vở opera lại được diễn như chưa từng có chuyện gì xảy ra trước khoảng hơn 200 khán giả.

Phó giám đốc nhà hát Igor Ivanov cho biết, đôi khi họ phải cho mọi người sơ tán xuống hầm trú bom bên dưới Nhà hát do pháo bắn quá gần trung tâm. Nhưng chưa bao giờ khán giả rời ghế giữa buổi biểu diễn vì tiếng súng cả, họ quá tập trung nghe nhạc đến mức chẳng còn nghe thấy tiếng gì khác xung quanh.

Từ khi khủng hoảng giữa nhóm li khai thân Nga và chính phủ Kiev nổ ra ở Ukraina cuối năm 2013, thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraina đã rơi vào miền chiếm đóng của quân nổi dậy đòi quyền tự trị và trở thành một trong những mặt trận nóng giữa lực lượng này và quân đội chính phủ. Đã liên tiếp xảy ra các cuộc nổ súng giữa lực lượng hai bên, gây nhiều tổn thất nặng nề cho thành phố. Theo thống kê, tính đến tháng Hai năm 2015, hơn 12% cơ sở vật chất sinh hoạt của người dân đã bị phá hủy, nhiều đường ống nước, đường điện cũng bị tàn phá, khiến cho nhiều cư dân phải đi sơ tán.

Không lương, nhưng vẫn trụ lại

Nghệ sĩ 80 tuổi Lidia Kachalova đã làm việc cho Nhà hát từ năm 1958 với vai trò nghệ sĩ độc tấu và hiện giờ là quản lý sân khấu. Bà sống gần nhà ga Donetsk - một khu chiến sự rất căng thẳng trong mấy tháng gần đây, nhưng vẫn nhất quyết không đi khỏi thành phố cho dù hầu hết người thân của bà, kể cả con cái, đã sơ tán về vùng Tây Ukraina.

Giọng nam trung Dubnitsky đã nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ thành phố, nhưng rồi ông lại nghĩ đến những buổi biểu diễn, đến những khán giả còn lại ở thành phố này, và cảm thấy mình có một trách nhiệm đạo đức phải ở lại. Ông nói: “Ta có thể chữa trị các vết thương bằng thuốc, nhưng nghệ thuật mới là thuốc cho tâm hồn.”

Một nghệ sỹ khác nói: “Chúng tôi đang trụ lại mà không nhận được một sự giúp đỡ hay đồng lương nào. Tình trạng của chúng tôi thực sự rất khó khăn. Nhưng, nếu không tiếp tục làm việc và tiếp tục hát thì coi như cuộc sống của chúng tôi đã chấm dứt.”

Ở Donetsk hiện giờ, đồng tiền rất đáng quý. Kinh phí chu cấp cho nhà hát được chuyển đến trong một bao tải dưới dạng tiền mặt. Tất cả mọi người, từ giám đốc điều hành cho đến nhân viên lau dọn đều được trả một khoản 3.000 rúp, và số tiền còn lại được sử dụng để mua thuốc thang. Các nghệ sỹ biểu diễn cũng chỉ được nhận đúng một khoản lương đã bị cắt giảm trong vòng nửa năm trở lại đây. Đã có những cá nhân, tổ chức tình nguyện quyên góp, nhưng Nhà hát không thể nhận được bởi, như tất cả những người khác ở Donetsk, họ không thể truy cập vào tài khoản ngân hàng được nữa. Nhiều nghệ sỹ còn không đủ tiền chi trả cho những nhu cầu tối thiểu nhưng vẫn tiếp tục biểu diễn.

Trong Nhà hát, mọi người cố không đề cập đến chính trị, nhưng vẫn có một sự chia rẽ rõ ràng. Một trong những giọng nữ cao hàng đầu của Nhà hát vừa được nhận giải thưởng doTổng thống Petro Poroshenko trao ở Kiev tháng 11 vừa rồi, trong khi một nhóm ca sĩ của Nhà hát biểu diễn tại một bệnh viện cho những người li khai bị thương.

Bà Kachalova nói: “Tôi không biết ai đúng, ai sai cả, có lẽ chỉ Chúa mới biết được. Tôi chỉ biết rằng, tất cả những chuyện này không nên xảy ra.” Đối với bà, và có lẽ với tất cả những ai khác còn trụ lại, giải pháp để tồn tại trong cảnh loạn lạc này là dựa vào âm nhạc: “Bạn bước ra khỏi nhà vào buổi sáng, băng giá trên mặt đường, gió tạt vào mặt bạn, tuyết rơi, và tiếng bom nổ khắp mọi nơi. Còn gì tốt hơn là tiếp tục bước đi và nhẩm hát một khúc nhạc của Strauss cho bản thân mình?”

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...