Liên kết trên sóng truyền hình: Khi đồng tiền thao túng tất cả
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ra văn bản dừng cấp phép một loạt chương trình trên sóng VTV. Với quá nhiều chương trình liên kết trên sóng truyền hình quốc gia hiện nay, việc làm này của Bộ TT&TT được xem là động thái mạnh tay của cơ quan quản lý nhưng cũng có không ít ý kiến cho thấy sự bất ngờ và khó xử.
Động thái kiên quyết
Theo quyết định của Bộ TT&TT, Bộ sẽ tạm dừng cấp giấy phép sản xuất các chương trình truyền hình mới mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hợp tác sản xuất với Cty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) và Cty TNHH quảng cáo, tư vấn và tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa.
Sở dĩ có quyết định trên, do có khá nhiều chương trình truyền hình do hai Cty trên hợp tác với VTV sản xuất và phát sóng mắc sai phạm. Rà soát của Bộ TT&TT cho thấy, các chương trình mắc sai phạm phần lớn tập trung vào các chương trình giải trí, gameshow phát sóng trên kênh VTV3 do VTV hợp tác sản xuất với các DN, trong đó có nhiều chương trình để xảy ra sai phạm lặp đi lặp lại nhiều lần.
Các sai phạm trong các chương trình hợp tác sản xuất này gồm: Thông tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam và những sai phạm về quảng cáo... Việc Bộ TT&TT quyết định tạm dừng cấp giấy phép các chương trình hợp tác sản xuất với các DN, dự kiến phát sóng trên kênh VTV3, là để VTV tập trung có các biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung các chương trình trước khi phát sóng.
Theo quyết định, Bộ TT&TT sẽ không xem xét cấp phép cho 4 chương trình mà VTV đã nộp hồ sơ xin cấp phép gồm: Đẹp Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol), Sáng tạo Việt và Cái lý- cái tình (dự kiến phát sóng trên kênh VTV3).
Ngoài ra, Bộ cũng vừa có văn bản trả lời sẽ không cấp phép cho 3 chương trình VTV đang gửi hồ sơ xin cấp phép là: Chuyện đêm muộn, Tim kiếm tài năng châu Á và Khí phách Việt Nam. Ba chương trình này do VTV hợp tác với các đối tác liên kết sản xuất là Cty TNHH truyền thông Dolphin, Cty BHD và Cty CP truyền thống AHC Việt Nam.
Có thể thấy, BHD và Cát Tiên Sa là hai DN hợp tác liên kết sản xuất nhiều chương trình với VTV nhất trong số các đối tác của VTV, trong đó có nhiều chương trình do hai Cty trên sản xuất thu hút sự quan tâm của khán giả truyền hình như Bước nhảy hoàn vũ, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Giọng hát Việt...
Trong quyết định mới này, Bộ TT&TT cũng có những yêu cầu khá kiên quyết: Với những chương trình mà giấy phép đã được cấp còn hiệu lực, nếu trong thời gian tới để xảy ra các sai phạm, Bộ sẽ thu hồi giấy phép và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định
Trước thông tin này, rất nhiều khán giả tỏ về đồng tình với biện pháp mạnh của cơ quan quản lý. Vì sao lại như vậy?
Có thể thấy, những vi phạm liên tiếp, trong năm qua của VTV đã khiến khán giả hoài nghi về chất lượng thông tin: Chương trìnhX-Fơctor để thí sinh lấy khăn piêu quấn làm khố biểu diễn trên sân khấu, Chuyển động 24h gây phản ứng khi thông tin về năm sinh của cầu thủ bóng đá Công Phượng...
Chưa kể đến hàng loạt chương trình truyền hình thực tế dành cho lứa tuổi thiếu nhi bị nhận xét là không phù hợp như: Giọng hớt Việt nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí khi các em thường biểu diễn những tác phẩm được "người lớn hóa".
Nguyên nhân lớn nhất khiến VTV bị phản ứng dữ dội trong các chương trình truyền hình thực tế là: Chiêu trò và quảng cáo. Các chương trình đang dựa vào lượng người xem để tăng biểu phí quảng cáo. Và để thu hút người xem nhằm tăng lợi nhuận kinh tế, nhiều chương trình bắt đầu tung chiêu trò: Lộ nghi án dàn xếp kết quả, ồn ào của thí sinh với giám khảo, thí sinh tham gia chương trình thực tế nói bậy, lừa khán giả và ban tổ chức...
Chính vì mục đích thương mại được đặt nặng nên mục đích giáo dục ít được chú ý. Nếu chỉ đơn thuần là một chương trình giải trí thì khán giả rất khó để ngồi xem với những thế hệ khác nhau trong gia đình. Hiện nay, chương trình đang thu hút đông đảo người xem là The Remix- Đúng nghĩa đơn thuần giải trí và là cuộc chiến bình chọn của các fan khiến không ít người ngán ngẩm.
Cần trình độ, năng lực của người làm chương trình
Rõ ràng, trước sự mạnh tay của cơ quan quản lý, rất nhiều người hi vọng về việc sẽ giảm tải các chương trình thực tế đang trong cơn bội thực hiện nay. Nhưng không ít ý kiến bày tỏ sự bối rối.
Trong xu hướng xã hội hóa truyền hình, việc nhiều Cty hợp tác sản xuất với các đài truyền hình là điều tất yếu. Chính nhờ sự hợp tác này mà nhiều bản quyền truyền hình nước ngoài có cơ hội xuất hiện trong nước.
Trên thực tế, nhiều chương trình của các nhà sản xuất liên kết (không chỉ BHD hay Cát Tiên Sa) đã vướng phải những vấn đề chưa hay, chưa đẹp về cảm quan cũng như về nội dung... nhưng cũng không thể chối bỏ sự đóng góp và nỗ lực không ngừng của nhiều Cty liên kết trong đời sống giải trí Việt Nam. Vì thế, nếu không phân loại rõ ràng các chương trình, thiếu tiêu chí chấm điểm các chương trình thì dễ đồng hóa tất cả các chương trình ấy theo hướng: Khen hết cỡ hoặc chê hết lời.
Đến thời điểm này, Đài truyền hình Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về việc dừng các chương trình truyền hình như Vietnam Idol, Đẹp Việt, Sáng tạo Việt, Cái lý - cái tình, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Biên tập- Thư ký nhà đài, cho hay, hiện đang đi công tác nên không thể trả lời nội dung mà báo chí đang quan tâm: "Chúng tôi sẽ có thông tin sớm nhất gửi tới báo chí và khán giả truyền hình".
Đáng lưu ý nhất là trường hợp của Vietnam Idol. Trước thời điểm có thông tin dừng cấp phép, êkip sản xuất chương trình năm 2015 vừa kết thúc chặng tuyển sinh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào ngày 17-3 với số lượng thí sinh tham gia đông kỷ lục: Riêng Hà Nội đã có khoảng 7.000 thí sinh. Hiện nay, theo lịch trình sản xuất mới nhất của Vietnam Idol, vòng sơ tuyển tại TP HCM sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và 31-3. Đơn vị sản xuất chương trình cho biết, sẽ vẫn tiếp tục ghi hình chương trình cho đến khi nhận được câu trả lời chính thức của VTV.
Điều đáng nói ở đây là một văn bản tạm dừng có làm cho chất lượng các chương trình liên kết sóng truyền hình tốt hơn không? Chương trình sai phạm và có yếu tố không phù hợp là do đâu, bản thân nội dung chương trình không phù hợp hay do cách thức, đội ngũ những người thực hiện?
Tại sao các chương trình thực tế ở nước ngoài vẫn được duy trì liên tiếp qua nhiều mùa, chương trình giải trí vẫn được đánh giá cao, thu hút người xem và vẫn được cho là có tính giáo dục, thậm chí là nhân tố để phát triển ngành công nghiệp giải trí nước họ? Và tại sao vẫn format chương trình ấy khi về Việt Nam lại không được như kỳ vọng, nhiều sạn và bị khán giả la ó?
Không phải cứ bê nguyên một chương trình hay từ quốc tế về Việt Nam là xong chuyện. Nó cần trình độ, năng lực của người làm chương trình, trình độ của người chơi và trên hết là tương tác giữa trò chơi và khán giả - điều chúng ta làm còn kém.
Trước quyết định cứng rắn của Bộ TT&TT, khán giả mừng, nhưng sau đó là một nỗi lo dài hơn: Bởi, không thể cấm mãi, điều quan trọng là chất lượng của những người tham gia sản xuất chương trình truyền hình theo hướng liên kết và sự kiểm duyệt trước giờ lên sóng liệu có văn bản nào khắc phục được ngay hay không?!
(Nguồn: http://motthegioi.vn)