Đá lộn sân, nhà hát về đâu?: 'No' siêu thị, 'đói' nhà hát

15/12/2014

Bộ VH,TT&DL đã đưa ra đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020, với tổng số tiền hơn 10.000 tỷ đồng. Trong số này, có 71 nhà hát trên cả nước cần được nâng cấp và xây mới. Nếu đề án này sau khi tranh cãi xong xuôi và được đi vào thực hiện thì phải đến 2020 mọi thứ mới thành hình.

Trong khi đó, thực tế hiện nay đang rất trái khoáy. Có những nơi nhà hát bị bỏ hoang, có những chỗ đỏ mắt chẳng biết tìm nhà hát ở đâu để làm show. Có những nhà hát, trung tâm văn hóa bị cải biến thành trung tâm tiệc cưới và thậm chí thành chuồng bò, chuồng trâu, chăn nuôi gia súc (theo lời GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam) và có những nơi công năng ban đầu là trung tâm hội nghị, tiệc cưới giờ thành nơi biểu diễn ca nhạc, thời trang cao cấp. Tình trạng đá lộn sân đang diễn ra rầm rộ và giờ, trong lúc chờ Nhà nước làm xong đề án, tình trạng ấy lại càng rầm rộ hơn.

Chỉ cần nhìn riêng TP.HCM, đô thị năng động nhất nước và là “thánh địa” của giới tổ chức biểu diễn sẽ thấy một sự bất hợp lý trong việc “chia” diện tích quy hoạch cho văn hóa, nó quá nhỏ nếu so với những trung tâm thương mại, siêu thị đang mọc lên như nấm.

Nếu năm 2010, TP.HCM có 92 trung tâm bách hóa, trung tâm mua sắm, khu bán lẻ, siêu thị, siêu thị với tổng diện tích khoảng 493.000m2 thì đến năm 2014 tổng diện tích sàn đã lên tới 870.000m2, gần gấp đôi và dự báo năm 2016 sẽ tăng thêm 375.000m2.

Lộn sân

Trong khi đó, gần 30 năm qua TP.HCM không có thêm một nhà hát đúng nghĩa. Cả thành phố hiện nay, quanh đi quẩn lại, muốn thưởng thức nghệ thuật “đúng chất” chỉ còn 2 nơi có thể đến, Nhà hát Thành phố và Nhà hát Hòa Bình. Đáng nói là Nhà hát Hòa Bình giờ đây đã quá cũ, hệ thống sân khấu quay, phông màn đã đến lúc phải đại tu từ lâu, đã thế giờ lại còn phải gồng mình thành rạp chiếu chim để tăng thêm thu nhập.


Ca sĩ Mỹ Tâm trong live show hồi tháng 8/2013 tại Queen Plaza (TP.HCM). Sân khấu thấp và ghế
không phân cao thấp đã hạn chế rất nhiều tầm nhìn của khán giả

Tương tự nếu nhìn ra Hà Nội, ngoài Nhà hát Lớn, những nhà hát mới được xây thất cách về địa điểm, trang âm hoặc độ sang trọng nên không thể đáp ứng được đòi hỏi của những chương trình lớn. Các nhà tổ chức vẫn phải lựa chọn 2 địa điểm là Cung Văn hóa Hữu nghị và Trung tâm Hội nghị quốc gia - vốn là hai nơi tổ chức hội nghị - để làm ca nhạc, mặc dù hai địa điểm này có quá nhiều vấn đề về sân khấu, hậu đài hoặc thẩm âm (acoustic).

Vậy là một lối thoát duy nhất được mở ra là “lấn” vào những trung tâm tiệc cưới cao cấp, nhà thi đấu thể thao… Từ đây, những nghịch lý xảy ra.

Một loạt live show của những ca sĩ “mạnh đạn” như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm “dạt” vào các trung tâm hội nghị tiệc cưới. Một loạt những chương trình ca nhạc lớn nhỏ dồn về Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), nhất là những chương trình nhạc điện tử. Những chương trình ca nhạc mang tính tạp kỹ thì đóng tại CLB Lan Anh. Những nhà sản xuất như Cát Tiên Sa với hàng loạt chương trình ca nhạc truyền hình thực tế mỗi năm nhảy cóc từ sân Phan Đình Phùng về Nguyễn Du rồi lại sang Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, rồi ngược về Nhà thi đấu Quân khu 7. Loạt chương trình đang rất thu hút hiện nay là Dấu ấn đóng đô ở Nhà thi đấu Nguyễn Du.

Đạo diễn Việt Tú, người rất thích làm những show lớn, phải trưng dụng cả Trung tâm Thi đấu thể thao dưới nước ở Mỹ Đình (Hà Nội) làm sân khấu biểu diễn, hoặc nhảy vào Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) để làm show ca nhạc, nơi có độ trễ âm thanh kỷ lục, tới gần 7 giây.

Ai cũng biết là nghịch lý nhưng vẫn phải làm. Vậy thì việc “bê” nghệ thuật ra mọi chỗ có đem lại những điều tích cực?

Phải nói một cách chắc chắn rằng, tất cả những trung tâm hội nghị tiệc cưới, nhà thi đấu được trưng dụng làm sân khấu biểu diễn hiện nay đều không đúng tiêu chuẩn cho chương trình ca nhạc.

Tiêu chuẩn của một nhà hát là phải bảo đảm yêu cầu về acoustic (thẩm âm), đó là điều tối quan trọng. Sau đó còn phải kể thêm các tiêu chuẩn khác: cánh gà, hậu đài, phòng hóa trang, có lối thoát hiểm… Một nhà hát tiêu chuẩn có những nguyên tắc không được thay đổi: Phần khán giả bao nhiêu thì phần sân khấu cũng phải rộng bấy nhiêu. Cánh gà hai bên phải rộng bằng diện tích sân khấu… Nhưng những tiêu chuẩn cơ bản như thế đều không có ở nhiều nơi.

CLB Lan Anh cốt cách vẫn là nhà thi đấu tennis và mỗi khi biểu diễn ca nhạc lại là một lần thách thức với đạo diễn khi tìm cách “cứu” âm thanh, chưa kể khán giả ngồi khán đài bị góc nhìn chéo. SECC mỗi lần diễn nhạc khán giả luôn cảm thấy tức ngực vì bị dội âm. Theo tính toán của những nhà tổ chức, chỗ này mức độ trễ âm lên đến 5 giây, chỉ khá hơn Cung Thể thao Tiên Sơn! Những khán giả thích chương trình Giọng hát Việt hay Nhân tố bí ẩn mỗi khi đi xem trực tiếp tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng đều thấy một thực tế là âm thanh quá tệ. Dù đã giăng vải cách âm gần 1/3 nhà thi đấu nhưng nhà tổ chức không cách nào điều chỉnh để tốt hơn được. Và điều này cũng ảnh hưởng đến âm thanh lên sóng truyền hình.

Nhưng nếu không làm ở những chỗ này thì biết làm ở đâu?


Hồ Ngọc Hà trong live show kỷ niệm 10 năm ca hát tại GEM Center. Góc máy này là nơi duy
nhất có thể chụp được toàn bộ sân khấu, còn khán giả cứ phải nhoài đầu lên xem.
Đến nỗi có những người ngồi sau phải hét to: “Đề nghị camera di chuyển chỗ khác để
chúng tôi có thể xem được”. Nhưng chẳng có chiếc camera nào được chuyển đi khán
giả cứ phải nhấp nhỏm

Hệ lụy rõ ràng

Ai đã từng đi xem live show của Đàm Vĩnh Hưng tại Trung tâm Hội nghị White Palace cũng đều ngán ngẩm với âm thanh bị dội, ghế ngồi không phân cao thấp khiến khán giả ngồi sau không thể xem được. Điều này cũng từng thấy tại live show Acoustic - Gửi tình yêu của em của Mỹ Tâm tại Queen Plaza, khán giả liên tục phải nhoài cổ để xem khi những hàng ghế cũng chẳng phân cao thấp.

Và rồi đến trung tâm hội nghị mới nhất vừa khánh thành - GEM Center - cũng có tình trạng y như vậy. Cần nói thêm rằng hiện đang có những tín hiệu nhảy vào đầu tư sân khấu biểu diễn ca nhạc của tư nhân nhưng kết quả không khả quan. Bằng chứng như GEM Center được đầu tư rất nhiều, hiện đại cũng thuộc hàng bậc nhất, kiến trúc cũng rất đẹp nhưng hạng mục dành cho văn hóa ở đây dường như được đứng sau cùng.

Show diễn kỷ niệm 10 năm ca hát của Hồ Ngọc Hà mới đây đã chỉ ra rất nhiều điểm thất cách của GEM Center đối với trình diễn ca nhạc. Sân khấu thấp, hệ thống âm thanh không được thiết kế đúng chuẩn, chỗ ngồi cũng y chang những trung tâm hội nghị khác, khán giả toàn phải nghểnh cổ lên xem.

GEM Center được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng nhưng dường như không mấy quan tâm về âm thanh, ánh sáng nhà hát và không hiểu cách nào để xử lý cả gần 2.000 con người đi ra và đi vào chỗ biểu diễn ấy. Và lại càng không quan tâm gì về hậu đài, đạo cụ. Ví dụ thêm như show Đỗ Mạnh Cường, một chương trình được nhiều người đánh giá là hoàn hảo ở GEM nhưng ít ai biết ê-kíp dàn dựng đã vất vả thế nào trước đó. Nếu show này làm ở một nơi đúng tiêu chuẩn thì đạo cụ sẽ được chuyển rất dễ dàng nhưng lần này với những bức tượng lớn, đạo diễn Phạm Hoàng Nam buộc phải dùng đến 10 chuyến xe tải. Chưa kể công đoạn đưa vào rất vất vả vì tượng lớn không thể lọt vừa cửa thang máy.

Cần nhớ lại rằng, vụ Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2008 đã “đẻ” ra hai nhà hát bỏ hoang ở Khánh Hòa và Bình Dương. Có người cho rằng đó là “thành quả” của tình thế nhưng nó cho thấy tầm nhìn của các nhà đầu tư hiện nay vẫn cứ đặt văn hóa ở sau cùng. Sắp tới đây, Hoa hậu Việt Nam sẽ tổ chức tại Vinpearl Phú Quốc nhưng ở đó chẳng có một sân khấu nào và bây giờ một sân khấu đang được cấp tốc dựng lên với giá trị hàng tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là: Sau đó hàng tỷ đồng ấy sẽ thành phế liệu?

Nhà hát mang bộ mặt văn hóa rất lớn. Các rạp chiếu phim sau bao năm khan cổ vì khát thì bây giờ thừa mứa trong các trung tâm giải trí. Các nhà đầu tư nhìn thấy thị trường ấy và họ sẵn sàng chơi tới cùng. Kết quả là họ đã thắng. Nhưng còn nhà hát, bao giờ những nhà đầu tư lại thấy triển vọng tươi sáng của nó? Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài từng định đến Việt Nam nhưng rồi phải bỏ vì nhà hát ở đây không đủ tiêu chuẩn. Công chúng Việt thì dường như vẫn cứ hài lòng với chất lượng hiện nay trong khi đúng ra họ có toàn quyền được đòi hỏi phải nâng cấp chất lượng. Không có nhiều nhà hát đúng nghĩa, không có thánh đường âm nhạc đúng nghĩa, điều đó cũng sẽ là một phần giải thích vì sao Việt Nam chỉ toàn ngôi sao giải trí mà thưa vắng những ca sĩ thực thụ.

Thông tin mới nhất là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã phải chuyển địa điểm biểu diễn chương trình Thương hoài ngàn năm 2 vào ngày 13/12 từ GEM Center sang SECC. Lý do được đưa ra là anh sẽ bê nguyên một chiếc Rolls Royce mạ vàng có giá trị khoảng 40 tỷ lên sân khấu. Mà chiếc xe dài 5,4m, không thể vận chuyển lên tầng 5 GEM Center được.

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...