Đẩy trẻ em vào vòng xoáy showbiz

09/12/2014

Khai thác quá mức tài năng nhỏ ngay từ khi các em mới xuất hiện trước công chúng, với lịch chạy show khá dày, là cơ hội hay mối nguy cho việc học và sự trưởng thành ở các em? Đẩy trẻ em sớm vào vòng xoáy showbiz là điều tốt hay là sự “bóc lột”?


Thí sinh “Giọng hát Việt nhí” khóc nức nở khi bị loại.

Món lời lớn của bầu sô

Nhắc đến Phương Mỹ Chi, người ta nghĩ ngay đến hiện tượng nổi tiếng ngoài sức tưởng tượng từ năm lên 10. Á quân "Giọng hát Việt nhí" này còn nổi hơn quán quân rất nhiều, với độ nóng sốt của tên tuổi nhích lên từng ngày. Không phủ nhận, cuộc thi đã đổi đời cho cả gia đình em, giúp em có môi trường học tốt hơn, có điều kiện đi nước ngoài nhiều hơn, nhưng cũng có nghĩa, thế giới showbiz vừa chạm ngõ với em. Lịch diễn bị cho là khá nhiều, việc học bị ảnh hưởng không ít do chạy show, chưa kể cuối tuần đi hát, cuộc sống của người nổi tiếng quá sức chịu đựng với một em nhỏ.

Theo sau đó là cả một rừng người hâm mộ, cũng như bị nhiều người ganh ghét. Nhiều người cho em là thí sinh may mắn, nhưng cũng có người lo lắng cho tuổi thơ bị đánh cắp. Kế tiếp sau Phương Mỹ Chi là cô bé Thiện Nhân, hát như lên đồng “Cô Đôi Thượng ngàn”, cũng rời quê Nam tiến. Sự nghiệp ca hát của em chưa biết thế nào, nhưng rõ ràng, việc bứt em nhỏ ra khỏi gia đình từ sớm, lao vào vòng xoáy showbiz theo sự điều hành của bầu sô là điều rất đáng lo.

Khai thác tài năng trẻ em ngay từ khi còn nhỏ là đích đến của nhiều chương trình truyền hình thực tế, bởi lẽ, lượt người xem các chương trình này rất đông. "Giọng hát Việt nhí" luôn dẫn đầu các bảng xếp hạng của nhà đài, và ngay khi cuộc thi mùa đầu kết thúc, chương trình vẫn còn làm mưa làm gió nhiều tháng sau nữa. Lúc đầu, nhiều người ngạc nhiên vì hiện tượng này, song càng về sau, nếu so sánh các chương trình thực tế giữa người lớn và trẻ em, có thể thấy, sân chơi nhí thường gom được cả khán giả đủ độ tuổi.

Đó cũng là lý do "Tìm kiếm tài năng" chọn ra được quán quân nhí, kể từ sau đó, các giọng ca, nhóm múa nhí thường có đất so tài hơn. "Bước nhảy hoàn vũ nhí", "Vũ điệu tuổi xanh", "Đồ Rê Mí", "Gương mặt thân quen nhí", sắp tới là "Vua đầu bếp nhí", rồi hàng loạt game show hướng đến đối tượng nhỏ tuổi như "Trẻ em luôn đúng", "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5", "Bố ơi, mình đi đâu thế"… Dẫu biết truyền hình thực tế là sắp đặt, là làm tổn thương trẻ con, nhưng mấy bậc phụ huynh nào kịp nhìn lại, khi “làn sóng showbiz” cuốn cả họ và con em mình vào nhịp tung hô của nó, đưa bé lên cao, rồi cũng hạ xuống đất mà chưa hết chóng mặt. Người ta thích xem chương trình trẻ em, vì ít nhiều còn lưu lại nét hồn nhiên, bất ngờ, thay vì những gương mặt nghệ sĩ đã mòn chán trên màn hình.

Chưa đủ sức tự vệ

Cuộc chạy đua của phụ huynh cho con cái giành chiến thắng rất căng thẳng, nhưng căng thẳng hơn là kỳ vọng của cha mẹ đặt nặng lên con cái họ. Trẻ em vô tình trở thành niềm hy vọng, ảo tưởng lớn cho họ, và bị hướng đến cuộc chơi của người lớn. Những giọt nước mắt của các bé khi bị loại cho thấy chúng chưa đủ sức để kháng cự những cảm xúc tiêu cực, những ganh đua thắng thua, và cả tâm lý hụt hẫng, cũng như đối xử không công bằng. Thử tưởng tượng các em bị đẩy lên thành người nổi tiếng, bị cuốn vào vòng thị phi, những lời khen chê, "ném đá" trên mạng, trên báo chí… điều đó khủng khiếp ra sao.

Riêng chuyện học, tương lai của Phương Mỹ Chi, việc chọn ông bầu, rồi hét cátsê, lưu diễn ở nước ngoài đã làm tốn giấy mực không biết bao nhiêu tờ báo. Đơn giản, cô bé đang là tâm điểm chú ý, lượng người đọc cùng fan rất cao. Quang Anh bị cuốn vào cuộc kêu gọi bình chọn cả tỉnh của mình, Thiện Nhân bị đồn là "gà" của Cẩm Ly.


Thí sinh “Giọng hát Việt nhí” kinh hoàng khi sân khấu bị sập, BTC chỉ
việc xin lỗi là... xong”.

Điều đó còn chưa đáng sợ bằng việc các em bị biến thành những ca sĩ lớn chuyên nghiệp, hát những bài tình yêu tiếng Anh lẫn tiếng Việt với độ khó cao, rồi nhảy nhót, lắc hông, trang điểm già chát… Nghĩa là người lớn ra sức biến các em thành chính mình, còn các em, gắng vui lòng người lớn, cũng có nghĩa đánh mất sự hồn nhiên.

Thí sinh "Bước nhảy hoàn vũ nhí" 9 tuổi đã lắc mông, múa cột. Thí sinh "Đồ Rê Mí" biến thành những rocker thu nhỏ già dặn, thí sinh "Giọng hát Việt nhí" được ca ngợi như những giọng ca khủng, sau đó thì bị loại khỏi cuộc chơi thẳng tay. Nước mắt rơi thê thiết giữa thí sinh nhí và huấn luyện viên, tạo nên không ít cảnh khó xử.

Các nhân tố gây xúc động cho chương trình còn mang tính gượng ép, như trường hợp “ép” bé Huyền Trân chỉ toàn hát nhạc Trịnh Công Sơn, và việc nêu hoàn cảnh đáng thương của em lên sóng tạo một nỗi xót xa cho khán giả, nhưng cũng lấy đi thiện cảm của họ, vì lý do “làm quá đà”. Cô bé khiếm thị Ngọc Anh với clip về gia cảnh gây xúc động cho người xem, cũng phải khóc nức nở khi bị loại sau những lời an ủi sáo rỗng.

Điều đáng nói là sau các cuộc thi, việc học của các em bị ảnh hưởng không nhỏ do gián đoạn nhiều tháng. Nhiều trường đã bước vào khai giảng mà những “tài năng nhí” vẫn cứ phải cắm cúi thi hết tuần này đến tuần khác trong căng thẳng. Chưa kể các em phải thức khuya quá sức, “lao động cật lực” cho đến 12h khuya, còn bé mà lịch hoạt động dày đặc như ca sĩ chuyên nghiệp: Làm từ thiện, giao lưu, tập vũ đạo, luyện thanh, tập với dàn nhạc, gặp nhà tâm lý, quay clip, chụp hình, vào phòng thu… Nghĩa là cuộc sống bị xáo trộn gấp nhiều lần so với bình thường, và bị ống kính truyền thông chĩa vào soi mói bất cứ lúc nào.

Trước những bình luận khen chê trên mặt báo, các em có đủ bản lĩnh để lọc thông tin, hay bị tổn thương và trở nên sống khép kín? Ai giúp các em trở lại với cuộc sống bình thường, trên mặt đất, thay vì được tung hô lên tận mây xanh và sau đó thì hụt hẫng đối mặt với tất cả mặt trái của showbiz?

Không ai cả, vì ngay cả người bảo vệ các bé - cha mẹ - cũng bị cuốn vào vòng quay đó, mệt bở hơi tai. Câu chuyện khôi hài mà đầy chua xót của người cha đưa con đi thi "Giọng hát Việt nhí" có đủ sức cảnh tỉnh các bậc cha mẹ gây áp lực cho con khi đi thi thố chăng? Đến họ còn bất lực, xót xa, phẫn uất, thì thử hỏi, bọn trẻ yếu ớt sẽ ra sao? Còn nhà sản xuất, sau chương trình, sau doanh thu quảng cáo khủng, thì chẳng còn trách nhiệm gì với các bé. Có chăng, họ tiếp tục mời các bé chạy show trong các chương trình của họ.

Còn bầu sô thì vừa dụ, vừa ép các bé nhận sô, thậm chí bay show nước ngoài, coi đó là niềm vinh dự, bất chấp tuổi còn quá nhỏ và còn phải học nên người. Nhà sản xuất, hưởng lợi nhiều hơn cả, với tần suất quảng cáo dày đặc trên sóng. Còn nếu có chuyện, như sự cố sập sân khấu "Giọng hát Việt nhí" làm 3 người bị thương, thì chỉ việc xin lỗi là xong, mà không lo bị kiện.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khán giả truyền hình gay gắt lên án việc truyền hình lạm dụng khai thác tài năng nhí. Có người cho rằng chương trình vô bổ, lợi ít, hại nhiều, sắp đặt để hút khách, chạy theo lợi nhuận. Và họ đặt vấn đề về mục đích chân thực của chương trình. Trẻ em có thực sự cần những chương trình như thế, hay đơn giản, trở thành đối tượng để kinh doanh? Ép tài năng chín sớm là có tội với thế hệ tương lai.

(Nguồn: http://laodong.com.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...