Thử bàn về tầm quan trọng của việc đào tạo ngành sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam

19/11/2014

Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đang tồn tại và phát triển cả hai thành phần: âm nhạc cổ truyền dân gian, dân tộc và âm nhạc mới đương đại, hay còn gọi là âm nhạc hiện đại dân tộc. Trong hai thành phần ấy đều có cả thanh nhạc và khí nhạc. Nhưng ở Việt Nam ta, từ xa xưa đến tận ngày nay, hầu hết và hầu như chỉ biết đến thanh nhạc, chỉ yêu thích thanh nhạc ham mê thưởng thức thanh nhạc và khí nhạc chỉ làm phần đệm, dẫn dắt, phụ họa cho thanh nhạc mà thôi. Không mấy người, kể cả trong tầng lớp trí thức, thật sự có hiểu biết và yêu thích hưởng thụ khí nhạc thuần túy, kể cả khí nhạc cổ truyền dân tộc và khí nhạc hiện đại dân tộc - Khí nhạc mới đương đại mang bản sắc Việt Nam. Đối với khí nhạc thế giới, cả cổ điển và hiện đại cũng chỉ có những người đã và đang học ở các trường nhạc, đang biểu diễn và sáng tác cho các nhạc cụ quốc tế và những thính giả hâm mộ ngày càng đông hơn trong một thế giới phẳng ngày nay là yêu thích và say mê. Nhưng nhìn chung, số người ham thích khí nhạc, cả khí nhạc Việt Nam và khí nhạc thế giới là rất ít so với số rất đông chỉ thích ca hát, ham mê thanh nhạc. Lớp trẻ thích các loại pop, rock, rap... nhiều hơn. Lớp có tuổi thích các bài hát cổ điển và truyền thống nhiều hơn, trong đó có cả dân ca của các dân tộc Việt Nam và thế giới.

Cho nên điều tôi muốn nhấn mạnh đầu tiên là cần xác định lại mục tiêu đào tạo ngành sáng tác âm nhạc ở Việt Nam hiện nay. Đối với đại đa số công chúng âm nhạc chỉ biết hưởng thụ và yêu thích thanh nhạc nhưng mục tiêu đào tạo ngành sáng tác âm nhạc của ta, nhất là ở bậc đại học và sau đại học chủ yếu lại là sáng tác khí nhạc. Tốt nghiệp đại học tối thiểu là phải viết được tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng (hai quản) một chương (sonate) như thơ giao hưởng chẳng hạn. Tốt nghiệp cao học phải viết được tác phẩm giao hưởng ba chương (trong đó có 1 chương sonate) v.v... Sáng tác thanh nhạc được học từ bậc trung học. Lên đại học và cao học được tiếp tục nâng cao trong thể loại romance. Đối với những sinh viên có tài, đương nhiên được khuyến khích cả sáng tác hợp xướng (có nhạc đệm và không nhạc đệm) cả thanh xướng kịch thậm chí cả opera, balê, nhất là sau cao học.

Thế nhưng “học một đàng lại làm một nẻo” là bởi vì cuộc sống là vậy nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay. Công chúng âm nhạc cần gì, đòi gì thì nhạc sĩ sáng tác phải đáp ứng. Sáng tác khí nhạc cứ để đấy đã, trước hết chỉ cần sáng tác thanh nhạc, chỉ cần có bài hát là có cả tiếng tăm và tiền bạc. Mặc dù lúc học, kỹ thuật sáng tác khí nhạc đã lấy đi bao nhiêu mồ hôi, sức lực nhưng ra trường lại không dễ ứng dụng. Sáng tác một bản nhạc đã khó có điều kiện được trình diễn, sáng tác một bản giao hưởng lại càng khó hơn, không biết đến bao giờ mới có được dàn nhạc nhận dàn dựng trừ một số ít nhạc sĩ có chức quyền. Cho nên ngay từ lúc học, nhiều sinh viên đã chán nản, không học sâu, học kỹ, chỉ mang tính đối phó nên chất lượng không cao, cũng tốt nghiệp đấy (bệnh “thành tích” chung của nền giáo dục Việt Nam) nhưng còn không biết bao nhiêu lỗ hổng, bao nhiêu lỗi cơ bản. Khi cần vào việc lại phải đào tạo lại.

Hình như đã qua rồi cái thời từ 30, 40 năm trước nhiều nhạc sĩ đã có tên tuổi vững chắc trong làng nhạc Việt Nam nhưng vẫn mơ ước chạm đến được tác phẩm khí nhạc, nhất là viết được tác phẩm giao hưởng, cho nên dù đã lớn tuổi vẫn say mê tự giác học tập cả ở trong nước và nước ngoài.

Vì vậy, theo tôi cần điều chỉnh lại mục tiêu đào tạo sáng tác cho sát thực tế đời sống âm nhạc hơn trong tổng thể cũng như ở mỗi cấp học. Đại để chúng ta vẫn đào tạo theo hình tháp. Càng lên cao, càng ít hơn và phải là những người thật sự có tài năng, có lòng say mê, hoài bão mơ ước vì một nền âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện đại. Xét đến cùng, cái cơ bản nhất, cái quý nhất của một nền âm nhạc quốc gia chính là đội ngũ tác giả và chất lượng tác phẩm. Cho dù có bao nhiêu nghệ sĩ biểu diễn có tài, có bao nhiều dàn nhạc đạt trình độ quốc tế nhưng chỉ toàn biểu diễn hết lần này đến lần khác vẫn là những tác phẩm, những tác giả quốc tế quen thuộc thì làm sao có được một nền nghê thuật âm nhạc Việt Nam hiện đại đích thực. Cho nên phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thậm chí có chế độ khuyến khích đặc biệt cho số ít sinh viên thật sự có đức, có tài, có ý chí vươn tới đỉnh cao để sáng tạo được nhiều tác phẩm có chất lượng. Không nên tuyển sinh đại trà cho bậc học thạc sĩ và tiến sĩ sáng tác âm nhạc như tôi đã được chứng kiến và tham gia giảng dạy. Trái lại, cần mở rộng bậc trung học sáng tác vì nó đáp ứng nhu cầu đông đảo công chúng âm nhạc. Bên cạnh mục tiêu, còn phải điều chỉnh cả chương trình và phương thức đào tạo nữa. Ngoài học lại cách sáng tác của ông cha ta trong dân ca, trong ca khúc cổ điển, truyền thống cần phải được tham khảo học tập tất cả những trào lưu ca khúc đương đại của thế giới. Mạnh dạn giới thiệu những cách làm mang được bản sắc Việt Nam vào các thể loại ca khúc đương đại đó vì mục tiêu cuối cùng là nhằm đào tạo ra được những người sáng tác ca khúc Việt Nam hiện đại của dân tộc. Phải học kỹ ở ngay bậc trung học cách phổ thơ cho bài hát của ông cha ta trong các loại dân ca và trong ca khúc của một số nhạc sĩ Việt Nam và quốc tế. Trong ca khúc cổ điển thế giới, hầu như không có nhạc sĩ nào tự làm lời ca. Chỉ có ở Việt Nam, do cần kịp thời phục vụ yêu cầu của thời sự chính trị và đáp ứng nhu cầu riêng tư cấp thiết mà nhạc sĩ thường phải tự làm lấy lời ca. Lâu dần thành một thói quen, cho nên bên cạnh không nhiều nhạc sĩ có ca từ đẹp như thơ thì còn không ít lời ca thiếu tính văn học, thậm chí rất phản cảm trong khá nhiều bài hát gần đây, nhất là của các ca sĩ tự làm tự hát. Tôi biết có ca sĩ tự nghĩ ra được bài hát của mình, hát đi hát lại vẫn chuẩn về cao độ và tiết tấu, như vậy là có năng khiếu thật sự nhưng không thể ghi ra thành nốt nhạc, thành bài hát được vì chưa học nhạc bao giờ. Đề nghị các hội âm nhạc nên kết hợp với ngành văn hóa địa phương mở thêm các lớp học sáng tác âm nhạc ngắn hạn để bồi dưỡng, đào tạo kịp thời, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng các ca khúc tự biên tự diễn hiện nay.

Ở bậc đại học sáng tác để nâng cao trình độ so với đại trà sáng tác ca khúc đương nhiên là phải học kỹ sáng tác khí nhạc nhưng vẫn tiếp tục cả thanh nhạc. Bài hát viết ra ở bậc học này không chỉ romance, mà tất cả đều phải có phần đệm hoàn chỉnh của đàn piano hoặc một cây đàn khác, hoặc một nhóm nhạc cụ, có thể là nhạc cụ quốc tế, nhạc cụ dân tộc hoặc nhạc nhẹ (nhạc nhẩy - dancing). Tùy mỗi bài hát mà chọn cách viết phần nhạc đệm phù hợp, nhưng nhất thiết phải có phần nhạc đệm thì mới là một ca khúc hoàn chỉnh. Lâu nay ở Việt Nam ta, do lịch sử để lại và nhiều nguyên nhân khác nhau, nhạc sĩ sáng tác ca khúc nhiều người không viết được phần nhạc đệm, cho nên phải có một đội ngũ chuyên lo phần nhạc đệm, gọi là nhạc sĩ phối khí (!) Trên thế giới cũng có những bài hát được soạn lại phần nhạc đệm hoặc phối khí lại cho phù hợp công chúng đương đại, nhưng đều phải xin phép tác giả nếu không muốn vi phạm luật bản quyền sở hữu trí tuệ. Đến đây xin có một đề nghị với Hội nhạc sĩ Việt Nam là đã đến lúc phải can thiệp, phải kiến nghị với các nhà xuất bản âm nhạc khi ấn hành các ca khúc nhất thiết phải có cả phần nhạc đệm do nhạc sĩ sáng tác tự viết hoặc do nhạc sĩ phối khí biên soạn, dù có phải tốn kém chi phí thêm, nhưng nên làm ngay để hình thành một thói quen mới: chính quy, hiện đại. Trước hết, Hội Nhạc sĩ cần làm gương in ca khúc có phần nhạc đệm trong các tạp chí âm nhạc của Hội.

Sáng tác khí nhạc vẫn là trọng tâm trong suốt quá trình học sáng tác ở bậc đại học và sau đại học. Ngoài tinh thông các môn học hòa âm, phức điệu... thì phải nắm chắc, hiểu rõ tính năng các loại nhạc cụ và hòa phối các loại nhạc cụ ấy với nhau trong dàn nhạc, cao nhất là dàn nhạc giao hưởng sao cho có sự cân bằng âm lượng, hòa sắc nhạc khí, sử dụng và phát huy tối đa thế mạnh và đặc điểm diễn tấu của từng nhạc khí v.vv.. gọi chung lại là môn học phối khí. Không chỉ nhận thức mà phải cảm thụ cho được môn học này với âm sắc của từng nhạc cụ và kỹ thuật thể hiện của nó, dù nhắm mắt lại vẫn phân biệt được. Đáng tiếc, môn phối khí lại đang là môn học yếu kém nhất hiện nay ở học viện âm nhạc quốc gia, có thể tại thiếu thầy giỏi mà trò thì lại chưa thấy hết được ý nghĩa quan trọng của môn học nên không học sâu, học kỹ, không tự nghiên cứu các tác phẩm ở thư viện, chưa tận dụng mọi điều kiện để được nghe dàn nhạc, khí nhạc nhiều hơn. Ở môn học phối khí cũng cần phải điều chỉnh chương trình sao cho có sự cân bằng giữa nhạc khí dân tộc và nhạc khí quốc tế (các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng). Nhạc sĩ Việt Nam được đào tạo ra cần phải nắm rõ cả tính năng các loại nhạc cụ dân tộc và cũng phải sáng tác cho các nhạc cụ dân tộc. Cũng có thể đưa một vài nhạc cụ dân tộc tham gia vào dàn nhạc giao hưởng làm đậm đà bản sắc dân tộc cho giao hưởng Việt Nam như một số nhạc sĩ đã làm. Hiện nay đang có tình trạng nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ cổ truyền dân tộc phải tự nghiên cứu, học tập sáng tác các bản nhạc dân tộc đương đại để phục vụ công chúng và thỏa mãn sự đam mê của mình. Đã đến lúc phải nêu rõ trong chương trình đào tạo, hàng năm bên cạnh tác phẩm khí nhạc quốc tế phải có tác phẩm cho khí nhạc dân tộc, thậm chí viết tác phẩm tốt nghiệp cho khí nhạc dân tộc.

Điều cuối tôi muốn bàn là việc làm thế nào để sinh viên cũng như các nhạc sĩ có thể sáng tạo ra được những ý tưởng độc đáo, táo bạo, không giống ai, cũng không lặp lại mình trong tác phẩm sắp viết. Học các môn kiến thức và kỹ thuật sáng tác đã khó, nhưng rèn luyện cho được bản lĩnh sáng tạo như thế lại càng khó khăn vất vả hơn, lại càng quan trọng hơn. Xét đến cùng, thành công của một tác phẩm âm nhạc cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật trước hết là phải sáng tạo ra được một ý tưởng hay, mới, hấp dẫn. Sau đó mới là tìm tòi, vận dụng những kiến thức, kỹ thuật đã học để thể hiện nó cũng với tinh thần sáng tạo bền bỉ mới đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng không có môn học nào có thể dạy được ý tưởng sáng tạo mà nó là sự tổng hòa của mọi kiến thức về xã hội và tự nhiên, là cái “phông” văn hóa của mỗi người do quá trình học tập, rèn luyện từ cuộc sống hun đúc nên. Vì thế cần khuyến khích sinh viên đi vào cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau. Hồi xưa, lúc còn là Trường Âm nhạc Việt Nam chưa to đẹp bằng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bây giờ, hình như việc tạo điều kiện và khuyến khích thầy, trò đi vào cuộc sống thực tế tốt hơn. Tôi vẫn nhớ lần về làng quê Bắc Ninh tham gia gặt lúa, gánh thóc, đêm về nghe hát Quan họ càng thấy thắm thiết làm sao. Lại có lần về vùng mỏ, chui vào hầm lò đào than, mặt mũi nhem nhuốc mà vui, nhưng cũng cảm thấy rõ nỗi vất vả gian lao hiểm nguy của người thợ mỏ. Rồi lần vào tuyến lửa Vĩnh Linh, con sông Bến Hải cắt chia đau thắt như thế nào, bao nhiêu tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm ngay trước mắt mình làm sao quên được...

Tôi nghĩ rằng cuộc sống bây giờ còn phong phú, đa dạng, phức tạp và dữ dội hơn xưa nhiều lắm. Không mạnh dạn, xông xáo, táo bạo đi vào cuộc sống thì làm sao nắm bắt được nó bằng ấn tượng và cảm xúc thật của mình, làm sao bật ra được ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Không thể chỉ tìm hiểu cuộc sống qua mạng internet trong phòng máy lạnh. Cuộc sống nội tâm và đời sống xã hội có mối quan hệ qua lại ràng buộc với nhau. Sự hiểu biết xã hội con người càng phong phú bao nhiêu thì sẽ có một cuộc sống nội tâm càng giầu có bấy nhiêu: Đề tài và ý tưởng sáng tác sẽ được mở rộng không cùng chứ không chỉ loanh quanh chuyện Anh và Em, yêu nhau rồi lại ghét nhau... như trong nhiều ca khúc của lớp trẻ hiện nay.

Tóm lại, việc đào tạo chuyên ngành sáng tác âm nhạc ở tất cả các bậc học không chỉ là chuyên tâm vào giảng dạy các kiến thức và kỹ năng sáng tác mà quan trọng hơn là phải chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện, tạo điều kiện cho người học nắm bắt, hiểu biết được mọi mặt cuộc sống xã hội, tự giác phấn đấu trở thành một con người nhân ái, có tâm hồn trong sáng, cao đẹp trước khi trở thành một nghệ sĩ, một nhạc sĩ sáng tác chân chính.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...